Tin mới

Nụ cười của những thiên thần ở nơi từng được gọi là "tâm bão sởi"

Thứ năm, 08/05/2014, 11:53 (GMT+7)

Đợt dịch bệnh sởi 2014 này là một quãng thời gian không thể nào quên trong lòng các thầy thuốc Bệnh viện Nhi TƯ. Hơn 100 đứa trẻ đã qua đời liên quan tới căn bệnh này tại nơi đây. Nhưng bên cạnh đó có rất nhiều đứa trẻ được cứu sống mang theo lòng biết ơn và sự cảm thông sâu sắc của các bậc làm cha làm mẹ đối với các y bác sĩ đã hết lòng cứu chữa con họ. Cơn bão sởi sắp qua đi, vẫn còn những đứa trẻ chưa được ra viện nhưng trên môi chúng đã thấp thoáng những nụ cười…

 

 

Đợt dịch bệnh sởi 2014 này là một quãng thời gian không thể nào quên trong lòng các thầy thuốc Bệnh viện Nhi TƯ. Hơn 100 đứa trẻ đã qua đời liên quan tới căn bệnh này tại nơi đây. Nhưng bên cạnh đó có rất nhiều đứa trẻ được cứu sống mang theo lòng biết ơn và sự cảm thông sâu sắc của các bậc làm cha làm mẹ đối với các y bác sĩ đã hết lòng cứu chữa con họ. Cơn bão sởi sắp qua đi, vẫn còn những đứa trẻ chưa được ra viện nhưng trên môi chúng đã thấp thoáng những nụ cười…

Hơn 1 tháng trước vùng tâm sởi của Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi Trung ương la liệt những cháu bé nằm im thiêm thiếp. Bên cạnh tiếng máy chạy kêu tít tít suốt ngày đêm, là những giọt nước mắt của rất nhiều bà mẹ đã nhỏ xuống vì lo cho tính mạng của con bị nguy kịch. Nơi đó có nỗi chia lìa đắng cay của nhiều bậc cha mẹ với những đứa con của mình. Nơi đó có nỗi đau khuôn nguôi của gia đình bị mất con, có nỗi xót xa của người thầy thuốc khi phải bó tay trước tử thần dù họ đã làm hết sức mình.

Hôm nay trở lại, trong phòng bệnh đã có nhiều những nụ cười thơ trẻ như xua đi những nỗi u ám trước đây. Có những nụ cười của người mẹ bên đứa con yêu sau nhiều ngày thở máy, cấp cứu hồi sức sắp được trở về nhà. Bước chân cô điều dưỡng hôm nay dường như chậm hơn, khuôn mặt nhẹ nhàng hơn sau khi cơn bão sởi đã càn quét qua nơi này.

Nụ cười của những thiên thần ở nơi từng được gọi là

Bé Giáp Bảo Khanh 12 tháng tuổi, quê Bắc Giang, được điều trị sởi tại BV Nhi TƯ nửa tháng nay. Dù chưa khỏi hẳn, nhưng bé Khánh luôn nở nụ cười khi ai đó gọi bé.

Ngày 7/5, cậu bé Lê Phú Minh 11 tháng tuổi, quê Thanh Hóa, được trở về nhà sau 3 tháng ròng nằm viện. Chị Trần Thị Hằng mẹ bé cho biết, bé Minh ban đầu chỉ ra Bệnh viện Nhi Trung ương chữa viêm phổi, nhưng rồi lây nhiễm sởi,  nên phải nằm lại điều trị. Minh đã phải thở máy trong 10 ngày, nhiều lúc tưởng chừng khó vượt qua. Nhưng nhờ sự chăm sóc cứu chữa của các điều dưỡng, y bác sĩ, bé Minh đã gần như bình phục hoàn toàn.

Nụ cười của những thiên thần ở nơi từng được gọi là

Nụ cười của chị Hằng trước giờ bé Minh chuẩn bị được ra viện về Thanh Hóa điều trị tiếp

Một đứa trẻ thở máy được bình phục là công lao rất lớn của các y bác sĩ. Mặc dù bé đã khỏi nhưng với sự cẩn trọng của các bác sĩ, bé Minh được Bác sĩ Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương trực tiếp gọi điện về BV Thanh Hóa để đề nghị phối hợp điều trị cho đến khi cháu bình phục hẳn….

Chị Hằng tâm sự: "Quê xa, chỉ có 2 mẹ con với nhau, nhiều lúc vất vả lắm, nếu không có các bác sĩ, điều dưỡng viên giúp đỡ động viên, thì khó khăn lắm. 3 tháng trời ở đây, tôi chứng kiến sự vất vả của các y bác sĩ. Cháu nằm thở máy thì gần như các cô điều dưỡng cho ăn cho uống và chăm sóc hết, một ngày mẹ chỉ vào có 3 lần thăm cháu, lần nào vào thăm con cũng chỉ biết khóc mà thôi. Nhưng trong lòng chỉ có một tâm niệm, bây giờ tất cả chỉ trông chờ vào các y bác sĩ. Bệnh viện đã nỗ lực hết sức cứu các cháu, bao nhiêu sự chăm sóc cũng như thuốc men tốt đều được hành cho các cháu. Giờ con tôi đã gần khỏi, không thể nào kể hết công sức của các y bác sĩ.’’

"Mỗi lần lấy ven, các cô điều dưỡng lại xuýt xoa: "Thương bé Minh quá, các cô phải căng hết cả mắt mới lấy được ven cho Minh"… Thấy các bác lúc nào cũng vất vả, lật đật, cơm ăn chẳng đúng giờ, về thì muộn, luôn chân luôn tay từ sáng tới tối ngày nên thôi thấy thương các cô, các bác lắm. Khi các cháu sốt cao mười mấy ngày đều có bàn tay của các cô. Mình ở cùng con trong phòng thở máy có mấy chục phút cũng đã u hết cả đầu với tiếng các loại máy móc. Nhưng các cô đã phải sống như vậy ngày ngày qua ngày khác nên nghĩ thương công việc của các cô lắm.’’ – Chị Hằng nhớ lại.

Nụ cười của những thiên thần ở nơi từng được gọi là

Bé Nhật Linh vào viện sau khi em trai 15 tháng tuổi  bị sởi vừa ra viện cũng điều trị tại đây

Chị Phạm Thanh Nga (Bạch Mai – Hà Nội) có cả hai con đều phải vào Bệnh viện Nhi TƯ để điều trị bệnh sởi. Bé Nguyễn Duy Khánh (15 tháng tuổi) nằm điều trị tại Viện  3 tuần liền. Bé Khánh từng điều trị viêm phổi ở bệnh viện khác chuyển đến, cháu phải cấp cứu vì suy hô hấp, phải thở ô xy nhưng nhờ công lao chăm sóc của các bác sĩ nên bệnh tình của cháu cũng dần bình phục và ra viện. Chị Nga cho biết chị rất cảm kích trước công việc chăm sóc cứu chữa bệnh nhân của các y bác sĩ bệnh viện Nhi Trung ương. Có những lúc đã đến giờ nghỉ nhưng các y bác sĩ vẫn đến kiểm tra, hỏi han tình hình các cháu. Ngày 1/5 vừa rồi bé Khánh được ra viện thì sau đó anh của bé Khánh là Nguyễn Nhật Linh (3,5 tuổi) cũng phải nhập viện vì sởi. Và chị quyết định đưa con vào Bệnh viện Nhi TƯ để điều trị.

Nụ cười của những thiên thần ở nơi từng được gọi là

Bé Nguyễn Minh Hiếu 8 tháng tuổi ở Hoài Đức - Hà Nội đã điều trị sởi hơn 20 ngày tại BV Nhi TƯ

Tại căn phòng điều trị của Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi Trung ương hôm nay không còn nhận thấy sự quá tải như cách đây 1 tháng. Mỗi cháu đã được nằm 1 giường, không phải nằm ghép.

Điều dưỡng trưởng Doãn Thúy Quỳnh cho biết: "Mỗi khi có đứa trẻ khỏi bệnh sởi được ra viện, chúng tôi như trút được một gánh nặng lo toan. Mấy tuần nay, các cháu được ra viện nhiều lắm, như hôm 6/5 có tới 40 cháu được ra viện đấy. Số các cháu vào viện đã giảm hẳn. Đó là niềm vui sướng của chúng tôi…’’

Điều dưỡng Doãn Thúy Quỳnh tâm sự: "Phần lớn các bệnh nhân đã rất thông cảm cho chúng tôi khi họ chứng kiến chúng tôi làm việc vất vả. Nhiều người đã nhắn tin động viên chúng tôi hãy cố gắng xoay xở vượt qua khó khăn. Đặc biệt, chúng tôi cũng có sự quan tâm kịp thời của các cấp các ngành. Lãnh đạo Bệnh viện cũng như các khoa phòng khác hỗ trợ nên đã vượt qua được những giai đoạn khó khăn nhất. Trong đợt dịch này, các cháu đã được sự giúp đỡ rất nhiều từ các tổ chức Từ thiện. Người nhà bệnh nhân nhiều tháng nay có những bữa cơm miễn phí được phát tận nơi. Các cháu bé có sữa, có bỉm miễn phí. Đó là tình người chung tay góp sức trong hoạn nạn.’’

Khoa Truyền nhiễm Bệnh Viện Nhi Trung ương trong nhiều tháng qua được coi là nơi khốc liệt nhất trong cuộc chiến chống lại dịch sởi, là nỗi khiếp sợ của nhiều bà mẹ khi nghĩ đến. Hôm nay nơi đây đã có những nụ cười. Những nụ cười trẻ thơ đem đến cho chúng ta niềm hy vọng, niềm tin vào những điều tốt đẹp, là sức mạnh, là niềm động viên để chúng ta sống tốt hơn, trân quý hơn cuộc đời này…

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news