Tin mới

Nơi quan tài người chết được “chôn” trên mặt đất

Thứ năm, 16/07/2015, 07:33 (GMT+7)

Quan tài người chết của đồng bào Cơ Tu ở Quảng Nam được đặt trên mặt đất, hai đầu quan tài được kê bằng gạch để quan tài không tiếp xúc với đất.

Quan tài người chết của đồng bào Cơ Tu ở Quảng Nam được đặt trên mặt đất, hai đầu quan tài được kê bằng gạch để quan tài không tiếp xúc với đất.

Nằm dọc theo con đường Trường Sơn huyền thoại (nay là đường Hồ Chí Minh). Huyện miền núi Tây Giang, tỉnh Quảng Nam cách thành phố Tam Kỳ (trung tâm hành chính tỉnh) 189.9 km, phía tây giáp đất nước Lào (hơn 30km).

Nơi đây, tập trung chủ yếu là đồng bào Cơ Tu. Kể từ năm 2003, khi tách huyện Hiên tỉnh Quảng Nam thành huyện Đông Giang và Tây Giang nơi đây dần xuất hiện người Kinh, Tày đến sinh sống và làm việc. Tuy nhiên, tỷ lệ người Cơ Tu vẫn chiếm đại đa số dân cư.

Nhà mồ của đồng bào Cơ Tu được làm rất đẹp.

Đồng bào Cơ Tu có tục táng người chết rất lạ. Người đã khuất nằm trong cỗ quan tài  được làm bằng thân cây lớn, đẽo rỗng bên trong. Đặc biệt, quan tài người chết không được chôn xuống dưới đất như tục táng thông thường mà được để trên mặt đất. Hai đầu quan tài được kê gạch hoặc gỗ để quan tài không nằm sát mặt đất, hạn chế thời gian quan tài bị mục nát, thi thể rơi ra ngoài. Bao quanh quan tài là nhà mồ (được gọi là Ping theo tiếng Cơ Tu), được làm bằng gỗ, lợp mái cọ.

Nỗi ám ảnh rừng ma

Là người quê gốc Lạng Sơn, nhưng theo chồng vào sinh sống tại núi rừng Tây Giang từ những năm của thập niên 80. Bà Hoàng Thị Khuyên vẫn thấy hãi hùng mỗi khi kể về những ngày đầu vào đây sinh sống, được tận mắt chứng kiến tục táng người chết của người bản địa.

Đứng trước nhà mồ tượng trưng tại Làng truyền thống Cơ Tu tại huyện Tây Giang, bà Khuyên kể, những năm đầu vào đây sinh sống (khi đó là huyện Hiên, chưa tách thành 2 huyện riêng biệt là Đông Giang và Tây Giang như bây giờ-PV) người dân chủ yếu là đồng bào Cơ Tu, có rất ít người dân tộc khác sinh sống tại đây.

Video: Nhà mồ tại làng văn hóa truyền thống Cơ Tu, huyện Tây Giang

[mecloud]i22c7MhHvM[/mecloud]

Cuộc sống người dân nơi đây phụ thuộc khá nhiều vào rừng. Ngoài trồng lúa, thì công việc chính của người dân nơi đây là săn bắn. Điều này được khắc họa rõ nét trong kiến trúc, điêu khắc trên nhà Gươl (nhà sinh hoạt cộng đồng của người Cơ Tu) và nhà mồ.

Nhắc đến nhà mồ, bà Khuyên rùng mình nhớ lại:  Ngày trước, bà theo chồng vào đây sinh sống, chứng kiến cảnh chôn cất người chết của người dân nơi đây mà sợ khiếp vía. Người mất, được cho vào một chiếc quan tài độc mộc, làm từ thân cây lớn, đẽo rỗng bên trong để vừa thi thể người chết. Điều đặc biệt, là người Cơ Tu không chôn quan tài mà để nó lộ thiên, và được che bằng nhà mồ (được làm bằng gỗ).

Quan tài được chạm khắc tinh xảo, đặt lộ thiên trên mặt đất.

Đầu người chết luôn hướng về phía bản để hồn ma không còn được quay về. Theo tục lệ, sau khi đã được chia phần chiêng ché và của nả để trên thân quan tài cho đến khi bỏ cửa mả (khoảng 1 năm) thì không còn ai quan tâm đến người chết nữa. Bởi thế, linh hồn người chết hoàn toàn về với thần linh.

Tập tục chôn người chết của tộc người Cơ Tu khác hẳn với người Kinh hay các tộc khác. Khi đưa người chết ra khỏi nhà, những tráng niên khỏe mạnh khiêng người chết theo hướng chân đi trước, đầu ra sau. Đầu luôn hướng về phía Tây, phía Mặt trời lặn. Khi chôn cũng thế, đầu hướng về phía Mặt trời lặn. “Làm như thế để linh hồn người chết theo mặt trời mà lặn sang thế giới bên kia, không còn về quấy nhiễu người làng nữa”.

Nơi chôn cất người chết cũng có quy định, hầu hết sẽ được quy tụ tại một góc rừng. Vì vậy, với người dân nơi đây, họ rất sợ những nơi chôn cất và thường gọi nó là rừng ma, là nơi trú ngụ của những linh hồn.

Nhà mồ bê tông thay thế truyền thống

Ở trên chỉ là câu chuyện của nhiều năm về trước. Từ khoảng hơn 15 năm trở lại đây, người dân đã dần thay đổi suy nghĩ về những hủ tục lạc hậu.

Anh Poloong Trung Kiên – Phó giám đốc Trung tâm Văn Hóa huyện Tây Giang chia sẻ: Từ khi huyện Hiên được tách ra, đời sống đồng bào dân tộc Cơ Tu và các dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn đang dần thay đổi. Từ những lớp lãnh đạo đi trước, huyện luôn trú trọng việc giữ gìn bản sắc văn hóa, đồng thời tuyên truyền người dân bỏ những tập tục lạc hậu, không phù hợp với đời sống hiện đại.

Cũng giống như người Tây Nguyên nói chung, người Cơ Tu  tin vào thế giới đa thần và cũng có tục lệ làm nhà mồ trong lễ bỏ mả. Trong cái tín ngưỡng sơ khai này, người chết sẽ đi về một thế giới khác huyền hoặc của rừng núi, của ông bà, và luôn ở bên cạnh con người – thế giới của ma. Người chết nếu không được chăm sóc cẩn thận sẽ rủ người sống đi theo, làm ảnh hưởng đến cuộc sống trên trần thế.

Tức là làm một cái nhà mồ thật đẹp cho người chết, rồi đưa người chết từ mả tạm vào đó, sau lễ bỏ mả, thì người ta có thể vĩnh viễn lãng quên người đã khuất, không cần thiết quan tâm đến nhà mồ nữa, nhà mồ sẽ đổ nát dần và chìm vào núi rừng. Trong thời gian chưa làm lễ bỏ mả, thì người ta vẫn phải nuôi người chết, bằng cách đem thực phẩm ra mả khẩu phần y như lúc sống để thắp hương, khấn vái.

Bất luận thế nào, ngôi nhà mồ cũng được làm đẹp đẽ và thực sự là một công trình nghệ thuật với nhiều bức tượng.

Chỉ tay về phía những họa tiết được điêu khắc trên quan tài và quanh mộ, anh Trung Kiên cho biết, người Cơ Tu  cũng có nghi thức chôn tạm và tiến hành lễ bỏ mả sau một thời gian nhất định. Nhà mồ Cơ tu  thường có mái dốc xuống hai đầu che quan tài, phần nóc cao chính giữa chạm đôi gà vươn cổ sang hai bên, bốn góc mái có thể là bốn đầu con chồn, con chó hay một động vật nào đó. Phần mái đôi khi được chạm khắc thành từng đợt hoa văn hình học cầu kỳ và nổi cao. Quan tài đặt phía dưới phần mái có dạng con trâu hai đầu. Hai đầu trâu được nối bởi một gờ hoa văn chạy dọc quan tài, trên quan tài còn chạm khắc nhiều trang trí hình học nổi và tô vẽ màu sặc sỡ. Quây nhà mồ xung quanh quan tài là một khuôn chữ nhật, các đầu lồng vào nhau với bốn cặp chim phượng hoàng đất, từng đôi trống mái, tượng trưng cho tình yêu và lòng chung thủy. Xung quanh quây gỗ này người ta có thể tạc một số tượng nhỏ về đời sống trên trần thế của người đã khuất, những thân nhân của anh ta.

“Cùng với sự giao thoa văn hóa, tập tục đồng bào hiện cũng thay đổi ít nhiều, người Cơ Tu  hiện chuyển sang làm nhà mồ bằng bê tông nhiều hơn nhà mồ truyền thống. Chúng tôi phải mời những nghệ nhân để phục dựng lại mô hình nhà mồ tại nhà làng truyền thống, mục đích để cho thế hệ sau vẫn biết được nét văn hóa, truyền thống của dân tộc mình”, anh Trung Kiên chia sẻ.

Nhà mồ bê tông thay thế nhà mồ bằng gỗ truyền thống.

Quả thực, theo ghi nhận của nhóm PV, dọc trên cung đường Hồ Chí Minh từ xã A Vương dẫn về huyện Tây Giang (Quảng Nam), chúng tôi bắt gặp rất nhiều nhà mồ mới của người Cơ Tu tại các thôn Xà Ơi 1, Xà Ơi 2, Áp Lố và thôn Aréc… có hai mái lợp bằng tôn. Không ít nhà mồ bị hư hỏng được làm mới bằng bê tông cốt thép rất kiên cố với nhiều dáng vẻ và màu sắc khác nhau. Các chi tiết điêu khắc tinh xảo được thay thế bằng kỹ thuật đắp nổi, tô vẽ bằng sơn và xi măng.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, do nguồn cung cấp nguyên liệu từ rừng đang ngày càng cạn kiệt, dẫn đến việc lựa chọn những cây gỗ tốt để đẽo cột tượng nhà mồ như trước đây của đồng bào gần như không còn nữa. Đặc biệt là những nghệ nhân biết đẽo tượng làm nhà mồ ngày càng ít, việc truyền dạy nghề trong cộng đồng cũng chưa được chú trọng đúng mức, trong khi đó lớp trẻ Cơ Tu lại không mấy mặn mà với văn hóa truyền thống này.

Phó giám đốc Trung tâm Văn Hóa chia sẻ thêm, vì nguyên nhân trên với việc xây dựng mái Gươl, nhà làng truyền thống của đồng bào Cơ Tu, những năm qua, huyện Tây Giang còn thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực như: Ngày hội đại đoàn kết, chợ ẩm thực Cơ Tu, ngày hội văn hóa Cơ Tu tại Đà Nẵng... nhằm quảng bá, giới thiệu nét văn hóa, vùng đất và con người Tây Giang để thúc đẩy việc giữ gìn, phát triển văn hóa, du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội huyện nhà.

Đức Thuận

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news