Tin mới

Obama thăm Hiroshima - Khi lịch sử vẫn còn nhức nhối

Thứ bảy, 28/05/2016, 11:07 (GMT+7)

Barack Obama đã trở thành tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đến thăm thành phố Hiroshima kể từ cuộc tấn công hạt nhân khiến nơi này tàn lụi trong Thế chiến 2.

Barack Obama đã trở thành tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đến thăm thành phố Hiroshima kể từ cuộc tấn công hạt nhân khiến nơi này tàn lụi trong Thế chiến 2.

Theo BBC, trong chuyến thăm lịch sử đến Hiroshima, ông Obama nói rằng ký ức về ngày 6/8/1945 không bao giờ phai mờ, nhưng không đưa ra lời xin lỗi về cuộc tấn công bom hạt nhân đầu tiên trên thế giới mà Mỹ tiến hành ở thành phố này.

Chuyến thăm lịch sử không đi cùng lời xin lỗi

Ít nhất 140.000 người đã thiệt mạng ở Hiroshima và 74.000 người khác cũng rơi vào số phận tương tự sau khi quả bom thứ hai được ném xuống thành phố Nagasaki chỉ 3 ngày sau đó.

Tổng thống Mỹ Obama và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đặt vòng hoa tại khu tưởng niệm ở Hiroshima.

Trong chuyến thăm này, Tổng thống Obama cũng đã lần đầu tiên đến thăm Bảo tàng Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima cùng Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Cả hai nhà lãnh đạo đứng trước ngọn lửa vĩnh cữu. Ông Obama đặt vòng hoa trước, sau đó là ông Abe.

[mecloud]EOBUjmIGj1[/mecloud]

"Tử thần từ trên trời rơi xuống và thế giới đã thay dổi", ông Obama nói trong bài diễn văn của mình, đồng thời nhấn mạnh vụ đánh bom đã chỉ ra rằng "nhân loại sở hữu những cách thức để tự hủy diệt chính mình".

Tổng thống Mỹ nói rằng ký ức về Hiroshima sẽ không bao giờ được phép phai mờ.

"Nó khiến chúng ta phải chiến đấu cùng nhau, nhận thức những bài học đạo đức và khiến chúng ta thay đổi".

Về vấn đề vũ khí hạt nhân, ông nói: "Chúng ta phải can đảm để thoát khỏi logic của sự sợ hãi và hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân".

Tổng thống Mỹ sau đó đã có cuộc trò chuyện với hai người sống sót sau thảm họa hạt nhân Hiroshima là Shigeaki Mori, 79 tuổi và Sunao Tsuboi, 91 tuổi. Đáng chú ý là cái ôm của ông Obama với ông Shigeaki Mori.

"Tổng thống ra hiệu kiểu như ông ấy sẽ ôm tôi, và sau đó chúng tôi ôm nhau", ông Mori nói.

Tổng thống Obama ôm ông Shigeaki Mori, 79 tuổi, người còn sống sót sau thảm họa hạt nhân Hiroshima.

Hình ảnh Tổng thống Obama ôm người đàn ông may mắn sống sót sau vụ ném bom hạt nhân chắc chắn sẽ gây ra ảnh hưởng sâu sắc đối với người dân Nhật Bản. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy đa số người dân chào đón chuyến thăm này và hầu hết trong số họ dường như không nhớ đến chuyện thiếu vắng một lời xin lỗi từ chính quyền Mỹ.

Biểu tượng sâu sắc này là đủ. Nhà lãnh đạo của quốc gia duy nhất từng sử dụng vũ khí hạt nhân đặt vòng hoa tại một thành phố đã trở thành biểu tượng cho mối nguy hiểm của thời đại hạt nhân.

Tuy nhiên, những người khác chỉ ra rằng, trong khi bài phát biểu của ông Obama chỉ ra những lý tưởng cao cả về một thế giới không vũ khí hạt nhân, thì vị tổng thống Mỹ vẫn là tổng tư lệnh của một trong những kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới mà chính ông là người đã chấp thuận chi ra hàng tỷ USD để hiện đại hóa.

Thêm vào đó, đứng cách không xa vị tổng thống đang đọc diễn văn là một sĩ quan đi theo ông và trên tay luôn luôn là chiếc cặp có chứa mã khởi động hạt nhân.

Ông Obama phát biểu tại căn cứ không quân Iwakuni.

Sau khi rời hội nghị G7, ông Obama đã bay tới gần căn cứ không quân Iwakuni và nói với các sĩ quan tại đây rằng: "Đây là dịp để tôn vinh những người đã khuất trong Thế chiến 2".

Ông Obama cũng ca ngợi liên minh Mỹ - Nhật là "một trong những liên minh mạnh nhất thế giới", và chuyến thăm của ông đến Hiroshima là "một minh chứng cho thấy rằng ngay cả những chia rẽ đau đớn nhất cũng có thể được hàn gắn, thì không có lý do gì để hai nước từng là cựu thù lại không thể trở thành đối tác, trở thành người bạn tốt nhất và đồng minh mạnh nhất".

Rất nhiều người Mỹ tin rằng, việc sử dụng bom hạt nhân, dù sức tàn phá quá khủng khiếp, song vẫn là quyết định đúng đắn, bởi nó đã buộc Nhật Bản phải đầu hàng và giúp Thế chiến 2 nhanh chóng kết thúc.

Lắng nghe người dân Hiroshima

Han Jeong-soon, 58 tuổi, con gái của một người sống sót, đã tới thăm khu tưởng niệm hôm 27/5, cho biết, rất nhiều thế hệ người Nhật nơi đây đã phải chịu đựng sự đau đớn, dày vò và ám ảnh.

"Đó là những gì mà tôi muốn Tổng thống Obama biết. Tôi muốn ông ấy hiêu những đau đớn mà chúng tôi phải chịu đựng", bà Han nói với hãng tin AP.

Seiki Sato, người mất cha trong vụ đánh bom nói với New York Times rằng: "Người Nhật chúng tôi đã làm điều khủng khiếp, những thứ khủng khiếp đối với cả châu Á. Đó là sự thật. Và người Nhật chúng tôi sẽ nói chúng tôi rất tiếc bởi chúng tôi cảm thấy xấu hổ, và chúng tôi xin lỗi chân thành đến tất cả các quốc gia châu Á. Nhưng việc thả bom nguyên tử thì thực sự quá độc ác".

Khung cảnh hoang tàn ở thành phố Hiroshima sau khi bị ném bom

Phản ứng về chuyến thăm của tổng thống Mỹ đến Hiroshima, Bắc Kinh nói rằng cuộc tấn công kéo dài 6 tuần mà Nhật Bản tiến hành vào thành phố Nam Kinh của Trung Quốc, bắt đầu từ tháng 12/1937, rất đáng bị lên án.

Người Trung Quốc nói rằng 300.000 người ở Nam Kinh đã bị giết, mặc dù các nguồn tin khác cho biết con số này thấp hơn.

"Các nạn nhân xứng đáng được thương cảm, nhưng thủ phạm thì không bao giờ được trốn tránh trách nhiệm của mình", Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói.

Phản ứng của truyền thông Nhật Bản

Tờ Chugoku Shimbun kêu gọi ông Obama "hãy lắng nghe tiếng nói của Hiroshima".

"Người dân Hiroshima sẽ quan sát tổng thống ở khoảng cách rất gần, dõi theo những gì ông đang làm thực sự để thúc đẩy việc bãi bỏ vũ khí hạt nhân".

Tờ Asahi Shimbun có đăng tải bài viết nói rằng "hành động thiện chí của ông Obama sẽ định hình nên chuyến thăm", nhà lãnh đạo quyền lực nhất sẽ lắng nghe nỗi đau của các nạn nhân và hành động vì họ.

Học sinh Nhật đang cầu nguyện trước khu vực tưởng niệm của thành phố Hiroshima. Ảnh: Reuters

Tờ Japan Times thì nói rằng: "Để thực sự tỏ lòng tôn kính đối với những người đã mất hoặc thảm kịch không thể thay đổi mà hai vụ đánh bom ở Hiroshima và Nagasaki gây nên, chuyến thăm của Tổng thống Obama phải hối thúc cộng đồng quốc tế có những động thái kịp thời để không bị chậm trễ trong việc tiến tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Dù thực tế là loại vũ khí này đã không được sử dụng trong hơn 70 năm qua, song điều đó cũng không đủ để đảm bảo cho tương lai không rủi ro của thế hệ con em chúng ta".

Ngày 6/9/1945, quả bom được đặt tên "Little Boy" có sức công phá tương đương 20.000 tấn thuốc nổ TNT do đại tá Paul Tibbets, 30 tuổi chịu trách nhiệm, đã được thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản. Ban đầu, mục tiêu đánh bom là một thành phố khác, song do điều kiện thời tiết không phù hợp, Hiroshima đã được chọn thay thế chỉ một giờ trước khi thảm kịch xảy ra. Vụ nổ với sức nóng lên tới vài triệu độ đã khiến hàng nghìn người trên mặt đất thiệt mạng hoặc bị thương ngay lập tức.

[mecloud]w9HkZbXxVD[/mecloud]

Lê Huyền (BBC)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news