Tin mới

Tai nạn thảm khốc ở Bình Thuận: Hiểm họa chết người từ "xe dù"

Thứ tư, 11/02/2015, 19:40 (GMT+7)

Cho đến sáng 10/2, vụ tai nạn thảm khốc vào rạng sáng mùng 9/2, cướp đi sinh mạng 10 hành khách, làm 9 người khác bị thương vẫn khiến người dân khu vực chợ Hàm Minh bàng hoàng, đau đớn.

Cho đến sáng 10/2, vụ tai nạn thảm khốc vào rạng sáng mùng 9/2, cướp đi sinh mạng 10 hành khách, làm 9 người khác bị thương vẫn khiến người dân khu vực chợ Hàm Minh bàng hoàng, đau đớn.

Đây là vụ Tai nạn giao thông được nhận định là thảm khốc nhất, có số lượng hành khách thương vong nhiều nhất trong đầu năm 2015 này. Xót xa hơn, vụ tai nạn này lại xuất phát từ vấn nạn xe dù, đi xe người quen ngoài bến bãi chưa qua kiểm tra chất lượng.

Nhọc nhằn đường về quê ăn Tết

Trong khi công tác khắc phục hậu quả vụ tai nạn thảm khốc khiến 19 người thương vong đang được chính quyền địa phương gấp rút triển khai thì nhiều nạn nhân, thân nhân hành khách quá cố vẫn đang đau đớn tột cùng. Những hành khách thoát nạn, sau khi nhập viện cấp cứu, tỉnh dậy mới biết mình còn sống trong sự hãi hùng. Nhiều nạn nhân cho biết, lúc va chạm xảy ra, đa số hành khách về quê ăn Tết đang chìm trong giấc ngủ. Họ chỉ kịp nhận ra sự rung lắc rồi chết ngất khi thấy xác người văng ra khỏi xe.

Thông tin ban đầu từ cơ quan Công an tỉnh Bình Thuận cho biết, vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 2h sáng mùng 9/2 trên Quốc lộ 1, đoạn ngay tại chợ Hàm Minh thuộc xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Vào thời điểm trên, chiếc xe khách giường nằm BKS 51B-141.22 chạy từ TP.HCM đi Nghệ An đã đâm thẳng vào xe khách loại 45 chỗ, BKS 86B 002.84 chạy theo chiều từ TP.Phan Thiết đi TP.HCM. Cú đấu đầu giữa hai xe khiến 9 hành khách trên xe mang biển Bình Thuận tử nạn cùng nhiều hành khách trên xe giường nằm bị thương nặng. Vụ tai nạn thảm khốc cũng khiến chiếc xe khách của Bình Thuận đâm thẳng rồi lọt hẳn vào một nhà dân ven đường. Rất may, cú đâm trên không khiến người trong nhà bị thương.

Tai nạn thảm khốc ở Bình Thuận: Hiểm họa chết người từ

Hiện trường của vụ tai nạn thảm khốc.

Đến sáng 10/2, công tác cứu hộ, khắc phục hậu quả vụ tai nạn vẫn diễn ra hết sức khẩn trương. Danh tính người tử nạn đã được xác định và thi thể được người thân mang về quê an táng. Những hành khách may mắn thoát chết đang chờ lấy hành lý, tiếp tục hành trình về quê ăn Tết trong sự hãi hùng tột độ.

Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, anh Nguyễn Cảnh Đức (37 tuổi, quê Nghệ An), người may mắn thoát chết trên xe giường nằm vẫn bần thần cho biết: “Tôi vẫn đang đợi lấy hành lý để về quê. Nghe đâu, chính quyền tỉnh Bình Thuận huy động xe đưa chúng tôi về quê nhưng sau vụ tai nạn, nói thật tôi rất sợ vì vụ tai nạn cứ ám ảnh mãi. May mà tôi nằm ghế sau, nếu nằm phía trước chưa biết chuyện gì đã xảy ra sau cú va chạm kinh hoàng”.

Cũng theo anh Đức, cú va chạm gây chết người hàng loạt xảy ra khi anh và nhiều hành khách đang ngủ. “Bất chợt, tôi nghe thấy tiếng động rất mạnh, toàn xe rung lắc, toàn bộ trọng lực và nhiều vật dụng trong xe giật ngược về phía sau. Mọi người la hét inh ỏi, nhốn nháo, tôi cố bám vào ghế và thấy nhiều người lao ra khỏi xe. Phần đầu xe chúng tôi rách bươm. Còn ở xe đối diện, toàn bộ ghế đè lên người nạn nhân, nhìn rất thảm thương. Trên mặt đường, thi thể, hành lý, kính xe văng lăn lóc và kéo dài hàng chục mét”, anh Đức kể lại.

Mặc dù thoát chết trong gang tấc nhưng chị Dương Thị Hồng Nhung (19 tuổi, quê huyện Anh Sơn, Nghệ An) phải nhập viện vì đa chấn thương. Bàng hoàng, chị Nhung cho biết: “Giờ nhớ lại, tay chân em còn run. Vì lên xe sớm, lại đi xe quen nên em được ưu tiên bố trí ngồi ghế trên. Không hiểu vì sao đêm hôm đó em không tài nào ngủ được. Khoảng 2h sáng, em thấy xe mình lao thẳng về phía xe đối diện chạy ngược chiều. Lúc đó, em chỉ kịp thấy ánh sáng từ đèn xe đối diện làm lóa mắt rồi một tiếng động rất lớn vang lên trong chớp mắt rồi không biết gì nữa. Sau đó, em lơ mơ thấy ai đang xốc nách mình. Giờ mới biết là mình thoát chết với rất nhiều vết thương, còn nhiều người khác cùng xe đã chết. Thật đáng sợ”.

Báo động đỏ và cảnh báo thảm họa

Vụ tai nạn không chỉ khiến hành khách hoảng loạn mà còn khiến những người chứng kiến hoang mang. Kể lại vụ việc sau khi chứng kiến và chung tay cứu hộ, anh Thái Công Hậu (ngụ xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) cho biết: "Đang ngủ trong nhà, tôi nghe một tiếng "ầm" khủng khiếp, kèm theo đó là tiếng la hét, khóc lóc. Mở cửa chạy ra, tôi thấy máu và xác người nằm vất vưởng bên xe khách và một căn nhà bị sập nên gọi điện báo công an. Trong khi chờ cơ quan chức năng, tôi thấy có hai cha con nằm chồng lên nhau, nhiều thi thể khác văng khỏi xe. Tiếng la hét, tiếng còi hú của xe cấp cứu réo ầm ĩ suốt đêm”.

Thương nhất là hoàn cảnh của gia đình anh Trần Văn Mậu (SN 1978, ngụ phường Phú Trinh, TP.Phan Thiết, Bình Thuận). Thường ngày, anh Mậu là tài xế của xe khách tuyến Phan Thiết-TP.HCM, ngày xảy ra tai nạn anh lại là hành khách bồng con lên TP.HCM khám bệnh. Nhưng chuyến đi lần này đã cướp đi cả sinh mạng anh và cậu con trai chưa tròn 2 tuổi, bỏ lại người vợ nghèo và hai đứa trẻ còn quá nhỏ để hiểu nỗi đau khi mất mát người thân.

Vợ anh, chị Võ Thị Ánh Nguyệt gần như hóa điên khi hay tin người chồng, trụ cột duy nhất của gia đình đã ra đi mãi mãi. Chị không biết sẽ xoay xở ra sao khi Tết đang đến gần mà nhà thuê chưa trả tiền tháng, hai đứa con còn nhỏ, cha mẹ hai bên đều già yếu không người chăm lo. Chị ngồi cạnh quan tài chồng không nói câu nào mà nước mắt cứ lăn dài, chốc chốc quay sang hai đứa con nhỏ, nức nở.

Sau khi xảy ra vụ tai nạn thảm khốc, chính quyền tỉnh Bình Thuận đã nhanh chóng triển khai công tác cứu hộ, khắc phục hậu quả. Chiều mùng 9/2, ông Khuất Việt Hùng - Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia cũng đã trực tiếp trao đổi, làm việc cùng UBND tỉnh Bình Thuận. Tại buổi làm việc, ông Hùng cho biết bước đầu xác định xe khách biển số TP.HCM đã lấn đường, đâm và đẩy lùi xe khách biển số Bình Thuận. Đồng thời, ông Hùng cũng yêu cầu rà soát lại hành trình, lộ trình của hai chiếc xe trong vụ tai nạn nói trên.

Ông Hùng nhấn mạnh: “Báo cáo sơ bộ cho thấy hai xe đều chạy dạng hợp đồng chứ không phải cố định. Nếu phát hiện xe giường nằm thường xuyên chạy tuyến cố định TP.HCM - Vinh (Nghệ An) thì cần thanh kiểm tra, đề xuất rút giấy phép”.

Sáng 10/2, PV báo Đời sống và Pháp luật cũng nhận được thông tin từ ông Thượng Thanh Hải, Phó tổng giám đốc bến xe miền Đông(TP.HCM) cho biết, xe khách giường nằm đi từ TP.HCM về Nghệ An hoạt động ngoài quản lý của bến xe miền Đông. Ông Hải nói: “Các xe hoạt động trong bến xe miền Đông đều được kiểm tra kỹ lưỡng, xe nào đảm bảo an toàn mới được xuất bến. Những xe không đạt tiêu chuẩn chất lượng đều được báo lên Sở GTVT TP.HCM. Với những xe hoạt động ngoài bến, khâu này gần như không ai kiểm tra, hành khách nên chọn xe đảm bảo chất lượng trước khi lên xe”.

Thực tế, nhiều hành khách chọn đi xe quen, xe “dù” để tiết kiệm chi phí và thân thuộc, rất ít người để tâm đến chất lượng xe có đảm bảo an toàn suốt hành trình hay tài xế có đủ sức khỏeđể đi đường dài. Người chọn xe “dù” thường có hoàn cảnh khó khăn, đa số là công nhân hay lao động bình dân. Việc ngại mua vé trong bến bãi với giá cao và tâm lý chọn người quen để không bị lừa, không bị sang xe đã đẩy hành khách đến gần với các “hung thần” chưa qua kiểm tra an toàn, không được quản lý.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo khắc phục hậu quả

Sau khi nhận thông báo về tình hình nghiêm trọng của vụ tai nạn, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT, Bộ Công an, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia; UBND, ban ATGT Bình Thuận nhanh chóng tìm ra nguyên nhân cũng như đẩy mạnh công tác khắc phục hậu quả. Phó Thủ tướng gửi lời chia buồn tới các nạn nhân của vụ tai nạn, đặc biệt là các gia đình có người bị tử vong. Đối với những hành khách may mắn thoát nạn, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu UBND, ban An toàn giao thông tỉnh Bình Thuận nhanh chóng huy động những điều kiện tốt nhất về y tế để cứu chữa.

Nhóm PV/Đời Sống & Pháp Luật

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news