Tin mới

Xã hội bất an vì người nghiện không được quản lý?

Thứ sáu, 11/12/2015, 09:21 (GMT+7)

Việc quản lý các đối tượng nghiện ma túy mang tính phòng ngừa; làm sao để quản lý các đối tượng nghiện trong cộng đồng, hoặc đưa đi cai nghiện như thế nào để giảm thiểu nguy cơ gây án cho xã hội.

Việc quản lý các đối tượng nghiện ma túy mang tính phòng ngừa; làm sao để quản lý các đối tượng nghiện trong cộng đồng, hoặc đưa đi cai nghiện như thế nào để giảm thiểu nguy cơ gây án cho xã hội.

Thời gian vừa qua, nhiều vụ án do người nghiện ma túy gây ra khiến dư luận xã hội hết sức hoang mang. Điển hình như vụ việc mới xảy ra gần đây nhất vào rạng sáng ngày 7/12, đối tượng Nguyễn Văn Kỳ (SN 1970, trú tại thôn 3, xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất, Hà Nội) đã đột nhập vào nhà ông Nguyễn Lương Chuân (SN 1958, ở xã Canh Nậu, Thạch Thất, Hà Nội) để trộm cắp tài sản.

Khi bị phát hiện, Kỳ đã đâm chết ông Chuân và Nguyễn Lương Chỉnh (SN 1988, con trai thứ 2 của ông Chuân). Kỳ còn đâm vợ ông Chuân và con trai cả của ông Chuân bị thương.

Nguyễn Văn Kỳ, nghi phạm trong vụ giết 2 người ở Thạch Thất - Ảnh: Người lao động

Nhắc về quá khứ bất hảo của Kỳ, trao đổi trên báo Tiền Phong, ông Phí Mạnh Tiến - Trưởng Công an xã Hương Ngải (Thạch Thất, Hà Nội) cho biết, từ nhỏ Kỳ đã ham chơi bời, thiếu sự quản lý, giáo dục của bố mẹ. Học hết lớp 7 thì nghỉ. Kỳ sa vào con đường cờ bạc, nghiện ngập.

Vừa ra tù tháng 5/2015, Kỳ sống nay đây mai đó, giao du với các đối tượng trộm cắp, nghiện hút ở địa bàn huyện Thạch Thất và Phúc Thọ.

Cũng theo lời ông Tiến, ở địa phương Kỳ được xem như “Chí Phèo” bởi hắn hay rượu chè, nghiện ngập và trộm cắp vặt.

Do vậy, dư luận hết sức quan tâm tới việc quản lý các đối tượng nghiện trong cộng đồng, hoặc đưa đi cai nghiện như thế nào để giảm thiểu nguy cơ gây án cho xã hội.

Liên quan đến vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với luật sư Đặng Văn Cường, văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội.

Đưa người nghiện đi cai nghiện tại cơ sở cai nghiện là rất cần thiết

Luật sư Cường cho biết, trong những năm gần đây, mặc dù trên các phương tiện thông tin đại chúng đã cảnh báo về tác hại của ma túy đối với con người, nhưng vẫn còn một bộ phận người dân, đặc biệt là các đối tượng thanh niên không thấy được tác hại của ma túy hoặc hiểu rõ nhưng vẫn cố tình sử dụng và đã để lại những hậu quả khôn lường, vô cùng đáng tiếc cho bản thân người nghiện, gia đình và xã hội

Sử dụng ma túy là nguyên nhân gây nên những hành vi phạm tội, gây mất an ninh trật tự, làm ảnh hưởng đến sức khỏe và đặc biệt nhất là lây truyền HIV/AIDS trong cộng đồng.

Con nghiện công khai hút chích - Ảnh: Đời sống & Pháp luật

Hiện nay, việc cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng, đưa người nghiện đi cai nghiện tại cơ sở cai nghiện là rất cần thiết, không chỉ góp phần bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người nghiện mà còn góp phần quan trọng trong việc hạn chế đến mức tối đa các vấn nạn xã hội do người nghiện gây ra, đặc biệt là tình trạng: trộm cắp, cướp của, giết người...

Luật phòng, chống ma túy 2000, sửa đổi bổ sung 2008 quy định Chính sách Nhà nước về cai nghiện ma túy gồm: Áp dụng chế độ cai nghiện đối với người nghiện ma túy, khuyến khích người nghiện ma túy tự nguyện cai nghiện; Tổ chức cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc; Khuyến khích cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức thực hiện việc cai nghiện tự nguyện cho người nghiện ma túy, hỗ trợ hoạt động cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện và phòng, chống tái nghiện ma túy; nghiên cứu, sản xuất, ứng dụng thuốc và phương pháp cai nghiện ma túy; Hỗ trợ kinh phí thực hiện cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện và phòng, chống tái nghiện ma túy…

Người nghiện ma túy có trách nhiệm: Tự khai báo về tình trạng nghiện ma túy của mình với cơ quan, tổ chức nơi làm việc hoặc Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) nơi cư trú và tự đăng ký hình thức cai nghiện ma túy; Tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về cai nghiện ma túy.

Luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội

Gia đình người nghiện ma túy có trách nhiệm: Khai báo với Ủy ban nhân dân cấp xã (UBND) về người nghiện ma túy trong gia đình mình và đăng ký hình thức cai nghiện cho người đó; Động viên, giúp đỡ và quản lý người nghiện ma túy cai nghiện tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng theo sự hướng dẫn, giám sát của cán bộ y tế và UBND cấp xã;Theo dõi, giám sát, phòng ngừa, ngăn chặn người nghiện sử dụng trái phép chất ma túy hoặc có hành vi gây mất trật tự, an toàn xã hội; Hỗ trợ cơ quan có thẩm quyền đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện và đóng góp kinh phí cai nghiện theo quy định của pháp luật.

UBND cấp xã có trách nhiệm: tổ chức cho người nghiện ma túy, gia đình người nghiện ma túy khai báo về tình trạng nghiện ma túy và đăng ký hình thức cai nghiện.

Điều 26 Luật phòng chống ma túy quy định có hai biện pháp cai nghiện ma túy gồm: Cai nghiện ma túy tự nguyện, cai nghiện ma túy bắt buộc và ba hình thức cai nghiện ma túy là: Cai nghiện ma túy tại gia đình; cai nghiện ma túy tại cộng đồng và cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện.

Đối tượng bị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng là người nghiện ma túy cư trú tại cộng đồng nhưng không tự giác khai báo và không tự nguyện đăng ký cai nghiện tại gia đình hoặc cộng đồng.

Như vậy, tùy thuộc vào từng loại đối tượng nghiện ma túy mà sẽ áp dụng các hình thức cai nghiện ma túy khác nhau.

Sử dụng ma túy là phạm pháp

Nghiện ma túy không chỉ tàn phá cơ thể, sức khỏe người nghiện, phá tán gia sản mà còn có thể gây ra nhiều hệ lụy khác cho xã hội như trộm cắp, cướp giật, giết người, mại dâm...

Thời gian gần đây những đối tượng nghiện ma túy, đặc biệt là ma túy "đá" đã gây ra những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, gây hoang mang trong xã hội. Bởi vậy, cần nâng cao tránh nhiệm của các cơ quan, người có thẩm quyền xử lý các trường hợp nghiện ma túy và quản lý tốt hơn với các đối tượng nghiện ma túy.

Theo luật phòng chống ma túy và Bộ luật hình sự sửa đổi năm 2009 thì nghiện ma túy, sử dụng chất ma túy không còn là tội phạm (là con bệnh) nhưng cũng là một hành vi vi phạm pháp luật, có thể áp dụng các biện pháp hành chính (phạt tiền, bắt buộc cai nghiện...) để giảm thiểu và quản lý các đối tượng nghiện ma túy này, tránh họ gây hại cho xã hội. Những trường hợp nghiện ma túy mà cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý tệ nạn này tại địa phương không phát hiện, không có những biện pháp quản lý, giáo dục kịp thời dẫn đến việc người nghiện gây án thì người quản lý trên địa bàn đó cũng phải chịu một phần trách nhiệm đối với lỗi quản lý của mình.

[mecloud]VvSelpkqCW[/mecloud]

Tiểu Phương

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news