Tin mới

Ống tay áo thần kỳ dưới ngôi mộ của người liệt sỹ trẻ

Thứ hai, 27/07/2015, 10:30 (GMT+7)

"Cháu là một thằng trẻ nhất tiểu đội, cũng yếu gần nhất. Một đứa đi bộ đội còn gọi bằng “cu”. Nhưng dù khó khăn gian khổ đến mấy, cháu cũng quyết vượt qua", trích lá thư của người liệt sỹ gửi gia đình.

"Cháu là một thằng trẻ nhất tiểu đội, cũng yếu gần nhất. Một đứa đi bộ đội còn gọi bằng “cu”. Nhưng dù khó khăn gian khổ đến mấy, cháu cũng quyết vượt qua", trích lá thư của người liệt sỹ gửi gia đình.

Trong một lần trò chuyện với chị Ngô Thị Thúy Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sỹ - Marin, PV báo Người Đưa Tin tình cờ được nghe câu chuyện và những kỉ niệm đầy xúc động về liệt sỹ Ngô Trí Khoa (quê Yên Thành, Nghệ An).

Chị Hằng và gia đình liệt sỹ Ngô Trí Khoa quen biết nhau khi người em trai - Đại tá Ngô Trí Hà, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 171 (đóng quân tại Vũng Tàu) đi tìm mộ anh trai mình. Trò chuyện nhiều lần, Đại tá Ngô Trí Hà cho biết, anh trai Ngô Trí Hòa từng viết rất nhiều thư về gia đình, có những bức thư rất tình cảm thể hiện chí khí của thanh niên ngày đó. Đại tá Hà gửi tặng Trung tâm Marin 5 bức thư (bản gốc) để làm kỷ niệm.

Cầm trên tay bức thư của một người lính trẻ, PV báo Người Đưa Tin không giấu nổi sự nghẹn ngào. Những bức thư của hơn 40 năm trước viết giữa chiến trường khốc liệt dường như vẫn còn hừng hực tình yêu đất nước, tình yêu hòa bình, tình yêu tuổi trẻ. Ở đó, người đọc thấy được một chàng thanh niên trẻ còn đang “tuổi ăn, tuổi chơi”, còn ngây chưa biết thế nào là Hà Nội, thế nào là xe điện... nhưng luôn sục sôi trong lòng ý chí căm thù giặc, luôn đớn đau khi thấy máu đồng đội đang chảy xuống...

Chị Ngô Thị Thúy Hằng giới thiệu những dòng thư xúc động của liệt sỹ Ngô Trí Khoa

Báo Người Đưa Tin xin trích lại nội dung một vài bức thư liệt sỹ Ngô Trí Hòa gửi cho chú Yên (một người thân trong gia đình sinh sống tại Hà Nội – PV) để độc giả cùng cảm nhận:

Tháng 9/1969: Cháu là một thằng trẻ nhất tiểu đội…. Tuổi đời chỉ 16,5 tuổi, tuổi ăn, tuổi chơi…

Thật từ khi cha sinh mẹ đẻ, cháu chưa hề nếm mùi khổ như vậy… Nhưng chú ạ! Thép có tôi mới cứng. Cháu là một thằng trẻ nhất tiểu đội, cũng yếu gần nhất. Một đứa mà ra đi bộ đội còn gọi bằng “cu”, da còn trắng, má còn úc trông ngây thơ quá. Tuổi đời chỉ 16,5 tuổi, tuổi ăn tuổi chơi. Thế mà tấm thân trẻ của cháu đã phải tôi luyện trong khổ ải, cái gian khổ mà những thanh niên 20-25 tuổi còn kinh sợ với nó… Nhưng dù khó khăn gian khổ đến mấy, cháu cũng quyết vượt qua giành lấy thắng lợi rực rỡ vì “Không có cảnh đông tàn – Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân – Nghĩ mình trong bước gian truân – Tai ương rèn luyện tinh thần thêm hăng”.

Trị Thiên tháng 5/1973: Hà Nội chắc có nhiều cái mới, cái đẹp lắm chú nhỉ. Khi mô cho cháu được ra Hà Nội tý xem!

Thế là đã 4 tháng hòa bình được lập lại. Không khí ở miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa được trở lại yên vui, thành phố nhà máy đông vui nhộn nhịp, đất nước được hưởng cảnh thái bình thực sự. Ở Hà Nội chắc có nhiều cái mới, cái đẹp lắm chú nhỉ. Khi mô cho cháu được ra Hà Nội tý xem!

Miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa thì như thế. Nhưng nơi đây nơi ranh giới của hai xã hội, bọn ngụy vẫn còn lúc nhúc, chúng còn nuôi 1 âm mưu đen tối để phá hoại hòa bình và thống nhất Tổ quốc. Nên cháu và anh em đồng đội còn phải đứng mũi chịu sào, đọ sức với kẻ địch…

Một trong những bức thư của liệt sỹ gửi cho người thân

Miền Tây Huế Tháng 11/1973: Cháu chả biết nhà tầng ra làm sao, tàu hỏa tàu điện như thế nào

Chú Yên kính nhớ của cháu... Cháy hy vọng một ngày không xa sẽ được ra Hà Nội – Thủ đô của Tổ Quốc, sẽ được chú dẫn đi xem các trung tâm, kỳ công và cảnh đẹp của đất nước với một niềm vinh dự và tự hào…. Chú Yên kính mến, theo quan niệm của cháu, thì cháu cũng lộ nhiều mặt lạc hậu với xã hội chú ạ. Bây giờ nói tới vấn đề nhà cửa, xe điện,… cháu chả biết nhà tầng ra làm sao, tàu hỏa tàu điện như thế nào. Nhưng cháu nghĩ có đó thì không biết rồi cũng biết và cũng chẳng là khó khăn lắm. Chỉ có đánh Mỹ cứu nước là vấn đề không phải lúc nào anh cũng làm được. Đó là đòi hỏi hy sinh, thử thách cao nhất và chỉ có những lúc khó khăn nhất thử thách nhất mới là lúc phẩm giá và đạo đức con người thể hiện nhất. Đôi khi cháu nghĩ như thế có đúng không hở chú.

Cháu nghĩ đời bộ đội thì cũng hy sinh thiệt thòi nhưng cũng có cái hay chú ạ. Nhất là vấn đề nhận thức về cuộc sống, đạo đức làm người, nó rèn luyện cho mình có một đức hy sinh cao thượng và cách nhìn nhận sự việc. Cháu thấy vào bộ đội cháu gọt giũa được những đức tính cá nhân chật hẹp của mình chú ạ.

Dạo tháng 7, cháu đã được kết nạp vào Đảng tại mặt trận Quảng Trị. Thật là một vinh dự lớn lao chú ạ. Nhất là khi nghĩ tới gia đình cháu càng thấy phấn khởi tự hào, ước mong một ngày không xa nữa trong cảnh thái bình của đất nước, gia đình ta được đoàn tụ đông đủ thì thật là một niềm vui lớn…

Trị Thiên 17/11/1973: Máu của anh em đồng đội cháu vẫn chảy

Chú Yên kính mến của cháu. Nếu như bè lũ Mỹ Thiệu không phá hoại hiệp định thì dân tộc ta đã được hưởng cảnh hòa bình ngót 8 tháng nay. Cháu cũng có thể được về thăm gia đình, thăm chú, thực hiện ước mơ cuộc sống của tuổi trẻ. Nhưng với bản chất của bọn đế quốc và bè lũ tay sai Mỹ Thiệu, đến nay chúng cháu vẫn chưa được hay biết gì cuộc sống hòa bình, vẫn ngủ hầm, cơm vắt… máu của anh em đồng đội cháu vẫn chảy… Đúng là: Còn Mỹ Ngụy thì không ai có hạnh phúc.

Thư nhận được ngày 28/1/1974: Đã 5 cái tết xa nhà

Chú ạ! Thấm thoắt cũng đã là 5 cái tết xa gia đình rồi đó. Năm cái tết đầy tình thương và nỗi nhớ, cũng là 5 cái tết đầy hi sinh gian khổ và tự hào.

Những dòng thư nghẹn ngào khiến ai đọc cũng rơi nước mắt

Ống tay áo thần kỳ của mẹ!

Tâm sự với PV báo Người Đưa Tin, Đại tá Ngô Trí Hà, không giấu nổi sự xúc động nói: Đọc lại những lá thư của anh trai, khi nào tôi cũng khóc. Nhất là khi ý thức được nhiệm vụ chiến đấu mà Đảng và Tổ quốc giao, tôi thấy rất thương và khâm phục người anh của mình. Anh đã chiến đấu, xông pha trận mạc khi tuổi còn rất trẻ.

 

Đại tá Hà chia sẻ, nhà có 10 anh chị em tất cả. Liệt sỹ Khoa là anh cả. Hồi anh trai đi bộ đội, Đại tá còn rất nhỏ. Trong ký ức của mình, Đại tá Hà chỉ nhớ duy nhất hình ảnh anh trai mình trong một lần về thăm. Anh mặc bộ quần áo bộ đội bế em lên và hỏi “Em học lớp mấy rồi…”.

Cũng theo chia sẻ của Đại tá Ngô Trí Hà, sau nhiều năm tìm kiếm và được sự giúp đỡ của Trung tâm tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sỹ, gia đình đã tìm thấy phần một liệt sỹ Ngô Trí Hòa.

Song điều kỳ lạ là, khi tìm thấy mộ liệt sỹ, phần thân xác dường như không còn gì, không mảnh xương, không sợ tóc nhưng có một di vật không hề bị tiêu tan trong đất ấy là ống tay áo người mẹ liệt sỹ may làm gối cho anh trước khi lên đường. Mảnh ống tay với những đường chỉ vội vàng, ngoằn ngèo mà ai trong gia đình anh nhìn vào cũng nhận ra ấy là mẹ mình khâu. Vậy là khi nằm xuống, chàng thanh niên trẻ vẫn được ấp ôm trong vòng tay ấm áp của mẹ, để rồi dù bao nắng mưa, gió lốc, bao thăng trầm thời gian, thân thể có thể tiêu tan nhưng tình mẹ con qua ống tay áo vẫn con mãi. Ống tay áo ấy hiện được được gia đình liệt sỹ trang trọng đặt trên bàn thờ.

Hạnh Nguyên

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: liệt sỹ