Tin mới

Những nghịch lý khó hiểu của giáo dục Việt Nam

Thứ tư, 20/05/2015, 08:24 (GMT+7)

Theo PGS.TS Văn Như Cương, bốc thăm vào trường là phương án phản giáo dục nhưng nghịch lý là chỉ có cách này mới giải quyết được tâm lý đổ xô vào trường điểm.

Theo PGS.TS Văn Như Cương, bốc thăm vào trường là phương án phản giáo dục nhưng nghịch lý là chỉ có cách này mới giải quyết được tâm lý đổ xô vào trường điểm.

“Cuộc đua chạy trường” bước vào chặng cuối 

Hà Nội đang ầm ĩ chuyện thi tuyển vào lớp 6 theo hình thức nào. Lúc đầu, ngành Giáo dục Thủ đô cho ba trường thí điểm thi đánh giá năng lực (kiểm tra chỉ số IQ, EQ). Nhưng sau đó lại rút lại quyết định này. Điều này càng làm cho cuộc “chạy đua” vào trường chuẩn trở nên “nóng” hơn bao giờ hết. 

Được biết, Sở GD&ĐT Hà Nội đã yêu cầu các trường THCS phải công khai rộng rãi phương án tuyển sinh lớp 6 trước ngày 30/5. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các trường “nóng” tuyển sinh vẫn chưa được duyệt phương án. 

Trong số sáu trường THCS được cho là có lượng người nộp hồ sơ đăng ký tuyển sinh lớp 6 cao hơn chỉ tiêu, hiện nay mới chỉ có hai trường ngoài công lập bán hồ sơ xét tuyển. Trường THCS Lương Thế Vinh sau 10 ngày mở bán, đã có khoảng gần 4.500 hồ sơ được bán ra. PGS.TS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Lương Thế Vinh cho rằng, ông đang lo quá tải vì chỉ tiêu tuyển sinh chỉ có 600. 

Những nghịch lý khó hiểu của giáo dục Việt Nam
Phụ huynh chen lấn, xô đẩy, mua bằng được hồ sơ cho con vào lớp 6 tại trường THCS Lương Thế Vinh.

Còn tại trường THCS Marie Curie năm nay có chỉ tiêu tuyển sinh khoảng 300 em, trong đó có 123 học sinh thông cấp. Lãnh đạo trường này cho biết, sau hơn một tuần mở bán, đã có gần 1.000 hồ sơ bán ra. 

Được biết, phải đợi Sở GD&ĐT Hà Nội duyệt phương án xét tuyển, các trường mới được công bố phương án với phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, trong khi bán hồ sơ, các trường đã đưa ra các chỉ tiêu xét tuyển cơ bản để phụ huynh hiểu.

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, PGS Văn Như Cương cho hay, phương án trường xin đề xuất với Sở GD&ĐT Hà Nội cho phép thi phỏng vấn tuy nhiên không được đồng ý vì chủ trương chung. Hiện trường đã gửi các phương án đến Sở GD&ĐT. Theo đó, việc xét tuyển sẽ dựa vào học bạ cấp một, điểm ưu tiên (có giải thưởng trong quá trình học, con em gia đình Chính sách…). 

“Trong số 4.500 hồ sơ nộp vào, có 50 em thuộc diện ưu tiên, cộng điểm; còn lại đa số học bạ đều giỏi, điểm thi cuối lớp 5 đều đạt điểm 9, điểm 10 mới nộp vào. Việc xét tuyển theo học bạ sẽ không đánh giá chuẩn được chất lượng học sinh. Do vậy một phương án tưởng chừng như phí giáo dục là bốc thăm để tuyển sinh có lẽ phải được xem xét áp dụng để đảm bảo công bằng”, PGS Văn Như Cương nói. 

Đồng quan điểm, lãnh đạo trường THCS Marie Curie cho hay, với lượng hồ sơ lớn, năm nay khó để lựa chọn được học sinh lớp 6 đảm bảo hai yếu tố chất lượng và khách quan. Do vậy, nếu nhiều hồ sơ bằng điểm nhau quá, trường có lẽ phải bốc thăm. 

Nên bỏ trường chuyên cấp hai? 

Cách đây vài năm, hàng nghìn phụ huynh học sinh ở Hà Nội đã xếp hàng suốt đêm chờ mua đơn xin học cho con vào lớp một Trường THCS Thực Nghiệm. Để rồi buổi sáng ngày hôm sau đã diễn ra cảnh tượng chen lấn, xô đổ cổng trường, phụ huynh ào ào chạy vào trong với hy vọng mua được đơn xin học cho con. 

Khi đó, hành động này được nhiều phụ huynh lý giải, do nhà trường có cơ sở vật chất tốt, đội ngũ giáo viên giỏi, hơn nữa đây cũng chính là ngôi trường mà GS Toán học Ngô Bảo Châu đã từng học từ nhỏ nên họ muốn xin cho con vào học... 

Dù hiện nay, hiện tượng “đêm trắng”, hay xô đổ cổng trường để xin học… không còn diễn ra, nhưng những trường có tiếng ở Hà Nội như: THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam, THCS Cầu Giấy, THCS dân lập Lương Thế Vinh… vẫn tiếp tục là “điểm nóng” về tuyển sinh. Hàng năm, số lượng học sinh đăng kí dự thi vào các trường này gấp cả chục lần so với chỉ tiêu. Suốt cả tuần qua, rất nhiều phụ huynh có con học lớp 5 mất ăn, mất ngủ dõi theo các phương án tuyển sinh của các trường này, do lệnh cấm thi của Bộ GD&ĐT. 

Chia sẻ về lý do chọn trường chuyên, trường điểm cho con theo học thay vì trường “làng” theo hộ khẩu thường trú, chị Đào Thu Giang (khu đô thị Xa La, Hà Đông) chia sẻ: “Là phụ huynh, ai cũng muốn con em mình được nuôi dạy ở môi trường tốt nhất, do đó tôi cũng như nhiều phụ huynh khác muốn con được vào trường chuyên, thậm chí trường dân lập nhưng có chất lượng tốt. Từ khi con học lớp ba tôi đã cho con đi học thêm, ôn luyện ở lớp học do cô giáo của trường chuyên tổ chức. Năm nay không thi tuyển vào lớp 6 nên tôi càng lo hơn”. 

Không phải chọn trường để khoe sang, khoe chữ 

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Hoàng Nguyên Hồng (Trung Ương hội Khoa học phát triển nhân lực và nhân tài Việt Nam) cho hay: “Việc bốc thăm vào trường là một phương pháp mới mà nhiều nước tiên tiến trên thế giới đã áp dụng. Ở các nước việc vào trường thì dễ nhưng ra trường mới khó. 

Quá trình học sẽ đánh giá được học sinh giỏi – kém. Cách giáo dục của mình vẫn theo tư duy cũ là nói – nghe và dạy – ghi. Hình thành một tư tưởng ngồi vào trường đó thì phải được như thế rồi này sinh việc không được thì mua điểm cho đủ. 

Việc bốc thăm rõ ràng là bất bình thường, tuy nhiên tôi nghĩ ngành giáo dục của chúng ta phải có “biến” thì mới có chuyển đổi theo hướng tích cực được. Để áp dụng phải thay đổi tư duy từ thầy – trò, phụ huynh đến cấp lãnh đạo. Chúng ta phải nhớ rằng không phải học để làm quan mà học để làm người, học để phục vụ chứ không phải học để khoe chữ”. 

Không nên tạo sức ép cho con theo phong trào 

Th.S Hoàng Tùng, giám đốc điều hành trường tiểu học song ngữ Brendon, đưa ra lời khuyên: “Phụ huynh nên tạm quên chuyện chạy trường mà hãy đến những đơn vị giáo dục phù hợp về địa lý, chất lượng giáo dục, phù hợp về tài chính, bởi nuôi con là chặng đường dài. Phụ huynh cần tránh tự tạo sức ép cho nhau bằng cách theo phong trào, trường thương hiệu yếu hơn không phải là nỗi lo sợ”. 

Một gia đình không có tích lũy, đầu tư quá nhiều cho việc học của con là mạo hiểm. Khi quá sức về tài chính, sẽ đến lúc bố mẹ phải cắt giảm đầu tư, con bị chuyển xuống môi trường giáo dục có chất lượng kém hơn. Không phải “chạy” cho trẻ vào lớp 6 là xong mà còn phải định hướng sự phát triển toàn diện cho con trẻ”. 

Cao Tuân

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news