Tin mới

Phát hiện 97 hài cốt biến dạng trong ngôi nhà cổ bí ẩn ở Trung Quốc

Thứ tư, 29/07/2015, 13:49 (GMT+7)

Các nhà nghiên cứu vừa phát hiện những phần còn lại của 97 thi thể trong một ngôi nhà cổ 5.000 tuổi ở một ngôi làng thời tiền sử, phía đông bắc Trung Quốc.

Các nhà nghiên cứu vừa phát hiện những phần còn lại của 97 thi thể trong một ngôi nhà cổ 5.000 tuổi ở một ngôi làng thời tiền sử, phía đông bắc Trung Quốc.

Theo tin tức trên Daily Mail, những thi thể này của trẻ em, thanh niên và người trung tuổi. Tất cả bị nhồi nhét trong một ngôi nhà chỉ khoảng 20 mét vuông.

Các chuyên gia cho rằng những người này có thể đã chết do một "thảm họa thời tiền sử", và nhiều khả năng, đó là một dịch bệnh.

Ngôi nhà này nằm trong khu vực di tích được đặt tên là Hamin Mangha, từng tồn tại trước khi chữ viết ra đời. Nơi đây, con người sống trong các khu định cư tương đối nhỏ, trồng cây và săn bắn để có thực phẩm sinh sống.

97 bộ hài cốt biến dạng của người tiền sử bị nhồi nhét trong một ngôi nhà chưa đầy 20 mét vuông.

Những gì còn lại của ngôi làng là đồ gốm, công cụ mài, mũi tên, mũi lao, đã phần nào nói lên được cuộc sống của họ thời đó.

Hamin Mangha là khu vực sót lại từ thời tiền sử lớn nhất và cũng được bảo tồn tốt nhất cho đến nay ở Trung Quốc. Những phát hiện mới về ngôi làng này được các nhà khảo cổ công bố trong một báo cáo trên tạp chí Khảo cổ học Trung Quốc.

"Các bộ xương ở phía tây bắc là tương đối đầy đủ, trong khi những người ở phía đông chỉ còn lại hộp sọ, xương chân tay hầu như không còn", các nhà khảo cổ cho biết trong báo cáo.

"Tuy nhiên ở phía nam, xương chi của các bộ hài cốt được phát hiện trong tình trạng là một mớ hỗn độn, tạo thành 2 hoặc 3 lớp".

"Trên sàn nhà, nhiều bộ hài cốt phân tán ở khắp mọi nơi. Thậm chí một số còn có dấu hiệu bị thiêu rụi ", các nhà khảo cổ đã viết.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, nhiều khả năng, họ đã chết vì một dịch bệnh.

Nhiều khả năng một ngọn lửa đã khiến dầm gỗ của mái nhà bị sụp, khiến các hộp sọ và xương chi không chỉ bị cháy mà còn biến dạng, trở nên lộn xộn.

Những hài cốt này đã không bao giờ được chôn cất và phải chờ tới tận 5.000 năm mới được các nhà khảo cổ phát hiện ra.

Một nhóm nghiên cứu nhân chủng học tại Đại học Cát Lâm ở Trung Quốc làm nhiệm vụ nghiên cứu các di tích thời tiền sử, đang cố gắng để xác định điều gì đã xảy ra với những người này.

Trong một báo cáo xuất hiện trên ấn bản Tạp chí Khoa học Xã hội của Đại học Cát Lâm, nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng những người trong ngôi nhà đã chết do một "thảm họa thời tiền sử" và được nhồi nhét vào một ngôi nhà. Do số lượng người chết nhiều và nhanh nên họ không thể được chôn cất tử tế.

"Nhiều khu vực khảo cổ ở Trung Quốc có chứa hài cốt của con người đã xây dựng nên giả thuyết rằng có thể đã có một thảm họa hàng loạt tại ngôi làng này", hai người đứng đầu nhóm nghiên cứu là Ya Wei Zhou và Hong Zhu cho biết trong một nghiên cứu.

Ngôi nhà chứa các thi thể thuộc Hamin Mangha, đây là khu di tích rộng và được bảo quản tốt nhất được tìm thấy từ trước đến nay ở Trung Quốc. 

"Hamin Mangha cũng tương tự như trường hợp tại một điểm khảo cổ ở Nội Mông. Những bộ hài cốt cũng được tập trung tại một ngôi nhà và bị hỏa thiêu chung. Điểm tương đồng này chỉ ra rằng nguyên nhân thảm họa ở Hamin Mangha cũng tương tự như ở Miaozigou. Cả hai đều có thể liên quan đến sự bùng nổ của một bệnh truyền nhiễm cấp tính (bệnh dịch hạch)".

"Sự tập trung thi thể trong một ngôi nhà 20 mét vuông là bởi người ta đã đưa người chết vào đây, xếp chồng lên nhau như kiểu một ngôi mộ tập thể".

Tuy nhiên, các nhà khoa học không thể dự đoán chính xác rốt cuộc là loại dịch bệnh nào đã xảy ra đối với họ.

Cuộc khai quật được tiến hành bởi các nhà nghiên cứu từ Viện Di sản văn hóa và Khảo cổ học Nội Mông và Chương trình nghiên cứu thuộc Trung tâm Khảo cổ học của Đại học Cát Lâm.

Lê Huyền (Daily Mail)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news