Tin mới

Những thách thức nào đang chờ tân "Tư lệnh" hai ngành Giao thông, Thanh tra

Thứ năm, 26/10/2017, 08:59 (GMT+7)

Các đại biểu Quốc hội đã có chia sẻ, nhìn nhận về các ứng viên Bộ trưởng Bộ GTVT, Tổng Thanh tra CP và những thách thức, nhiệm vụ đang chờ đợi họ phía trước.

Các đại biểu Quốc hội đã có chia sẻ, nhìn nhận về các ứng viên Bộ trưởng Bộ GTVT, Tổng Thanh tra CP và những thách thức, nhiệm vụ đang chờ đợi họ phía trước.

Áp lực "vừa chạy vừa xếp hàng" của tân Tư lệnh GTVT

Hôm qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đọc tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn ông Nguyễn Văn Thể, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng làm Bộ trưởng Bộ vận tải, nhiệm kỳ 2016-2021.

Ông Thể là người được đào tạo chuyên sâu về ngành GTVT, từng giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ GTVT từ năm 2013 - 2015 và nhiều người kỳ vọng ông sẽ làm cho ghế Bộ trưởng GTVT luôn "nóng".

Bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng, việc miễn nhiệm và tiến hành phê chuẩn bổ nhiệm mới đối với chức vụ Bộ trưởng Bộ GTVT đã được Bộ Chính trị cũng như Chính phủ tính toán rất kỹ.

Theo ông Phương, Bộ trưởng GTVT được đề nghị phê chuẩn mới trong thời điểm có nhiều khó khăn và thời gian còn hơn nửa nhiệm kỳ, nhưng có thuận lợi là từng là Thứ trưởng của Bộ nên chắc chắn việc tiếp cận sẽ có nhiều thuận lợi.

Những thách thức nào đang chờ tân Tư lệnh hai ngành Giao thông, Thanh tra - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Ngọc Phương.

Tuy nhiên, ông Phương cho rằng, sẽ có không ít thách thức đang chờ đợi tân Bộ trưởng, trong đó, đầu tiên phải nói đến là vấn đề BOT giao thông mà báo chí, dư luận phản ứng nhiều trong thời gian qua.

"Vấn đề BOT rồi người dân sử dụng tiền lẻ để trả phí nhằm phản đối rõ ràng là có trách nhiệm của cơ quan quản lý. Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã chỉ rõ điều này.

Do đó, tân Bộ trưởng cần có những quyết sách, thay đổi đúng đắn, phù hợp, đảm bảo lợi ích của người dân khi thực hiện các dự án BOT, đồng thời, phải xem xét, xử lý các cán bộ thiếu trách nhiệm, gây sơ hở", ông Phương nói.

Đại biểu Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng nhìn nhận, thực tế hiện nay, cả hệ thống hạ tầng giao thông từ đường bộ, thuỷ, hàng không, đường sắt của chúng ta đều đang thiếu để phát triển một nền kinh tế bền vững.

Vì vậy đòi hỏi ngành giao thông phải xem xét lại toàn bộ hệ thống quy hoạch đã thực sự chuẩn, đáp ứng nhu cầu đi trước một bước chưa và khó khăn nhất là tìm bước đi cho phù hợp.

Sau khi có bước đi rõ ràng thì tìm nguồn lực cho phát triển trong lúc trần nợ công bắt đầu sát ngưỡng thì chỉ còn cách huy động nguồn lực trong nước để đầu tư.

Theo vị đại biểu này, hiện có nhiều hình thức đầu tư, trong đó có BOT và sắp tới phải tiếp tục dùng hình thức này để kêu gọi vốn.

Muốn vậy, phải giải bài toán BOT và khắc phục những hạn chế như vừa qua. Việc này không chỉ đặt ra cho ngành giao thông mà cả Chính phủ, Quốc hội phải hoàn thiện hệ thống pháp luật.

"Riêng ngành giao thông phải chạy trước và vừa chạy vừa xếp hàng chứ đợi pháp luật xong thì quá chậm", ông Sinh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông cũng nhắc đến hàng loạt thách thức khác với tân "Tư lệnh" ngành giao thông khi tiếp nhận nhiều dự án khó đang dở dang như đường cao tốc Bắc-Nam, sân bay Tân Sơn Nhất mở rộng, cảng hàng không quốc tế Long Thành…

"Một loạt loạt vấn đề áp lực, thách thức rất lớn với ngành giao thông trong thời gian thắp tới, trong khi đang thiếu cả cơ sở pháp lý và cả nguồn lực", ông Sinh nêu rõ.

Những thách thức nào đang chờ tân Tư lệnh hai ngành Giao thông, Thanh tra - Ảnh 2.

ĐB Đỗ Văn Sinh.

Vị Ủy viên TT Ủy ban Kinh tế cũng chia sẻ thêm: "Mỗi người có phương pháp khác nhau, nhưng tôi cho rằng quan trọng nhất là anh phải có mục tiêu rõ ràng. Vì trách nhiệm công việc chung thì bao giờ cũng được dân ủng hộ, vì mục tiêu phục vụ nhân dân thì sẽ thành công".

Phải quản lý ngành, cán bộ thanh tra tốt hơn

Cũng trong chiều qua, Thủ tướng đã trình Quốc hội xem xét phê chuẩn bổ nhiệm ông Lê Minh Khái, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu làm Tổng Thanh tra Chính phủ thay ông Phan Văn Sáu vừa được miễn nhiệm.

Đánh giá về việc này, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho rằng, ông Khái từng là Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước trước khi được luân chuyển về địa phương nên nếu được phê chuẩn làm Tổng Thanh tra Chính phủ sẽ rất phù hợp và có nhiều chuyển biến.

"Bởi thực tế, vấn đề tham nhũng, lãng phí đều liên quan đến tài chính là chính, do đó, người đứng đầu ngành Thanh tra tới đây có kinh nghiệm về vấn đề này thì sẽ rất thuận lợi", ông Phương nói.

Ông cũng nhìn nhận, với sự phát động mạnh mẽ trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của Đảng, Nhà nước thì nhiệm vụ của Thanh tra Chính phủ sẽ rất nặng nề.

"Gần đây thanh tra vào cuộc rất tích cực và hiệu quả các vụ việc tiêu cực, tham nhũng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và đã tạo niềm tin của người dân với bộ máy nhà nước.

Tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế, có vụ việc thiếu kịp thời, vi phạm thời gian quy định, khiến dư luận thắc mắc, đặt câu hỏi. Do đó, mong "Tư lệnh" mới sẽ khắc phục trong thời gian tới", ông mong muốn.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cũng nhìn nhận, khối lượng công việc của Tổng Thanh tra CP rất nặng nề khi các vụ việc thanh tra đều rất phức tạp, nghiêm trọng nên phải làm cho chặt chẽ, đến nơi đến chốn.

Bên cạnh đó, lại không được nhũng nhiễu, không được qua loa và thậm chí không được có hành vi tiêu cực tạo ra sự phiền hà cho các doanh nghiệp cũng như cho các đơn vị được thanh tra.

"Quốc hội phê chuẩn đều mong tân Tổng thanh tra sẽ làm việc có hiệu quả, tốt hơn các Tổng thanh tra trước.

Hơn thế, anh phải quản lý ngành thanh tra, cán bộ thanh tra tốt hơn về mặt đạo đức và trách nhiệm công vụ", ông Nghĩa nhấn mạnh.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news