Tin mới

Vụ mẹ tự tử cho con được học: Chính quyền "sâu sắc nhận khuyết điểm"

Thứ năm, 07/08/2014, 16:35 (GMT+7)

(Tinmoi.vn) – Lúc dân kiến nghị, đề xuất thì chính quyền thông báo còn chờ để xem xét, khi để xảy ra sự việc đáng tiếc thì chính quyền chỉ một câu xin lỗi, nhận khuyết điểm, rút kinh nghiệm là xong.

(Tinmoi.vn) – Lúc dân kiến nghị, đề xuất thì chính quyền thông báo còn chờ để xem xét, khi để xảy ra sự việc đáng tiếc thì chính quyền chỉ một câu xin lỗi, nhận khuyết điểm, rút kinh nghiệm là xong.

 


Gia đình thuộc diện khó khăn, làm đơn xin cấp sổ hộ nghèo nhưng mãi không được xét duyệt, vậy là sau một tháng toan tính kỹ lưỡng, chị Nguyễn Thị Mỹ Nhân, 38 tuổi, ngụ ấp 5, xã An Xuyên, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau quyết định… chết. Chị chọn quyên sinh là giải pháp cuối cùng với hy vọng kiếm được ít tiền phúng điếu và gia đình được cấp sổ hộ nghèo. Đau đớn đến mức trong lá thư để lại, chị vẫn còn xin chính quyền địa phương xét cấp sổ hộ nghèo cho chồng con chị “được sống những ngày tháng còn lại trên đời”.

Cái chết thương tâm của chị đã gây bàng hoàng cho người dân xã An Xuyên nơi gia đình chị sinh sống. Đại diện chính quyền địa phương cho biết sẽ “nghiêm túc rút kinh nghiệm vì chưa thực sự sâu sát, hiểu rõ tâm tư nguyện vọng của dân”.

Vấn đề là suốt trong một thời gian dài, cả gia đình chị Nhân loay hoay, chật vật trong hoàn cảnh khó khăn, túng bấn thật sự. Chị Nhân ốm đau liên miên, con học hành tốn kém, gia đình vốn dĩ đã “nghèo từ trong trứng nước” và cái chữ nghèo ấy vẫn cứ đeo bám gia đình chị dài dài. Người phụ nữ khốn khó ấy đã không ngần ngại đi tìm gõ mọi cánh cửa để có thể có một chút hy vọng cứu vớt cho cái gia đình của chị. Nhưng cái khó đã “bó” hết mọi nẻo đường, nghèo mà không được công nhận là nghèo và chuyện được cấp sổ hộ nghèo của gì đình chị cứ nằm diện chờ được xem xét mãi.

Đối với gia đình chị Nhân, cái sổ hộ nghèo dường như là chìa khóa duy nhất để tháo gỡ khó khăn và bế tắc. Có sổ, có tiền cho con đóng học; có sổ, có tiền chữa bệnh, gia đình mới bớt túng quẫn. Và chỉ khi xảy ra câu chuyện đau lòng “một cái chết và …một cuốn sổ” của chị Nhân thì chính quyền địa phương mới thấu được cái sự khó khăn của gia đình chị. Đại diện chính quyền hứa sâu sắc nhận khuyết điểm và nghiêm túc rút kinh nghiệm, đồng thời đề xuất cộng đồng chung tay giúp đỡ.

Qua sự việc thương tâm của chị Nhân, người ta đặt câu hỏi về trách nhiệm và lương tâm của chính quyền sở tại – với tư cách là lực lượng sâu sát với dân, quan tâm đến đời sống của dân, là “công bộc” của dân nhưng lại có thái độ vô cảm với nỗi khổ của họ. Khi mọi chuyện đau lòng xảy ra (và thường trong tình huống quá muộn) thì họ mới nhận khuyết điểm về mình. Và phải chăng chính quyền cứ “nhận lỗi” là xong.

Và không chỉ tồn tại điều đau xót này nơi gia đình chị Nhân sinh sống, hiện nay vẫn còn nhiều địa phương – hoặc vì chạy theo thành tích, khu phố văn hóa, ấp văn hóa, phường văn hóa, xã văn hóa, nhiều người nghèo, khó khăn thực sự nhưng vẫn không hề được xét duyệt và công nhận diện nghèo; hoặc hạch sách dân với đủ loại thủ tục rườm rà, vòng vo rồi mới cấp sổ.

Cái chết của chị Nhân đã hé lộ cung cách làm việc quan liêu của cơ quan công quyền địa phương. Ông Nguyễn Tiến Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết: "Tôi rất đau xót trước cái chết của chị Nhân. Giận chính quyền sở tại để xảy ra chuyện đau lòng này. Chúng tôi đã chỉ đạo TP Cà Mau khẩn trương rà soát, kiểm tra trách nhiệm chính quyền địa phương ấp 5 và xã An Xuyên và cả phía lãnh đạo Ngân hàng Chính sách của TP Cà Mau". Vậy là vẫn những khẩu hiệu rà soát, kiểm tra quen thuộc. Và trong khi dân có đề xuất, kiến nghị thì không được xem xét, nhưng cứ để xảy ra những chuyện “cháy nhà chết người” thì chính quyền mới có động thái “rà soát” lại trách nhiệm của các bên liên quan. Nếu không nói đây là căn bệnh quan liêu của cán bộ thì có thể thay bằng tên gọi nào chính xác hơn. 

Vũ Đậu

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news