Tin mới

Số phận của những tàu ngầm hạt nhân hết thời

Thứ ba, 07/04/2015, 19:49 (GMT+7)

Khi tàu ngầm hạt\nnhân không còn giá trị sử dụng, các chuyên gia sẽ tháo dỡ chúng theo một quy\ntrình phức tạp và mất nhiều thời gian.

Khi tàu ngầm hạt nhân không còn giá trị sử dụng, các chuyên gia sẽ tháo dỡ chúng theo một quy trình phức tạp và mất nhiều thời gian.

Tàu ngầm hạt nhân là công cụ hữu ích trong các hoạt động thăm dò bí mật. Tuy nhiên, khi không còn có thể đáp ứng các nhiệm vụ cơ bản, chúng sẽ trở thành mối nguy hại trôi nổi trên mặt nước. Kể từ khi Hải quân nhiều nước phải xử lý các hạm đội tàu ngầm tấn công từ thời Chiến tranh Lạnh, hay tàu ngầm đạn đạo hạt nhân đã già nua, một trong những ngành công nghiệp kỳ lạ nhất hành tinh ra đời.

Tại khu vực biển Kara, phía bắc vùng Siberia của Nga, "nghĩa trang" ngầm nơi tàu được chất đống như rác thải với các lò phản ứng và nhiên liệu rải rác ở độ sâu 400 m. Bãi phế liệu tàu ngầm chạy bằng diesel ở quanh vịnh Olenya, thuộc bán đảo Kola ở tây bắc Nga, chất đầy mũi tàu gỉ để lộ ống phóng ngư lôi bên trong, tháp chỉ huy bị ăn mòn lật úp theo nhiều góc kỳ lạ hay thân tàu vỡ ra từng mảng.

Theo cơ quan môi trường Bellona của Na Uy, Liên Xô biến vùng biển Kara thành hố rác phóng xạ. Đáy biển rải rác 17.000 thùng chứa chất thải phóng xạ, 16 lò phản ứng và 5 tàu ngầm hạt nhân nguyên vẹn với một lò phản ứng còn nhiên liệu. Trong khi đó, khu vực biển Kara giờ đây là mục tiêu cho các công ty khai thác dầu mỏ và khí đốt. Nils Bohmer, giám đốc quản lý Bellona, cảnh báo rằng hoạt động khoan vô tình vào chất thải tàu ngầm cũ có thể chọc thủng các lò phản ứng hoặc thanh nhiên liệu, giải phóng nuclit phóng xạ.

Một số nghĩa địa tàu ngầm còn có thể nhìn thấy từ Google Maps hoặc Google Earth. Phóng to khu lưu trữ chất thải hạt nhân lớn nhất của Mỹ ở Hanford, Washington, vịnh Sayda ở bán đảo Kola, bạn sẽ nhìn thấy chúng. Những hộp thép khổng lồ được chất thành hàng dài đến 12 m ở Hanford, trôi nổi trên mặt nước thuộc vùng biển Nhật Bản, hoặc neo ở bến tàu thuộc căn cứ tàu ngầm Pavlovks gần Vladivostok (Nga).

Các tàu ngầm hết hạn sử dụng sẽ được đưa về cảng ở Vladivostok - Ảnh: Internet.

Loại bỏ

Hộp kim loại là những gì còn sót lại từ hàng trăm chiếc tàu ngầm hạt nhân. Cơ quan xử lý của Bộ Quốc phòng Mỹ tại Bremerton, Washington, rút nhiên liệu và đóng kín chúng. Trong quy trình tỉ mỉ này, tàu ngầm thải loại sẽ được đưa đến một bến đỗ để rút cạn nhiêu liệu. Nguồn nhiên liệu dư thừa được đóng vào thùng chứa và vận chuyển an toàn đến cơ sở xử lý hoặc nhà máy tái chế.

Các bộ phận như máy phát điện hơi nước, máy bơm, van và đường ống giờ đây không còn chứa uranium, nhưng phần kim loại bên trong vẫn còn nhiễm phóng xạ. Sau quá trình loại bỏ nhiên liệu, chuyên gia sẽ tách các khoang thuộc lò phản ứng cùng một khoang trống ra khỏi thân tàu và hàn mỗi đầu nối bằng thép dày.

Một số tàu ngầm của Liên Xô trước đây chứa kim loại lỏng (kết hợp chì và bitmut) để làm mát lò phản ứng và loại bỏ nhiệt từ lõi. Khi trời lạnh, lò phản ứng đóng băng, biến đổi thành dạng khối. Bohmer cho biết hai tàu ngầm kiểu này hiện chưa được vô hiệu hóa và phải chuyển đến một xưởng đóng tàu ở vịnh Gremikha để đảm bảo an toàn.

Sử dụng phương pháp tách ba bộ phận riêng biệt, Nga đã xử lý được 120 tàu ngầm hạt nhân từ Hạm đội phương Bắc và 75 tàu ngầm từ Hạm đội Thái Bình Dương. Trong khi đó tại Mỹ, 125 tàu ngầm từ thời Chiến tranh Lạnh đã được tháo dỡ bằng cách này. Pháp cũng áp dụng quy trình tương tự.

Thiết kế của tàu ngầm của Hải quân Hoàng gia Anh cho phép tách module lò phản ứng mà không cần cắt các khoang từ bộ phận giữa. Tuy nhiên, kế hoạch xử lý 12 tàu ngầm tại Devonport , miền nam nước Anh và 7 tàu ngầm ở Rosyth, Scotland, sẽ không diễn ra cho đến khi chính phủ quyết định 5 khu vực lưu giữ nhiên liệu cũ và bình áp suất.

Quy trình xử lý và tháo gỡ tàu ngầm hạt nhân vô cùng phức tạp - Ảnh: Internet.

Ô nhiễm

Các tổ chức bảo vệ môi trường bày tỏ sự lo ngại đối với các khu vực lưu trữ nhiên liệu tại Mỹ. Phòng thí nghiệm Quốc gia Idaho (INL) từ lâu đã là địa điểm tập kết cuối cùng các thùng nhiên liệu đã qua sử dụng, từ tàu ngầm hạt nhân đầu tiên mang tên USS Nautilus (1953).

"Lò phản ứng nguyên mẫu cho USS Nautilus được thử nghiệm tại INL và kể từ đó, tất cả nhiên liệu từ tàu ngầm của hải quân đều được đưa đến Idaho. Nhiên liệu đã qua sử dụng được trữ trên bề mặt, nhưng phần chất thải còn lại được chôn ở trên tầng ngậm nước và điều này có thể tiếp tục khoảng 50 năm nữa. Đây là nguyên nhân gây lo ngại cho người dân ở Idaho", Beatrice Brailsford, thành viên tổ chức môi trường Snake River Alliance, nói. Không chỉ ảnh hưởng đến nguồn nước sạch, nó còn ảnh hưởng đến các vụ mùa.

Ngay cả khi được bảo vệ với độ an toàn cao, chất phóng xạ vẫn có thể rò rỉ ra ngoài. Hiện tượng rò rỉ bất thường từng xảy ra ở cả INL và Hanford khi cây cỏ bụi bay vào bể làm mát, dính nước nhiễm xạ và được gió thổi bay ra ngoài.

Trong khi đó, các biện pháp dài hạn và tốn kém dường như không ngăn cản các nhà hoạch định quân sự tiếp tục chế tạo thêm nhiều tàu ngầm. Không chỉ riêng Mỹ, Nga cũng đang ráo riết lắp ráp thêm 4 tàu ngầm hạt nhân mới ở Severodvinsk và có thể chế tạo thêm 8 chiếc trước năm 2020. Các nghĩa địa tàu ngầm và nơi lưu trữ nhiên liệu đã qua sử dụng dường như sẽ còn tiếp tục bận rộn trong thời gian tới.

Nha Trang ( Tổng hợp)

 

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news