Tin mới

Sự thật về cuốn sách Trung Quốc coi là "bằng chứng sở hữu Biển Đông"

Thứ hai, 20/06/2016, 16:06 (GMT+7)

Hãy cùng theo chân phóng viên BBC tới đảo Hải Nam của Trung Quốc để biết được Bắc Kinh đang thực sự nghĩ gì về tuyên bố gây tranh cãi đối với một khu vực rộng lớn trên Biển Đông.

Hãy cùng theo chân phóng viên BBC tới đảo Hải Nam của Trung Quốc để biết được Bắc Kinh đang thực sự nghĩ gì về tuyên bố gây tranh cãi đối với một khu vực rộng lớn trên Biển Đông.

Tại đây, mọi thứ đều được làm để chứng minh và khẳng định chủ quyền, từ chính phủ và các Chính sách quân sự cho tới hoạt động đánh cá, du lịch, thậm chí cả lịch sử nơi này.

Tháng trước, Nhân dân Nhật báo đã đưa tin về cuốn sách 600 năm tuổi của một ngư dân tỉnh Hải Nam tên Su Chengfen và gọi đó là "bằng chứng sở hữu Biển Đông" của Trung Quốc. Nhóm phóng viên do trưởng đại diện BBC tại Bắc Kinh John Sudworth dẫn đầu đã tìm đến cảng Đàm Môn, phía đông đảo Hải Nam để tìm hiểu về câu chuyện này.

Cuốn sách được Trung Quốc coi là "bằng chứng sở hữu Biển Đông". Ảnh: Nhân dân Nhật Báo

Cuốn sách được cho là có chép lại thông tin hướng dẫn hoa tiêu của tổ tiên ông Su, nói về cách làm thế nào để tới được những bãi cạn và các rạn san hô của quần đảo Trường Sa xa xôi, cách Hải Nam hàng trăm hải lý.

Trung Quốc luôn nói rằng các bãi này thuộc lãnh thổ của họ với lập luận "chúng tôi tới đó trước tiên". Vì thế, cuốn sách của ông Su được "nâng niu", "bọc trong các lớp giấy" và được xem như "Chén Thánh" hàng hải.

Truyền thông Trung Quốc nói đây là "bằng chứng thép" về chủ quyền của họ tại Biển Đông.

Ông Su, 81 tuổi, nói với nhóm phóng viên BBC: "Cuốn sách này được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác", "Từ thế hệ của ông nội tôi, đến cha tôi, rồi tới tôi", “Cuốn sách này chủ yếu dạy chúng tôi làm thế nào để đi đâu đó và quay trở lại, làm thế nào để đi đến quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và làm thế nào để trở về với đảo Hải Nam."

Ấy vậy nhưng khi được nhóm phóng viên BBC yêu cầu cho xem cuốn sách (được truyền thông nhắc tới trong thời gian gần đây) thì ông Su lại nói: "Mặc dù cuốn sách này quan trọng nhưng tôi đã quẳng đi vì nó đã cũ và hỏng".

Cho dù có chuyện gì xảy ra thì cuốn sách của ông Su không phải là bằng chứng thép cho bất cứ điều gì cả. Khi nhóm phóng viên BBC rời khỏi nhà ông Su, họ cảm thấy kỳ lạ về những gì ông nói và được chứng kiến việc kiểm soát đưa tin Biển Đông tại đảo Hải Nam.

Su Chengfen trò chuyện với phóng viên BBC. Ảnh: BBC

Trong quá trình đi lại trên đảo, họ bị đoàn của chính phủ bám theo. Mỗi khi phỏng vấn ngư dân, thương nhân, họ đều bị theo dõi và điều này chỉ dừng lại tới khi họ về khách sạn.

Những người được phỏng vấn đều lặp lại những gì mà báo đài Trung Quốc đưa tin: "Biển Đông thuộc về Trung Quốc vì ngư dân Trung Quốc tới đó đầu tiên".

Nhưng các nhà chức trách cũng không để yên. Khi một số người, trong đó có một thuyền trưởng đồng ý trả lời câu hỏi của phóng viên BBC, họ đã bị công an tiếp cận và thẩm vấn ngay.

Việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông châm ngòi làn sóng phản đối tại Philippines. Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) sắp ra phán quyết về vụ kiện của Manila đối với Bắc Kinh vào tháng tới.

Theo dự kiến, phán quyết này sẽ không có lợi cho Trung Quốc, thậm chí có thể vô hiệu hóa tuyên bố chủ quyền mở rộng (đường 9 đoạn) bao trùm tới 90% vùng biển tranh chấp.

Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi Trung Quốc nói không tham gia vụ kiện cũng như không chấp nhận phán quyết của tòa.

Đó là lý do tại sao Trung Quốc ra sức bảo vệ lập trường của mình bằng các cách khác nhau, tăng cường tuyên truyền, đặc biệt liên tục khẳng định lịch sử đứng về phía họ, tham gia thúc đẩy ngoại giao để giành được ủng hộ của các nước trên thế giới, có thêm đồng minh cho những mục đích mình theo đuổi.

Điều này giải thích tại sao các nhà chức trách lại giám sát chặt chẽ những nhà báo nước ngoài tại đảo Hải Nam.

Trong trường hợp của BBC, có lẽ còn có thêm một lý do nữa là họ tìm hiểu quá nhiều về lực lượng "dân quân biển" khét tiếng của Hải Nam.

Người ta cho rằng Trung Quốc đã huấn luyện ngư dân của mình trong nhiều thập niên. Nhưng trong vài năm trở lại đây, số lượng dân quân có mặt trên các thuyền đánh cá của Trung Quốc đã tăng lên đáng kể, như một phần của tham vọng bành trướng và khẳng định chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Lợi thế chiến lược của họ là họ thường dùng vỏ bọc tàu đánh cá dân sự để chiếm lãnh thổ trên biển, tiến hành giám sát hoặc quấy rối các tàu nước khác.

Hoạt động của các đơn vị dân quân tại cảng Đàm Môn, Hải Nam được ghi chép khá đầy đủ. Họ thậm chí còn có trụ sở riêng bên trong tòa thị chính trên đảo Hải Nam, và được đích thân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm vào năm 2013.

Mặc dù phóng viên BBC đã gạn hỏi nhưng không ai chịu nói về lực lượng trá hình đang đóng vai tàu cá dân sự của Trung Quốc. Họ càng hỏi nhiều thì lực lượng an ninh chính phủ càng bám đuôi nhiều hơn.

Giáo sư Andrew S Erickson đến từ Viện Nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc tại Trường Cao đẳng Chiến tranh Hải quân Mỹ, tin rằng sự hiện diện của lực lượng dân quân tại vùng biển tranh chấp làm tăng nguy cơ leo thang nguy hiểm. Và ông cho rằng rủi ro này có thể tăng hơn nữa sau phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực.

"Khi hội đồng trọng tại đưa ra phán quyết nào đó thì tôi cho rằng Trung Quốc sẽ cố tìm cách bày tỏ sự phản đối cụ thể, bày tỏ quyết tâm và sự không hài lòng của họ".

"Tôi nghĩ cách sử dụng lực lượng dân quân biển ở khoảng cách gần, quấy rối các tàu Mỹ, Philippines và tàu các nước khác mà điều mà các nhà hoạch định chính sách các nước phải chuẩn bị".

Theo BBC, khi Philippines chuẩn bị có một phán quyết ủng hộ cho lập trường của mình thì đây cũng có thể chỉ là một thắng lợi nửa vời. 

Bảo Linh (BBC)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news