Tin mới

Bão số 10: Miền Trung hối hả chống bão

Thứ năm, 14/09/2017, 14:46 (GMT+7)

Các địa phương từ Thanh Hóa đến Đà Nẵng đang căng mình để chuẩn bị những phương án đối phó với siêu bão số 10 sắp đổ bộ.

Các địa phương từ Thanh Hóa đến Đà Nẵng, Bình Định đang căng mình để chuẩn bị những phương án đối phó với siêu bão số 10 sắp đổ bộ.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Trung ương, khoảng 10h ngày 14/9, vị trí tâm bão Doksuri nằm trên khu vực biển quần đảo Hoàng Sa và chỉ còn cách bờ biển các tỉnh Hà Tĩnh - Quảng Bình khoảng 600km về phía Đông. Cường độ của bão mạnh cấp 11, tăng 2 cấp so với một ngày trước. 

Thông tin trên Vietnamnet, VnexpressTri thức trực tuyến cho hay các tỉnh khu vực miền Trung đang đồng loạt thực hiện nhưng phương án để đối phó với "siêu bão" số 10 sắp đổ bộ. 

Tại Thanh Hóa: Chưa liên lạc được với 33 ngư dân trên biển

Theo Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Thanh Hóa, tính đến 8h sáng ngày 14/9, còn 3 tàu thuyền với 33 ngư dân (thuộc xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa) đang đánh bắt thủy hải sản tại vùng biển vịnh Bắc Bộ vẫn chưa liên lạc được. 

Chính quyền tại địa phương và gia đình hiện vẫn đang tìm cách liên lạc với 3 tàu để kêu gọi vào nơi tránh trú an toàn. 

1.232 phương tiện với 6.958 lao động đang hoạt động trên biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận, các phương tiện này đều đã liên hệ được với gia đình và chính quyền địa phương, đồng thời đã tìm được nơi tránh trú an toàn.

Tại Nghệ An

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng cho hay, sáng nay tỉnh tổ chức họp trực tuyến, giao cho từng địa phương nhằm chủ động sẵn sàng ứng phó với bão. Theo ông Hồng "Các thành viên trong Ban chỉ huy phòng chống lụt bão sẽ trực tiếp xuống tận địa phương, bám sát chỉ đạo các tình huống trước và sau khi bão đổ bộ". 

Biên phòng tại Nghệ An hướng dẫn các tàu thuyền neo đậu an toàn chống bão. Ảnh: Vietnamnet

Tại vùng biển TX. Cửa Lò, tàu thuyền của ngư dân đã neo đậu kín ở các cầu cảng. Lực lượng Bộ đội Biên phòng luôn thường trực để thông báo diễn biến mới nhất từ bão. 

Chủ tàu cá NA-90218 Vũ Văn An cho biết, tàu đang cách bờ biển 2 hải lý, khoảng 12h trưa nay tàu vào đến nơi tránh bão. Thời tiết trên biển rất xấu, mưa và sóng biển rất mạnh.

Tại Hà Tĩnh

Chiều ngày 13/9, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã họp với các huyện, tiến hành tuyên truyền thong điệp chống bão với tinh thần khẩn trương nhất và cấm biển chiều cùng ngày. 

Người dân giằng chống nhà cửa để ứng phó với bão. Ảnh: Vietnamnet

Phó chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn cho hay, với bão cấp 12, tỉnh phải di dời hơn 28.000 dân tại 13 huyện, thị xã. "Chúng tôi đã điểm danh từng địa bàn, từng điểm có dân phải di dời. Các điểm như cửa sông, khu vực lũ quét với khoảng 10.000 dân sẽ được di dời trong hôm nay", ông Sơn cho biết.

Tại Quảng Bình

Tại Quảng Bình vẫn còn gần 300 tàu ngoài khơi và tất cả cam kết vào bờ trong ngày 14/9. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Hoài xác định cần phải di dời hơn 20.000 hộ dân nên đã phân công các lãnh đạo tỉnh trực tiếp phụ trách từng địa bàn. 

"Khó khăn lớn nhất là những tàu công suất trên 300 CV không có chỗ neo đậu, kiến nghị Chính phủ sớm hỗ trợ đầu tư", ông Hoài nói.

Ngư dân Nguyễn Văn Nam trú tại xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới cho biết: “Đây là cơn bão rất lớn, ngay khi nhận được thông báo, chúng tôi lập tức cho thuyền vào tránh trú sau đó về chằng chéo nhà cửa, chuẩn bị đón bão".

Với những thuyền nhỏ đánh bắt gần bờ, ngư dân tập trung phủ bạt trùm kín, cột đá và chằng néo cẩn thận vào bờ kè.

Tại Đà Nẵng

Hơn 1.300 ngư dân đang còn trên biểnTrong cuộc họp bàn cách ứng phó bão số 10 diễn ra vào sáng nay, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã yêu cầu TP tập trung lực lượng phòng chống bão. 

Ngư dân Đà Nẵng đưa tàu thuyền lên bờ tránh bão. Ảnh: Vietnamnet

Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP đề nghị có phương án phòng, chống lũ quét và sạt lở đất, đặc biết tại các vị trí hiểm yếu như sông Túy Loan và Cu Đê. 

Đến 5h sáng nay, TP còn  1.312 lao động/162 phương tiện đang hoạt động trên các vùng biển ở Hoàng Sa, vùng biển từ Nghệ An đến Bình Định và ven bờ Quảng Nam, Đà Nẵng. Cơ quan chức năng đã liên lạc cho các phương tiện vào bờ tránh bão.

Tại Bình Định:100 tàu đang trong vùng nguy hiểm

Thông tin từ hệ thống trạm bờ của Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định, toàn tỉnh hiện có 100 tàu/600 thuyền viên đang trong vùng nguy hiểm của bão. 

Đến trưa nay ngày 14/9, lực lượng chức năng đã liên lạc được với 90 tàu  và được biết đang di chuyển xuống phía Nam để tránh bão. 

Trưa nay, tàu BĐ 93065 TS có 8 lao động do ông Nguyễn Đức Thái (SN 1983 ở thôn Xuân An, xã Cát Minh, huyện Phù Cát) làm chủ kiêm thuyền trưởng, hành nghề rút chì tại khu vực cách Sông Cầu, Phú Yên khoảng 33 hải lý về hướng Đông Đông Nam bị hỏng máy, không thể khắc phục cũng đang được tàu cá BĐ 93593 TS của ông Trần Trung Trinh (ở xã Cát Khánh, huyện Phù Cát) trên đường tiếp cận, lai dắt.

Đến khoảng 13h chiều nay, do ảnh hưởng hoàn lưu cơn bão số 10, mưa đã xuất hiện ở nhiều địa phương trong tỉnh. Nhiều diện tích lúa vụ hè thu đang được bà con tập trung thu hoạch nhằm chạy bão, lũ.

Trong một diễn biến khác, trong cuộc họp trực tuyến với các bộ ngành, địa phương để ứng phó với bão cố 10 của Chính phủ diễn ra vào sáng nay, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh bão Doksuri (bão số 10) là cơn bão mạnh nhất vài năm qua, nếu không ứng phó kịp thời, hậu quả sẽ rất lớn.

"Tôi yêu cầu tập trung đảm bảo an toàn cho các hoạt động trên biển, từ kiểm đếm đến di chuyển tàu thuyền khỏi các khu vực nguy hiểm. Trong ngày 14/9 phải thực hiện đồng loạt cấm biển", ông Dũng chỉ đạo.

Phó thủ tướng cũng lưu ý các địa phương tập trung thu hoạch lúa, hoa màu tại những vùng bị ảnh hưởng, hướng dẫn, hỗ trợ người dân nhằm đảm bảo an toàn lồng bè, nhà nổi.

"Nhiệm vụ quan trọng nhất là tập trung sơ tán triêt để người dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Kiên quyết sơ tán, cần thiết phải cưỡng chế, không để người dân còn ở trên lồng bè, chòi canh, ở trong các công trình chất lượng kém", Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Hồng Hạnh (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news