Tin mới

Tâm thư của cựu nhà báo từng hai lần tự tử trong trại giam

Thứ hai, 01/12/2014, 10:50 (GMT+7)

Hai lần tuyệt vọng và đã toan tìm đến cái chết nhưng việc vô tình đọc một cuốn sách của First New đã giúp phạm nhân cùng với nhiều bạn tù khác thay đổi hoàn toàn về quan niệm và mục đích sống.

 

 

Hai lần tuyệt vọng và đã toan tìm đến cái chết nhưng việc vô tình đọc một cuốn sách của First New đã giúp phạm nhân thay đổi hoàn toàn về quan niệm và mục đích sống.

Đó là trường hợp của anh Nguyễn Văn Khôi nguyên là phóng viên báo Khánh Hòa, anh trai Hoàng Khương  - nguyên PV báo Tuổi Trẻ (bị bắt năm 2013).

Trong lá thư gửi công ty Văn hóa sáng tạo Việt – First News, anh viết: “Trước đây tôi là một nhà báo, công tác tại báo Khánh Hòa (từ năm 1993). Tôi là học sinh giỏi chuyên Văn, từ năm lớp 5 đến lớp 12 nằm trong đội tuyển học sinh giỏi của tỉnh, từng đạt giải nhì Văn toàn quốc. Tôi đã có 3 bằng đại học (cử nhân văn khoa, cử nhân báo chí và cử nhân chính trị). Trước khi về công tác tại báo Khánh Hòa, tôi từng làm việc tại đài THVN, báo Lao Động.

Về chuyên môn tôi từng là cây bút chủ lực của báo, gần như năm nào cũng giành giải cao (giải báo chí của tỉnh, đã từng đạt giải báo chí quốc gia). Cũng cần nói thêm, nhà báo Hoàng Khương báo Tuổi Trẻ là em ruột của tôi, đã được tôi dìu dắt lúc mới vào nghề.

Về cuộc sống gia đình tôi là người hạnh phúc. Vợ chồng tôi có một công ty riêng chuyên kinh doanh văn phòng phẩm có tiếng ở Nha Trang. Tôi có một căn nhà 5 tầng ngay trung tâm thành phố, có xe con riêng trước khi sếp ở cơ quan có.

Tôi được cơ cấu vào diện cán bộ nguồn của Tỉnh ủy, cơ cấu vào chức danh phó tổng biên tập.

Có thể nói về công danh, sự nghiệp, cuộc sống gia đình của tôi là niềm mơ ước của nhiều người ở thành phố biển này.

Thế nhưng bị kịch ập đến gia đình tôi vào năm 2008. Vì quá tự tin vào khả năng của mình cộng với tính háo thắng tôi đã hùn hạp làm ăn với một số người bạn ở Sài Gòn, kinh doanh bất động sản và chơi chứng khoán. Trong thời gian đầu việc làm ăn khá suôn sẻ, lợi nhuận rất cao.

Tai họa đến với tôi vào giữa năm 2008 khi mọi việc tụt dốc thê thảm, tôi càng vùng vẫy thì càng xa lầy và cuối cùng bị phá sản với món nợ vay mượn lên gần 10 tỉ đồng. Trong cơn túng quẫn lại bị chủ nợ uy hiếp tôi đã bỏ trốn, sau đó bị khởi tố với tội danh “Lạm dụng tín nhiệm”. Đến tháng 9.2012 tôi bị bắt theo lệnh truy nã”.

Theo anh Khôi, bi kịch xảy đến quá bất ngờ khiến anh như từ trên thiên đàng rơi xuống địa ngục. Và sự thất vọng, bế tắc như đi đến cùng cực khi em trai anh cũng bị kết án 4 năm tù không lâu sau đó, mẹ già anh qua đời, vợ nộp đơn li dị và đưa con đi xa vì không chịu nổi áp lực. Anh viết: “Mọi cánh cửa như đóng sập lại. Trong lúc tuyệt vọng tôi đã nghĩ đến cái chết vì chỉ có cái chết mới giải thoát cho tôi  khỏi kiếp nạn này”.

Và đó là nguyên do của hai lần anh tìm đến cái chết. Lần thứ nhất, anh thắt cổ tự tử nhưng bị phát hiện. Lần thứ hai, anh định tự tử bằng thuốc ngủ do một người bạn làm tự giác chuyển vào. Và mọi thứ đã thay đổi bằng một biến cố mà anh không ngờ đến.

“Số là trong phòng giam của tôi có một người bạn tù có người quen làm quản giáo ở trại giam KH. Gia đình anh ấy nhờ quản giáo mang vào cho anh ấy mấy cuốn sách. Trong những cuốn sách ấy có cuốn “Tìm về sức mạnh vô biên” của Robin S.Sharma, một ấn phẩm của quý công ty. Thú thật lúc ở ngoài đời tôi là người tự phụ, ỷ lại học vấn và sự hiểu biết của mình. Vì vậy những cuốn sách có tính “dạy đời”, “sách vở” như vậy tôi không để mắt đến. Tuy nhiên trong cảnh tù tội “đói chữ” lại muốn quên đi thời gian nên tôi đã đọc cuốn sách này.

Và điều kỳ diệu đã đến. Cứ mỗi trang sách lật qua như có ai đó cất đi cho tôi một gánh nặng. Mỗi trang sách như có một sức mạnh vô hình nâng đỡ cho tôi đứng dậy. Tôi như kẻ lạc lối giữa biển khơi tìm thấy ánh sáng của ngọn hải đăng. Tôi đã đọc ngấu nghiến.

Không phải đúng hơn là đã nghiền ngẫm cuốn sách này đến mấy chục lần và đến nay gần như đã thuộc lòng các nội dung chính. Tôi cứ ngỡ cuốn sách viết ra là để dành cho mình. Số phận nhân vật chính giống như hoàn cảnh của tôi bây giờ. Tôi thực sự được khai sáng. Nếu slogan của quý công ty là “Có những cuốn sách như một món quà vô giá” thì đối với tôi phải tâm niệm rằng “Có những cuốn sách cứu vớt một số phận”.

Sau khi được khai sáng tôi như một con người khác, ngay bản thân tôi cũng không lý giải được. Còn các bạn tù thì hết sức kinh ngạc trước sự thay đổi quá nhiều của tôi. Tôi đã tìm lại được niềm tin vào cuộc sống, sống lạc quan an nhiên tự tại hơn. Chính nhờ thực hành theo những chỉ dẫn trong cuốn sách mà tôi hoàn toàn bình thản trước nghịch cảnh cũng như những đày đọa của cuộc sống tù đày. Thậm chí khi tòa kêu án 16 năm tù thì tôi cũng không bị suy sụp, tôi đón nhận nó với sự tự chủ mà người thân, bạn bè cũng không ngờ đến”.

Theo anh, trước hết cuốn sách đã giúp anh tìm ra mục đích sống của mình: “Mục đích sống là sống có mục đích”. Từ đây anh nhận ra rằng bi kịch của đời mình là đã không xác định đúng mục đích sống của mình. Mải mê chạy theo danh vọng nên tôi đã lạc lối.

“Điều đặc biệt là cuốn sách không chỉ giúp tôi chiêm nghiệm, đánh giá lại quãng đời trước đây của mình mà quan trọng là giúp tôi rất nhiều trong hiện tại. Với cách nhận ra 7 đức hạnh của con người, 10 liệu pháp để có cuộc sống an vui, 5 bước để đạt đến thành công, cuốn sách thực sự là cuốn cẩm nang cho nhiều người, nhất là những người đang rơi vào hoàn cảnh bế tắc, tuyệt vọng.

 

Từng hai lần toan tính tự tử nhưng cựu nhà báo đang bị cải tạo tại trại giam A2 đã tìm lại

niềm tin và mục đích sống của mình nhờ một cuốn sách mà anh ví như "Kinh thánh"

Chính nhờ thực hành theo những chỉ dẫn trong sách đã giúp tôi cảm thấy công việc cải tạo nhẹ nhàng hơn rất nhiều, giúp tôi dễ hòa nhập và thích nghi được với môi trường cải tạo khắc nghiệt. Tôi đã rèn được tính kỷ luật, gửi được sự tự chủ, biết kiềm chế… Nhờ đó mà có những trường hợp ngay cả những người tù đã dày dạn không chịu đựng nổi thì tôi lại vượt qua một cách dễ dàng.Và điều tôi tâm đắc nhất là cuốn sách không chỉ dạy cho ta cách sống cho mình mà còn biết sống cho người khác.
“Nếu anh không mở rộng trái tim mình thì anh sẽ không chạm được vào trái tim người khác”.
Tôi cũng nhận ra rằng: “Khi anh giúp người khác hoàn thiện cuộc sống của họ, nghĩa là anh đã tự nâng cao chất lượng sống của mình”. Do đó tôi đã cố gắng sống với tinh thần trao tặng những gì mình có”.

Và việc làm trước tiên của anh là tìm cách chuyền tay và đọc cuốn sách này cho nhiều bạn tù cùng đọc, cùng biết. Trong gần 2 năm ở trại tạm giam đã có gần 100 phạm nhân đọc cuốn sách này và ai cũng thích thú, tâm đắc. Có người bạn tù là Nguyễn Mạnh Hà, nguyên là thanh tra Chính phủ (kêu án 5 năm tù vì tội làm lộ bí mật Nhà nước, hiện đang ở trại giam Sơn Phước – Phú Yên) đã lấy cọng dây chì kẹp ở đầu cây xúc xích mài thành cây viết chì để viết tóm tắt nội dung cuốn sách mang đi. Còn việc cất dấu, giữ gìn cuốn sách này là một kỳ công. Nếu không có anh em phạm nhân tự giác giúp thì không thể nào giữ được cho đến nay.

 

Trong thư, anh cho biết, “Chính nhờ nội dung, ý tứ trong cuốn sách đã giúp tôi an ủi, chia sẻ tới nhiều bạn tù, nhất là những người mới vào để họ không bị khủng hoảng tinh thần hoặc tuyệt vọng như tôi trước đây.

 

Trong hành trang tôi mang lên trại giam A2 tất nhiên là có cuốn sách này. Tôi xem nó như một báu vật, đó là cuốn “Thánh kinh” của tôi và tôi sẽ mang theo đến cuối cuộc đời.

Anh kể, “Khi tôi cho các bạn tù đọc cuốn “thánh kinh” của mình thì ai cũng thích thú, say mê. Nhiều người còn chép vào sổ tay những câu văn hay, có người viết thư về cho gia đình, người yêu còn bê nguyên một đoạn trong cuốn sách. Theo tôi được biết toàn trại A2 thì số sách có giá trị như quyển tôi đang đọc chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Tôi cứ băn khoăn mãi. Việc cải tạo giúp đỡ cho những người lầm lỗi tìm ra con đường phục thiện, hoàn lương là rất khó khưan, nhất là với những người vào tù ra tội nhiều lần. Cần có một tác động nào đó để đánh thức tính thiện, tính người trong họ, giúp họ xóa đi mặc cảm tội lỗi.

Trong khi đó cuộc sống của người tù chỉ có làm việc  - làm việc và làm việc. Không có bất kỳ sự hỗ trợ nào về mặt tinh thần, tâm lý cho người tù, giúp họ thực sự được “cải tạo” chứ không phải là giam cầm, lao động khổ sai.

Vì vậy tôi nghĩ rằng, những cuốn sách tử tế sẽ góp phần quan trọng để giúp người tù khai mở cõi u tối trong tâm thức, ít nhất cũng giúp họ có được niềm tin vào cuộc sống, giúp họ có một chỗ dựa về tinh thần để họ có động cơ mà phấn đấu cải tạo và nhẹ bước quay về.

Đối với gia đình phạm nhân, tôi ước sao trong những giỏ xách thăm nuôi của họ có những cuốn sách hay giá trị thì tuyệt vời biết mấy. Nhưng buồn thay hầu hết đó là những cuốn sách vô bổ, nguy hại cho người tù.

Cuối thư, anh bày tỏ: “Nếu bây giờ có ai hỏi điều tiếc nuối nhất của tôi là gì thì tôi sẽ trả lời đó là tiếc vì không đọc cuốn sách này sớm. Chắc chắn rằng nếu tôi đọc cuốn sách này trước khi bi kịch xảy ra thì tôi sẽ không mắc sai lầm và gánh chịu hậu quả đáng tiêc như thế này.

Nhưng tôi cũng đã đọc được từ sách là không nên tiếc nuối chuyện đã qua “không nên là tù nhân của quá khứ mà hãy là kiến trúc sư của tương lai”.

Tôi cũng học được cách sống trong hiện tại, biết trân trọng từng khoảnh khắc mà mình đang sống. Với tôi cứ mỗi Bình Minh là một cuộc đời mới, tôi sống với tinh thần có thể hôm nay là ngày cuối cùng của đời mình. Để từ đó biết yêu quý cuộc đời này, mở lòng mình ra để biết rằng mình vẫn còn có ích cho ai đó. Và trên hết còn cảm nhận được mình còn có ích cho ai đó. Và trên hết còn cảm nhận được mình còn có sứ mạng cần phải hoàn thành và biết được không bao giờ là quá muộn để làm việc có ích”.

Vũ Đậu (Tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news