Tin mới

Những nguyên thủ bị "ném đá" vì phạm luật giao thông

Thứ sáu, 24/06/2016, 14:37 (GMT+7)

Nhân vụ việc Thủ tướng Campuchia bị phạt vì không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông đang gây xôn xao dư luận, hãy cùng điểm qua những vụ việc các nguyên thủ, quan chức nước ngoài vi phạm luật giao thông và bị xử phạt vì vấn đề này.

Nhân vụ việc Thủ tướng Campuchia bị phạt vì không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông đang gây xôn xao dư luận, hãy cùng điểm qua những vụ việc các nguyên thủ, quan chức nước ngoài vi phạm luật giao thông và bị xử phạt vì vấn đề này.

Đầu năm nay, người dân Kenya đã rất giận dữ đối với Tổng thống Uhuru Kenyatta sau khi xem đoạn video ghi lại cảnh ông lái xe mà không thắt dây an toàn.

Trong đoạn video, Tổng thống Kenyatta ngồi trong ô tô, lái về nhà tại Gatundu, Kiambu mà không thắt dây an toàn.

Đây là đoạn quảng cáo cho cuộc phỏng vấn giữa ông Kenyatta và phóng viên kênh Citizen TV Jaccque Maribe. Nó nhanh chóng được chia sẻ lên các mạng xã hội.

Ngay sau khi dư luận phản ứng, kênh Citizen TV đã không phát sóng cuộc phỏng vấn như dự kiến.

Cảnh Tổng thống Kenya lái xe không thắt dây an toàn khiến dư luận phản ứng. Ảnh chụp màn hình

Nhiều cư dân mạng Kenya đã phản ứng trước hành vi của tổng thống:

"Ông ấy là một tổng thống tốt nhưng xin ông ấy hãy thắt dây an toàn bất cứ lúc nào. An toàn là trên hết", một người tên Eliza Wanja viết trên Facebook.

"Nếu ông ấy không thắt dây an toàn, ông ấy lại là Tổng thống nước Cộng hòa Kenya, làm thế nào để mong đợi một công dân bình thường thắt dây an toàn trên đường. Hãy nhớ ông nên làm gương từ điều đơn giản như thắt dây an toàn", Gade viết trên Facebook.

Tuy nhiên, một số người đã kêu gọi người dân Kenya không phán xét tổng thống quá gay gắt trước khi xem toàn bộ video.

Luật giao thông Kenya quy định nếu không thắt dây an toàn, lần đầu sẽ bị phạt 200.000 Sh (hơn 44 triệu đồng) hoặc bị phạt tù không quá 2 năm (hoặc cả 2). Nếu bị bắt lần 2, sẽ bị phạt tiền không quá 400.000 Sh (gần 90 triệu đồng) hoặc bị phạt tù không quá 4 năm (hoặc cả 2).

Thủ tướng Campuchia Hun Sen cũng mới nhận phiếu phạt sau khi điều khiển xe máy mà không đội mũ bảo hiểm.

Thủ tướng Campuchia điều khiển xe máy mà không đội mũ bảo hiểm. Ảnh: Facebook

Theo Tân Hoa Xã, ông Hunsen đã bị trung úy cảnh sát Sun Nem đến từ huyện Sre Ambel, tỉnh Koh Kong viết phiếu phạt vào ngày 18/6. Thủ tướng Campuchia đã vi phạm điều 6 luật giao thông và bị phạt 3,75 USD.

Vào giữa năm 2012, người dân Nga cũng được dịp xôn xao về việc Tổng thống Nga Vladimir Putin vi phạm luật giao thông.

Chiếc xe limousine của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: RIA

Theo hãng tin RIA, ngày 7/5/2012, Kênh 1 của truyền hình Nga và mạng Youtube đã đăng tải hình ảnh đoàn xe hộ tổng của ông Putin lượn trên phố mà không có giấy phép lái xe gắn ở mặt kính. Sự việc diễn ra trong lễ nhậm chức của ông. Tại Nga, nếu không gắn giấy phép lái xe ở kính ô tô có thể bị phạt tới 5.000 rúp (150 USD) hoặc bị giữ bằng từ 1-3 tháng.

Nhóm nhà hoạt động Blue Buckets đã đệ đơn kiến nghị lên cảnh sát giao thông Moscow, yêu cầu họ đưa ra hình thức xử lý thỏa đáng.

Nhưng đến ngày 17/7/2012, cảnh sát Moscow đã tuyên bố ông Putin có quyền đi xe mà không cần gắn giấy phép ở kính trước ô tô.

Chiếc limousine của ông Putin lưu thông tại tuyến đường đã được phong tỏa nên ông không cần làm theo quy định. Cục Thanh tra giao thông Nga cho hay tại những trường hợp đặc biệt ví dụ như các phương tiện tham gia đua xe, diễu hành thì không cần treo giấy phép trước xe.

Tại Ukraine, phu nhân của cựu thủ tướng Arseniy Yatsenyuk cũng từng phải lãnh phiếu phạt vì vi phạm luật giao thông. Bà Teresia Yatsenyuk đã từng bị phạt do sử dụng điện thoại khi lái xe.

Theo tờ UNIAN, vợ cựu thủ tướng Ukraine đã phải đóng phạt tại chỗ với số tiền là 425 UAH mà không phản đối.

Nhân viên cảnh sát phạt tiền bà Yasenyuk khi ấy đã không đưa ra bình luận về vấn đề này.

Trước đó, tờ UNIAN đã từng đưa tin cảnh sát tại Lviv, Ukraine đã phạt nghị sĩ Volodymyr Parasyuk sau khi ông này không xuất trình được bằng lái theo yêu cầu của sĩ quan.

Hơn 400 là con số chỉ các nhà lập pháp và các quan chức trong lực lượng vũ trang Pakistan vi phạm luật giao thông và bị phạt về vấn đề này trong 6 tháng đầu năm 2014

Những hành vi vi phạm phổ biến là vượt đèn đỏ, đi quá tốc độ, không thắt dây an toàn và sử dụng điện thoại khi lái xe.

Các quan chức cảnh sát giao thông cho biết có khoảng 200 quan chức lục quân, 14 quan chức không quân và 6 quan chức hải quân nằm trong số những người vi phạm.

Ngoài ra, những người vi phạm còn có 5 bộ trưởng liên bang, 57 thành viên quốc hội, 31 thượng nghị sĩ, 10 bộ trưởng cấp tỉnh, 21 thành viên hội đồng tỉnh, 13 đại sứ, 12 tổng trưởng liên bang, 40 cán bộ cao cấp, 18 cán bộ tư pháp, 13 sĩ quan cảnh sát cao cấp và 13 nhà báo.

Không chỉ các phương tiện cá nhân của những quan chức vi phạm giao thông, ngay cả xe công họ sử dụng cũng nhiều lần phạm luật. Truyền thông Trung Quốc thừa nhận xe công và quan chức vi phạm luật giao thông là phổ biến tại nước này.

Trong một bài viết đăng ngày 27/10/2015, tờ China Daily đã đưa tin vụ một chiếc xe công đạt mức phạt kỷ lục do vi phạm giao thông.

Chiếc xe công tại Tân Hương, Hà Nam, Trung Quốc đã đứng đầu danh sách 200 xe ô tô liên tục vi phạm luật giao thông tại địa phương. Người tài xế đã thừa nhận vi phạm 784 lỗi trước khi bị xử phạt. Quan chức Tân Hương phụ trách chiếc xe này nói tài xế đã bị sa thải. Ông này đã gửi lời xin lỗi tới các quan chức cao hơn.

Chiếc xe này đã ghi kỷ lục khi chịu án phạt lên đến 120.000 nhân dân tệ (hơn 400 triệu đồng). Vậy thì ai sẽ là người trả số tiền phạt này? Dưới đây là một số bình luận về vụ việc này đã được tờ China Daily tổng hợp lại:

Trong nhiều trường hợp tương tự, chính phủ sẽ trả bằng tiền thuế của người dân và điều này đã gây ra tranh cãi.

Có ý kiến cho rằng cảnh sát giao thông cần phải xử phạt tài xế vi phạm 5,6 lần cho anh ta chừa đi. Cảnh sát giao thông địa phương này thực sự đã không làm tròn bổn phận khi cho phép một chiếc xe công vi phạm quá nhiều lần như vậy lưu thông trên đường. Cảnh sát trưởng cần phải chịu trách nhiệm.

Một ý kiến khác: Tài xế phải chịu trách nhiệm cho lỗi của mình. Nhưng đây là một chiếc xe công nên ông ta không phải là người duy nhất chịu trách nhiệm. Quan chức phụ trách cấp chiếc xe, một số quan chức dùng xe lúc tài xế vi phạm nhưng không báo cảnh sát hoặc ngăn anh ta lại, tất cả đều phải chịu trách nhiệm.

Chiếc xe công tại Tân Hương này chỉ là một trong số rất nhiều xe công vi phạm luật giao thông. Nhiều quan chức chính phủ dễ dàng bỏ qua các quy tắc, tuyên bố mình phạm luật là vì "trách nhiệm công việc". Đây là thói quen xấu khiến tài xế của họ học theo. Cần phải đưa ra những quy tắc để ngăn chặn các hành động xấu như thế này trước khi nó lan tràn, một người đưa ra ý kiến.

Bảo Linh

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: luật giao thông