Tin mới

“Tam giác đen” – Mảnh đất màu mỡ của “giang hồ phế liệu”

Thứ hai, 27/07/2015, 19:18 (GMT+7)

Vì món lợi khủng từ việc thu mua phế liệu của các doanh nghiệp, nhiều chủ vựa phế liệu sẵn sàng dằn mặt doanh nghiệp nếu họ có ý định lật kèo.

Vì món lợi khủng từ việc thu mua phế liệu của các doanh nghiệp, nhiều chủ vựa phế liệu sẵn sàng dằn mặt doanh nghiệp nếu họ có ý định lật kèo.

Để “thể hiện bản lĩnh” của mình, không ít chủ vựa phế liệu tìm thuê những nhân viên bốc vác lực lưỡng kiêm bảo kê. Nhiều doanh nghiệp bị hù dọa nhưng vì sợ nên “ngậm bồ hòn làm ngọt”, không dám tố cáo.

“Giang hồ phế liệu” lộng hành

Trong kỳ họp HĐND tỉnh Bình Dương diễn ra vào sáng 17/7, lãnh đạo tỉnh dành khá nhiều thời gian trao đổi, bàn bạc, giải trình về tình trạng “giang hồ phế liệu” hoạt động mạnh trên địa bàn thời gian qua.

Ông Trần Văn Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương nêu rõ: “Vì lợi nhuận thu được quá lớn nên rất nhiều cá nhân, tổ chức đăng ký kinh doanh lĩnh vực này, qua đó cạnh tranh gay gắt với nhau, thậm chí sử dụng các hình thức sặc mùi xã hội đen, để có được những hợp đồng từ các công ty, doanh nghiệp”.

Nhiều vựa phế liệu tại khu vực “tam giác đen” bất chấp thủ đoạn để có hợp đồng.

Theo tìm hiểu của PV, tình trạng này diễn ra từ lâu, không chỉ ở Bình Dương mà còn ở TP.HCM và Đồng Nai, tạo thành “tam giác đen” trong lĩnh vực buôn bán phế liệu. Từ những phản ánh của người trong cuộc, PV đã vào cuộc tìm hiểu thực tế tại các địa bàn trên và tận mắt chứng kiến sự bành trướng của cánh “giang hồ phế liệu” này.

Điểm “nóng” nhất là khu vực thị xã Thuận An, thị xã Dĩ An (Bình Dương). Đây là nơi từng xảy ra không ít vụ việc xung đột, giành mối từ các đầu nậu phế liệu. “Giang hồ phế liệu” thường là những kẻ giàu có, lắm tiền nhiều của bởi việc thu mua phế liệu từ các công ty, doanh nghiệp cần một lượng vốn đáng kể. Hơn thế nữa, để có được những hợp đồng béo bở, mỗi đầu nậu đều mạnh tay chi hàng trăm triệu đồng tiền “bôi trơn”, lót tay, móc nối với ban quản lý, hoặc lãnh đạo công ty, doanh nghiệp. “Chẳng qua tôi không có vốn, làm vài năm kiếm đủ tiền, tôi cũng mở một cái cơ sở. Chẳng mấy chốc mà giàu”, anh T., đàn em của một đầu nậu lớn tại thị xã Dĩ An tiết lộ.

Theo tin tức từ anh T. cung cấp, ông chủ của T. hiện đang có một hợp đồng thu mua mùn cưa tại một công ty gỗ trên địa bàn thị xã Dĩ An. Theo đó, sau khi thu mua, mỗi một ký mùn cưa có thể bán lại với mức giá lời gấp 3, 4 lần. Anh T. còn bật mí, để có được hợp đồng này, ông chủ của anh đã phải chi phí “bôi trơn” hơn 150 triệu đồng. Ngoài số tiền này, hàng tháng, tùy theo lợi nhuận, ông chủ của anh còn phải trích ra một phần hoa hồng cho bên quản lý, lãnh đạo công ty.

Ngoài hình thức móc ngoặc trên, để có được mối làm ăn, nhiều đầu nậu đã chỉ đạo đàn em dùng “luật rừng” đe dọa doanh nghiệp buộc phải bán phế liệu cho chúng. Và đặc biệt, một khi doanh nghiệp đã chấp nhận bán phế liệu cho một đầu nậu nào thì đừng nghĩ tới việc hủy hợp đồng, trừ trường hợp đầu nậu đó không muốn thu mua nữa.

Anh Lê Văn Hoàng, hiện đang làm công nhân tại một công ty giấy ở thị xã Thuận An (Bình Dương) cho biết: “Công ty tôi bán phế liệu cho đầu nậu H. “khùng” đã hơn hai năm nay. Biết là bị ép mà vẫn phải làm bởi không bán cho H. thì đừng nghĩ tới việc bán cho ai khác. Năm vừa rồi, ông chủ quyết không bán cho H. nữa, vậy là nó kéo đàn em mấy chục thằng tới trước cổng công ty. Thế rồi công ty tôi lại phải bán cho nó. Nếu không thì chỉ có nước đóng cửa chứ sao mà làm ăn nổi”.

Trao đổi với PV về vấn đề này, Trung tá Huỳnh Thị Thanh Uy, đội Tổng hợp (Công an thị xã Dĩ An) cho biết: Theo thông tin phản ánh từ báo, hiện các đội đang tiến hành điều tra, xác minh làm rõ vấn đề thu mua phế liệu theo kiểu xã hội đen diễn ra trên địa bàn. Tuy nhiên, do chúng tôi vẫn chưa nhận được bất kỳ thông tin, đơn thư phản ánh nào từ phía các doanh nghiệp, công ty, nên việc điều tra gặp không ít khó khăn”.

Đừng đổ lỗi do miếng cơm manh áo

Tìm hiểu thực tế, PV nhận thấy hoạt động của “giang hồ phế liệu” không chỉ dừng lại trong địa bàn tỉnh Bình Dương mà còn xuất hiện ở địa bàn TP.HCM và tỉnh Đồng Nai, tạo thành “tam giác đen” về hoạt động thu mua phế liệu khu vực miền Nam. Nhiều vựa phế liệu tại các vùng ven như: Quận 9, quận Thủ Đức, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi, huyện Bình Chánh... của TP.HCM hay các huyện Nhơn Trạch, Long Thành... của tỉnh Đồng Nai cũng có sự cạnh tranh gay gắt.

Anh Đ. (chủ vựa phế liệu tại quận 9, TP.HCM) cho biết: “Tôi thường đi mua xác nhà và có ký hợp đồng mua phế liệu với một vài công ty. Chuyện chạy chọt để có hợp đồng là việc đương nhiên. Nếu tôi không cho họ một ít thì cũng có kẻ khác cho, bên nào cho nhiều thì bên đó mua được hàng. Còn chuyện gian lận khi cân thì do người trực tiếp làm ăn với mình quyết định. Thường là họ nhận tiền hoa hồng hoặc ăn bớt số ký để bớt cho mình một vài giá gọi là “làm ăn lâu dài”. Chuyện giật mối theo kiểu giang hồ thì chỉ xảy ra với những vựa lớn, vốn dày”.

Trong khi đó, anh H., một chủ vựa phế liệu ở huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) cho biết: “Rất khó để giành mối của người đến mua trước, dù lúc đó bên bán chưa chốt giá. Nhiều lúc cũng phải cãi vã, thậm chí đánh đấm để giành giật mối hàng. Phần lớn các chủ vựa phế liệu đều biết nhau, ngoài mặt thì cười cợt xã giao, nhưng bên trong thì có những luật “bất thành văn”, ai yếu thế hơn thì sẽ bị đào thải”.

Thông tin có “giang hồ phế liệu” khiến nhiều người bất ngờ, không nghĩ cái nghề chuyên đi nhặt nhạnh những thứ bỏ đi ấy lại có sự cạnh tranh khốc liệt đến vậy. Tiến sỹ Trương Văn Vỹ, giảng viên khoa Xã hội học, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết: “Việc các chủ cơ sở thu mua phế liệu móc nối với các công ty sau đó có hành động đe dọa kiểu giang hồ là hình thức làm ăn không lành mạnh. Sở dĩ họ hành động như vậy cũng chỉ vì lợi nhuận được đặt lên hàng đầu. Khi có bất cứ kẻ nào muốn chiếm phần lợi nhuận đó hoặc giành mối làm ăn thì sẽ có mâu thuẫn. Bản chất của vấn đề là những người này vì lợi nhuận mà bất chấp pháp luật, vì nếu cạnh tranh lành mạnh, sẽ không bao giờ có chuyện này. Cũng vì biết rõ tâm lý lãnh đạo công ty, doanh nghiệp ngại phiền phức, không dám tố cáo với cơ quan chức năng nên chúng mới có cơ hội để hù dọa cho đến khi đạt mục đích”.

Luật sư Nguyễn Hồng Cơ, đoàn Luật sư TP.HCM nhận định: “Theo quy định của pháp luật hình sự, hành vi nhiều người tụ tập gây rối ở trước cổng cơ quan, đơn vị có dấu hiệu của tội Gây rối trật tự công cộng với tình tiết định khung là có tổ chức. Nếu nhóm người này có hành vi phá hoại tài sản của doanh nghiệp thì còn bị xem xét về tội Hủy hoại tài sản. Tùy theo mức độ vi phạm của những người đó mà cơ quan chức năng sẽ xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong quá trình gây rối, nếu nhóm người này gây thương tích cho người khác thì sẽ bị xem xét thêm về tội Cố ý gây thương tích”.

 

Có thể xử lý người nhận tiền “bôi trơn”

Luật sư Nguyễn Hồng Cơ cho biết thêm: “Nếu những chủ vựa phế liệu chia phầntrăm cho cá nhân trong các doanh nghiệp Nhà nước để có được hợp đồng mua bán mà cá nhân đó đồng ý thì cá nhân đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Nhận hối lộ. Nếu người nhận tiền phần trăm thuộc công ty tư nhân mà gây hậu quả nghiêm trọng (tài sản đem bán có giá trị trên 2 triệu đồng), thì có thể xử lý về tội Trộm cắp tài sản”.

   

Võ Thái - Hoàng Minh

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: tam giác đen