Tin mới

Thần y dởm ở Phú Thọ tuyên bố chữa khỏi HIV có thể đối mặt với hình phạt nào?

Thứ ba, 19/01/2016, 19:08 (GMT+7)

Thầy Tô khẳng định, từ ngày chữa HIV – AIDS đến nay chưa có ca nào tái phát. Nhưng khi hỏi kết quả xét nghiệm sau khi chữa, thầy lập lờ nói “vẫn dương tính với HIV…”.

Thầy Tô khẳng định, từ ngày chữa HIV – AIDS đến nay chưa có ca nào tái phát. Nhưng khi hỏi kết quả xét nghiệm sau khi chữa, thầy lập lờ nói “vẫn dương tính với HIV…”.

"Thần y" cam kết chữa khỏi AIDS, xét nghiệm lại vẫn dương tính HIV

Theo thông tin trên báo Người Đưa Tin thì hiện nay, tại xã Cổ Tiết (huyện Tam Nông, Phú Thọ) xuất hiện  vị “thần y” có khả năng chữa bệnh “một không hai” ở Việt Nam là Phạm Thành Tô.

Theo lời đồn đoán, vị “thần y” này chữa được cả căn bệnh thế kỷ HIV – AIDS nên đã không ít người tìm đến đây để được thầy… chữa trị. Thầy thuốc này thu 60 triệu đồng và cam kết sau 4 tháng sẽ chữa khỏi bệnh.

Tuy nhiên, khi thăm khám thì thầy không cho bệnh nhân đi xét nghiệm mà chỉ đo huyết áp và lấy thông tin về bệnh nhân rất qua loa tại một khách sạn.

Thầy Tô nhấn mạnh thêm, thuốc của mình không phải là khắc chế giống thuốc ARV mà sẽ khiến virut không sinh sản, phát triển được.

Thầy Tô khẳng định, từ ngày ông chữa HIV – AIDS đến nay chưa có ca nào tái phát. “Khi tôi chữa xong rồi thì khỏe mạnh, bình thường”. Thế nhưng, khi chúng tôi hỏi, uống thuốc xong đi xét nghiệm lại sẽ như nào, ông Tô lập lờ trả lời: “Đi xét nghiệm thì vẫn dương tính…”

Nói về quy trình chữa bệnh, thầy Tô cho hay, nếu đồng ý, thầy Tô sẽ chữa cho bệnh nhân trong vòng 4 tháng; sau 2 tháng chữa mà tăng cân, khỏe mạnh, cảm thấy ăn được, ngủ được nghĩa là sức khỏe tốt lên.

Thêm nữa, nếu xét nghiệm thấy thông số tốt thì thầy sẽ bốc thuốc tiếp. Sau 6 đến 7 tháng, bệnh nhân có thể xét nghiệm lại sẽ thấy sức khỏe tốt, không bị thêm bệnh tật nữa và có thể bỏ thuốc ARV mà vẫn khỏe.

Thầy Tô cũng không quên dặn dò, muốn chữa khỏi thì người bệnh phải tin tưởng. “Nếu anh chị vẫn không tin tưởng thì tốt nhất cứ tìm hiểu kỹ. Chưa tin tưởng mà chữa thì cũng không nên...”.

Ông Nguyễn Đắc Bách - Phó chủ tịch xã Cổ Tiết (Tam Nông – Phú Thọ). Ông khẳng định, ông Phạm Thành Tô khám chữa bệnh nhưng không có giấy phép kinh doanh vì không có cơ quan thẩm quyền nào của nhà nước công nhận.

Nói thêm về trường hợp ông Phạm Thành Tô, ông Hán Thanh Nhân - Trưởng công an xã Cổ Tiết cho hay: “Thật ra đây chỉ là hoạt động lén lút, anh em rất khó biết. Cách đây khoảng 2 năm, ông Tô thuê 1 số nhà trọ ở dưới này để chữa bệnh, sau đó vì không đảm bảo nên đã bị cấm rồi. Thậm chí, bên Công an huyện đã vào cuộc vì nhận được đơn tố cáo của bệnh nhân, ông Tô đã lừa và thu tiền mấy chục trường hợp, sau phải trả lại".

“Thần y” có thể đối mặt với hình phạt nào?

Từ những thông tin trên theo luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp – Đoàn luật sư TP Hà Nội thì, những lời hứa hẹn, cam kết của ông Phạm Thành Tô là không có cơ sở khoa học và không thực hiện được trên thực tế. Ngoài ra, câu chuyện còn liên quan tới tiền bạc của bệnh nhân, người bệnh đã phải bỏ ra nhiều tiền để nuôi hi vọng theo nội dung hứa hẹn của ông Tô. Nếu có đơn tố cáo về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì cơ quan công an sẽ vào cuộc xác minh làm rõ vụ việc và xử lý theo quy định pháp luật.

Vị "thần y" đang thăm khám cho bệnh nhân trong một phòng ở khách sạn Vạn Xuân Vượng. Ảnh Người Đưa Tin.

Luật sư Cường cho biết: Theo quy định tại Điều 139 BLHS thì lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi gian dối, thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng trở lên. Trong đó, thủ đoạn gian dối là hành vi đưa ra những thông tin giả mạo, sai lệch làm cho nạn nhân tưởng thật giao tài sản cho kẻ phạm tội, sau đó kẻ phạm tội chiếm đoạt số tài sản đó.

Vì vậy, nếu trong quá trình xác minh nguồn tin mà cơ quan điều tra có căn cứ xác định ông Tô đã đưa ra những thông tin sai sự thật để bệnh nhân đưa tiền cho ông Tô, sau đó ông Tô không chữa được bệnh như đã cam kết và cũng không trả lại số tiền đó thì hành vi của ông Tô có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Để xử lý ông Tô về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì cơ quan điều tra cần thu thập các tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho hành vi gian dối, thủ đoạn gian dối và hành vi chiếm đoạt tài sản của các bị hại, với số tiền chiếm đoạt từ 2 triệu đồng trở lên. Điều 139 Bộ luật hình sự quy định:

Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

g) Gây hậu quả nghiêm trọng.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Điều kiện về mặt khách quan của loại tội phạm này là bắt buộc phải có “hành vi gian dối, thủ đoạn gian dối” và đi liền với đó là “nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản”. Hành vi gian dối, thủ đoạn gian dối ở đây thể hiện là đưa ra những thông tin, tài liệu không đúng sự thật, làm cho người có tài sản hiểu lầm là giao tài sản cho người gian dối này thì sẽ không bị mất, ngược lại còn có thể được hưởng lợi.

Thủ đoạn gian dối làm cho người có tài sản không còn minh mẫn về lý trí, không tự do về lý trí, không hiểu đúng bản chất của giao dịch nên quyết định giao tài sản cho người lừa đảo. Sau khi nhận được tài sản thì người đưa ra thông tin gian dối không có ý định trả lại nữa (mục đích chiếm đoạt).

Nếu mục đích chiếm đoạt tài sản có trước khi nhận được tài sản thì người có thủ đoạn gian dối sẽ bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 139 BLHS. Còn nếu mục đích chiếm đoạt tài sản xuất hiện sau khi nhận được tài sản của nạn nhân bằng hình thức hợp đồng thì vẫn có thể xử lý người chiếm đoạt về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 140 BLHS.

HIV – AIDS là căn bệnh thế kỷ, hiện nay y học thế giới chưa có thuốc đặc trị, các nước có nền y học phát triển cũng chưa thể chữa khỏi. Vậy mà một thầy lang lại có thể chữa được bệnh nan y này thì đó là câu chuyện không tránh khỏi sự nghi ngờ của người dân. Nếu trong quá trình tiếp xúc với người bệnh mà "thần y" này cam kết, hứa hẹn là sẽ chữa khỏi bệnh để bệnh nhân đưa tiền, sau đó "thần y" không chữa được bệnh, cũng không trả lại tiền thì người bệnh có quyền tố cáo hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của "thần y" này và "thần y" này sẽ phải đối mặt với trách nhiệm hình sự như đã nêu ở trên.

Ngoài ra, khám chữa bệnh là hoạt động kinh doanh có điều kiện, có sự quản lý của cơ quan y tế. Nếu cơ sở khám chữa bệnh này không đủ tiêu chuẩn hành nghề, không đủ điều kiện để thực hiện hoạt động khám chữa bệnh thì hành vi này sẽ bị xử lý hành chính, nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì sẽ bị xử hình sự.

Vụ việc này đang gây hoang mang trong dư luận, vì vậy cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc xác minh làm rõ và ngăn chặn những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

  Thu Trang

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news