Tin mới

Sốc khi nhận lương hưu 297 nghìn đồng/tháng

Thứ hai, 18/05/2015, 14:20 (GMT+7)

Sau 34 năm làm giáo viên mầm non, cô Nguyễn Thị Thỏa (Hưng Yên) vô cùng sốc khi mức lương hưu mình được nhận chỉ là 297.299 đồng/tháng.

Sau 34 năm làm giáo viên mầm non, cô Nguyễn Thị Thỏa (Hưng Yên) vô cùng sốc khi mức lương hưu mình được nhận chỉ là 297.299 đồng/tháng.

Tin tức trên báo Lao động cho biết, bà Nguyễn Thị Thỏa, năm nay 57 tuổi, là giáo viên mầm non trường Lệ Xá, huyện Tiên Lữ từ năm 1980. Đến tháng 1.2014, khi hết tuổi LĐ, bà có 34 năm công tác trong ngành giáo dục, trong đó có 19 năm đóng BHXH bắt buộc (từ tháng 1.1995). Vì chưa đủ 20 năm đóng BHXH, bà đóng thêm một năm BH tự nguyện với tổng số tiền là 13,8 triệu đồng để đủ điều kiện hưởng lương hưu. Tuy nhiên đến tháng 1.2015, khi lên nhận quyết định lương hưu, bà Thỏa không tin vào mắt mình. Lương hưu mà BHXH tỉnh tính cho bà là 297.299 đồng/tháng. “Mức tiền này suýt soát với mức lương cơ sở cách đây 20 năm. Đồng lương ít ỏi không đủ để tôi ăn sáng chứ chưa nói đến chi tiêu ăn uống sinh hoạt cả tháng trời” - bà Thỏa nói.

Cô giáo Nguyễn Thị Thỏa sốc với mức lương hưu 297 nghìn đồng/tháng sau 34 năm cống hiến cho ngành GD. Ảnh: Báo Lao động

Về trường hợp của bà Thỏa, BHXH tỉnh Hưng Yên cho biết, chính sách đối với giáo viên mầm non giai đoạn trước năm 1995 được thực hiện theo Quyết định số 152 ngày 8.4.1976 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn, trong đó có Thông tư số 909 ngày 21.5.1977 của liên bộ Giáo dục - Tài chính - Nông nghiệp về việc bổ sung Chính sách đối với giáo viên mẫu giáo. Theo đó, giáo viên mẫu giáo chưa được tuyển vào biên chế nhà nước thì thời gian làm giáo viên mẫu giáo trước khi được tuyển vào biên chế nhà nước không được tính là thời gian công tác hưởng BHXH, mà chỉ được tính từ khi tham gia đóng BHXH.

Vì chỉ được tính từ tháng 1.1995, nên khi hết tuổi LĐ, bà Thỏa mới chỉ được 19 năm đóng BHXH bắt buộc, chưa đủ 20 năm để đủ điều kiện hưởng lương hưu. Do đó bà Thỏa đóng thêm 1 năm BHXH tự nguyện. BHXH tỉnh Hưng Yên cho biết, công thức tính hưởng lương hưu trí cho những đối tượng như bà Thỏa được quy định theo Nghị định 190 ngày 28.12.2007 của Chính phủ và Thông tư số 02 hướng dẫn thực hiện.

Cụ thể, cách tính là tính bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian. Với cách tính trên, lương bình quân của bà Thỏa là 495.499 đồng. Trường hợp của bà Thỏa, tỉ lệ % tính lương hưu hàng tháng là 60% nên bà Thỏa được hưởng số tiền lương hưu hàng tháng là 297.299 đồng. Do tại thời điểm giải quyết, chưa có văn bản quy định mức điều chỉnh tiền lương, tiền công và thu nhập tháng đã đóng BHXH áp dụng cho năm 2015 (có thể hiểu là điều chỉnh trượt giá) nên BHXH tỉnh Hưng Yên tạm thời giữ nguyên mức tiền lương, tiền công và thu nhập tháng đã đóng BHXH để giải quyết lương hưu.

Ngày 23.1.2015, Bộ LĐTBXH ban hành Thông tư số 03 quy định mức điều chỉnh tiền lương, tiền công và thu nhập tháng đã đóng BHXH áp dụng trong năm 2015. Trên cơ sở này, BHXH tỉnh Hưng Yên đã điều chỉnh lại lương hưu đối với bà Thỏa từ 297.299 đồng/tháng lên mức 558.349 đồng/tháng. Bà Thỏa cho rằng, dù được điều chỉnh như trên thì lương hưu vẫn rất thấp, không đủ trang trải sinh hoạt hằng tháng. Bà đề nghị được điều chỉnh lương hưu bằng mức lương cơ sở (1.150.000 đồng).

Nhóm các cô giáo ở Đô Lương - Nghệ An đi "hỏi cho rõ" về mức lương hưu bèo bọt. Ảnh: Báo Giáo dục

Đồng cảnh ngộ với cô giáo Thỏa, hàng chục giáo viên mầm non mới về hưu ở tỉnh Thanh Hóa mới đây đã liên tục gửi đơn và gõ cửa cơ quan chức năng đề nghị xem xét chế độ lương hưu được cho là bất hợp lý khiến người lao động chịu nhiều thiệt thòi, đời sống rơi vào cảnh khó khăn.

Phản ánh trên Vnexpress.net, cô Phạm Thị Sang (57 tuổi, nguyên Hiệu trưởng Trường mầm non xã Trường Sơn, huyện Nông Cống) cho hay, cô vào ngành giáo dục từ tháng 9/1973, đến tháng 11/2013 thì nghỉ hưu. 40 năm công tác, gắn bó với bậc học mầm non và từng làm hiệu trưởng, bí thư chi bộ nhà trường nhiều năm liền, nhưng khi về nghỉ chế độ, cô Sang chỉ nhận được mức lương chưa đến 440.000 đồng mỗi tháng.

Cô Sang cho hay, quãng thời gian 1973-1995, bậc học mầm non ở vùng nông thôn gặp muôn vàn khó khăn. Giáo viên và cán bộ quản lý chỉ được hưởng công điểm của hợp tác xã nông nghiệp bằng thóc gạo hay ngô, khoai…, song các cô vẫn vượt qua, gắn bó với nghề “gõ đầu trẻ” như một niềm đam mê.

Từ tháng 1/1995, giáo viên mầm non địa phương được hưởng phụ cấp mức 290.000 đồng/tháng và được hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện. Từ ngày 1/1/2012, theo quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về chuyển đổi 525 trường học mầm non bán công sang công lập, cô Sang mới được biên chế vào viên chức nhà nước, được đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Tháng 11/2013, cô giáo Sang đủ 55 tuổi và nghỉ hưu theo quy định nhưng còn thiếu 14 tháng đóng bảo hiểm xã hội mới đủ 20 năm để được hưởng lương hưu. Vì vậy, cô Sang phải tự đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện số tháng còn lại. Tháng 1/2015, cô có quyết định nhận lương hưu của bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa, với mức 437.236 đồng/tháng.

Bà giáo về hưu cho hay, hồi đầu năm đi lĩnh lương hưu 3 tháng (tháng 1-3/2015) được vẻn vẹn hơn 1,3 triệu đồng, về nhà tủi thân quá nên ngồi khóc mãi.

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Thanh Hóa, hiện tỉnh này có hơn 100 giáo viên mầm non mới được nghỉ chế độ bảo hiểm xã hội nhưng chỉ nhận mức lương từ 320.000 đến dưới 700.000 đồng/tháng. Trong đó, tại huyện Yên Định có 30 người, huyện Tĩnh Gia 30, Hoằng Hóa 52, Hậu Lộc 30 người… Số này đang làm đơn kiến nghị gửi cơ quan chức năng có thẩm quyền đề nghị can thiệp.

Bên cạnh đó, tháng 3/2015, gần 20 giáo viên mầm non vừa nghỉ hưu tại huyện Đô Lương, Nghệ An cũng đã lên Bảo hiểm xã hội tỉnh để hỏi quyền lợi từ chế độ bảo hiểm xã hội sau khi nghỉ hưu, cũng bắt nguồn từ những nguyên nhân giống với những trường hợp trên.

Nam Nam (Tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: giáo viên mầm non