Tin mới

Nỗi lòng của những phạm nhân đếm ngược thời gian chờ ngày đặc xá

Thứ bảy, 29/08/2015, 09:06 (GMT+7)

“Kể từ khi biết mình có tên trong danh sách đề nghị đặc xá, gần một tháng nay, đêm nào tôi cũng thao thức mong trời mau sáng".

“Kể từ khi biết mình có tên trong danh sách đề nghị đặc xá, gần một tháng nay, đêm nào tôi cũng thao thức mong trời mau sáng".

Đó là lời tâm sự thốt lên từ đáy lòng của phạm nhân Trần Thị Hà (SN 1974, quê ở Điện Biên) hiện đang cải tạo ở trại giam Xuân Nguyên.

Hà là một trong 4 phạm nhân có án phạt tù chung thân được xét đề nghị đặc xá trong đợt này.

Theo đại tá Lều Quang Hòa, giám thị trại giam Xuân Nguyên, thì việc đưa 4 phạm nhân có án chung thân vào danh sách xét đề nghị đặc xá không chỉ thể hiện sự phấn đấu của các phạm nhân mà còn là kết quả của trại giam trong công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân.

 “Đương nhiên là bốn phạm nhân này có đủ điều kiện để được xét đề nghị đặc xá song việc đưa họ vào danh sách còn có tác dụng khích lệ các phạm nhân khác phấn đấu, quyết tâm cải tạo tốt”, đại tá Hòa cho biết.

Hồi hộp chờ ngày gặp con gái

Càng tiến gần tới ngày đặc xá, không khí làm việc ở trại giam Xuân Nguyên có phần rôm rả hơn. Gần 400 phạm nhân có tên trong danh sách đặc xá dịp Quốc khánh 2/9 năm nay vẫn đi lao động bình thường nhưng khi được hỏi, ai cũng cười bảo muốn những ngày lao động cuối cùng ở trại làm việc thật tốt. Người ít, kẻ nhiều cũng đã sống vài năm ở đây, dù sao cũng có một sự lưu luyến.

“Nếu nói không nhớ thì đúng là dối lòng mình. Tôi ở đây, nếu tính đến ngày 30/8 là tròn 15 năm 4 tháng, nhiều ân tình và kỷ niệm lắm, đâu có thể nói về là quên ngay được”, phạm nhân Trần Thị Hà cho biết.

Phạm nhân Trần Thị Hà.

Hai vợ chồng cùng bị bắt trong một vụ án ma túy và cùng bị tuyên phạt mức án chung thân nên sau từ năm 2000, Hà và chồng đã có tên trong quân số của trại giam Xuân Nguyên. Mỗi người mỗi phân trại, họ liên lạc với nhau qua những lá thư và một năm được gặp nhau một lần ở nhà thăm gặp.

Hà bảo ngày mới vào trại, tâm lý hẫng hụt, lo lắng và hoang mang nhưng sau đó chẳng nghĩ gì ngoài việc quyết tâm cải tạo tốt để được xuống khung có thời hạn. Nhưng khi biết mình nằm trong diện xét đề nghị đặc xá, Hà mới thấy thời gian sao mà lâu, còn dài hơn cả những năm chờ được xét giảm án.

Ngày vợ chồng bị bắt, con gái Hà mới 8 tuổi, giờ đã là cô sinh viên đại học tài chính ngân hàng. Nghĩ tới cảnh sắp được gặp con, Hà mừng rơi nước mắt: “không chăm được con là lỗi lớn của người làm mẹ như tôi. Cũng may là tôi vẫn còn được cơ hội để lo công việc cho con ngày ra trường”, Hà kể.

Mặc dù ở trong tù nhưng Hà luôn theo sát những bước đi của con, thường xuyên thư từ về động viên, khuyên nhủ. Chồng Hà cũng nằm trong diện xét giảm án đợt này, tuy không được ra trại sớm nhưng khi biết vợ con sắp được đoàn tụ, giọng anh ta đầy phấn khởi: “Cũng do điều kiện gia đình nên chúng tôi chỉ lo được khoản tiền phạt bổ sung cho vợ, còn tôi không có nộp nên không được xét đề nghị nhưng vợ về sớm với con là tôi cũng yên tâm rồi”, Nguyễn Trung Biên, chồng phạm nhân Hà, cho biết.

Cũng trong tâm trạng khấp khởi mừng là phạm nhân Trần Thị Thảo, SN 1959, trú tại Văn Miếu, Quốc Tử Giám (Hà Nội). Thảo cũng là phạm nhân phạm tội mua bán trái phép chất ma túy, được xét đặc xá trong dịp này. Vào tù với bản án không hẹn ngày về, Thảo từng rất tuyệt vọng khi thời điểm đó chồng đang trong trại cải tạo, con trai cùng bị bắt vì liên quan tới Thảo, chỉ có cô con gái nhỏ ở nhà. Nhưng rồi được sự động viên, giáo dục của cán bộ trại, Thảo đã yên tâm cải tạo.

Sau hơn chục năm phấn đấu, từ một phạm nhân khoác án chung thân, Thảo được xuống án có thời hạn và nay là có tên trong danh sách xét đề nghị đặc xá. Niềm vui ánh trên khóe mắt, Thảo khoe sẽ về nhà chơi với cháu nội, cháu ngoại một thời gian rồi sẽ tính chuyện kiếm việc làm nhưng “chưa biết sẽ làm gì vì ở trong này lâu quá rồi, chỉ biết sẽ phải đi làm để phụ giúp con cái”.

Được về là cứ mừng đã

Đó là lời tâm sự của hai phạm nhân - hai chàng trai trẻ khi nói về dự định của mình sau ngày đặc xá. Cười thật tươi và đầy vẻ tự tin, Trần Đức Dũng (SN 1985, ở Cao Xanh, thành phố Hạ Long, Quảng Ninh), kẻ cách đây hơn 10 năm đã cầm dao đâm chết người yêu, bảo được về nhà là cứ mừng đã rồi làm gì sẽ tính sau. Chỉ vì một phút hờn ghen, Dũng đã cầm dao đâm chết bạn mình để rồi phải trả giá bằng bản án 20 năm tù giam.

Ngày phạm tội, Dũng đang là cậu sinh viên 20 tuổi, tràn đầy sức sống và nhiệt huyết. Bước chân vào trại giam, nghĩ tới những ngày đằng đẵng cách biệt với thế giới bên ngoài, Dũng cảm thấy bế tắc. Tự nhốt mình trong sự tự ti, mặc cảm, lúc nào Dũng cũng có cảm giác bạn tù nhìn mình với ánh mắt giễu cợt, coi thường.

Rồi những day dứt, ân hận giày vò khi nghĩ về người con gái đã bị anh ta đoạt mạng, nhất là những khi được cha mẹ vào thăm, cảm giác tội lỗi lại nhấn chìm Dũng khi nhìn ánh mắt, mái tóc cứ thưa dần của cha mẹ.

Cứ tưởng Dũng sẽ không vượt qua nổi sự mặc cảm ấy nhưng môi trường trại giam đã giúp cậu sinh viên ngày nào trưởng thành rất nhiều. Mười năm trôi qua, Dũng vẫn giữ được nét bảnh bao ngày nào song trên gương mặt đã có sự rắn rỏi, chững chạc, nhất là qua cách nói chuyện. So với lần gặp cách đây một năm, Dũng béo lên nhiều, tư tưởng cũng thoải mái hơn.

“Em sẽ về nhà cô ấy, thắp một nén tâm nhang để xin lỗi. Nhất định em sẽ về nhưng không phải là ngay sau ngày đặc xá. Được ra tù sớm tất nhiên là mừng rồi, từ hôm biết tin em cười suốt”, Dũng nói một cách chắc chắn.

Hỏi Dũng mấy hôm nay có đi làm không, anh ta khoe vẫn đi làm đều, lại thấy có động lực để làm tốt hơn công việc của mình.

Trong số những phạm nhân được xét đặc xá lần này, người nhỏ tuổi nhất mà chúng tôi tiếp xúc là Ngô Duy Hải, SN 1994, ở thị trấn Núi Đèo, Thủy Nguyên (Hải Phòng).

Hải phạm tội giết người với mức án 10 năm tù. Gần bốn năm trước, khi đó Hải mới là cậu thanh niên 17 tuổi, chỉ vì bị nhóm học sinh vô cớ đuổi đánh, Hải đã cầm dao đi trả thù và đâm chết một bạn học cùng trường khi người này tình cờ đi qua nơi Hải bị đánh.

Kết quả của sự trả thù nhầm ấy là Hải bị kết án 10 năm tù. Khoác áo phạm nhân, cứ nghĩ tới khoản tiền bồi thường gần 100 triệu đồng, Hải lại đứng ngồi không yên. Bố mất sớm, mẹ bán hàng nước, thu nhập chẳng đáng là bao trong khi lại mang căn bệnh ung thư khó chữa, cuộc sống của mẹ con Hải thường phải nhờ vào sự giúp đỡ của chú, bác và bà nội.

Thế nên khoản tiền bồi thường kia là cả một gia tài đối với mẹ con Hải. Hiểu được nỗi suy tư của con trai nên mỗi lần vào thăm, mẹ Hải lại động viên con cố gắng cải tạo tốt, ở bên ngoài bà sẽ làm mọi cách để có tiền bồi thường cho gia đình bị hại.

“Mẹ bệnh nặng nhưng vẫn cố gắng vay mượn lo cho em. Em thương mẹ lắm nên sau này ra trại sẽ làm đứa con có hiếu với mẹ”, Hải tâm sự. Hỏi Hải ngày ra trại mong được gặp ai nhất, cậu ta cười không đắn đo: “ương nhiên là mẹ rồi, có cả bà nội thì càng vui”.

Hỏi về dự định sau này, Hải khoe ở trong trại được học nghề xây dựng nhưng về nhà sẽ đi học nghề sửa chữa điện lạnh.

“Em có tham khảo ý kiến của những người cùng buồng, nhờ cả cán bộ quản giáo tư vấn nữa, mọi người đều khuyên em nên học lấy một nghề cố định để sau này ổn định cuộc sống. Họ đều bảo em học nghề sửa chữa điện lạnh là hợp thời vì bây giờ người ta dùng đồ điện nhiều, quan trọng là phải thích công việc đó thì mới làm được”.

Hầu hết những người mà chúng tôi gặp đều có chung một tâm trạng vui mừng, phấn khởi và trong đầu ai cũng ấp ủ một dự định. Những đôi tay vẫn lướt nhanh trên khung dệt, ánh mắt chăm chú với từng đường kim mũi chỉ nhưng gương mặt họ đang lấp lánh niềm vui và hy vọng cho dù ai cũng biết rồi niềm vui này sẽ qua đi, nhường chỗ cho những suy tư, với những thử thách khi bắt nhịp vào một cuộc sống mới.

Thế nhưng để có được niềm vui này, đâu phải ai cũng làm được mà đó là cả một chặng đường phấn đấu, quyết tâm cùng với ý chí phục thiện.

Theo Mai Hạ

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: đặc xá ngày 2/9