Tin mới

Thiệt hại do bão, cứ đổ tại người dân chủ quan là xong?

Thứ năm, 09/11/2017, 08:44 (GMT+7)

Bão số 12 gây thiệt hại lớn nhất trong lịch sử Khánh Hòa còn tròn 20 năm trước đây, bão Linda gây thiệt hại lớn nhất với người dân Nam Bộ. Cứ theo lời của những người có thẩm quyền, thì thiệt hại của 2 cơn bão “lịch sử” này có chung một nguyên nhân lớn: Do người dân chủ quan (?).

Bão số 12 gây thiệt hại lớn nhất trong lịch sử Khánh Hòa còn tròn 20 năm trước đây, bão Linda gây thiệt hại lớn nhất với người dân Nam Bộ. Cứ theo lời của những người có thẩm quyền, thì thiệt hại của 2 cơn bão “lịch sử” này có chung một nguyên nhân lớn: Do người dân chủ quan (?).

Một con tàu bị trôi dạt trên biển được kéo vào bờ. Ảnh: TTXVN

Hầu như, cứ sau một cơn bão gây thiệt hại nặng nề đều có buổi tổng hết rút kinh nghiệm. Nhưng có một thứ kinh nghiệm “khó rút” nhất là “trách nhiệm của chính quyền” và “dễ trút” nhất là “người dân chủ quan”!

Ứng phó với cơn bão số 12 vừa rồi, tỉnh Khánh Hòa đã hoãn tất cả cuộc họp không quan trọng để liên tục họp bàn chống bão. Thế nhưng, thiệt hại với Khánh Hòa vẫn rất lớn:  27 người chết, số người chết này không thuộc vùng sơ tán, và hiện vẫn còn 5 người mất tích. 993 nhà sập hoàn toàn, 97.851 nhà hư hỏng, tốc mái…

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Đức Vinh nhìn nhận: “Rất nhiều người dân đã tử vong trong bão, điều này khiến tôi rất buồn. Địa phương rất ít khi có những cơn bão mạnh, ảnh hưởng trực tiếp nên người dân thiếu kinh nghiệm ứng phó. Ngoài ra, họ còn chủ quan trước mức độ nguy hiểm của bão”.

Cũng theo đánh giá của ông Vinh, thiệt hại nhiều cũng bởi người dân cũng còn có tâm lý giữ tài sản. Rất nhiều hộ nuôi thủy, hải sản trên các lồng bè không chịu vào bờ mà túc trực tại đấy gây nguy hiểm tới tính mạng. Nhiều nhà còn thờ ơ với bão, không gia cố nhà cửa...

Các cấp các ngành đã nỗ lực + thế nhưng thiên tai hiếm thấy + người dân vẫn còn tâm lý chủ quan… Những lời này vừa có gì đó “quen quen”, vừa có gì đó “sai sai”.

“Quen quen” bởi nó như thành công thức để dùng cho các cuộc tổng kết thiệt hại do thiên tai!

Vậy cái gì “sai sai”?

Đành rằng không thể phủ nhận việc có những người dân còn “chủ quan, thiếu kinh nghiệm ứng phó”. Vậy vai trò của hệ thống  chính quyền địa phương, đoàn thể… những năm qua ở đâu mà để người dân cứ mãi “chủ quan”?

Nếu người dân được tuyên truyền rồi mà chưa thay đổi được nhận thức, vẫn chủ quan trước bão lũ, thì cũng phải lật ngược lại vấn đề, liệu việc tuyên truyền đó có hình thức, chung chung và chưa sâu sát?  Nói rộng ra, nếu người dân được giáo dục các kỹ năng ứng phó với thiên tai mà vẫn không biết xoay xở sao khi họa đến, thì cũng phải xem lại hiệu quả của sự giáo dục đó.

Hơn nữa, việc phòng chống thiên tai không phải chỉ là khi thấy có dự báo bão rồi mới cuống cuồng họp và triển khai. Đáng ra những kỹ năng, kinh nghiệm chống bão lũ phải được chính quyền và người dân vùng biển thuộc nằm lòng.

Công tác chuẩn bị nơi neo đậu, cứu hộ cứu nạn phải được địa phương đặc biệt trú trọng và coi như việc làm sống còn khi ngư dân ra khơi bám biểm chứ không thể còn bỡ ngỡ, để rồi phải rút kinh nghiệm. Nhưng tiếc thay, cơ quan quản lý vẫn để người dân chủ quan và thiếu những kỹ năng tối thiểu.

Chính vì vậy, dù địa phương khẳng định đã làm tích cực phòng chống bão lụt nhưng vị Tổng cục trưởng phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài cũng phải thừa nhận, thiệt hại lớn còn do phương án ứng phó của một số địa phương chưa sát với thực tế, nhất là việc di dời dân ở nơi không an toàn. Việc sắp xếp neo đậu tàu không hợp lý làm công tác cứu hộ gặp khó. Khi có sự cố, cần tổ chức cứu nạn thì không di chuyển được do không có đường ra phía biển...

Ông Hoài cũng nói, với cơn bão số 12, công tác chỉ đạo, chuẩn bị ứng phó được tiến hành kỹ càng, nhưng thiệt hại lớn thì "khó lý giải".

GS Vũ Trọng Hồng-người trực tiếp tham gia ứng cứu sau bão Linda từng “than thở” với tôi:  “Đáng ra, sau thiệt hại bão Lina 20 năm trước làm 3.000 người chết và mất tích thì công tác cứu hộ của chúng ta phải rút ra được nhiều kinh nghiệm và nâng lên một tầm mới, thế nhưng, nhều thứ cho tới thời điểm hiện nay vẫn giậm chân tại chỗ. Đổ lỗi cho dân chủ quan sau tai họa chưa bao giờ là một việc nên làm của cơ quan chức năng”.

Thành Huế

  • Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news