Tin mới

Thêm tên các thành viên vào sổ đỏ: "Không hiểu luật và sẽ tạo ra nhiều rối ren"

Thứ tư, 22/11/2017, 16:33 (GMT+7)

Liên quan đến việc Thông tư 33/2017/TT-BTNMT sắp có hiệu lực về việc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) sẽ ghi tên các thành viên trong gia đình cùng sử dụng đất, GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, đây là quy định không cần thiết và sẽ tạo ra nhiều rối ren.

Liên quan đến việc Thông tư 33/2017/TT-BTNMT sắp có hiệu lực về việc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) sẽ ghi tên các thành viên trong gia đình cùng sử dụng đất, GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, đây là quy định không cần thiết và sẽ tạo ra nhiều rối ren.

Ảnh minh họa.

Ngay sau khi thông tin sổ đỏ phải ghi tên các thành viên trong gia đình đã gây nhiều tranh cãi và nhiều ý kiến cho rằng, thông tư trên là một "hủ tục ngành tài nguyên". Bởi Chính phủ đã và đang nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, bỏ sổ hộ khẩu mà thông tư mới lại ghi thêm thông tin vào sổ đỏ sẽ gây phiền phức và khó hiểu.

Trao đổi trên tờ Lao động, Giáo sư Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng những người đề xuất chuyện này không có hiểu biết gì về pháp luật dân sự, bởi lẽ đối với con cái trong gia đình thì trong bộ luật dân sự đã nói về quyền thừa kế.

"Con cái được nhận thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật, con cái không có công đóng góp vào tài sản chung của bố mẹ nên không thể ghi vào là chủ tài sản. Việc thêm tên các con vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đồng nghĩa với việc chúng ta phải xác định rõ ràng được sự đóng góp của từng người con trong tài sản chung đó", GS Đặng Hùng Võ thẳng thắn bày tỏ và cho rằng "điều này là không thể".

GS Đặng Hùng Võ cũng bày tỏ sự băn khoăn trước thông tư mới, nói hộ gia đình ở đây có nghĩa là 2 người chủ hộ tương đương nhau là vợ và chồng. 2 người chủ của gia đình xác định quyền của mình đối với con cái, nếu con cái thực sự có đóng góp vào tài sản chung đó thì phải có sự xác thực của 2 chủ hộ.

"Liệu chúng ta có thể làm được điều đó không? Và xác định sự đóng góp đó bằng cách nào?”, GS Đặng Hùng Võ nêu vấn đề.

Theo GS Đặng Hùng Võ, việc viết thêm tên thành viên trong gia đình vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ làm rối việc xác định chủ của tài sản và chắc chắn sẽ gây ra tranh chấp.

“Phải xác định rõ được con cái có đóng góp vào tài sản hay không, hay chỉ có vợ và chồng. Chuyện tài sản là chuyện cần cẩn thận, chứ không phải chúng ta đưa tên vào đó một cách vô cớ”, GS Võ nhấn mạnh.

Trước ý kiến cho rằng thông tư này được xem là một trong những giải pháp để loại bỏ tình trạng lừa đảo trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất, GS Đặng Hùng Võ lại cho rằng, nếu nói để xóa bỏ tình trạng lừa đảo thì chúng ta phải làm hồ sơ quản lý chặt chẽ và mở cửa rộng để người dân có thể được giải đáp những thắc mắc chứ không phải viết “lằng nhằng” thêm vào sổ đỏ với hi vọng sẽ loại trừ được những trường hợp mang tính lừa đảo.

"Cách hiểu thông tư mới này quy định cứ sổ đỏ là mọi thành viên trong gia đình đều ghi tên vào là sai”, GS Võ khẳng định.

Trong khi đó, tao đổi với PV Báo Giáo dục Việt Nam, Luật sư Mai Tiến Dũng chuyên về lĩnh vực bất động sản (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng: “Thông tư mới của Bộ Tài nguyên và Môi trường có một điểm mới so với các quy định cũ là ghi đầy đủ các thành viên trong hộ nông nghiệp được giao đất".

Theo LS Dũng, trước đây, khi Nhà nước giao đất cho hộ nông nghiệp thì một người trong hộ kinh doanh đó sẽ đại điện đứng tên quyền sở hữu mảnh đất đó.

Nhưng với thông tư mới này, các thành viên khác trong gia đình từ lớn tới nhỏ sẽ cùng có tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để tránh việc xảy ra tranh chấp pháp lý sau này.

Còn đối với tài sản riêng vẫn thực hiện theo quy định như cũ, tức chỉ cần ghi tên chủ hộ, sau này khi mua bán thì chủ hộ toàn quyền mua bán và sổ đỏ này không phải ghi tên các thành viên trong gia đình như con cái.

Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường sửa đổi, bổ sung Điểm c Khoản 1 Điều 5 Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT (ngày 19/5/2014) quy định:
 
“Đối với hộ gia đình sử dụng đất thể hiện các thông tin “Hộ gia đình, gồm ông” (hoặc “Hộ gia đình, gồm bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của chủ hộ gia đình như quy định tại Điểm a Khoản này; địa chỉ thường trú của hộ gia đình. Trường hợp chủ hộ gia đình không có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi người đại diện là thành viên khác của hộ gia đình và cùng có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình.
 
Sau đó ghi thêm “Cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất (hoặc Cùng sử dụng đất hoặc Cùng sở hữu tài sản) với … (ghi lần lượt họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của những thành viên còn lại trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất)”.

Bên cạnh đó Thông tư 33/2017/TT-BTNMT cũng sửa đổi bổ sung, hướng dẫn một số nội dung quy định về diện tích sàn căn hộ phải đảm bảo quy định pháp luật về nhà ở; Hướng dẫn hồ sơ đăng ký biến động đối với trường hợp cá nhân đưa quyền sử dụng đất vào DN; Hướng dẫn việc sử dụng đất đối với trường hợp chuyển đổi công ty, chuyển DNTN thành công ty TNHH...

Thông tư 33/2017/TT-BTNMT chính thức có hiệu lực từ ngày 5/12/2017.
 
Đức Hòa (tổng hợp)

 

 

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news