Tin mới

"Sinh viên sức dài vai rộng ăn cơm từ thiện 2.000 đồng" có đáng lên án?

Thứ sáu, 13/10/2017, 09:28 (GMT+7)

Mới đây, những dòng chia sẻ về việc sinh viên xếp hàng mua cơm 2.000 đồng ở Sài Gòn là "không có lòng tự trọng" của một người sáng lập dự án phát triển nghề nghiệp cộng đồng cho sinh viên đang dấy lên những tranh cãi trái chiều.

Mới đây, những dòng chia sẻ về việc sinh viên xếp hàng mua cơm 2.000 đồng ở Sài Gòn là "không có lòng tự trọng" của một người sáng lập dự án phát triển nghề nghiệp cộng đồng cho sinh viên đang dấy lên những tranh cãi trái chiều.

Ngày 11/10, anh Vũ Tuấn Anh - người sáng lập dự án phát triển nghề nghiệp cộng đồng cho sinh viên, đã đăng tải hình ảnh nhiều bạn sinh viên xếp hàng mua cơm Từ thiện tại một quán cơm 2.000 đồng ở quận 1, TP.HCM.

Đi kèm 2 hình ảnh là dòng chia sẻ thể hiện sự thất vọng và bức xúc trước cảnh tượng các nam sinh viên mà anh Tuấn Anh cho rằng là những người "sức dài vai rộng ăn cơm từ thiện của người nghèo".

"Sinh viên sức dài vai rộng cần phải biết tự trọng để không ăn cơm từ thiện của người nghèo hoặc cùng lắm thì thỉnh thoảng", anh Tuấn Anh viết với những từ ngữ lên án vô cùng gay gắt.

Theo chia sẻ của anh Tuấn Anh, cảm giác đầu tiên của anh khi nhìn thấy hàng chục sinh viên xếp đen đặc để ăn cơm từ thiện đó chính là "sững sờ". Anh tự hỏi, "Chẳng lẽ các bạn hy vọng các bạn sống nhờ từ thiện cả đời hay sao?".

Nhiều ý kiến cho rằng đã là khách vào quán ăn cơm thì đều cần được tôn trọng chứ không có quyền phê phán, đánh giá. Ảnh chụp màn hình

Cũng theo chia sẻ của chủ nhân bài viết, là hình ảnh này không chỉ xảy ra 1, 2 lần hay thỉnh thoảng mà đó là thực trạng thường xuyên xảy ra tại quán cơm này. "Tôi cẩn thận hỏi các anh bên cạnh, các anh nói sinh viên hôm nào cũng tới đông lắm", bức xúc trước hình ảnh này, Tuấn Anh cho rằng các sinh viên nên chăm chỉ, tìm kiếm công việc phù hợp để kiếm tiền, chứ đừng trông chờ vào miếng ăn miễn phí bởi nó vốn được dành cho những người nghèo.

Có ý kiến cho rằng Tuấn Anh đừng nên phán xét chủ quan như vậy. Ảnh chụp màn hình

"Trong khi đó cơ hội làm việc kiếm tiền có rất nhiều nhưng các bạn lười biếng và chỉ có miếng ăn miễn phí cho dù miếng ăn đó cướp của người nghèo. Có 10 suất làm việc tử tế và ăn uống từ chính sức lao động của chính mình nhưng các bạn sinh viên có chịu đi làm hay không?", Vũ Tuấn Anh viết tiếp.

Ngay sau khi được đăng tải, bài viết của anh Tuấn Anh đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của người dùng mạng với những ý kiến bình luận trái chiều.

Nhiều người lên tiếng đồng tình với nhận xét của anh Tuấn Anh khi cho rằng sinh viên sức dài vai rộng hoàn toàn có thể làm thêm để kiếm tiền nuôi sống bản thân.

"Dù có nghèo nhưng nếu có học thức và sức khỏe thì các sinh viên này hoàn toàn có thể kiếm tiền và mua thức ăn bằng mồ hôi, công sức của mình. Hãy để dành những suất cơm từ thiện ấy cho những người thực sự khó khăn và cần hơn", một người dùng mạng bình luận.

Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có không ít người phản đối và chỉ trích dòng chia sẻ của anh Tuấn Anh.

"Mở quán cơm là để giúp những người khó khăn, các em sinh viên người ta cũng có ý thức chứ sao lại không? Tại sao lại đánh giá con người các em ý như vậy? Các em ấy đi học có thời gian để đi làm thêm hay không? Các em ấy có khó khăn hay không? Có ai biết không mà lại phán xét như vậy. Các em đi học tiền các em chi tiêu đều là do bố mẹ gửi lên.

Chẳng lẽ các em ăn một bữa cơm từ thiện rồi bị nói là không có tự trọng rồi à. Đúng là các em có thể đi làm thêm nhưng có thời gian để đi làm thêm không? Muốn đi làm thêm cũng phải kiếm việc phù hợp với thời gian học, có phương tiện đi lại không? Nhà trọ đóng cửa sớm hay muộn nữa, nếu không phải kiếm việc làm thêm gần nhà.

Các bạn nghĩ sao các em ấy không đi kiếm việc làm thêm đi. Thưa các bạn có ai đã đi xin việc làm thêm chưa? đi xin rồi thì sẽ rõ. Không phải việc gì muốn xin là có đâu ạ! Không dễ đâu ạ. Mong rằng đừng vơ đũa cả nắm, đừng phán xét chủ quan như vậy thôi", một độc giả đặt hàng loạt câu hỏi về những khó khăn của các bạn sinh viên.

Một độc giả khác đồng quan điểm lên tiếng: "Không nên vơ đũa cả nắm. Trong số đó cũng có người này người kia. Nhiều khi xin mãi mới được 2.000 đồng  để mua cơm từ thiện đấy. Không phải lúc nào cũng có thể kiếm được việc làm phù hợp, với điều kiện cụ thể của mỗi người về lịch học ở trương, điều kiện đi lại, sức khỏe ..., đã thiếu ăn thì làm gì có sức dài được".

Đức Hòa (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news