Tin mới

Sự im lặng đầy toan tính của Bắc Kinh khi Đài Loan xây cảng trên đảo Ba Bình

Thứ ba, 27/05/2014, 10:46 (GMT+7)

(Tinmoi.vn) Đài Loan đang chuẩn bị xây dựng một cảng trị giá 100 triệu USD tại Biển Đông, động thái được cho là chiến lược quân sự. Theo các chuyên gia phân tích, lý do cho sự im lặng của Trung Quốc trước động thái này là bởi Bắc Kinh luôn xem Đài Loan là một tỉnh ly khai và sớm muộn gì, đảo Ba Bình hay Đài Loan cũng sẽ thuộc về họ.

(Tinmoi.vn) Đài Loan đang chuẩn bị xây dựng một cảng trị giá 100 triệu USD tại Biển Đông, động thái được cho là chiến lược quân sự. Theo các chuyên gia phân tích, lý do cho sự im lặng của Trung Quốc trước động thái này là bởi Bắc Kinh luôn xem Đài Loan là một tỉnh ly khai và sớm muộn gì, đảo Ba Bình hay Đài Loan cũng sẽ thuộc về họ.

 

Hãng Reuters ngày 25/5 đưa tin Đài Loan chuẩn bị cho xây dựng một cảng trị giá 100 triệu USD tại đảo Ba Bình của Việt Nam. Động thái này được cho là một chiến lược quân sự. 

Ba Bình chỉ là một đảo nhỏ, không có cơ sở vật chất phức tạp giống như những hòn đảo bị tranh chấp khác. Nó chỉ có một đường băng duy nhất nối Trường Sa với một đảo có nguồn nước ngọt. 

Denny Roy, một thành viên cao cấp của Trung tâm Đông - Tây tại căn cứ Hawaii cho rằng: "Đài Bắc biết rõ Trung Quốc sẽ không bận tâm đến điều này, vì vậy họ hoàn toàn tự do nâng cấp cơ sở của mình trên đảo Ba Bình mà không sợ chỉ trích từ Bắc Kinh. Trung Quốc sẽ bảo vệ các đơn vị đồn trú của Đài Loan nếu cần thiết."

Các quan chức Bộ Quốc phòng và Giao thông Đài Loan cho biết, việc nâng cấp cơ sở vật chất trên đảo Ba Bình sẽ được hoàn thành vào cuối năm sau hoặc sớm hơn, thay thế cầu cảng hiện có chỉ có thể chứa các loại tàu nhỏ.

Cảng mới có khả năng chứa các tàu khu trục và tàu cảnh sát biển với khả năng choán nước là 3.000 tấn  đồng thời phía Đài Loan cũng sẽ nâng cấp đường băng dành cho máy bay Hercules C-130 trái phép tại Ba Bình lên 1.200 mét (3.940 feet).

Theo các quan chức Đài Loan, việc xây dựng cảng mới trên đảo Ba Bình không chỉ là một cách để tuyên bố chủ quyền mà còn hỗ trợ nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại, đồng thời giúp ngư dân Đài Loan khai thác, đánh bắt trong khu vực. 

Đảo Ba Bình, đảo duy nhất có nước ngọt trên quần đảo Trường Sa, nơi Đài Loan đang tiến hành xây dựng cảng giá trị tới 100 triệu USD

Đảo Ba Bình, đảo duy nhất có nước ngọt trên quần đảo Trường Sa, nơi Đài Loan đang tiến hành xây dựng cảng giá trị tới 100 triệu USD

Ba Bình là một đảo san hô thuộc cụm Nam Yết của quần đảo Trường Sa, Việt Nam. Đảo này nằm cách đảo Sơn Ca 6,2 hải lí (11,5 km) về phía tây và cách đảo Nam Yết khoảng 11 hải lí (20,4 km) về phía đông bắc. Đây là đảo có diện tích lớn nhất Trường Sa.

Cả Trung Quốc và Đài Loan đều đòi chủ quyền tại hầu hết khu vực Biển Đông, xâm phạm chủ quyền biển đảo của các quốc gia như Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei. Trong khi mối quan hệ Trung Quốc - Đài Loan đã được cải thiện kể từ khi Mã Anh Cửu đắc cử Tổng thống Đài Loan năm 2008, Trung Quốc chưa bao giờ loại trừ việc dùng vũ lực để kiểm soát Đài Loan.

Tuy nhiên, nếu xung đột nổ ra tại Trường Sa, nhiều nhà phân tích cho rằng Trung Quốc sẽ bảo vệ Ba Bình như một hòn đảo của riêng mình.

Zhang Zhexin, một nhà nghiên cứu về các vấn đề Đài Loan tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, cho biết Bắc Kinh sẽ không ngăn cản Đài Loan phát triển đảo Ba Bình bởi “Bản thân Đài Loan dù sao cũng là lãnh thổ của Trung Quốc. Làm thế nào chúng ta có thể có một tranh chấp lãnh thổ ngay trong đất nước chúng ta? Đài Loan là một phần của Trung Quốc, do đó, tất cả những gì của Đài Loan đều là của Trung Quốc, bao gồm cả đảo Ba Bình".

Nhân viên bảo vệ bờ biển và binh sĩ Đài Loan thường xuyên đóng quân trên đảo Ba Bình, phục vụ các chuyến bay vận tải quân sự thường xuyên và được bảo vệ bởi các loại vũ khí phòng thủ bờ biển.

Không giống như Bắc Kinh, Đài Bắc không đề cao việc khẳng định tuyên bố chủ quyền của mình trong Biển Đông, cũng như không triển khai các hạm đội hải quân hay dân sự trên vùng biển mà Bắc Kinh gọi là đường chín khúc. 

Đài Loan cũng không hề loan báo kế hoạch nâng cấp của họ trên đảo Ba Bình.

Phát ngôn viên của Lin Yu-fang, một nhà lập pháp thuộc chính quyền Quốc Dân Đảng của Tổng thống Mã Anh Cửu và một người ủng hộ quan trọng của dự án cảng cho biết: "Chúng tôi sẽ không bao giờ xâm chiếm hòn đảo bị chiếm đóng bởi các quốc gia khác, nhưng chúng tôi sẽ tích cực bảo vệ tuyên bố của mình".

Trong khi đó, Bắc Kinh đang phải hứng chịu sự phản đối dữ dội từ phía Việt Nam và Philippines cũng như sự lên án kịch liệt của cộng đồng quốc tế sau khi hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng thềm lục địa Việt Nam. Tiếp sau đó, Philippines cáo buộc Bắc Kinh khai hoang đất trên một đảo đá tranh chấp ở quần đảo Trường Sa để xây dựng đường băng đầu tiên ở Biển Đông. Do vậy, nếu lúc này Bắc Kinh lên tiếng phản đối việc Đài Loan xây dựng cảng trên đảo Ba Bình sẽ chỉ "đổ thêm dầu vào lửa" trong tình hình căng thẳng tại Biển Đông hiện nay, mà bản thân Bắc Kinh cũng không hề được lợi lộc gì. 

Từ trước đến nay, Đài Loan chưa từng tỏ thái độ hợp tác với Trung Quốc trong vấn đề tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, bất chấp mối quan hệ lịch sử có thể dẫn tới  sự mất lòng tin chính trị giữa họ. Một nguyên nhân cho vị trí "ngoài cuộc" của Đài Bắc còn vì họ luôn muốn duy trì mối quan hệ tốt với Mỹ, quốc gia từng nhiều lần lên tiếng chỉ trích sự tranh chấp ngang ngược, vô lý của Trung Quốc với các quốc gia khác trong khu vực. Đối với hầu hết các bên liên quan, Đài Loan đều muốn giữ mối quan hệ tốt đẹp, không muốn làm phật lòng Trung Quốc lẫn các nước Đông Nam Á nhằm duy trì mối quan hệ hợp tác kinh tế tốt đẹp.

Những thời điểm khác nhau của các tranh chấp, căng thẳng đã đẩy Đài Loan buộc phải tham gia vào các cơ chế khu vực để giảm bớt căng thẳng. Tuy nhiên, sự cản trở từ phía Trung Quốc đã ngăn Đài Bắc tham gia vào những nỗ lực làm dịu bớt tình hình thông qua Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

"Tôi nghĩ rằng mối quan tâm chính hiện nay của Đài Bắc là mối quan hệ Mỹ - Đài Loan. Chính phủ Mỹ đã yêu cầu Đài Loan không thể "xích lại gần" với Trung Quốc trong những tranh chấp, căng thẳng trên Biển Đông," Song Yann-Huei, một chuyên gia về Biển Đông tại Academia Sinica, một trung tâm nghiên cứu được tài trợ bởi nói chính phủ Đài Loan cho hay.

 

Yên Yên (Theo Theage)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news