Tin mới

Tại sao Nga đưa máy bay ném bom tới sát không phận Mỹ?

Thứ ba, 28/07/2015, 13:58 (GMT+7)

Việc 2 máy bay ném bom Nga bị chiến đấu cơ Mỹ đánh chặn ở ngoài khơi bờ biển California hôm 4/7 có thể được xem như một lời khiêu khích đối với Mỹ.

Việc 2 máy bay ném bom Nga bị chiến đấu cơ Mỹ đánh chặn ở ngoài khơi bờ biển California hôm 4/7 có thể được xem như một lời khiêu khích đối với Mỹ.

"Chào buổi sáng các phi công Mỹ. Chúng tôi ở đây để chào đón các bạn nhân ngày Quốc Khánh 4/7 của các bạn", lời khiêu khích của các phi công Nga được Bộ Tư lệnh Không gian vũ trụ Bắc Mỹ công bố.

Thông điệp này không phải được Nga đưa ra lần đầu.

Các chiến đấu cơ Mỹ cũng đã đánh chặn 2 máy bay ném bom Tu-95 khác của Nga vào cùng ngày tại bờ biển ngoài khơi nam Alaska. Trong cả 2 vụ việc, các máy bay Mỹ đều bay vượt lên để chặn đầu các máy bay ném bom Nga và phía Nga đã phải quay đầu.

Trong bài viết "Why is Russia sending bombers close to U.S. airspace?", CNN đã lý giải lý do tại sao Nga lại làm vậy.

Theo Nick de Larrinaga, biên tập viên châu Âu của Tạp chí IHS Jane's Defence Weekly, đây là một phần trong những nỗ lực của Tổng thống Vladimir Putin để tái khẳng định sự hiện diện của Nga trên trường quốc tế.

"Quan điểm của ông là vị thế chính trị và sự tôn trọng dành cho Nga đã giảm đi rất nhiều kể từ sau Chiến tranh Lạnh", ông nói.

Những động thái cơ bắp hiện này cho thấy ông Putin đang muốn đảm bảo Nga nhận được sự tôn trọng mà họ xứng đáng, de Larrinaga nói, và chứng minh Nga "vẫn là cường quốc quân sự toàn cầu và vẫn mạnh mẽ, không thể phủ nhận".

Đối với Nghị sĩ Mỹ Adam Kinzinger, một cựu chiến binh không quân, "chuyến thăm" của máy bay ném bom Tu-95 nên được xem như "một hành động xâm lược" nhằm chuyền tải ý tưởng về sức mạnh của Nga.

"Nếu bạn có bất cứ nghi ngờ nào về việc liệu Chiến tranh Lạnh có tái diễn thì tôi nghĩ đây được xem như một cuộc diễn tập cho thấy điều đó", ông Kinzinger nói với CNN.

"Tôi nghĩ có một sự tái thiết lập, có lẽ không tới mức như những gì đã xảy ra vào những năm 80, nhưng sự tái lập này, về bản chất, vẫn theo nguyên tắc Chiến tranh Lạnh. Ở đâu thì nó cũng đều cho thấy sự biểu dương lực lượng của cả 2 bên".

Ông Kinzinger, một thành viên thuộc Đảng Cộng hòa tại Illinois. Trước đây, ông từng làm việc tại Ủy ban Ngoại giao Hạ viện. Ông từng so sánh Tổng thống Putin với một "kẻ bắt nạt ở trường học". "Đôi khi, một đứa trẻ nhỏ con ở trong lớp lại là kẻ chuyên bắt nạt lớn nhất. Và khi ấy mới biết anh ta là ai", ông nói.

Nga muốn đạt được điều gì?

Máy bay ném bom Tu-95 của Nga

Không phải một thỏa thuận lớn - đây có lẽ là cơ hội để nâng tầm cái tôi và cơ hội để tiếp tục vượt mặt các lực lượng vũ trang của những nước khác.

Việc tuần tra trên không này là để cho khán giả quốc tế xem nhiều hơn là người dân Nga, ông de Larrinaga nhận định.

Tuy nhiên, lời chào mà các phi công Nga gửi đi hôm 4/7 có thể tạo ra một số lợi ích với nước Nga, khi mà ông Putin đang muốn tăng cường lòng tự hào dân tộc. Vụ đánh chặn xảy ra cùng ngày ông Putin gửi lời chúc tới Tổng thống Barack Obama.

Việc phi hành đoàn của Nga giao tiếp với bất cứ máy bay đánh chặn hay đài kiểm soát không lưu nào cũng đều bất thường nên các phi công Nga đã "chúc mừng theo kiểu không được chính thức cho lắm". Lẽ ra lời chúc phải được gửi qua kênh liên lạc khẩn cấp của máy bay, thay vào đó, họ gửi một thông điệp cụ thể. "Bình thường, họ (người Nga) duy trì sự im lặng", ông de Larinaga nói.

Ông Kinzinger tin rằng Tổng thống Putin đang muốn thử lòng phương Tây bằng những phi vụ như thế này. Ông ấy muốn biết mọi thứ sẽ đi đến đâu trước khi đưa ra phản ứng.

"Đó là lý do tại sao điều quan trọng với chúng ta giờ đây là đứng lên, làm rõ rằng chúng ta không dễ bị bắt nạt", ông nói.

Những rủi ro ở đây là gì?

Máy bay Nga đang ở trong không phận quốc tế nên họ có toàn quyền được bay. Nhưng vẫn có những rủi ro đi kèm.

Đầu tiên, máy bay Nga không bật bộ phận tiếp sóng và điều này làm tăng nguy cơ va chạm trên không, đặc biệt ở châu Âu, nơi mà không phận tắc nghẽ nhiều hơn.

Nó còn có nguy cơ va chạm với các máy bay quân sự được gửi tới đánh chặn.

"Bất cứ khi nào có máy bay quân sự của 2 quốc gia khác nhau bay sát nhau mà không giao tiếp thì đều có nguy cơ xảy ra tai nạn", ông de Larrinaga nói.

Cả Nga và những nước gửi máy bay đánh chặn trước đó đều đã phàn nàn về việc phía bên kia bay quá gần.

Vào năm 2001, 1 máy bay do thám Hải quân Mỹ và 1 chiến đấu cơ Trung Quốc đã va chạm trong một vụ đánh chặn tại đảo Hải Nam ở Biển Đông. Máy bay Mỹ phải hạ cánh khẩn cấp còn máy bay Trung Quốc bị rơi, phi công thiệt mạng. Trung Quốc đã đổ lỗi cho Mỹ về vụ việc và các phi công của Mỹ không được rời đi trong hơn 1 tuần.

Cho dù bỏ ra một khoản tiền lớn thì quân đội Nga vẫn đứng sau các nước phương tây về năng lực và trang thiết bị, de Larrinaga nói. Lực lượng không quân Nga hiện đang cải thiện các máy bay mà họ có bởi nhiều trong số này đã bị lão hóa.

Ông Kinzinger thì cảnh báo về nguy cơ lớn hơn đó là một nước Nga không thể đoán trước "có thể đi một bước sai lầm" - có lẽ họ sẽ tính toán để đi vào Estonia, Latvia hoặc Lithuania mà không khiến NATO phản ứng - "và dẫn tới một cuộc chiến tranh khu vực hoặc có thể là một kịch bản chiến tranh thế giới khi NATO buộc phải bảo vệ lãnh thổ của mình".

Bảo Linh (Theo CNN)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news