Tin mới

Phán quyết Biển Đông và chủ nghĩa dân tộc mới ở Trung Quốc

Thứ năm, 21/07/2016, 19:05 (GMT+7)

Những phản ứng của người dân Trung Quốc đối với phán quyết Biển Đông của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) khiến người ta phải nhìn nhận lại chủ nghĩa dân tộc kiểu mới đang lan rộng tại quốc gia đông dân nhất thế giới này.

Những phản ứng của người dân Trung Quốc đối với phán quyết Biển Đông của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) khiến người ta phải nhìn nhận lại chủ nghĩa dân tộc kiểu mới đang lan rộng tại quốc gia đông dân nhất thế giới này.

Kể từ khi PCA ra phán quyết vụ kiện "đường lưỡi bò" của Philippines đối với Trung Quốc, trên WeChat và microblogs - hai mạng xã hội được hầu hết người Trung Quốc sử dụng hằng ngày - tràn ngập hai hình ảnh. Một là bức thư kêu gọi các cựu chiến binh tái nhập ngũ, với những bình luận tương tự như: "Nếu có chiến tranh, tôi sẽ trở mặt trận theo lời kêu gọi". Một bức ảnh khác là bản đồ Trung Quốc có kèm theo "đường lưỡi bò" với chú thích: "Đây là lãnh thổ Trung Quốc, một tấc cũng không để bị mất".

Không có gì quá ngạc nhiên khi hội đồng trọng tài đưa ra một phán quyết bất lợi cho Trung Quốc, nhưng theo The Diplomat, điều bất ngờ là thái độ của người Trung Quốc chưa bao giờ lại đạt đến sự thống nhất và đoàn kết như trong trường hợp này.

Phản ứng này từ dân số khổng lồ của Trung Quốc đã gây ra một số tác động. Khi nói đến vấn đề Biển Đông, các học giả thường chú trọng vào các hoạt động chính trị nổi trội hoặc hành vi ngoại giao của phía Trung Quốc. Khía cạnh nguyện vọng của dân thường hoặc cảm xúc chính trị hiếm khi được thảo luận hay nghiên cứu, những chủ đề cốt lõi hoặc ảnh hưởng của chủ nghĩa dân tộc mới của Trung Quốc lại càng ít được lưu ý.

Chủ nghĩa dân tộc mới ở Trung Quốc đang lan rộng. Ảnh: The Diplomat

Theo truyền thống, chúng ta thường cho rằng, khi điều kiện sống đã được cải thiện, tầng lớp dân thường sẽ không thể trở nên cực đoan, vì những nhu cầu cơ bản của họ đã được thỏa mãn. Tuy nhiên, trái với dự đoán, chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc đang trở lại chứ không hề giảm đi, dù cho GDP bình quân đầu người đã tăng vọt lịch sử. Nếu những vật chất bên ngoài đã thay đổi, vậy những yếu tố nào là nguyên nhân cho tình trạng này?

Nhìn lại lịch sử có thể cung cấp một cách tiếp cận hiệu quả để trả lời câu hỏi này. Những hiểu biết thông thường về chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc có nguồn gốc từ phong trào Ngũ Tứ. Vào ngày 4/5/1919, sinh viên Trung Quốc đã nổi dậy do bất bình với Hội nghị Hòa bình Paris và sự bất lực, kém cỏi của chính phủ Trung Quốc khi đó. Nhưng đối với những người hiểu rõ lịch sử Trung Quốc, chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc có thể có nguồn gốc từ xa hơn trước đó, khi Chiến tranh nha phiến xảy ra vào năm 1840, khởi đầu cho cuộc xâm lược kéo dài cả thế kỷ của phương Tây tại nước này.

Trước phong trào Ngũ Tứ năm 1919, Trung Quốc đã phản ứng với sự sỉ nhục lịch sử này bằng 4 sự kiện: đánh đuổi phương Tây, Phong trào Cải cách năm 1898, các Chính sách mới của giai đoạn thứ hai triều đại nhà Thanh, và cuối cùng là cuộc cách mạng năm 1911. Tuy nhiên, phong trào Ngũ Tứ năm 1919 trở thành bước ngoặt mới, đánh dấu thời kỳ chủ nghĩa dân tộc đại chúng bắt đầu ảnh hưởng đến hành vi của nhà nước theo cách từ dưới lên.

Không có vấn đề gì trong cách tiếp cận mà Trung Quốc đã chọn. Những thiệt hại và việc mất chủ quyền lãnh thổ, quốc gia được xem là sự sỉ nhục lớn đối với cả dân tộc và sau đó đánh thức lòng yêu nước sâu rộng. Thế mới nói, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ chính là tự tôn, tạo ra mối đoàn kết trong toàn xã hội. Thậm chí ngay cả sau khi Trung Quốc giành được độc lập, chủ đề cốt lõi của chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc vẫn còn: đó là công cuộc tìm kiếm để trẻ hóa quốc gia và thoát khỏi sự sỉ nhục kéo dài cả thế kỷ. Điều này có thể giải thích tại sao người Trung Quốc luôn luôn phản ứng thái quá với những vấn đề đụng chạm vào phẩm giá quốc gia, và tại sao họ lại tỏ ra nhạy cảm như vậy trong phán quyết Biển Đông của PCA.

Hàng loạt iPhone cũng bị người Trung Quốc đập nát trong phong trào tẩy chay hàng Mỹ. Ảnh: Weibo

Một bài học khác từ kinh nghiệm lịch sử này là chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc quen với việc phản ứng với những tác động từ bên ngoài. Nói cách khác, đó là sự tiêu cực và đáp trả. Ý tưởng này xuất phát từ nguồn gốc nền văn hóa Nho giáo Trung Quốc, chủ trương duy trì và củng cố tính hợp pháp của chế độ cũng như ổn định xã hội ở nhà Tây Hán (từ năm 206 TCN đến năm 24 SCN). Từ đó, "cai trị bằng con người" và "cai trị bằng lòng nhân từ" đã thay thế cho "cai trị bằng pháp luật" - trở thành nguyên tắc thiêng liêng để giải quyết các vấn đề nội bộ và bên ngoài.

Theo một cách nào đó, điều này cũng hình thành nên cách nhận thức của người Trung Quốc về người phương Tây và người nước ngoài, đặc biệt là các láng giềng của Trung Quốc. "Nếu họ không xúc phạm tôi, tôi sẽ không xúc phạm họ" (Nhân bất phạm ngã, ngã bất phạm nhân) là câu tục ngữ truyền thống hợp lý nhất để mô tả cảm nghĩ của người Trung Quốc đối với các đối thủ và kẻ thù của họ. Đặc điểm đáp trả dân tộc này bao trùm hoàn toàn chiến lược quân sự "phòng thủ chủ động", chiến lược hạt nhân trả đũa và chiến lược hàng hải "biển gần phòng thủ, biển xa bảo vệ" của Trung Quốc.

Những nền tảng lịch sử và văn hóa có thể cung cấp công cụ ý nghĩa để thăm dò chủ nghĩa dân tộc có vẻ phức tạp của Trung Quốc. Quan hệ duy nhất giữa đảng Cộng sản Trung uốc (CPC) với người dân có thể xem lầ chìa khóa thứ ba để hiểu về chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc. Giữ vai trò lãnh đạo tuyệt đối, CPC chính là đại diện cho nhà nước. Một số học giả cho rằng CPC nắm vai trò chỉ đạo chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc từ năm 1990. Đối với họ, đây là một trong những công cụ để củng cố tình hợp pháp của CPC, vì vậy chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc khá là khác biệt so với chủ nghĩa dân tộc phương Tây.

Biểu tình bên ngoài các nhà hàng KFC của Trung Quốc. Ảnh: Weibo

Tuy nhiên, từ khi bước vào thiên niên kỷ mới, mối quan hệ đảng - quốc gia đã thay đổi. Chủ nghĩa dân tộc đã phát triển thành một chủ nghĩa dân tộc đại chúng mới với các đặc điểm như: giá trị của người dân được đề cao hơn bất cứ giai đoạn nào trong lịch sử; người dân không phải chịu sự kết án từ cộng đồng quốc tế; không chịu những hành vi hoặc quyết định nào đó của cơ quan chức năng; tôn thờ trật tự quốc tế hoàn toàn mới. Điều này rõ ràng là phi lý, tình cảm dân tộc thái quá, sai lệch so với bản chất thực của chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc trong lịch sử, xuất phát từ các nhóm dễ bị tổn thương hoặc những người không được hưởng lợi từ chính sách cải cách và mở cửa. Các nhóm này có tâm lý đáp trả triệt để bất cứ sự bất công và phê bình nào mà họ phải đối mặt.

Nhiều người phương tây sử dụng những từ ngữ như tự tin, kiêu ngạo, hay quyết đoán để miêu tả bản chất của chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc. Điều này đúng trong vài trường hợp, đặc biệt là những vấn đề có liên quan đến chủ quyền, lãnh thổ, chủ nghĩa dân tộc đại chúng Trung Quốc có xu hướng hành động chủ động hơn. Tuy nhiên, xem xét bối cảnh lịch sử và văn hóa, người Trung Quốc nói chung sống cảm tính và nội tâm. Sự đi lên của nền kinh tế Trung Quốc không cân bằng với sự phát triển và phúc lợi xã hội đã dẫn đến những cảm xúc phi lý và hung hăng của một bộ phận người dân Trung Quốc và điều này nên được phân biệt rõ ràng với chủ nghĩa dân tộc thực sự ở Trung Quốc.

Lê Huyền (The Diplomat)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news