Tin mới

Sai lầm khủng khiếp của Donald Trump trong vụ xả súng ở hộp đêm

Thứ ba, 14/06/2016, 15:09 (GMT+7)

Giữa lúc chiến dịch tranh cử tổng thống đang bước vào giai đoạn gay cấn, phản ứng sai lầm và thái quá của ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump về vụ xả súng ở hộp đêm Pulse khiến ông đang bị mất điểm trầm trọng.

Giữa lúc chiến dịch tranh cử tổng thống đang bước vào giai đoạn gay cấn, phản ứng sai lầm và thái quá của ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump về vụ xả súng ở hộp đêm Pulse khiến ông đang bị mất điểm trầm trọng.

Vụ xả súng tồi tệ nhất lịch sử nước Mỹ tại một hộp đêm nổi tiếng dành cho người đồng tính ở thành phố Orlando, bang Florida đã khiến 50 người thiệt mạng (bao gồm cả hung thủ).

Theo New York Times, 49 sinh mạng vô tội đã bị cướp đi, cùng với đó là 49 gia đình trong tột cùng nỗi đau vì mất người thân. Nước Mỹ lại một lần nữa hứng chịu hành động khủng bố bởi sự kết hợp chết người giữa lòng thù hận tích tụ và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt mà người ta dễ dàng có được như đi mua thuốc ho.

Và bây giờ, vụ xả súng còn kéo theo đó những vấn đề chính trị. Tất cả những vụ nổ súng hàng loạt đều gây kinh động quốc gia, nhưng vụ tấn công lần này xảy ra vào giữa thời điểm đang diễn ra chiến dịch tranh cử tổng thống khó chịu nhất, gây chia rẽ nhất trong lịch sử Mỹ.Và nếu có ai nỗ lực để biến một trong những tội ác tồi tệ nhất lịch sử hiện đại nước Mỹ thành công cụ phục vụ cho mục đích của mình, chỉ ra tất cả những bài học sai lầm từ thảm kịch đẫm máu ở Orlando, thì người đó chỉ có thể là Donald Trump.

Phản ứng của Donald Trump về vụ xả súng ở hộp đêm Pulse khiến ông mất điểm trầm trọng trong cuộc đua trở thành tân tổng thống Mỹ. Ảnh: AP

Người ta có thể lấy thước đo một nhà lãnh đạo từ chính phản ứng của người đó trước sự kiện gây chấn động của quốc gia. Vậy điều đầu tiên mà Donald Trump - ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa đã làm là gì? Trump chúc mừng chính bản thân mình trên Twitter vì đã dự đoán được cuộc tấn công và kêu gọi Tổng thống đương nhiệm Obama "từ chức trong nhục nhã".

"Hãy nhìn xem, chúng ta đang được dẫn dắt bởi một người đàn ông không đủ cứng rắn và khôn ngoan, hoặc có thể ông ấy đang toan tính thứ gì khác trong đầu", Trump nói một cách khó hiểu hôm 12/6, ngay sau vụ xả súng.

Trong bài phát biểu chiều 12/6, Trump tiếp tục cường điệu hóa lời kêu gọi thái quá của mình để cấm tất cả những người Hồi giáo đến Mỹ.

"Khi tôi được bầu làm tổng thống, tôi sẽ dừng ngay việc nhập cư từ một số khu vực trên thế giới - những nơi đã được chứng minh là có lịch sử khủng bố chống lại nước Mỹ. Chúng ta không thể tiếp tục cho phép hàng nghìn người đổ vào đất nước chúng ta khi mà rất nhiều người trong số họ có cùng suy nghĩ như tên sát nhân man rợ này".

Ngoài việc khiến người Mỹ càng thêm bị tấn công và bài trừ, tuyên bố này của ông Trump chẳng thể làm gì để ngăn chặn những kẻ xả súng mà trong trường hợp này là Omar Mateen, một công dân Mỹ sinh ra ở New York và sinh sống tại Florida (để trốn tránh thực tế gây bất tiện này, trong bài phát biểu của mình, ông Trump đã nói rằng Mateen sinh ra ở Afghanistan).

Omar Mateen từng bị FBI điều tra về cáo buộc liên quan đến khủng bố vào năm 2013 và 2014. Ảnh: Reuters

Có rất nhiều yếu tố góp phần vào vụ thảm sát ở hộp đêm Pulse - vụ xả súng hàng loạt được xem là tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ, như: thái độ kì thị người đồng tính; sự thất bại trong việc xác định và ngăn chặn những người có lịch sử gièm pha và đe dọa bạo lực; một tín đồ Hồi giáo cực đoan mỗi ngày đều nỗ lực để bày tỏ sự tức giận, bất mãn và tìm cách lôi kéo mọi người thành những tên sát nhân hàng loạt.

Tất cả những đều này đều phụ thuộc vào một sự phản ứng của cơ quan chức năng, chỉ đáng tiếc là đã chẳng có hành động nào đáng kể. Một yếu tố khác nhẽ ra đã có thể bị can thiệp, đó là mối liên quan giữa vụ xả súng ở Orlando với những vụ xả súng ở Charleston, Aurora, Newtown, San Bernardino, Oak Creek và Chattanooga; Virginia Tech và Fort Hood - những nơi mà người dân rất dễ dàng để sở hữu một khẩu súng, đặc biệt là những loại vũ khí theo phong cách quân đội, được sản xuất cho mục đích có thể giết chết nhiều người trong khoảng thời gian ngắn.

Trong xã hội Mỹ luôn có những người tràn đầy thù hận đến không thể kiểm soát, những người muốn hủy hoại nhiều nhất có thể, dù là mang tư tưởng Hồi giáo cực đoan hay chỉ là thù hận đơn giản đối với một nhóm cụ thể. Giải pháp rõ ràng là phải mạnh tay ngăn chặn bạo lực hết mức có thể.

Tại nhiều nơi ở nước Mỹ, việc mua bán súng đạn dễ dàng như người ta mua thuốc ho.

Thế nhưng, những nhà lập pháp Washington chỉ làm cho bạo lực trở nên dễ dàng hơn bằng cách liên tục từ chối những biện pháp dù là cụ thể nhất và ít phiền toái nhất như một lệnh cấm các loại vũ khí tấn công hạng nặng hay trao quyền cho Cục Điều tra liên bang (FBI) ngăn chặn việc bán vũ khí cho những kẻ có tên trong danh sách khủng bố. Mateen - người từng bị FBI điều tra vào năm 2013 và 2014 do bị nghi ngờ có dính líu tới khủng bố - lẽ ra đã không thể mua được súng nếu luật cấm trên tồn tại. Trước khi xảy ra vụ xả súng tại Orlando, 95% các trường hợp tử vong do khủng bố tấn công trong nước sau vụ 11/9 đều do súng gây ra. Các nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan thậm chí còn mở quảng cáo về luật kiểm soát súng lỏng lẻo của Mỹ để khuyến khích những phần tử muốn thực hiện tấn công tại đây.

Không có luật nào có thể ngăn chặn được tất cả tội phạm liên quan đến súng, nhưng những luật khôn ngoan sẽ khiến những kẻ có nguy cơ cao nhất về hành vi bạo lực với súng bị giảm thiểu cơ hội có trên tay những loại vũ khí chết người.

Các nhà lập pháp Mỹ cũng nhiều lần phàn nàn rằng Tổng thống Obama không xem xét mối nguy hiểm từ IS và các nhóm Hồi giáo cực đoan một cách nghiêm túc, song giới chức Mỹ từ lâu đã cảnh báo mối đe dọa đến từ những kẻ khủng bố "cây nhà lá vườn" ngay trong lòng nước Mỹ. Tháng 10 tới, các cử tri Mỹ sẽ bầu ra những chính trị gia chuẩn bị đi đương đầu với vấn nạn súng của Mỹ và loại bỏ những người sẵn sàng khoan thứ cho nó.

Lê Huyền (New York Times)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news