Tin mới

Bên trong nhà máy in tiền đầu tiên của Việt Nam

Thứ tư, 04/03/2015, 11:34 (GMT+7)

Nhà máy in tiền đầu tiên của chính quyền cách mạng Việt Nam\nnằm ở đồn điền Chi Nê ( giai đoạn 1946- 1947) nay là xã Cố Nghĩa huyện Lạc Thủy\ntỉnh Hòa Bình.

Nhà máy in tiền đầu tiên của chính quyền cách mạng Việt Nam nằm ở đồn điền Chi Nê ( giai đoạn 1946- 1947) nay là xã Cố Nghĩa huyện Lạc Thủy tỉnh Hòa Bình.


 

 

Tại đây những “tờ bạc tài chính cụ Hồ “ đầu tiên mang sứ mệnh lịch sử lớn lao trong những ngày đầu độc lập của chính quyền cách mạng đã ra đời, đây là nơi lưu giữ những dấu ấn lịch sử đầu tiên của Bộ Tài Chính.

Năm 1946, cơ sở Nhà máy In tiền Tô-panh (sau này là cửa hàng bách hóa số 5 đường Nam Bộ, nay là đường Lê Duẩn, Hà Nội) bị lộ. Để bảo vệ an toàn nhà máy và tiếp tục in tiền, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ra lệnh chuyển toàn bộ máy móc nhà in lên Đồn điền Chi Nê. Tại đây, gia đình ông Đỗ Đình Thiện, một nhà tư sản Việt Nam yêu nước, chủ đồn điền, đã dành vị trí thích hợp, cho mượn nhà xưởng, máy điện, nước, nhà kho để lắp đặt Nhà máy In tiền.

Nhà máy in tiền đầu tiên của Việt Nam. Ảnh: Sở VH_TT_DL Hòa Bình

Lắp đặt xong Nhà máy In tiền, để đảm bảo bí mật, công nhân làm việc từ 4 giờ chiều đến 3 giờ sáng hôm sau. Lúc đó, Nhà máy In tiền còn thô sơ, máy móc chưa hiện đại nên việc in tiền rất khó khăn, phải qua nhiều cung đoạn, như: In lần lượt từng màu, số sê-ri, sau đó mới cắt. Mệnh giá lớn được in ốp-xét, mệnh giá nhỏ in bằng máy sốp, ti pô (5 đồng, 2 đồng, 1 đồng, 5 hào, 2 hào, 1 hào). Tiền in xong được đóng hòm cho lên xe bò, xe ngựa chuyển lên cất giữ vào "kho bạc" tại gia đình ông Bùi Văn Xin ở xóm Đồng Thung, xã Cố Nghĩa, từ đó mới cấp phát đi khắp nơi theo lệnh của Bộ Tài chính.

Nơi đây đã ra đời đồng bạc mệnh giá lớn nhất lúc bấy giờ là 100 đồng Việt Nam, còn được gọi là tờ bạc “ con trâu xanh” vì trên tờ bạc có hình con trâu mầu xanh. Nhà máy in tiền đầu tiên của Việt Nam đã vực dậy nền tài chính non yếu, và loại bỏ đồng tiền Đông Dương của thực dân Pháp.

Đồng tiền mệnh giá 100 đồng có tên "con trâu xanh"

Hình ảnh những đồng tiền được in từ máy in tại di tích (những tập tiền này ngày nay chỉ để làm lưu niệm cho khách đến tham quan tại di tíc). Ảnh: Sở VH_TT_DL tỉnh Hòa Bình

Với vị trí chiến lược, đồn điền Chi Nê đã hai lần vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm và ở lại làm việc. Tại đây,  tối 19/2/1947, trên đường đi Thanh Hóa công tác, Bác Hồ đã nghỉ lại tại Đồn điền Chi Nê của gia đình ông Đỗ Đình Thiện. Đến thăm cán bộ, công nhân Nhà máy In tiền, Bác căn dặn: "Đây là Nhà máy In tiền của ta, các chú cần giữ gìn cẩn thận, phải thi đua nhau làm việc để in được nhiều tiền cho cả nước tiêu dùng và công cuộc kháng chiến cứu quốc". Sau đó, Bác đến thăm một số gia đình đồng bào Mường ở xã Cố Nghĩa và gia đình ông Bùi Văn Xin, xóm Đồng Thung, người đã nhường nhà ở làm "kho bạc" cho Chính phủ.

Sau trận bom năm 1947 đồn điền Chi Nê bị tàn phá nghiêm trọng. Theo lệnh của Chính phủ và Bộ Tài Chính đã di chuyển toàn bộ Nhà máy in tiền và kho bạc lên căn cứ địa Việt Bắc.Trải qua bao thăng trầm của lịch sử nhà máy in tiền đã bị thay đổi và xuống cấp, nhiều di vật bị thất lạc. Thể theo nguyện vọng của nhân dân, đồng thời tôn vinh những đóng góp của gia đình ông Đỗ Đình Thiện. UBND tỉnh Hòa Bình đã quyết định quy hoạch xây dựng khu di tích lịch sử Nhà máy in tiền.

Khu vực đồn điền Chi Nê những năm 1946. Ảnh: Dan tri

Hòa bình lập lại, khu Đồn điền Chi Nê được giao cho Nông trường Sông Bôi quản lý. Khu đặt Nhà máy In tiền qua nhiều năm đã bị xuống cấp, nhiều hiện vật bị thất lạc.

Vào năm 2007, nhà máy in tiền đồn điền Chi Nê được Bộ Văn hóa, thể thao và du dịch xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia. Đồng thời UBND tỉnh Hòa Bình đã có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng Khu di tích lịch sử Nhà máy in tiền. Tổng diện tích công trình là 15,5 ha với tổng mức đầu tư trên 270 tỷ đồng, tiến hành trong hai giai đoạn. Giai đoạn một tổng mức đầu tư khoảng 61 tỷ đồng, giai đoạn hai tỉnh chủ trương đầu tư khoảng 210 tỷ đồng.

Năm 2010 nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày thành lập ngành Tài chính Việt Nam công trình được tiến hành khởi công xây dựng trên tổng diện tích là 15,5ha với 3 điểm di tích: “ Ngôi nhà trung tâm Đồn điền Chi Nê xưa”;  “ Khu xưởng in bạc” và  “Kho để tiền”.

Hiện nay, tại kho bạc đồn điền Chi Nê, ngôi nhà của gia đình ông Đỗ Đình Thiện, nơi Bác Hồ đã nghỉ lại ngày 21/2/1947 và căn hầm Bác ở vẫn được bảo vệ, giữ gìn nguyên vẹn. Nơi đây đã được đầu tư sửa sang lại, có nhiều hiện vật, kỷ vật được trưng bày cho khách tham quan

Nam Nam (Tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news