Tin mới

Sự thật chuyện cọp thọt khổng lồ đoạt mạng nhiều người

Thứ bảy, 02/05/2015, 08:05 (GMT+7)

Ở ngôi làng bên bờ sông Lô, có một câu chuyện rùng rợn về cọp thọt chân khổng lồ, đã ăn thịt nhiều người. Nhiều nhân chứng vẫn không khỏi hoảng hốt khi kể về con cọp này.

Ở ngôi làng bên bờ sông Lô, có một câu chuyện rùng rợn về cọp thọt chân khổng lồ, đã ăn thịt nhiều người. Nhiều nhân chứng vẫn không khỏi hoảng hốt khi kể về con cọp này.

Thoát chết từ… miệng cọp 

Người ta đã phải dựng cả miếu, đặt bát hương thờ phụng nó ở chân núi cùng các vị thần, để mong không còn ai mất mạng vì nó nữa, mặc dù, nó đã bị tóm sống, bị đem xuống thuyền đưa đi xử tử.Câu chuyện rùng rợn về cọp thọt chân khổng lồ, vẫn còn ám ảnh khôn nguôi người đàn bà thoát chết từ miệng cọp. 

Đến đầu thôn Việt Hương (xã Thái Bình, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang), hỏi bà Lê bị cọp vồ, ai cũng biết. Những câu chuyện rùng rợn về con hổ khổng lồ, chỉ thích ăn thịt người ấy được kể suốt mấy chục năm nay. Những nhân chứng liên quan đến con cọp này vẫn còn sống và kể rõ về nó. Ông Phan Đình Mùi, sinh ra, lớn lên ở vùng đất này, rồi xuống Hà Nội làm cán bộ địa chất, về hưu lại quay về Yên Sơn, chứng kiến tường tận nhiều chuyện liên quan đến con hổ khổng lồ, dẫn tôi đi gặp người phụ nữ thoát chết từ miệng cọp dữ. 

Sự thật chuyện cọp thọt khổng lồ đoạt mạng nhiều người

Sự thật chuyện cọp thọt khổng lồ đoạt mạng nhiều người. Ảnh minh họa

Nhà bà Trần Thị Lê ở sâu trong khe núi, trên mỏm một quả đồi thấp, xung quanh là những dãy núi thấp bao bọc. Bà Lê tập tễnh ra đón khách. Đã gần 80 tuổi, song bà Lê vẫn rất minh mẫn, hồn hậu. Nhắc lại chuyện con cọp thọt chân khổng lồ, chuyên vồ người ăn thịt, bà Lê liền kéo ống quần, “khoe” vết cắn ở cổ chân cho chúng tôi xem.

Bà Lê bảo: “Mọi người đồn tôi là con giời chứ không phải người thường. Chẳng biết đồn thế có đúng không, nhưng tôi thoát chết khi đã vào miệng con hùm thì đúng là sự lạ. Con hùm ấy ăn thịt biết bao nhiêu người rồi, cả bộ đội, thế mà không ăn thịt được tôi. Đây, cháu nhìn xem, vết ngoạm lột da chân vẫn còn rõ rành rành đây. Chuyện tôi bị hùm vồ thì cả vùng này biết. Mọi người toàn gọi tôi là bà Lê hùm vồ không chết”. 

Bà Trần Thị Lê sinh năm 1935, ở vùng đất này. Bố mẹ là người dưới xuôi, lên Yên Sơn lập nghiệp, khai hoang.Thời điểm đó, vùng đất này cực kỳ hoang vắng. Yên Sơn là vùng núi thấp, lẫn đồi yên ngựa. Ngay phía trong là rừng già bạt ngàn. Vùng núi này rất phù hợp với môi trường sống của hổ, nên hổ có rất nhiều. Người dân nơi đây gọi loài mãnh chúa rừng xanh là hùm. 

Năm 1951, khi bà Lê 16 tuổi, là năm chạy loạn khốn khổ. Giặc Pháp từ sông Lô bắn lên, câu pháo suốt ngày. Ban ngày, người dân kéo cả vào hang đá trú ẩn, tránh đạn lạc, pháo kích, đêm mới quay về làng. Ngày thì giặc quấy nhiễu, đêm hổ ăn thịt, tính mạng của người dân như treo trên sợi tóc. 

Ngày đó, cuộc sống còn nghèo khó, nhà cửa tạm bợ, nhưng hàng rào thì rất chắc chắn. Nhà nào cũng quây hàng rào, cắm những chiếc cọc nhọn hướng mũi ra ngoài, để tránh hổ phi vào nhà quắp người đi. Bố Lê cũng cắm cọc khắp nơi, lại đặt bẫy ngay lối vào nhà, để phòng cọp. 

Thế nhưng, đêm đó, tầm 22 giờ, khi mọi người đang ngủ, thì thiếu nữ Trần Thị Lê hét lên đau đớn. Trời tối, chỉ có ánh trăng lọt qua cửa sổ, nhưng Lê nhìn rõ con cọp khổng lồ, xộc mùi hôi vào mũi. Con cọp ngoạm vào chân trái Lê kéo xềnh xệch ra phía cửa chính.Nghe tiếng hét của con gái, người mẹ nằm cạnh tỉnh dậy. Nhanh như chớp, bà mẹ nắm chặt tay con gái, tay kia bà ôm vào cột nhà. Con hổ nhay đi nhay lại, nhằm kéo Lê đi, nhưng người mẹ gắng hết sức cứu mạng con trước miệng cọp. Vừa cứu con, bà vừa la toáng hổ vồ người. 

Nghe tiếng kêu cứu, ông anh rể của Lê ở nhà cạnh thức giấc, đã vác súng kíp chạy sang. Ông này xông thẳng về phía con hổ, bóp cò. Tiếng súng nổ đinh tai. Chẳng biết có trúng hổ không, nhưng nó bỏ lại thiếu nữ Trần Thị Lê, nhảy tót vào rừng và biến mất.Nghe tiếng súng, tiếng tri hô, nhân dân trong làng đốt đuốc, vác súng, cung nỏ, dao quắm đuổi theo con cọp vào trong rừng, nhưng không thấy nó đâu, cũng không thấy dấu máu. 

Nhìn vết chân, với 3 chân đều chằn chặn bằng miệng bát tô, một chân sau bên trái thì chỉ nhỏ bằng cái bát con, vết nông và mờ hơn, mọi người biết ngay đây chính là con cọp thọt chân, đã ăn thịt rất nhiều người trong vùng. Ngay trong đêm, mọi người tá hỏa rước ông lang người Dao quần trắng đến bốc thuốc, điều trị vết thương cho thiếu nữ Lê. 

Con hổ ngoạm vào cổ chân, kéo tuột một vạt da to bằng bàn tay, lòi cả gân và xương trắng, máu chảy thành vũng. Ông lang người Dao rửa vết thương bằng thảo dược, khâu da lại, rồi đắp thuốc.Ngày đó, đường sá xa xôi, bệnh viện chẳng có, nên chỉ trông chờ vào thuốc Nam. Phải đắp thuốc suốt 7 tháng, cô gái Trần Thị Lê mới đi lại được như người bình thường. 

Thiếu nữ 13 tuổi bị cọp ăn thịt 

Theo ông Phan Đình Mùi, ngay sau hôm con cọp khổng lồ thọt chân vào tận nhà vồ người ở xã Thái Bình (Yên Sơn, Tuyên Quang), cư dân trong vùng vô cùng hoang mang, sợ hãi.Trước đó, con cọp này đã từng vồ nhiều người trên nương, phục kích bắt người ở các đường mòn vào rừng, ăn cắp vô số trâu bò của dân, nhưng chuyện nó vào tận nhà vồ người ăn thịt thì chưa từng xảy ra. 

Theo lời các cụ, chỉ có những con hổ thọt chân, hổ già, mới hay bắt người ăn thịt. Những con hổ khỏe mạnh, bình thường, thì chúng ít vồ người, chủ yếu bắt thú để ăn. Con người là đối thủ đáng sợ nhất, nên nó nể nang hơn. Chỉ có những con hổ già, hổ thọt, không còn nhanh nhẹn để vồ thú nữa, thì mới bắt người để ăn. 

Khi đã ăn thịt người rồi, thì nó quen miệng, quen mùi, sẽ chỉ tìm cách bắt người để ăn. Chính vì thế, con cọp thọt này là nỗi ám ảnh kinh sợ của người dân vùng Yên Sơn. Ngày đó, phía trong xóm Việt Hương, bên kia dãy núi thấp, là đại ngàn Trung Sơn, cánh rừng hoang rậm mênh mông, kéo dài đến tận Thái Nguyên và phía Bắc của Tuyên Quang, nối liền với vùng Bắc Mê của Hà Giang.

Khu rừng mênh mông đó ít có con người sinh sống, là lãnh địa của cọp. Loài cọp đi từ rừng sâu, qua khe núi, gọi là khe Cửi, để ra sông Lô uống nước. Nó cũng đi qua khe Cửi để tóm người tha vào rừng sâu ăn thịt. Ông Phan Đình Mùi kể: “Những ngày đó, cứ đêm đến, từ khe Cửi vang ra tiếng “à ừm” hoặc “à uôm” rất kinh hãi, rợn cả người. Đôi khi, nó còn giả tiếng nai kêu “péc péc”, tiếng mèo, hoặc tiếng ếch “uôm uôm”. 

Thế nhưng, dù nó giả tiếng con gì, tôi cũng phát hiện ra được. Tiếng của cọp nghe trầm, nhưng khỏe, vang xa và khiến người nghe thấy dựng tóc gáy, nổi da gà. Tiếng nó nghe đã hãi, lại phát ra từ khe núi, âm thanh dội đi dội lại càng kinh khiếp hơn.Cứ chập choạng tối, là con cọp thọt chân, cùng bầy đoàn của nó kéo về khe Cửi, hòng tìm cách bắt người ăn thịt. Ngày đó tôi còn nhỏ, nhưng vẫn nhớ rõ từng chi tiết về nó.Riêng tôi thống kê cũng phải có đến chục người trong vùng bị con cọp thọt chân này ăn thịt. Sợ nhất là vụ nó ăn thịt cô Thoa, là bạn của tôi và ăn thịt một anh bộ đội đóng quân ngay ở trong làng”. 

Theo lời kể của ông Mùi, sau lần ăn thịt trượt bà Trần Thị Lê, người dân ráo riết phục kích, đặt bẫy tiêu diệt con cọp. Tuy nhiên, nó như cọp thành tinh, rất khôn. Biết con người săn lùng, nó không về làng Việt Hương nữa, mà đi bắt người ở nơi khác. 

Hai năm sau, vào năm 1953, thì nó đột ngột về làng bắt cô gái Dương Thị Thoa. Chuyện con cọp thọt ăn thịt cô gái đang tuổi cập kê này gây kinh hãi cho cả vùng.Bố cô bé Thoa nhà nghèo, đi ở cho nhà ông Tuất, được ông nhận là con nuôi. Ông Tuất theo cách mạng. Nhà ông Tuất bằng gỗ, rộng rãi, chắc chắn. Bộ đội về làng thường ăn ngủ ở nhà ông Tuất. 

Đêm ấy, trời mùa hè, nóng, nên ông Tuất mở cửa cho gió lùa vào. Cô bé Thoa nằm ngủ ở giữa nhà, giường hai bên có mấy anh bộ đội ngủ. Khoảng 4 giờ sáng, mọi người tỉnh dậy, không thấy cô bé Thoa đâu cả, mới đổ xô đi tìm. Đốt đuốc, thì thấy vết máu từ trong nhà ra cổng, rồi mất hút trong rừng. 

Điều kinh dị là quần áo Thoa rách nát, vương ở chái nhà. Thấy cảnh máu me và quần áo còn lại, mọi người biết ngay thủ phạm là con cọp thọt chân. Con cọp này có một thói quen kỳ lạ, là khi quắp người đi, nó thường lột quần áo vứt lại, chỉ tha người. Khi tha vào trong rừng, nó còn đùa giỡn như mèo vờn chuột, đến khi nào con mồi dập hết lục phủ ngũ tạng, ngừng thở, thì nó mới ăn thịt. 

Sáng sớm hôm đó, mọi người đuổi theo dấu chân hổ và dấu máu vào rừng, những mong cứu được bé Thoa, hoặc ít ra cũng lấy lại được xác. Thế nhưng, đi đến khe Cửi, thì không thấy dấu vết gì nữa. Chỉ thấy một đống máu ở đó, búi tóc, cùng với bầy nhầy dãi của cọp. Con cọp đó đã ăn thịt sạch sẽ thiếu nữ 13 tuổi. Theo lời ông Mùi, khi đó, mọi người đều sợ hãi, bàn lui, không dám tiếp tục đi sâu vào trong rừng. Người thì khẳng định bé Thoa đã bị cọp ăn thịt hết, người thì khẳng định nó đã tha xác đi rất xa rồi, có đuổi theo cũng vô nghĩa. 

Ông Tuất rất đau buồn, chỉ còn biết khóc thương, rồi đắp ngôi mộ giả cho cô con gái nuôi.Sau khi thiếu nữ Dương Thị Thoa bị cọp thọt chân ăn thịt, dân làng nổi sóng căm thù, thề quyết tâm tiêu diệt con hổ dữ. Khi đó, nhà nào cũng được trang bị súng, rồi từng đoàn thợ săn vào rừng truy lùng con hổ.Thế nhưng, mọi người chỉ dám đi đến chỗ khe Cửi, chứ không dám vào sâu trong rừng. Ở rừng sâu, cây cối rậm rạp, núi đá cheo leo, nhiều chỗ hiểm, nên rất khó đối phó với loài cọp, vì thế, ít ai dám bước chân sâu vào trong rừng. 

Còn tiếp… 

Phong An – Tô Hiển

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news