Tin mới

Ôm mộng tráng dương, quý ông suýt mất mạng vì mật cá trắm

Thứ tư, 20/05/2015, 08:22 (GMT+7)

 Cho rằng mật cá trắm có tác dụng bổ dương, tăng cường sinh lý, nhiều người không ngại mua về sử dụng, người không nuốt sống được thì pha với rượu để uống để rồi phải trả giá đắt.

Cho rằng mật cá trắm có tác dụng bổ dương, tăng cường sinh lý, nhiều người không ngại mua về sử dụng, người không nuốt sống được thì pha với rượu để uống để rồi phải trả giá đắt.

Gặp họa vì nuốt mật cá trắm

Gần đây, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận một trường hợp là nam giới bị ngộ độc mật cá trắm.

Khi nhập viện, người đàn ông này trong tình trạng vàng da, mệt lả, đau dữ dội vùng thượng vị, nôn mửa, tiêu chảy, mất nước. Kết quả xét nghiệm cho thấy men gan tăng gần 200 lần so với mức bình thường.

Vợ bệnh nhân cho biết, gần đây chồng chị là anh Phan Văn Mạnh (Thanh Trì, Hà Nội) luôn rầu rĩ, suy nghĩ về chuyện bỗng nhiên anh thấy mình giảm phong độ phòng the. Mặc dù được bác sĩ nam khoa khuyên rằng có thể do công việc vất vả, ăn uống không điều độ nên xảy ra tình trạng trên.

Chỉ cần điều chỉnh thời gian khoa học và bồi bổ hợp lý, "chuyện ấy" sẽ được cải thiện. Ấy vậy mà anh không nghe, cứ khăng khăng đi tìm “tiên dược” để chữa bệnh yếu sinh lý. Thế rồi, anh nghe ai nói rằng, uống mật cá trắm vào thì “yêu” cả đêm không mệt.

Vào ngày cuối tuần, anh cùng một người bạn xách mấy con cá trắm về để nhậu. Lúc làm cá, anh đã bóc túi mật của cá trắm và hòa với đường trắng rồi uống. Sau khoảng 3 giờ, chưa kịp nhậu, anh đã có dấu hiệu ngộ độc, gia đình liền đưa anh đến bệnh viện. Sau 2 ngày điều trị tích cực, men gan của anh đã giảm đáng kể, sức khỏe tạm ổn định.

Nuốt các loại mật để cải thiện tình trạng sinh lý rất nguy hiểm. Ảnh minh họa.

 Tương tự, anh Nguyễn Quang ở Thanh Xuân, Hà Nội, do yếu sinh lý nên đã nghe theo lời người bà con tìm mật cá trắm để uống. Do thể trạng kém, mới uống mật cá trắm được chừng mấy giờ đồng hồ đã thấy đau bụng dữ dội, buồn nôn, gia đình sợ quá phải đưa vào cấp cứu ở bệnh viện. Tăng cường sinh lý đâu không thấy, chỉ thấy các bác sĩ kết luận là anh bị nhiễm độc nặng, phải điều trị mất mấy tháng liền mới hoàn toàn bình phục.

Một trường hợp bệnh nhân khác, nghĩ là mình bị bệnh dạ dày, lại nghe bà con hàng xóm đồn uống mật cá trắm sẽ khỏi bệnh, nhân khi đánh được một con cá trắm cỏ ở ao nhà, anh Nguyễn Văn Lại, 29 tuổi, ở Mê Linh, Vĩnh Phúc, đã làm cá lấy mật uống. Sau đó mấy giờ, anh Lại thấy đau bụng, choáng váng, mệt mỏi và buồn nôn rồi rơi vào hôn mê sâu.

Cẩn thận kẻo gặp họa

Bác sĩ Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết mỗi năm, trung tâm tiếp nhận khoảng 10-20 ca ngộ độc do nuốt mật cá trắm, phần đông là nam giới và có những ca tử vong do nhập viện quá muộn.

Bệnh nhân ngộ độc do nuốt mật cá trắm thường có các biểu hiện như: nôn, đau bụng, tụt huyết áp, tiêu chảy, có trường hợp mất nước do tiêu chảy liên tục. Trường hợp nặng thì bệnh nhân phù toàn thân, tổn thương gan, không tiểu được do suy thận cấp, chất độc ứ trong người…, phải lọc máu liên tục nhiều ngày, rất tốn kém nhưng có khi vẫn mất mạng. 


Theo bác sĩ Sơn, nguyên nhân của hầu hết các vụ ngộ độc này là do nhiều người cho rằng ăn sống hoặc uống mật cá trắm sẽ giúp trị bệnh và giúp tăng cường sinh lực nam giới. Thực tế, chưa có căn cứ khoa học nào cho thấy Công dụng trị bệnh của mật cá trắm.

“Các loại mật của động vật đều có thể gây độc vì trong thành phần có chứa nhiều độc chất. Trong đó, nguy hiểm là axít mật và các muối mật. Thông thường, trong cơ thể người, mật tiết ra đủ giúp tiêu hóa thức ăn. Việc sử dụng lượng lớn mật với nồng độ đậm đặc rất dễ bị nhiễm độc. Ngoài ra, nếu mật nhiễm vi khuẩn thì việc dùng chúng chính là đưa nguồn bệnh vào cơ thể. Khi nuốt nguyên cả túi mật cá trắm vào cơ thể, có khác gì tự đưa vào người một lượng độc chất có thể gây nguy hiểm tính mạng?”, bác sĩ Sơn cảnh báo.

Ngay cả dưới góc độ y học cổ truyền, nhiều lương y cũng khẳng định không có chuyện mật cá trắm sẽ giúp các quý ông “yêu” khỏe.
Bác sĩ Hoàng Khánh Toàn, Trưởng Khoa Y học cổ truyền BV Quân y 108, khuyến cáo người uống mật cá trắm pha rượu có thể mất mạng.

“Tự cổ chí kim, không hề có sách thuốc nào nói đến việc uống mật cá trắm tươi để cải thiện sức khỏe, nâng cao sinh lực” - ông băn khoăn. Bác sĩ Hoàng Khánh Toàn nhấn mạnh trong y học cổ truyền, mật cá trắm chỉ được nhắc đến với công dụng tả nhiệt, làm sáng mắt, chữa mắt sưng đỏ đau, đau họng, lở loét do nhiệt. Cách sử dụng chủ yếu là dùng ngoài (bôi ngoài da, nhỏ, ngậm) với mật đã được sấy khô và thường kết hợp với nhiều thành phần khác.

 
   

 

                                                                                                                                                                                                                       Linh Nga

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news