Tin mới

Tác hại khôn lường của việc để đèn khi ngủ

Thứ hai, 29/06/2015, 17:01 (GMT+7)

Để đèn ngủ vào buổi tối là thói quen của rất nhiều người, tuy nhiên, các nghiên cứu khoa học cho thấy, thói quen này có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe của bạn.

Ngủ đúng giấc rất quan trọng tuy nhiên ngủ một cách khoa học như thế nào còn quan trọng hơn. Nghiên cứu chỉ ra việc để đèn sáng trong giấc ngủ sẽ gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Cùng tìm hiểu nhé!

Ánh nắng chiếu qua tấm rèm cửa hay ánh sáng từ chiếc điện thoại của bạn chắc hẳn sẽ khiến bạn khó lòng mà ngủ được thoải mái. Thậm chí, ngày càng có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng ánh sáng nhân tạo còn có thể gây cho bạn nhiều phiền toái hơn thế. Điều này sẽ gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của bạn. 

Mối liên hệ giữa ánh sáng nhân tạo khi ngủ và các chứng bệnh nguy hiểm

Như các bạn đã biết, chu kỳ tự nhiên là một ngày có 24 giờ với chuyển động liên hoàn ngày và đêm. Chu kỳ này cũng giữ cho nhịp sinh học của con người diễn ra có trật tự và đều đặn, giúp cho hệ thần kinh trung ương, các quá trình sinh học trong cơ thể con người hoạt động một cách trơn tru. Các nhà khoa học đã chỉ ra mối liên hệ mật thiết giữa sự xáo trộn các chu kỳ sinh học trong cơ thể và các căn bệnh nguy hiểm như tiểu đường, béo phì, bệnh tim mạch, ung thư vú và các vấn đề liên quan đến sức khỏe khác. Vậy ánh sáng nhân tạo đóng vai trò gì trong quá trình này?

Câu trả lời là ánh sáng vào ban đêm, thậm chí là ánh đèn lóe từ các phương tiện đi lại ngoài đường, có thể gây tác động đến quá trình sản sinh melatonin. Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy melatonin là chất có tác dụng úc chế sự phát triển các tế bào ung thư.

Nhịp sinh học của cơ thể bị xáo trộn bởi ánh sáng khi ngủ gây nên chứng mất ngủ và ảnh hưởng chất lượng cuộc sống

Nhà nghiên cứu về bệnh ung thư, Richard Stevens ở Đại học Y Connecticut, Hoa Kỳ, là một người tiên phong trong lĩnh vực này. Ông đã nghiên cứu về sức khỏe giấc ngủ trong suốt 25 năm. Stevens được xem là người đầu tiên đưa ra giả thuyết về nguy cơ ung thư vú khi sử dụng ánh sáng nhân tạo vào ban đêm.

Stevens đã xem xét những tác động của ánh sáng nhân tạo vào ban đêm tới sức khỏe con người (bao gồm cả tác động ngắn lẫn tác động về lâu dài). Ông cho rằng, không gian đủ tối khi đi ngủ có một vai trò cực kỳ quan trọng. Stevens chỉ ra một số bằng chứng cho thấy ánh sáng từ môi trường trong phòng ngủ vào ban đêm có khả năng là tăng nguy cơ bị bệnh trầm cảm, béo phì. Đồng thời, nhiều nhà nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng nó còn có khả năng dẫn tới bệnh ung thư vú. Nếu đó chính là nguyên nhân của những căn bệnh hiểm nghèo, ông cho rằng vấn đề này cần phải được làm rõ và can thiệp ngay.

Giấc ngủ sâu rất quan trọng, tuy nhiên không gian khoa học, hợp lý cho một giấc ngủ quan trọng không kém

Mỗi liên hệ giữa sức khỏe và ánh sáng đối với giấc ngủ ban đêm đã trở thành một chủ đề nóng trong những nghiên cứu và thảo luận. Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ về Khoa học và Y tế Công cộng đã ban hành một báo cáo vào năm 2012 nhằm đánh giá tác động của ánh sáng nhân tạo đối với sức khỏe con người. Tầm quan trọng của vấn đề này được đánh giá tương đương với các vấn đề khác như chi phí năng lượng, những tác động đến đời sống hoang dã và thảm thực vật.

Do vậy, nếu để đèn khi ngủ là thói quen không thể thay đổi được, các chuyên gia khuyên bạn nên dùng ánh sáng đỏ vì nó gây ảnh hưởng ít nhất tới chu kỳ sinh học của con người. Nhưng tốt nhất, để có được giấc ngủ khoa học, bạn nên tắt tất cả các nguồn điện trước khi lên giường.

Nostalgia (Theo Mother Nature Network)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news