Tin mới

"Phản pháo" của Doanh nghiệp và chuyên gia về quy định nhập máy móc cũ

Thứ bảy, 16/08/2014, 08:02 (GMT+7)

Mặc dù Thông tư 20/2014/TT/BKHCN ngày 15-7-2014 quy định về việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng đến ngày 1-9-2014 mới có hiệu lực thi hành nhưng theo phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp máy, thiết bị xây dựng, nông nghiệp, nhiều quy định trong thông tư này không phù hợp với thực tế và nếu đi vào áp dụng sẽ gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp chuyên nhập khẩu máy và thiết bị xây dựng, nông nghiệp.

Mặc dù Thông tư 20/2014/TT/BKHCN ngày 15-7-2014 quy định về việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng đến ngày 1-9-2014 mới có hiệu lực thi hành nhưng theo phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp máy, thiết bị xây dựng, nông nghiệp, nhiều quy định trong thông tư này không phù hợp với thực tế và nếu đi vào áp dụng sẽ gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp chuyên nhập khẩu máy và thiết bị xây dựng, nông nghiệp.


Quy định không hợp lý

Khoản 1 Điều 6 Thông tư 20 quy định, máy móc thiết bị đã qua sử dụng không thuộc danh mục máy móc cấm phải có thời gian sử dụng không quá 5 năm, có chất lượng còn lại với chất lượng ban đầu từ 80% trở lên mới được nhập khẩu.

Khoản 2 điều này cũng quy định các thời gian khác nhau: 3 năm, 7 năm, 10 năm, 15 năm đối với một số nhóm máy móc nhập khẩu

Cho biết ý kiến của mình tại buổi họp của Cộng đồng doanh nghiệp máy thiết bị xây dựng, máy nông nghiệp về Thông tư này, GS. TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt câu hỏi rằng, tại sao lại quy định 80% mà không phải là 70 hay 60%? Làm thế nào để biết được chất lượng còn 80%?

“Một nhà máy điện chưa lắp ráp làm sao ai dám khẳng định là còn 80% chất lượng, kể cả chuyên gia nước ngoài cũng không dám khẳng định điều này. Một điểm nữa là tại sao lại chia ra 3 năm, 7 năm, 10 năm, 15 năm và điều này được chia theo căn cứ nào?”- Ông Nguyễn Mại tiếp tục đặt câu hỏi.

GS. TS Nguyễn Mại cho rằng, nội dung thông tư đặt ra như vậy là không phù hợp với thực tiễn bởi khi doanh nghiệp hoạt động có hai vấn đề, một là trách nhiệm đối với xã hội và hai là hiệu quả hoạt động.

“Nhà nước đừng lo hộ doanh nghiệp về hiệu quả bởi doanh nghiệp biết họ mua cái gì về, bán cho ai thì có lợi. Tôi đề nghị nên tách ra, bộ nên có quy định hỗ trợ doanh nghiệp, còn doanh nghiệp hoạt động như thế nào cho hiệu quả là vấn đề của doanh nghiệp”.

Nêu những ý kiến từ thực tế hoạt động của doanh nghiệp, ông Phan Văn Hải, Tổng giám đốc Công ty CP Phát triển Máy xây dựng Việt Nam cho biết, giá trị của máy móc từ các nước tiên tiến chiếm 90% tổng giá trị máy móc nhập khẩu. Nếu phải thực hiện theo Thông tư 20 từ ngày 1-9 tới đây sẽ không đảm bảo lợi ích cho nền kinh tế.

Phân tích kỹ hơn về vấn đề này, ông Lê Văn Định, đại diện Công ty TNHH Minh Thanh cho biết, quy định về máy khai thác khoảng sản và thi công công trình giao thông có điểm chưa hợp lý bởi loại máy này thực chất là xe máy chuyên dùng mà Việt Nam chưa sản xuất được nhưng lại được sử dụng rất nhiều trong mọi lĩnh vực từ nông lâm thủy sản đến khai hoang nên nếu quy định thời gian sử dụng không quá 7 năm là không hợp lý.

Điều này là bởi, nếu là máy sử dụng dưới 7 năm sẽ có giá cao nên người dân, người tiêu dùng sẽ không bao giờ tiếp cận được với máy móc cơ giới để nâng cao chất lượng sản xuất. Ông Định cho biết thêm: “Hiện nay, chỉ một máy ủi bé cũng có báo giá tới người dùng từ 1 đến 3 tỷ đồng nên nếu áp dụng theo thông tư này, người tiêu dùng sẽ không bao giờ tiếp cận được với máy móc bởi không có đủ tiền, trong khi đó, máy móc có xuất xứ từ châu Âu có thời gian sử dụng lâu hơn quy định 7 năm trên thực tế vẫn sử dụng tốt bởi công nghệ máy móc của châu Âu rất tốt”. 

Ảnh minh họa. Ảnh internet

Bỏ qua góp ý của Cục Đăng kiểm

Phản hồi những ý kiến của doanh nghiệp, bà Trần Tuyết Nhung, Phó vụ trưởng Vụ Đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, lý do của việc Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành văn bản này là để kiểm soát tình trạng thời gian qua nhiều doanh nghiệp nhập khẩu máy móc quá cũ không thể sử dụng được, không vận hành hay thay thế được.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Vũ Hải, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, mỗi thông tư được xây dựng phải dựa trên nền của luật và nghị định. Liên quan đến vấn đề này, về luật có Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa còn nghị định có Nghị định 132/2008/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Hai văn bản quy phạm pháp luật này quy định Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm về các phương tiện thi công công trình trùng với những loại máy móc thiết bị được liệt kê trong Điểm b Khoản 2 Điều 6. Do đó, nếu Thông tư 20 được thực hiện sẽ gây ra chồng chéo về đối tượng quản lý, gây khó khăn cho cơ quan quản lý cũng như cho doanh nghiệp nhập khẩu.

Liên quan đến câu hỏi của GS. Nguyễn Mại về việc có chuyên gia nào có thể khẳng định được máy móc, thiết bị còn 80% chất lượng, ông Nguyễn Vũ Hải cho biết rằng: “Là kỹ sư cơ khí nhưng tôi cũng không thể khẳng định được một thiết bị máy móc còn bao nhiêu phần trăm chất lượng. Với quy định này, tôi lo lắng cho các đăng kiểm viên bởi cần có hướng dẫn chi tiết hơn nữa, ví dụ như máy ủi, máy xúc thế nào là 80%”- Ông Nguyễn Vũ Hải nói.

Cuối buổi họp, trả lời câu hỏi của phóng viên báo Hải quan, ông Nguyễn Vũ Hải cho biết, trong quá trình soạn thảo Thông tư, Cục Đăng kiểm đã gửi ý kiến tới Ban soạn thảo nhưng những ý kiến của Cục Đăng kiểm về một số bất cập mà ông vừa nêu trên không được Ban soạn thảo tiếp thu.

Bên cạnh đó, đại diện doanh nghiệp máy móc, thiết bị xây dựng, nông nghiệp cũng cho biết cộng đồng doanh nghiệp lĩnh vực này không được tham vấn ý kiến về Thông tư 20 trong quá trình xây dựng.

Được biết, trong tuần tới, Hiệp hội Cơ khí Việt Nam sẽ có buổi làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ về nội dung Thông tư này. 

PV

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news