Tin mới

Nỗi khắc khoải của nữ phạm nhân chưa từng có người tới thăm nuôi

Thứ tư, 18/02/2015, 19:23 (GMT+7)

Mang bệnh tim trong người, cô học trò mồ côi ấy đã tự làm mọi việc nuôi mình để lấy tấm bằng đại học. Nhưng, khi ra trường, lại vì cám dỗ của đồng tiền mà sa chân vào lao lý khi tương lai đang rộng mở.

Mang bệnh tim trong người, cô học trò mồ côi ấy đã tự làm mọi việc nuôi mình để lấy tấm bằng đại học. Nhưng, khi ra trường, lại vì cám dỗ của đồng tiền mà sa chân vào lao lý khi tương lai đang rộng mở.

 

“Tù mồ côi”

Ngồi trước mặt tôi là cô gái gầy gò, nước da xám vì bệnh tim bẩm sinh. Cô gái ngồi tù đã 5 năm nhưng, cũng suốt 5 năm ấy cô chưa có bất kỳ ai đến thăm nuôi. Cô gái mà tôi muốn nói đến là phạm nhân Nguyễn Thị Phước (SN 1981, ngụ phường Nghĩa Chánh, TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi), người đang thụ lý án tù 14 năm tại trại giam Z30D Thủ Đức vì tội mua bán trái phép chất ma túy.

Phước thẫn thờ ngồi nhìn vào khoảng không, khi được hỏi tên, Phước giật mình như người mất hồn. Phước tâm sự: “Lần đầu tiên em được cán bộ kêu ra có người gặp, em thấy lạ lắm chị ạ. Em còn đang ước ao ai đó sẽ đến thăm nuôi em, như là các cô dì chú bác...”.Nói đến đó Phước nghẹn lại, hai dòng nước mắt chảy dài trên khuôn mặt nhỏ nhắn. Một chút Phước lại gạt nước mắt nói: “Nghĩ vậy chứ em cũng nghĩ lại ngay, chắc chẳng có ai thăm đâu. Có chuyện gì nên cán bộ gọi ra vậy thôi, có chị thăm và hỏi chuyện cũng là an ủi em rồi. Từ khi em bước chân vào trại giam, chưa bao giờ em được một lần thăm nuôi. Cũng chưa bao giờ em được gửi quà vào...”. Cũng vì chuyện đó mà các phạm nhân cùng phòng thương Phước, đôi khi chọc cô là “tù mồ côi”.

Phạm nhân Phước chia sẻ với PV.

Phước nói trong nước mắt: “Thực ra em cũng biết lỗi lầm của em, nhưng vì chút lòng tham em đã phạm tội. Chứ em cũng chưa làm xấu ai trong gia đình, trước khi gây án, em cũng chưa từng làm ai buồn phiền. Nhưng không hiểu sao không ai thăm em, kể cả bố em. Em ước một lần được bố vào thăm, chỉ cần bố ôm em một cái thôi. Em chẳng cần gì nữa hết”. Nói xong câu đó Phước lại khóc, dù rằng thoạt nhìn đôi mắt cô, chẳng ai thấy sự yếu đuối nào trong ấy.

Phước lặng im một lúc, rồi bằng giọng trầm buồn. Phước kể về cuộc đời quá nhiều bất hạnh và những sai lầm đáng tiếc thời tuổi trẻ của mình. Cô nói trước khi bắt đầu câu chuyện: “Nếu em là người khác, chắc có lẽ em không vượt qua được những sóng gió cuộc đời, cũng như em sẽ nghĩ rất tiêu cực khi bị bắt, nhưng may ông trời cho em một sức mạnh kỳ lạ. Cứ mỗi lần muốn gục ngã là em lại có ý chí đứng dậy, em không còn ai và không còn gì để có niềm tin. Nhưng em nhận ra rằng, trong trại giam Z30 này còn rất nhiều cán bộ tốt, bạn tù tốt đã yêu thương em thực sự. Và đó là động lực để em sống tiếp, làm lại cuộc đời”.

Nhà tù là ngôi nhà thân thương

Phước tâm sự, Phước sinh ra ở miền quê nghèo Quảng Ngãi. Từ lúc lớn lên, Phước chưa từng một lần được ăn bữa cơm gia đình bởi mẹ Phước đã mất từ khi cô mới lên 2 tuổi, bố gửi Phước cho anh trai nuôi hộ rồi lấy vợ mới. Bác của Phước vì thương con cháu, nên cũng ráng cho Phước học hết cấp ba. Nhớ lại ký ức này, Phước chia sẻ: “Bác em cũng không phải không muốn cho em đi học, nhưng bác còn các con bác nữa. Em được bác nuôi hết cấp ba là mừng rồi. Sau đó, em thi đậu một trường đại học ở Đà Nẵng”.

Mồ côi mẹ, có ba cũng như không, cô gái 18 tuổi cầm giấy báo trúng tuyển đại học vừa mừng vừa lo. Phước nhớ lại: “Ngày đó em đi thi, ai cũng bảo là nếu đậu đại học ai nuôi. Em còn bị bệnh tim nữa, thân mình lo không xong làm sao kiếm tiền đi học. Nhưng em nghĩ kỹ rồi, làm việc nặng không được, cuộc sống của em chỉ có con đường học hành mới có thể kiếm cơm ăn, còn đi làm công nhân hay nhân viên bưng bê cũng khó, sức khỏe không cho phép”.

Ðậu đại học, Phước khăn gói lên Đà Nẵng làm cô tân sinh viên chỉ vỏn vẹn mấy trăm ngàn của mọi người gom lại gọi là quà cho đứa cháu mồ côi. Kể từ đó Phước tự lo hết mọi chuyện. Những ngày đầu vào đại học, Phước đi phụ rửa chén cho người ta. Phước buồn bã nói: “Chị không hiểu hết những cơ cực của em, em cố kiếm mọi việc có thể làm được miễn là có tiền. Lúc đầu định đi làm gia sư, nhưng do chưa có kinh nghiệm nên em xin rửa bát. Miễn là có đủ cơm ngày hai bữa để ăn”. Dần dần, Phước làm quen với các bạn và các thầy các cô. Thương hoàn cảnh cô trò nhỏ côi cút, mọi người giới thiệu Phước đi dạy thêm để kiếm tiền.

Từ đó cuộc sống sinh viên đối với Phước cũng dễ dàng hơn. Phước tốt nghiệp với tấm bằng loại khá. Sau những tháng ngày vất vả đi xin việc, cuối cùng Phước cũng được một công ty du lịch nhận vào làm với vai trò một hướng dẫn viên. Vốn tiếng Anh khá giỏi, Phước nhanh chóng làm quen với nhiều khách nước ngoài cốt để trau dồi nghề nghiệp, đồng thời tìm kiếm khách hàng tiềm năng cho công ty.

Sau khi đi làm được mấy năm, Phước quen với một người đàn ông Nigeria, qua vài lần chuyện trò hai người đã có cảm tình và yêu nhau. Phước kể: “Lúc đầu anh ấy chỉ là khách du lịch của công ty, trong chuyến tham quan Đà Nẵng ấy em là hướng dẫn viên du lịch. Anh ấy giới thiệu mình là giám đốc một công ty may, thấy tính anh ấy cũng dễ thương nên khi anh ấy ngỏ lời yêu, em đã đồng ý”. Sau đó, người bạn trai này đã mời Phước vào TP.HCM chơi. Tình yêu của hai người ngày càng thắm thiết, một thời gian sau bạn trai Phước ngỏ ý muốn cô đưa ma túy từ Đà Nẵng qua đường hàng không bằng cách giấu vào dép. Cũng vì thấy lợi nhuận trước mắt, Phước đã làm liều. Sau đó, cô bị công an bắt.Từ ngày Phước bị bắt, gã bạn trai cũng “bặt vô âm tín”. Phước một mình chống chọi với những tháng ngày trong tù, không ai thăm nuôi. Phước nói: “Bao nhiêu đêm em đã khóc, mơ một giấc mơ là ba em sẽ đi thăm em nhưng tỉnh dậy thì chẳng có ai hết. Ngày thường còn đỡ, chứ cứ mỗi dịp tết, các gia đình phạm nhân cùng phòng được ba mẹ anh em đi thăm nuôi, nào là hoa quả, bánh chưng, mứt kẹo... em thèm lắm. Không phải là thèm vật chất, mà thèm được ai đó quan tâm lo lắng cho mình. Thèm được ai đó thăm em, chỉ để mắng chửi em thôi em cũng thấy vui lòng...”.

Năm năm đằng đẵng trôi qua, hết mùa xuân này đến mùa xuân khác, Phước chỉ biết đón giao thừa bằng sự cô đơn tủi thân vô bờ bến. Theo lời Phước nói thì cô may mắn có được các cán bộ quản giáo thương yêu, được các bạn cùng phòng quan tâm. Phước nở nụ cười hiếm hoi nói: “Em bị bệnh tim nên phải có thuốc thường xuyên, ở đây cán bộ quan tâm lắm. Thấy em bệnh thì chọn việc nhẹ cho em, cũng thường xuyên hỏi han động viên chia sẻ. Có lần em suýt chết, nhưng nhờ các cán bộ quản giáo quan tâm kịp thời nên cứu được tính mạng. Em nói thật, dù rất mong được tự do nhưng đôi khi em cũng thấy trại giam này như ngôi nhà của mình, thân thuộc vô cùng”.

Mong có một ngôi nhà ấm cúng

Khi được hỏi về tương lai, Phước cho biết cô vẫn tin tương lai đang chờ cô. Cô nghĩ: “Ðời em đã khổ nhiều em còn vượt qua được, lỗi lầm này với em cũng quá lớn. Nhưng bây giờ vào đây, được dạy dỗ và cảm hóa, em nhận ra rằng chỉ có làm ăn lương thiện mới tồn tại được. Dù em ở đây hay ra ngoài đời, em chẳng có một ai thân thích. Nhưng em tin vào bản thân mình, cũng như tin vào chương trình “tái nhập cộng đồng” của các cán bộ. Em sẽ cố gắng cải tạo tốt, sau này làm lại cuộc đời, để được một lần có ngôi nhà ấm cúng mà suốt cả tuổi thơ, chưa bao giờ em được hưởng thụ”.

Theo TÔ HƯƠNG SEN/ Đời sống Pháp luật

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news