Tin mới

Sếp Đất Lành: Đề xuất cho công chức vay ưu đãi 2 tỉ đồng là

Thứ năm, 25/09/2014, 08:55 (GMT+7)

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, Ngân hàng\nNhà nước đề xuất cho cán bộ, công nhân viên chức được vay tối đa 2 tỉ đồng để\nxây, mua nhà là "vô duyên".

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, Ngân hàng Nhà nước đề xuất cho cán bộ, công nhân viên chức được vay tối đa 2 tỉ đồng để xây, mua nhà là "vô duyên".

 

“Vô duyên” ở chỗ vừa sai ở mục đích ý nghĩa, lại vừa không có tính khả thi, bởi đối tượng cần hỗ trợ hiện nay là người nghèo, người thu nhập thấp không có nhà. Còn nếu công chức cần mua nhà đã có gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng.

Liên quan đến đề xuất xây dựng gói hỗ trợ vay mua nhà cho cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang nhân dân... tối đa lên đến 2 tỉ đồng với lãi suất 6-7,5%/năm của NHNN, PV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM về vấn đề này.

 

Ông đánh giá thế nào về đề xuất mới đây của NHNN khi cho cán bộ công nhân viên chức vay tối đa 2 tỉ đồng để mua nhà ở?

Tôi thấy đề xuất này mang tính khiên cưỡng, tức là NHNN đang cố gắng tìm cách gì đó để cho thị trường BĐS thoát khỏi khó khăn, để tiêu hết số tiền của NHNN nhưng đề xuất đưa ra lại không phù hợp. Tại vì dù có vẽ ra dự án nào đi chăng nữa thì cũng phải xác định rõ là hỗ trợ cho đối tượng nào?

Ví dụ như cho người dân vay với lãi suất thấp để chăn nuôi hoặc cho ngư dân vay tiền để đầu tư tàu đánh cá với lãi suất 0% thì hoàn toàn có ý nghĩa, vì nó mang tính chất đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng an ninh, khi đó Nhà nước hỗ trợ là hợp lý.

Cũng như gói 30.000 tỉ đồng, tôi hoàn toàn ủng hộ ý nghĩa, mục đích của nó nhưng tôi phê phán cách thức tổ chức thực hiện quá kém để rồi thất bại. Đối tượng cần cho vay là những người nghèo, những người thu nhập thấp đang không có nơi ở, cần có một căn nhà đầu tiên trong đời thì cho vay là đúng.

Còn ông công chức, tuy rằng lương không cao nhưng có nhiều bổng lộc, có công ăn việc làm ổn định. Khi ông mua một miếng đất trị giá tiền tỷ, sau đó Nhà nước lại cho ông vay thêm 2 tỉ đồng để ông xây nhà, vậy thì quá bất công đối với những công nhân, học sinh, những sinh viên mới ra trường xin việc mãi mới kiếm được 3-5 triệu đồng/tháng mà không có nhà. Điều này sẽ tạo ra sự bất công và chắc chắn xã hội sẽ lên án.

Mức lãi suất NHNN dự kiến đưa ra cho công chức vay là từ 6-7,5%/năm và nhiều người cho rằng mức lãi suất này vẫn là cao. Ông suy nghĩ thế nào về vấn đề này?

Cần phải hiểu, lãi suất mà các DN như của tôi đang đi vay là từ 10-12-14%, chứ không thể vay được lãi suất 6-7%. Đấy là dự án của tôi là dự án nhà ở cho người thu nhập thấp, gần như là nhà ở xã hội lại không được ưu đãi gì, gần như là vay theo lãi suất bình thường dành cho nhà ở thương mại.

Vậy hà cớ gì mà ông công chức có tiền mua miếng đất vài ba tỷ, thậm chí hơn thế nữa rồi giờ lại được vay thêm 2 tỉ đồng để xây nhà với lãi suất ưu đãi? Hỗ trợ như vậy sẽ giúp cho ông công chức có thu nhập khá có được một cái nhà khang trang hơn, trong khi đó rất nhiều công chức nghèo khác và hàng triệu người lao động cần một căn phòng 30-40m2 lại không có. Do vậy tôi hoàn toàn phản đối đề xuất này.

Lãi suất 6-7% nên dành cho những vấn đề mang tính chất quốc phòng, an sinh xã hội, giúp cho người dân, người nghèo, người thất nghiệp. Còn công chức nên để cho vay theo đúng lãi suất bên ngoài, như những người khác.

Nếu như công chức có nhu cầu mua nhà ở xã hội, mua nhà dành cho người thu nhập thấp thì hãy quay về gói 30.000 tỉ đồng, chỉ có 5%/năm thôi, còn rẻ hơn cả gói này, bày đặt sinh thêm gói này làm gì cho phức tạp.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM

Mặc dù có thể đề xuất này không mang tính chất nhân văn như ông phân tích, nhưng nếu được triển khai trong thực tế thì theo ông liệu có khả thi?

Tôi cho rằng hoàn toàn không có tính khả thi. Lương công chức hiện nay là bao nhiêu? 7-8 triệu đồng/tháng là cao rồi. Lương giám đốc Sở cũng chỉ từ 5-10 triệu đồng, còn lương nhân viên thường thường thì 3-5 triệu đồng. Mà tiền vay cộng với lãi phải trả hàng tháng sẽ rơi vào khoảng 15 triệu đồng/tháng. Bây giờ lương có 3-5 triệu đồng mà phải trả những 15 triệu đồng/tháng thì tiền ở đâu?

Thứ nhất, khi ngân hàng xét duyệt cũng sẽ không cho vay. Thứ hai, giả sử ngân hàng cho vay thì công chức không có tiền trả sẽ dễ dẫn đến làm bậy. Phải làm bậy thì mới kiếm được mỗi ngày 500.000 đồng, chứ làm công chức bình thường thì kiếm đâu ra.

Mà làm bậy ở đây là làm gì? Là hoạnh họe người dân, hoạnh họe DN để làm sao kiếm được 500.000 đồng/ngày. Cho nên mục đích, ý nghĩa của gói này cũng không đúng. Còn nếu nói về cách thức thực hiện cũng không khả thi. Bởi vì công chức nào trả nổi 15 triệu đồng/tháng?

Tuy nhiên đại diện NHNN đã lập luận rằng mức vay 2 tỉ đồng là tối đa, dành cho những công chức có thu nhập khá, còn với những công chức có thu nhập trung bình sẽ chỉ có thể vay ở mức thấp hơn?

Nếu như vậy thì phải khẳng định rõ ràng là chỉ cho vay tối đa 500 triệu đồng. Tôi cho rằng thà là cho 4 người vay 500 triệu đồng còn tốt cho xã hội hơn là cho 1 người vay 2 tỉ đồng. Tại vì khi anh đưa ra một mức tối đa thì người ta có thể vay tối đa. Bây giờ chỉ cho vay tối đa 500 triệu đồng/người thì sẽ có ý nghĩa, nhân văn hơn và sẽ giống như gói 30.000 tỉ đồng.

Nhưng lật ngược lại vấn đề thì lại thấy thêm sự vô lý. Vì gói 30.000 tỉ đồng hiện nay vẫn đang trong giai đoạn giải ngân mà không tập trung vào làm cho tốt, lại vẽ ra thêm gói này để làm cái gì? Gói 30.000 tỉ đồng là rất hay, chỉ là cách thực hiện quá dở, còn gói 2 tỉ đồng cho công chức này thì từ ý nghĩa đã sai lệch cho đến cách thực hiện cũng không khả thi, làm sao mà thành công được?

Gói 2 tỉ đồng giành cho công chức sẽ lạc lõng, chẳng giải quyết được vấn đề gì lại hết sức "vô duyên". Thà là chúng ta quay về gói 30.000 tỉ đồng, tập trung giải quyết những vấn đề khó khăn, bất lợi để tạo điều kiện cho công chức, người thu nhập thấp dễ dàng vay vốn còn lợi hơn gấp nhiều lần.

Xin cảm ơn ông!

Theo ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), gói hỗ trợ vay mua nhà cho cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang nhân dân... sẽ hướng đến những người có thu nhập trung bình khá trở lên có thể vay tiền ngâ hàng để mua căn hộ chung cư cao cấp, trung cấp và nhà liền kề...

Dự kiến thời gian vay tối đa là 10 năm và một hộ gia đình có thể vay tới 2 tỉ đồng, bằng khoảng 75% tổng giá trị căn hộ mà người vay mua. Mức lãi suất đang được Vụ Tín dụng các ngành kinh tế tính toán sẽ dao động 6-7,5%/năm. Người vay sẽ dùng chính căn nhà làm tài sản để thế chấp khi vay vốn.

Một trong những điều kiện để xét được vay từ gói này là tổng thu nhập bình quân hằng tháng của cả gia đình khoảng 25 triệu đồng trở lên. Như vậy, mức thu nhập để xác định được vay vốn ưu đãi từ gói này không phải chỉ là thu nhập của người đứng tên vay mà là thu nhập của cả gia đình gồm của người vay và của vợ (chồng)

Những căn cứ để nghiên cứu xây dựng gói hỗ trợ nhà ở này là xuất phát từ nhu cầu thực tế của thị trường và người dân. Căn hộ đảm bảo nhu cầu ở cho một gia đình 2-3 thế hệ, tức là có bố mẹ và hai đứa con, thêm ông bà nữa thì phải có diện tích 70-100m².

Bên cạnh đó, hiện nay thị trường đang tồn số lượng rất lớn các căn hộ có diện tích này. Do vậy, ngoài gói tín dụng 30.000 tỉ đồng dành cho đối tượng có thu nhập thấp thì Nhà nước cần triển khai gói tín dụng ưu đãi dành cho đối tượng thu nhập khá có thể vay mua ở phù hợp với nhu cầu sử dụng.

Theo Motthegioi

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news