Tin mới

Quan niệm vía lành, vía dữ và những dòng năng lượng tiềm ẩn

Thứ tư, 28/01/2015, 07:22 (GMT+7)

Trong dân gian lâu nay vẫn quan niệm con người có vía lành, vía dữ. Nhiều trường hợp trẻ khóc quấy về đêm, thậm chí ốm đau bệnh tật, người ta lại đổ cho gặp “vía dữ”. Còn người làm ăn kinh doanh, khi không may mắn gặp xúi quẩy cũng tìm cách “đốt vía trừ tà”.

Trong dân gian lâu nay vẫn quan niệm con người có vía lành, vía dữ. Nhiều trường hợp trẻ khóc quấy về đêm, thậm chí ốm đau bệnh tật, người ta lại đổ cho gặp “vía dữ”. Còn người làm ăn kinh doanh, khi không may mắn gặp xúi quẩy cũng tìm cách “đốt vía trừ tà”.

Sự thật đằng sau quan niệm này là gì?

Quan niệm vía lành, vía dữ và những dòng năng lượng tiềm ẩn - Ảnh 1

Giới buôn bán truyền tai nhau bí kíp đốt vía khi bán hàng ế ẩm (ảnh minh họa).

Quan niệm dân gian về hồn vía

Theo quan niệm dân gian của người Việt Nam, người ta sinh ra có thể xác thì có hồn vía, đàn ông ba hồn bảy vía, đàn bà ba hồn chín vía. Có nhiều cách lý giải về sự chênh lệch vía giữa đàn ông và đàn bà. Có người thì cho rằng, đàn ông và đàn bà đều có chín cửa (cửu khiếu) để giao hòa với vũ trụ. Khi con người ta còn sống, cả chín khiếu đều đóng hay mở tùy vào thời điểm phù hợp để con người có thể hòa hợp được với vũ trụ.

Tuy nhiên, nhưng khi chết đi thì cả chín khiếu phải đóng lại để hồn có thể thoát ra từ trên đỉnh đầu lên trời. Tức là giúp cho hồn không bị siêu tán để sau này có thể đầu thai trở lại làm người. Đàn ông được coi là dương, có tính chất thăng (lên cao) nhiều hơn nên phần hồn có lẽ tập trung ở phía trên nhiều hơn so với đàn bà là âm có tính chất giáng (trầm lắng) nhiều hơn.

Do vậy, theo quan niệm của người xưa, khi người ta chết, đối với nam chỉ cần đóng bảy khiếu trên để hồn có thể bốc lên. Bảy khiếu của đàn ông đều ở phần trên của cơ thể nên đôi khi gọi là thất khiếu dương, còn đối với nữ phải là cả chín khiếu, trong đó có hai khiếu ở phía dưới (khiếu âm).

Chính từ quan niệm đó, trong dân gian lưu truyền rất nhiều câu chuyện về vía và chuyện vía lành, vía dữ. Trong kinh doanh, người ta thường có thói quen đốt vía. Hay, trong mỗi gia đình có trẻ mới sinh thường sẽ rất chú ýkiêng kị. Đặc biệt là ái ngại về những người vía dữ. Khi có người lạ đến nhà chơi mà trẻ em khóc thì gia đình thường phải đốt vía (trường hợp nặng phải làm lễ cúng vía). Có khi vì quá sợ hãi bất thần như bị ngã, bị kinh động đứa trẻ có thể bị mất vía, hoá ra ngớ ngẩn, lúc ngủ hay giật mình. Muốn đứa bé trở lại bình thường, các gia đình phải làm lễ chuộc vía.

Có trường hợp trẻ đang chơi ngoan nhưng vì gặp người lạ hoặc người có vía dữ thì sẽ quấy khóc suốt đêm, thậm chí là nhiều ngày sau đó. Trong dân gian còn gọi đây là chứng khóc dạ đề. Ban ngày các bé thường chơi ngoan, nhưng cứ đêm là thức và khóc suốt không thôi. Bé khóc giống như bị ai cấu xé. Các gia đình thường phải dùng nhiều mẹo chữa dân gian như đốt vía, thắp hương, chặt cành dâu để đầu giường cho các bé.

Quan niệm vía lành, vía dữ và những dòng năng lượng tiềm ẩn - Ảnh 2

Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, một số nơi khi gia đình có người chết, trước khi nhập quan thì thường làm lễ gọi vía về nhập. Theo quan niệm dân gian, phải gọi vía cho người chết trước khi cho nhập quan vì sợ người đó chưa chết hẳn hoặc vía người đó vì sợ quá mà đi đâu mất(?!). Đặc biệt, nhiều người còn cho rằng, những người chết bất đắc kỳ tử như tai nạn ô tô, tai nạn lao động, đắm thuyền vì họ quá sợ hãi nên mất vía... Khi đó, các gia đình phải làm lễ gọi vía về rất cầu kỳ.

Vía nặng hay nhẹ là do nguồn điện sinh học?

Theo các chuyên gia vật lý Việt Nam, ở phương Tây nhiều nhà khoa học đã chứng minh được, vía chính là nguồn năng lượng sinh học (hay còn gọi là nguồn điện sinh học) phát ra từ chính cơ thể con người. Trao đổi với PV về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Trường Luyện (Viện Vật lý Kỹ thuật, ĐH Bách Khoa Hà Nội) cho rằng, bên trong con người có hàng tỉ tế bào, mỗi tế bào là một chiếc pin sống. Tuy nhiên, các pin này hết sức nhỏ nên điện của chúng tạo ra vô cùng yếu. Một người được coi là nặng vía bởi nguồn điện họ phát ra quá lớn. Khi tiếp xúc với năng lượng đó, sức đề kháng của ai yếu hơn dễ dẫn đến việc cảm thấy khó chịu, mệt mỏi và quấy khóc.

PGS.TS Nguyễn Trường Luyện phân tích, thực ra vía hay còn gọi là năng lượng sinh học trong cơ thể con người là một dạng điện bẩm sinh. Đây là năng lượng sinh học mà tất cả sinh vật đều có không chỉ riêng con người. Nếu không có dạng điện này, sinh vật không thể nào cử động được. Nhờ có điện bẩm sinh đó nên sinh vật mới di chuyển và truyền thông với nhau bằng những tín hiệu riêng biệt của từng loài.

Khoa học đã chứng minh, não bộ, nơi điều khiển mọi hoạt động của cơ thể con người, số lượng tế bào nhiều và tập trung hơn bất kỳ bộ phận nào. Nó là nhà máy phát điện mạnh nhất. Trong mỗi tế bào não có một dòng điện khoảng 90 milivôn và với 15-18 tỉ tế bào não, ta sẽ có một dòng điện cực mạnh. Trong mỗi con mắt của một người bình thường cũng có tới 130 triệu tế bào.

Lý giải về những người được cho là nặng vía khiến trẻ con khóc và chuyên đi gây họa cho người khác, PGS.TS Nguyễn Trường Luyện khẳng định: “Người ta đã chụp được một nguồn năng lượng sinh học tồn tại quanh cơ thể con người. Những người khỏe mạnh, có năng lượng lớn sẽ khiến những người yếu ớt, hoặc có nguồn năng lượng yếu hơn cảm thấy mệt mỏi, khó chịu. Đó chính là lý do vì sao những đứa trẻ con không phải gặp người lạ nào cũng quấy khóc. Chúng chỉ khó chịu khi gặp những người có năng lượng xung quanh cơ thể cực lớn.

Bên cạnh đó, người Việt cũng thường nói câu bắt được vía của nhau. Nghĩa là người A cứ hễ đứng gần người B thường tỏ ra mệt mỏi, mất tự tin. Giải thích hiện tượng này rất đơn giản. Bởi người A kia có năng lượng yếu hơn người B rất nhiều. Khi hai nguồn năng lượng sinh học (điện sinh học) tiếp xúc với nhau, do đuối hơn nên người A bị năng lượng người B lấn át, thậm chí là xâm nhập vào cơ thể gây ra các triệu chứng hoảng sợ, mệt mỏi, mất tự tin".

Không nên thêu dệt những câu chuyện ma mị

Trao đổi với PV, PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng viện Văn hóa và Phát triển, đã có nhiều nghiên cứu về hiện tượng được xem là người “nặng vía”. Theo đó, những người được cho là có vía dữ hay mệnh ác, mệnh nặng nhiều khi là những người có thể hấp thụ rất mạnh năng lượng thiên nhiên hay năng lượng từ những người xung quanh. Chính khả năng đó của họ đã khiến cho những người có tiếp xúc với họ bị hao hụt phần lớn năng lượng của cơ thể. Những đối tượng như trẻ em, người già, phụ nữ có thai, người có từ trường, sức khỏe kém thường dễ trở thành “nạn nhân” của những người trên.

Song có thể nói, không phải ai cũng chịu những điều không may từ người “nặng vía” nên đừng vì thế mà thêu dệt những câu chuyện ma mị, không hay. Cũng chính vì thế, trong dân gian cho rằng nguyên nhân của khóc dạ đề một phần cũng vì trẻ gặp phải người “nặng vía”. Chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh được vấn đề này. Tuy nhiên, người dân có thể áp dụng các kinh nghiệm dân gian đã được kiểm chứng để giúp con thôi khóc.

Văn Chương - Phạm Hạnh/ Đời Sống & Pháp Luật

Xem thêm Video: Tai nạn giao thông, cô giáo sắp cưới tử vong

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news