Tin mới

Sự trở về của bốn anh em sau 41 năm

Thứ bảy, 22/11/2014, 08:11 (GMT+7)

Những năm tháng chiến tranh ác liệt, vùng đất Bến Hải anh hùng trở thành nơi đầu tuyến lửa. Mất mát và đau thương hiện hữu ngay trong tâm trí những đứa trẻ khi vừa sinh ra đã phải rời xa quê hương.

Những năm tháng chiến tranh ác liệt, vùng đất Bến Hải anh hùng trở thành nơi đầu tuyến lửa. Mất mát và đau thương hiện hữu ngay trong tâm trí những đứa trẻ khi vừa sinh ra đã phải rời xa quê hương.

 

Trong ký ức vụn vỡ, chỉ là những mảnh ghép mơ hồ về một vùng quê nắng gió. Nhưng, từ sợi chỉ mơ hồ ấy, sau mấy chục năm xa xứ, những người con tìm về lại quê hương trong sự ngỡ ngàng, kỳ diệu.

Những đứa trẻ "mồ côi" quê hương 

Xuôi dòng Bến Hải, chúng tôi tìm về mảnh đất máu thịt Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) để cùng người dân nơi đây sống lại những năm binh lửa hào hùng và ký ức về chuyến đi K.8 của những đứa trẻ mồ côi nơi đây. Chiến tranh kết thúc, tất cả lần lượt tìm về với quê hương. Nhưng, trong số ấy, bốn đứa cháu của bà Nguyễn Thị Quyên (72 tuổi, trú Xóm Rooc, xã Vĩnh Kim) mãi không thấy về. Để rồi hơn 40 năm trời, những đứa cháu ngày nào mới quay về với quê hương trong mòn mỏi đợi chờ của người dì ruột. 

Sự trở về của bốn anh em sau 41 năm

Nhân dân Vĩnh Linh đón học sinh K.8 trở lại quê nhà vào năm 1973 sau bảy năm sơ tán ra miền Bắc. (Ảnh tư liệu).

Nhắc đến những năm tháng xưa, người đàn bà 72 tuổi tâm sự: "Chưa bao giờ ký ức của tui thôi nghĩ về những năm tháng ấy. Nó như một phần máu xương của tui gắn với bốn đứa cháu còn đỏ hỏn. Sáng hôm nớ năm 1967, tui và chị ruột tên là Tuyền ra rẫy nhổ sắn về nấu ăn, bom đạn thì ác liệt không biết mô mà lần. Chị mang rổ sắn về nhà, còn tôi đi sau một chút. Về tới gần nhà chị, tui nghe tiếng máy bay ầm ầm. Dứt tiếng bom thì tui nghe tiếng kêu la "O Tuyền bị thương rồi". Căn nhà chị tui sập. Tui chạy ào xuống, bức vách đất đè lên thằng Hoàng, con trai của chị". 

Những giọt nước mắt bắt đầu lăn dài trên gò má nóng hổi, bà Quyên kể tiếp: "Chị tui chết ngay sau đó. Chỉ còn lại bốn đứa con là Nguyễn Văn Cháu (SN 1959), Nguyễn Thị Lan (SN 1962), Nguyễn Văn Phượng (SN 1964) và Nguyễn Văn Hoàng (SN 1967). Thằng Hoàng khi ấy còn đang bú, nó bị bức vách đất tường nhà sập đè lên nhưng may mắn chỉ bị thương nhẹ". Chiến tranh đã cướp mất đi mẹ của những đứa trẻ khi cách đó chưa lâu, cha chúng vừa qua đời bởi căn bệnh ung thư quái ác. Lúc đó, bốn đứa trẻ bơ vơ chỉ còn biết trông nhờ vào người dì ruột.

Thế rồi bom đạn dội xuống mảnh đất Vĩnh Kim ngày càng ác liệt, bà Quyên ngậm ngùi xin cho những đứa cháu mình đi ra Bắc theo diện K.8. 

Gạt dòng nước mắt, bà kể tiếp: "Bom đạn mù mịt không biết khi mô hết, chỉ tội nghiệp cho cu Hoàng khi mất mẹ phải bú dì. Thế rồi phải xin cho chúng đi Bắc, lòng tui xót lắm, nhớ lắm nhưng ở lại thì bom đạn biết đâu mà lường. Thế là thằng Cháu đi đầu tiên. Ngày chuẩn bị cho chúng đi, tôi sợ chúng lạc sau này không tìm được đường về quê hương nên ghi tên tuổi, quê quán vào một miếng giấy nhỏ đeo vào cổ cho mấy anh em. Nhưng rồi dì cháu, anh em cũng vẫn thất lạc nhau". 

Đó là chuỗi ký ức dài về những năm tháng bắt đầu lưu lạc nơi xứ người của những đứa trẻ và sự khắc khoải đợi chờ của bà Quyên. Cuối năm 1967, Lan khi đó mới 5 tuổi, Hoàng mới được 10 tháng đi theo gia đình bà Quyên trong chiến dịch K.8 ra Tân Kỳ (Nghệ An). Phượng khi đó mới 3 tuổi đi theo gia đình người bác bên nội cũng ra đó. 

Ra tới Tân Kỳ được một thời gian, khoảng năm 1969, mấy đứa trẻ về ở Trại nhi đồng Nguyễn Bá Ngọc tại xã Hưng Đạo (huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên). Cầm trên tay mảnh giấy của người dì ghi quê hương mình ra đi, nhưng cũng vì quá nhỏ nên những đứa trẻ không còn giữ được. 

Ra Trại nhi đồng nuôi dưỡng con em mồ côi ở Hưng Yên, ba chị em Lan, Hoàng, Phượng thuộc ba độ tuổi nên sống ở ba khu trại khác nhau. Tâm trí thơ dại ngày một phai dần những hình ảnh về quê nhà, khi họ lần lượt được những gia đình khác nhận về nuôi dưỡng. 

Nỗi khắc khoải quê nhà 

Những đứa cháu đi tập kết chưa được bao lâu thì bà Quyên được cử đi học trường sư phạm ở huyện Duy Tiên (tỉnh Hà Nam). Kể từ ấy, bà bắt đầu rong ruổi khắp xứ Bắc, tìm các cháu trong khắc khoải vô vọng. Ngược xuôi khắp nơi, nhưng không ai còn nhớ về những đứa trẻ ấy. Chỉ đến khi bà trở về lại quê nhà thì may mắn tìm được người con trai đầu của chị mình là anh Cháu. Vì là đứa con lớn nhất được đi tập kết đầu tiên, Cháu còn nhớ và tìm về được quê nhà qua những lời nhắc nhở của bà Quyên. 

Bà Quyên cho biết thêm, sau khi anh Cháu biết ba đứa em của mình đã lưu lạc đâu đó trên đất Bắc, anh lại tìm ra Hà Nội để hỏi tìm tung tích của các em. Nhưng rồi Hồ sơ thất lạc, sau nhiều chuyến kiếm tìm trong vô vọng, mấy năm sau anh Cháu mất trong một tai nạn bom mìn ở tây Gio Linh. Kể từ đây, con đường tìm kiếm những đứa cháu của bà Quyên về lại với mảnh đất quê hương không thể tiếp tục. 

Bà Quyên bảo: "Nhiều đêm tui khóc vì nhớ chúng lắm. Tui lại nghĩ đến lời chị gái khi tui không lo được cho chúng. Từ ngày thằng Cháu mất, tui coi như hết hy vọng, đau khổ thêm bội phần". 

Sự trở về của bốn anh em sau 41 năm

Bà Nguyễn Thị Quyên tâm sự với PV về những đứa cháu một thời lưu lạc của mình.

Thế nhưng, bà Quyên cũng như những người thân của ba đứa trẻ ấy lại không thể ngờ rằng ở đâu đó xa xôi, những đứa trẻ năm nào giờ đã là những người lớn tuổi, trong tâm trí luôn đau đáu nỗi nhớ quê nhà và đang ngày đêm tìm về nơi chôn nhau cắt rốn. Hành trình đi tìm lại cội nguồn của ba đứa trẻ lưu lạc ấy lại bắt đầu từ những lá thư gửi cho chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly".

Anh Phượng với những ký ức còn sót lại, đã lên đường đi tìm lại chị em mình. Kết cục có hậu đã đến, sau những năm tháng không biết mệt mỏi ấy, anh đã tìm được chị và em trai của mình. Hiện, anh Phượng sống tại TP.HCM, chị Lan sống ở Hải Dương, và Hoàng sống tại Quảng Ngãi. 

Bà Quyên nhớ lại: "Tui nhớ như in đó là số 31 của chương trình tivi lúc chiều 7/6/2010, là tui được gặp lại mấy đứa. Khi gặp nhau chỉ biết òa khóc. Nghe thằng Phượng nói khiến tui càng khóc: "Con chỉ nhớ hai tiếng Vĩnh Linh - Quảng Bình thôi. Con nhớ gió cát, nhớ bom đạn chứ không nhớ nổi ai hết. Nhưng lòng dạ con cứ bồi hồi mỗi lần đi qua miền Trung. Thế rồi con quyết tâm đi tìm lại quê hương". Giờ đây trên mảnh đất này, không chỉ riêng ba đứa cháu gọi bằng dì ruột của bà Quyên may mắn trở về vào năm 2010 sau 41 năm lưu lạc. 

Bà Quyên còn có hai đứa cháu khác ở thôn Hương Nam (cũng thuộc xã Vĩnh Kim) là Hiền và Huệ là hai trong số 120 đứa trẻ Vĩnh Linh mồ côi, được đưa từ Tân Kỳ ra Hưng Yên nuôi dưỡng vào năm 1969. Bố mẹ của Hiền và Huệ cũng chết vì bom năm 1967. Huệ may mắn được một gia đình ở Hà Nội đón về nuôi và năm 2003 tìm được về quê hương. Hiền được một gia đình tận Vĩnh Phúc đón về làm con nuôi. Mãi một năm sau khi Lan, Phượng, Hoàng tìm về được quê nhà thì từ Vĩnh Phúc, Hiền cũng tìm được quê hương để đoàn tụ với các chị em mình. 

Chiến tranh đã lùi xa, những hố bom cũng dần lấp đầy và những hố sâu ký ức xa xứ của những đứa trẻ lưu lạc năm nào cũng sẽ được bù đắp bằng tình yêu, khát vọng quê hương đầy máu và nước mắt. 

Sợi chỉ mong manh 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Viết Thanh, Trưởng thôn Rooc (xã Vĩnh Kim) xác nhận, chuyện bốn người cháu của bà Nguyễn Thị Quyên lưu lạc suốt mấy chục năm trời mới tìm lại được quê hương là sự thật. "Có lẽ chính tình máu mủ là sợi dây kết nối họ lại với nhau, kết nối tâm hồn những người con xa xứ về với quê hương", ông Thanh nói.

Hữu Hoà - Nhâm Thân

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news