Tin mới

Quốc hội tranh luận gay gắt về điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành

Thứ tư, 27/05/2015, 19:54 (GMT+7)

"Điều cơ bản nhất của luật BHXH cần sửa là sự phân biệt đối xử đối giữa người lao động trong quốc doanh và ngoài quốc doanh. Điều đó là bất công!" - Một đại biểu nêu ý kiến.

"Điều cơ bản nhất của luật BHXH cần sửa là sự phân biệt đối xử đối giữa người lao động trong quốc doanh và ngoài quốc doanh. Điều đó là bất công!" - Một đại biểu nêu ý kiến.

Theo tin tức trên báo điện tử VnExpress, trong phiên thảo luận tại hội trường về Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội sáng 27/5, không đồng tình sửa Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 (hiệu lực từ 1/1/2016), đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đặt câu hỏi: “Có phải tất cả người lao động về một lần đều thực sự khó khăn? Liệu số tiền hưởng bảo hiểm xã hội một lần có giải quyết được khó khăn trước mắt của bản thân và gia đình khi mà báo cáo của Chính phủ trong 5 năm 2010-2014 cho thấy trên 2,3 triệu người hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì gần một triệu người mới làm việc một năm, tức là hưởng tối đa là 1,5 tháng tiền lương đóng bảo hiểm xã hội".

Theo phân tích của bà Thúy phân tích, thực tế phần lớn người ra khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội là từ nông thôn đi làm tại các khu công nghiệp. Nhiều người làm các công việc ngắn hạn và thời vụ nên việc nhận thức tích lũy số năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu còn hạn chế. Do đó, cần chú trọng công tác tuyên truyền phổ biến Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 để người lao động nhận thức đầy đủ hơn.

Đồng quan điểm với bà Thúy, đại biểu Hồ Thu Thủy lên tiếng: “Đừng nhìn nhận một hiện tượng mà đánh giá bản chất, làm méo mó Chính sách nhà nước, đi ngược lại quy luật, xu thế các nước phát triển”.

ĐB Ngô Văn Minh cho rằng, quyết định 176 chỉ dành cho một số cán bộ kháng chiến khác với trường hợp hiện nay

Bày tỏ tâm trạng không vui khi Luật Bảo hiểm xã hội chưa có hiệu lực mà một bộ phận người lao động đã phản ứng, Chính phủ phải báo cáo Quốc hội để sửa, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho rằng nếu Quốc hội chọn phương án sửa luật thì phải làm đúng theo quy định, tránh càng sửa càng sai. “Quốc hội cần rút kinh nghiệm trong quá trình làm luật, nhất là khi đã có tiền lệ, cần chuẩn bị một số tình huống xảy ra, tránh lúng túng như hiện nay”, đại biểu Phương bình luận.

Còn theo thông tin trên báo Vietnamnet, ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cho rằng, quyết định 176 chỉ dành cho một số cán bộ kháng chiến khác với trường hợp hiện nay.

“Tôi nghĩ đưa trường hợp này để thuyết phục về điều 60 là không đúng. Vì lúc đó chính sách khác, đối tượng khác”.

Ông Minh đồng thời cho rằng việc lấy con số hơn 3.000 tỉ đồng mỗi năm để trả cho gần 1,5 triệu người cao tuổi để tranh biện về sự thiệt thòi của việc nhận BHXH một lần là không phải. Vì đây là chính sách cho người cao tuổi.

Vì lợi ích của nhân dân, của người lao động, "dù thiểu số cũng phải sửa”, ĐB Minh nhấn mạnh cần sửa điều 60 để người lao động thêm lựa chọn có thể rút tiền giải quyết những việc trước mắt. Tuy nhiên, để cho họ vài năm sau được quyền nộp lại số tiền đó để được hưởng. "Giống như cho người nghèo vay không lãi" - ông gợi ý.

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) kể khi tiếp xúc với người lao động, bà ghi nhận không ai nói điều 60 sai mà nói điều 60 còn thiếu.

“Dù biết có nhiều chính sách để chăm lo lâu dài cho họ nhưng bậc lương thấp quá mà phải chi tiền gửi con, tiền nhà trọ,… ít nhất là 1 triệu. Vài triệu là cả tài sản mà người lao động làm việc cật lực mới có được.

Còn rất nhiều bất trắc trong thị trường lao động có thể đến với công nhân bất cứ lúc nào. Vì vậy nhu cầu nhận BHXH một lần để trang trải trước mắt là bất đắc dĩ. Cho nên đánh giá điều 60 có lợi hay không có lợi phải xét đến điều kiện cụ thể”, bà Tâm phân tích.

Theo đó, ĐB đề nghị bổ sung một khoản vào điều 60, tức để người lao động "được chọn lựa theo hoàn cảnh" của mình. Nếu chưa sửa được thì đưa vào nghị quyết của QH tiếp tục thực hiện khoản C, điều 55 luật BHXH năm 2006 để người lao động chọn nhận BHXH 1 lần hay để hưởng lương hưu.

Kết thúc phiên thảo luận sáng nay, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho hay, sau khi đánh giá tổng kết, thăm dò ý kiến một cách toàn diện đầy đủ đối tượng người lao động, Quốc hội sẽ tính đến việc có sửa hay không sửa Điều 60.

“Quốc hội dự kiến gửi phiếu thăm dò ý kiến đến các đại biểu về vấn đề này, sau đó sẽ xem xét quyết định theo ý kiến chung của đại biểu Quốc hội”, Phó chủ tịch Uông Chu Lưu nói. 

Phong Vân (Tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news