Tin mới

Sự kinh hoàng của kỳ thi đại học ở Trung Quốc

Chủ nhật, 08/06/2014, 15:14 (GMT+7)

Cuối tuần này, 9,4 triệu thí sinh Trung Quốc sẽ thực sự nếm trải nỗi kinh hoàng của kỳ thi đại học khắc nghiệt nhất hành tinh.

Cuối tuần này, 9,4 triệu thí sinh Trung Quốc sẽ thực sự nếm trải nỗi kinh hoàng của kỳ thi đại học khắc nghiệt nhất hành tinh.

Trong hai ngày 7/6 và 8/6, gần 9,4 triệu thí sinh Trung Quốc sẽ tham dự kỳ thi cao khảo (gaokao), kỳ thi đại học lớn nhất và khắc nghiệt nhất hành tinh để quyết định số phận của các học sinh cấp 3 nước này. Kỳ thi này cũng là biểu tượng cho bản chất siêu cạnh tranh trong hệ thống giáo dục Trung Quốc.

Ví dụ điển hình cho sự khắc nghiệt trong kỳ thi đại học này là trường trung học Hành Thủy, nơi có những học sinh đạt điểm cao nhất trong các kỳ thi cao khảo. Tại ngôi trường được mệnh danh là “nhà máy luyện đại học” này, các học sinh đều được sắp xếp thời khóa biểu chặt chẽ đến từng phút từ 5:30 sáng đến 10:10 tối mỗi ngày.

Học sinh Trung Quốc tranh thủ học bài mọi lúc mọi nơi

Mỗi tháng, học sinh chỉ có được duy nhất một ngày nghỉ. Người Trung Quốc cho rằng kiểu học hành “cày cuốc như trâu” này mới là cách hiệu quả nhất để giúp học sinh vào được đại học. Kết quả thống kê cho thấy học sinh của trường Hành Thủy chiếm tới 80% số thí sinh của cả tỉnh Hà Bắc đỗ vào 2 trường đại học danh tiếng là Thanh Hoa và Bắc Kinh.

Tuy nhiên, hệ thống giáo dục kiểu “nhà máy” như ở trường Hành Thủy cũng đã bộc lộ những nhược điểm ngày càng lớn, bởi mục tiêu duy nhất của những ngôi trường này chỉ là giúp học sinh đạt điểm cao trong kỳ thi đại học.

Một cựu học sinh trường Hành Thủy cho biết phương pháp giáo dục của ngôi trường này đã biến học sinh thành những cỗ máy “cứng nhắc” về tinh thần bởi cách học vẹt đầy khuôn sáo không hề có tính sáng tạo, khiến các em không được chuẩn bị tốt cho cuộc sống thời sinh viên.

Học sinh tranh thủ xả stress trước khi dự thi đại học


Theo Tân Hoa Xã, những “siêu trường” kiểu như Hành Thủy tồn tại chỉ để phục vụ duy nhất một mục tiêu là kỳ thi đại học. Ông Xiong Bingqi, Phó Chủ tịch Viện Nghiên cứu Giáo dục Thế kỷ 21 của Trung Quốc nói: “Những ‘siêu trường’ này là kết quả trực tiếp của hệ thống nặng về thi cử của Trung Quốc.”

Trong những năm gần đây, cuộc tranh cãi trong dư luận Trung Quốc về giá trị của kỳ thi đại học ngày càng trở nên nóng bỏng, đặc biệt là sau những trường hợp thương tâm như của thí sinh Lưu Quỳnh, cô gái đã không hề biết gì về việc cha mình qua đời suốt 2 tháng trời chỉ vì gia đình lo rằng tin tức đó sẽ ảnh hưởng đến kết quả thi đại học của cô.

Chỉnh đồng hồ chuẩn bị cho kỳ thi


Những người phản đối kỳ thi cao khảo cho rằng kỳ thi này không chỉ khuyến khích lối học vẹt trong học sinh mà còn gây ra những áp lực khủng khiếp về sức khỏe thể chất và tinh thần cho các em. Năm ngoái, ít nhất 4 học sinh Trung Quốc đã tự sát vì kết quả thi đại học không được như mong đợi.

Hậu quả của áp lực thi cử khủng khiếp này là một số trường học đã dung dưỡng cho hành vi gian lận có hệ thống của học sinh. Năm ngoái, các phụ huynh học sinh ở tỉnh Hồ Bắc đã nổi loạn bên ngoài một ngôi trường vì con em mình bị trông thi quá chặt không thể gian lận được.

Các phụ huynh này cho rằng gian lận trong kỳ thi đại học đã là một “lẽ thường” của cuộc sống, và việc con em họ không được gian lận là “không công bằng”. Điều đó đã khiến chính phủ Trung Quốc phải ra những tuyên bố cứng rắn rằng hành vi gian lận sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc trong kỳ thi năm nay.

Lễ tiễn các thí sinh lên đuông đi thi đại học

Ngoài những tranh luận về những hậu quả của kỳ thi đại học đối với học sinh, dư luận Trung Quốc cũng đang đặt ra câu hỏi lớn về tác động của nó đối với xã hội. Trong nhiều năm trời, học sinh Trung Quốc buộc phải dự thi đại học ở nơi đăng ký hộ khẩu, khiến con em nhiều gia đình lao động nhập cư phải khốn đốn khi vượt đường xa về quê để dự thi.

Từ năm 2012 trở lại nay, Trung Quốc bắt đầu dần dần bãi bỏ quy định này, và đến năm nay, có 28 tỉnh thành cho phép học sinh được thi tại nơi học tập mà không phải về quê. Tuy nhiên, thống kê của Tân Hoa Xã cho thấy chỉ có tới 56.000 học sinh gia đình nhập cư được hưởng quy định này, chiếm một phần nhỏ trong 9,4 triệu thí sinh dự thi.

Hàng triệu thí sinh lên đường về quê thi đại học


Việc quy định này vẫn được áp dụng rộng rãi ở nhiều nơi là do người dân sở tại ở các thành phố lớn muốn “đuổi” con em lao động nhập cư về quê thi để con em họ bớt áp lực trong kỳ thi. Chẳng hạn như ở Bắc Kinh, những học sinh có hộ khẩu thủ đô được ưu đãi điểm đầu vào đại học thấp hơn, thế nên họ không muốn bãi bỏ quy định này vì không muốn chia sẻ đặc quyền đó với con em lao động nhập cư.

Chính những vấn đề về đặc quyền đặc lợi, khoảng cách nông thôn-thành thị và gian lận có hệ thống đang trở thành những đề tài nóng trong chế độ khoa cử ở Trung Quốc. Trong khi đó, hàng triệu thí sinh Trung Quốc vẫn đang cạnh tranh nhau một cách quyết liệt để có được một suất vào đại học, mặc dù cơ hội việc làm cho họ sau đại học vẫn chẳng khá khẩm hơn bao nhiêu. Bởi một lẽ vô cùng đơn giản, với đa số học sinh Trung Quốc hiện nay, trượt đại học vẫn là một thứ ác mộng khiến họ “tàn đời”.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: áp lực thi cử