Tin mới

Thực hư vụ nữ phượt thủ tố bị “xế” ép ngủ chung lều

Thứ sáu, 28/08/2015, 13:27 (GMT+7)

Câu chuyện nữ phượt thủ tố “xế” ép ngủ chung lều và ôm đang trở thành điểm nóng bàn tán của dư luận. PV đã liên hệ và có cuộc trò chuyện với “xế” – Lê Trung.

Câu chuyện nữ phượt thủ tố “xế” ép ngủ chung lều và ôm đang trở thành điểm nóng bàn tán của dư luận. PV đã liên hệ và có cuộc trò chuyện với “xế” – Lê Trung.

Ngày 25/8 trên diễn đàn Phượt Hà Nội (mạng xã hội Facebook), một thành viên có đăng tải và chia sẻ câu chuyện bị “xế” ép tối phải ngủ chung lều và “cô gái phải ôm” thì mới tiếp tục cho đi tiếp.

Câu chuyện này được chia sẻ trên mạng đã ngay lập tức nhận được rất nhiều phản hồi và ý kiến bình luận trái chiều của Cộng đồng mạng. Nhưng đa phần đều tỏ thái độ rất bức xúc trước hành động của nam lái xe kia với cô gái.

Đoạn status của cô gái H. đăng trên diễn đàn Phượt Hà Nội gây xôn xao cộng đồng mạng.

Để tìm hiểu rõ hơn ngọn nguồn của câu chuyện, PV đã liên hệ với cô gái để nghe đầu đuôi sự việc, tuy nhiên cô gái này hiện vẫn chưa trả lời.

Tiếp đó, PV đã liên hệ với “xế” đèo cô gái trong chuyến phượt hôm đó và đã được anh hẹn gặp để trao đổi. Trong cuộc trao đổi này chúng tôi đã nhận được những chia sẻ thẳng thắn từ phía anh và anh có nhận lỗi sơ suất về mình.

Tất cả chỉ là dựng chuyện

Người đàn ông này giới thiệu mình là Lê Trung, sinh năm 1974, là Ban quản trị của nhóm thiện nguyện, đã làm thiện nguyện được 23 năm nay.

Khi PV đặt câu hỏi anh có biết đến thông tin mà nhiều người đang nói về anh hay không, anh Trung nói rằng có biết nhưng bận quá do đang giúp bà con nông dân bán nông sản nên chưa có thời gian quan tâm.

Anh Lê Trung trao đổi với PV.

Anh Trung kể, chuyến đi của anh vào hôm thứ 6 tuần trước, đây là chuyến đi thiện nguyện (chứ không phải đi phượt) lần này của anh gồm gần 60 người tại một địa bàn được liệt vào tứ đại hiểm địa của Tây Bắc. Tuy nhiên, anh có thói quen là chỉ đi xe máy nên thường đi trước đoàn một ngày và về sau đoàn một ngày, để có thời gian làm quen với bà con địa phương, tìm hiểu về địa bàn và tạo lập các mối quan hệ với đội tình nguyện viên cơ sở.

Trước hôm đi dự định có 4 xe máy đi và có 8 người, trong đó có 3 xe quen biết trước và 1 xe không quen. Sát đến ngày đi thì có 2 xe có công việc bận đột xuất nên không đi, và bạn gái anh ngồi sau xe anh bận cũng không đi được nên chỉ còn 2 xe và 3 người. Vì thiếu một người nên anh Trung đã lên facebook vào diễn đàn phượt để hỏi có ai muốn đi thì đi cùng, sau đó có cô gái tên H. nói rằng là bạn ấy đi được vì bạn ấy đã có rất nhiều trải nghiệm.

“Đó cũng chính là lý do bạn H. đi cùng mình và đấy cũng là lỗi của mình bởi vì để có một chuyến đi xa như thế thì cần tìm hiểu rất rất kỹ bạn đồng hành, vì bạn đi cùng mà mình không biết là ai thì điều đó quá tệ và nó có thể làm hỏng cả cuộc hành trình” Lê Trung chia sẻ.

Trước đó thì cả hai cũng chỉ liên lạc qua facebook, bạn nữ này cũng không đi off với nhóm và trước giờ đi một tiếng H. mới gọi điện thoại cho Lê Trung và hẹn qua đón ở chân cầu vượt Khương Trung.

Tuy nhiên khi đến đón thì anh Trung đã giật mình, ngạc nhiên bởi cách ăn mặc của bạn nữ này không phù hợp cho một chuyến đi thiện nguyện.

“Nếu là đi nhiều rồi thì sẽ nhận biết được đâu là vấn đề và đâu là ổn hay không ổn, bạn nữ này đi một đôi giầy cao gót nhưng đi như vậy thì sẽ không thể leo được vì đường rất khó đi, nhưng cô gái này nói ‘em đi được, em quen rồi’.

Với địa hình hiểm trở mà H. lại đi đôi giày cao gót thì anh Trung e ngại rằng cô không thể đi được (Ảnh: NVCC)

Và trên đường đi rời khỏi chỗ đón vài trăm mét cô gái này hỏi mình là ‘anh ơi, đoàn mình đi bao nhiêu người? Rồi lên đó là nhậu à?’, bạn ấy cũng có hỏi tiếp là ‘anh ơi, đi thế này thì ăn ở đâu, ngủ, nghỉ thế nào?’ thì mình có nói với bạn ấy thế này ‘Đi như này là ăn chung, ngủ chung đoàn ra sao thì mình như thế’.

Sau đó bạn nữ này mới nói ‘ôi như thế thì không được’, và xe máy của mình đi đến đoạn bến xe Mỹ Đình thì mình cũng có bảo H. là ‘bây giờ em xuống xe còn kịp, anh nghĩ em đang nghĩ đây là một chuyến đi chơi nhưng thực chất là một chuyến đi thiện nguyện’. Sau đó bạn ấy có nói ‘thôi em không xuống đâu, anh cứ cho em đi, em hiểu rồi’.

Trước đó mình cũng có nói với bạn ấy là mình cực kỳ nguyên tắc, nếu làm sai là sẽ bị mình đuổi khỏi đoàn thì bạn ấy cũng ‘vâng, em đồng ý’” anh Trung kể lại.

Giải thích về hành động mà cô gái nói bắt ôm trên dọc đường đi, anh Trung cho biết: “Nguyên tắc khi đi đường đèo, đồi núi thì lên dốc ‘bám xế’ tức là phải bám vào xế và xuống dốc ‘bám xe’ tức bám đuôi xe. Tại vì khi đi đường núi cao thì trọng tâm dồn vào đúng chính giữa của cái xe và xe chòng chành không thể đi được. Đi đường đồi núi cần có sự hợp tác, nhưng bạn gái này lại ngồi ra tận đuôi xe và nhiều lần mình phải yêu cầu cô ấy ngồi lên thì mình mới có thể đi được nhưng bạn ấy không làm theo. Cả chuyến đi đều không có sự hợp tác”.

Đến 9h30 thì cả 2 xe đến Bản Hốc, Văn Chấn, Yên Bái và được một bạn tình nguyện viên, một bạn Cảnh sát hình sự ở đây tiếp đón tại nhà nghỉ Quang Thuật và bố trí ăn, ngủ nghỉ ở đây.

Chủ nhà sàn bố trí cho 4 người một gian nhà để ngủ (gian nhà sàn của người Thái thông nhau không hề có vách ngăn). Được chủ nhà sàn mời rượu nhưng hai bạn gái xuất phát từ Hà Nội từ chối uống, thái độ của 2 bạn làm những người Thái có mặt buổi tối đó không vui. Sau đó anh Trung đã giải thích với hai cô gái này rằng:

“Khi các em đến với vùng dân tộc tuyệt đối không nên nói từ không, mà phải nói không uống được thì cho em xin nhấp môi thì người ta đồng ý ngay, vì với người dân tộc mình từ chối lời mời của họ thì họ rất ghét và có thể làm hỏng cả chuyến đi của chúng ta”.

Cả đoàn ăn uống và nghỉ ở nhà sàn Quang Thuật. (Ảnh: NVCC)

Sau đó, ba bạn xuất phát từ Hà Nội đi ngủ trước, còn anh Trung và mọi người còn lại ngồi lại uống giao lưu thêm một lúc nữa mới đi ngủ để chuẩn bị cho sáng mai còn nhiều việc phải làm.

Đến sáng ngủ dậy thì đã không còn thấy H. ở đó nữa, tối đó H. đã ra nơi khác ngủ riêng. Sáng hôm sau khi đi uống cà phê, H. đã nhờ bạn tình nguyện viên ở đó bắt taxi để đi chơi nhưng bạn tình nguyện viên đã ngăn lại. Lúc đó anh Trung đã tỏ ra không hài lòng với cô gái này vì định tách đoàn đi chơi mà không báo trước.

Đến bữa trưa, lại có thêm một bạn tình nguyện viên là người dân bản địa đến giao lưu cùng, H. tiếp tục được mời rượu nhưng từ chối uống. Mọi người đều không hài lòng nhưng không hề có chuyện ép uống như lời H. nói.

Nhóm ăn trưa xong thì quyết định đi vào bản Tà Xì Láng để vừa chơi, vừa khảo sát địa điểm. Nhưng đi được 2/3 đường thì phải quay lại vì đường khó đi quá. Về đến gần Bản Hốc có dòng suối lạnh thì cả đoàn xuống tắm ở đấy. H. không thông báo gì mà bỏ đi đâu mất và khi đó còn sớm nên mọi người ra chỗ có suối nước nóng để tắm tiếp khoảng 10 phút (vì suối nước nóng cũng chỉ cách đó tầm 1 km).

Sau khi tắm xong thì anh Trung có mở điện thoại ra xem thì có nhiều cuộc gọi nhỡ của H. và lúc đó mải tắm không cầm điện thoại, nhưng sau đó anh Trung cung cấp số điện thoại cho bạn Phương lên đón H. và bạn H. chửi bạn Phương một trận. (Người gọi ông già noel đây không phải Trung mà là Phương). Tuy nhiên theo lời kể của anh Trung thì bạn Phương cũng tỏ ra khá bức xúc khi H. nói rằng về sẽ đưa câu chuyện này lên báo chí.

Cùng lúc đó có một số điện thoại lạ gọi đến và nói với anh Trung là người yêu của H. và hỏi vì sao lại để H. một mình, sau đó anh Trung cũng đã giải thích và người yêu của H. đã đồng ý không hỏi gì thêm.

Tin nhanh với PV, anh Trung khẳng định: “Không có chuyện là để cô ấy ở lại rừng sâu một mình hay bắt cóc là không hề có. Địa điểm đó rất gần nơi nghỉ đêm trước và được anh cảnh sát hình sự, các tình nguyện viên là người dân ở đó khẳng định là rất an toàn nên cứ để H. ở lại, nhóm sau khi tắm suối nóng sẽ quay lại đón sau”.

Sau đó, anh Trung quay trở lại nhà sàn Quang Thuật ngủ nghỉ tối hôm trước để lấy đồ và thấy bạn H. đang ở đấy, bạn H. quay sang chửi bới anh Trung những lời lẽ không hay.

“Mình có nói với H. là cái sai của em là gì? Là em đã vô kỷ luật, đi đâu thì phải báo cho mọi người biết chứ không thể tự ý bỏ đi như vậy. Tuy nhiên H. không tiếp thu mà tuyên bố sẽ không đi cùng đoàn nữa”. Do vậy anh Trung đã quyết định là đuổi H., không cho phép tham gia tiếp hành trình.

Khi thu dọn đồ đạc thì đồ của cô gái này trên xe của anh Trung có một mũ bảo hiểm, một áo chống nắng, một đôi dép tổ ong. Cô gái yêu cầu anh Trung xuống xe lấy đồ nhưng anh Trung có nói H. tự xuống lấy nhưng H. không xuống. Còn kính và đôi dép trị giá 200 ngàn là để ở suối khi tắm cô gái đó không đi lấy về.

Tối hôm đó, cô gái này đã ở lại nhà sàn vui chơi và tự đi về Hà Nội vào ngày hôm sau. Còn đoàn thiện nguyện tiếp tục đi vào điểm trường Làng Nhì làm chương trình.

Anh Trung cho biết thêm: “Một số người còn nói đoàn 4 người chúng tôi không trả tiền ăn và tiền ngủ của nhà sàn này nhưng thực ra đã thanh toán tiền ăn nghỉ 1 triệu 800 rồi, còn H. chưa hề thanh toán một đồng nào chi phí chung đó. Sau khi nhóm mình rời đi H. đã ở lại ăn nghỉ thêm một đêm nữa mà cũng không hề thanh toán”.

Về phía H. có nói anh Trung ăn trộm những thứ đồ trên nhưng anh Trung lại cho rằng H bịa đặt và trên đường về Hà Nội cũng đã gọi điện thoại cho người yêu của H. sang lấy đồ nhưng không nghe máy, còn bạn H. hiện đang cầm chiếc đèn pin của anh Trung với giá 1 triệu 200 ngàn đồng.

Theo lời của anh Trung thì cả chuyến đi có hai đêm nghỉ, một là ở khu nhà sàn, hai là ở điểm trường “Cô gái này dựng lên câu chuyện vì ở đó đông người làm sao mà có thể ngủ riêng 2 người và ngủ nhà sàn thì tất cả gian thông nhau”.

Theo lời anh Trung "ngủ chung lều" tức là ngủ như thế này, vì ở đó hẻo lánh không ngủ thì sẽ không có chỗ mà ngủ (Ảnh: NVCC).

Anh Trung cũng cho biết thêm: “Bằng rất nhiều phiền toái và không hợp tác trong chuyến đi cộng lại mới khiến mình phải nói và có cách xử lý với H. như vậy. Trước đó ở Hà Nội mình đã nói câu chuyện là sẽ phải ăn chung, ngủ chung, sinh hoạt chung và bạn nữ đó đã chủ động đi theo thì chứng tỏ bạn nữ này biết phân biệt đâu là tốt và an toàn cho mình. Theo mình thì bạn gái này đang dựng lên một câu chuyện làm ồn ào và gây khó chịu cho tất cả mọi người, làm ảnh hưởng đến ý nghĩa tốt đẹp của việc làm thiện nguyện”.

Đây là việc cá nhân, hội không có thời gian để giải quyết

Trước câu chuyện ồn ào này, PV cũng đã có cuộc trao đổi với chị Thơm – Hội phó của hội, người cũng có mặt với đoàn hôm đó.

Chị cho biết có nghe câu chuyện này, nhưng đây chỉ là câu chuyện cá nhân không liên quan đến hội nên không muốn làm ảnh hưởng đến uy tín của hội. Mạng xã hội có tính hai mặt, ở đó có mặt tốt nhưng cũng có mặt xấu có những người cũng “tát gió theo mưa”. Vì thế mình cũng không có quyền phán xét ai đúng, ai sai. Chỉ là người ngoài nhìn vào.

“Còn về phía bạn nữ, khi đã quyết định đi thì bản thân phải tìm hiểu kỹ bạn đồng hành, nếu không sẽ có thể xảy ra những sơ suất không đáng có và như vậy là chỉ thiệt mình thôi”, chị Thơm nhấn mạnh.

“Đây là chuyện cá nhân bên hội không có quyền can thiệp và bạn H. cũng chưa hề lên tiếng thêm nên bên hội không thể chịu trách nhiệm được” chị Thơm chia sẻ.

Thông qua câu chuyện này, chị Thơm cũng mong muốn mọi người khi chia sẻ hay bình luận điều gì nên nhìn nhận từ hai hoặc nhiều phía, tránh cảm tính gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự và nhân phẩm của người khác.

Trong quá trình làm việc với anh Trung, anh đã cung cấp thêm cho PV số điện thoại của những người có liên quan để tiếp tục kiểm chứng và xác minh thông tin.

Hiện chúng tôi đang liên hệ với cô gái trên và sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc

Bạch Dương

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news