Tin mới

Chiếu tia laser vào buồng lái máy bay bị phạt tù như thế nào ở nước ngoài?

Thứ năm, 23/06/2016, 11:34 (GMT+7)

Chỉ trong nửa đầu tháng 6/2016, Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia đã ghi nhận 4 vụ chiếu tia laser vào máy bay tại khu vực Nội Bài (Sóc Sơn, Hà Nội). Vậy tia laser gây nguy hiểm như thế nào đối với phi công, an toàn bay và trên thế giới đã ghi nhận những trường hợp nào tương tự?

Chỉ trong nửa đầu tháng 6/2016, Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia đã ghi nhận 4 vụ chiếu tia laser vào máy bay tại khu vực Nội Bài (Sóc Sơn, Hà Nội). Vậy tia laser gây nguy hiểm như thế nào đối với phi công, an toàn bay và trên thế giới đã ghi nhận những trường hợp nào tương tự?

Khi ở dưới mặt đất, ánh sáng đèn laser có vẻ yếu và bị loãng đi bởi các nguồn sáng khác mạnh hơn bởi công suất của những chiếc đèn thông thường không vượt quá 5mW. Tuy nhiên, hậu quả nó có thể gây ra cho máy bay hoặc trực thăng lại không thể coi thường.

Nguyên nhân của điều này là bởi tia laser không chỉ có thể vươn tới buồng lái máy bay mà còn được khuyếch đại lên bởi loại kính hữu cơ của buồng lái. Khi đó, khả năng quan sát của phi công sẽ bị mất đi bởi những lóe sáng (FBI ví như là đánh đèn flash trong buồng tối). Với khoảng cách lên tới 365 m (1200 feet), nó có thể nhấn chìm khả năng quan sát của những ai ngồi trong buồng lái máy bay. Trong tiêu chuẩn an toàn hàng không, điều đó vẫn còn khả năng gây mất tập trung ở độ cao lên tới 12.000 feet (gần 3660 m).

Tại Mỹ, hành động chiếu đèn laser vào máy bay là vi phạm luật pháp liên bang và bạn có thể ngồi tù vì điều này.

Tia laser không chỉ có thể vươn tới buồng lái máy bay mà còn được khuyếch đại lên bởi loại kính hữu cơ của buồng lái, có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Ảnh: Solent News

Tháng 10/2015, một phi công của hãng hàng không American Airlines phải vào bệnh viện cấp cứu vì bị trúng tia laser chiếu vào khi đang cho máy bay hạ cánh xuống sân bay San Diego của Mỹ. Rất may không có tai nạn gì xảy ra và các hành khách trên máy bay an toàn.

Một người đàn ông ở Mỹ tên Michael Brandon Smith từng một lần "nghịch dại" khi chiếu thử đèn laser lên chiếc trực thăng đang bay trên đầu để kiểm tra xem ánh sáng có tới nơi không. Không lâu sau đó, cảnh sát gõ cửa nhà ông. Smith bị kết án 2 tháng quản thúc tại nhà và 2 năm quản chế. Phi công trên chiếc trực thăng giao thông đã bị mất phương hướng tạm thời sau khi Smith chiếu đèn lên.

Vào năm 2012, một thanh niên 19 tuổi đã nhận mức án 30 tháng tù giam do dùng một tia laser mạnh hơn và khiến phi công bị mất phương hướng. Cùng năm, một người khác tên là Sergio Rodriguez đã nhận mức án 14 năm tù giam bởi đã dùng đèn chiếu laser mạnh hơn 13 lần.

Tháng 2/2016, một máy bay chở 267 người của hãng Virgin Atlantic, xuất phát từ London đi New York đã phải trở về nơi cất cánh sau khi một tia laser chiếu vào buồng lái, khiến phi công gặp vấn đề y tế.

Năm 2015, một người đàn ông đã bị cảnh sát Scotland bắt giữ và sau đó bị tuyên án 12 tháng tù vì dùng bút laser chiếu lên trực thăng.

Việc chiếu tia laser vào máy bay có thể gây tổn thương mắt của phi công. Ảnh: FAA

Năm 2014, ba người đàn ông ở Leicestershire đã bị bỏ tù vì sử dụng bút laser chiếu vào buồng lái nhằm thu hút sự chú ý của phi công khi máy bay sắp hạ cánh tại sân bay East Midlands.

Fahd Quhill, một bác sĩ nhãn khoa tại bệnh viện Royal Hallamshire ở Sheffield, Anh, nói rằng, ông từng điều trị cho một phi công bị thương ở mắt sau khi bị tia laser chiếu vào. Tia laser cực mạnh đó đã khiến viên phi công bị "mù tạm thời" và không thể nhìn thấy trong 45 phút. Dù duy trì được tầm nhìn, song phi công này bị tổn thương vĩnh viễn ở vùng mắt.

"Nó đủ để gây tổn thương cho võng mạc. Nếu ở góc khác có thể nó đã khiến anh ấy bị mù", ông Quhill cho biết.

Một phi công hãng hàng không thương mại Janet Alexander nói: "Nó giống như một tia chớp tấn công tức thời, ánh sáng mạnh và chói. Nếu nhắm mục tiêu chính xác một cách sai lầm, bạn có thể làm hỏng mắt của ai đó".

Chuyên gia an ninh hàng không Julian Bray nói rằng, tia laser chiếu vào buồng lái là mối đe dọa cho toàn bộ máy bay. Phi công có thể "tạm thời bị mù", bị "tổn thương võng mạc", hoặc bị "đau đầu dữ dội"."Vì vậy, nó là rất nguy hiểm thực sự".

Do hậu quả nghiêm trọng mà hành vi này có thể gây ra, Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đã khuyến cáo quốc gia ngăn ngừa việc sử dụng đèn laser làm ảnh hưởng hoạt động bay.

Tại Việt Nam, văn bản của Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia cũng nêu rõ: "Việc chiếu tia laser vào máy bay khi đang cất hoặc hạ cánh tuy chưa gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng có thể gây tổn thương mắt phi công. Đèn làm phi công mất phương hướng, mất kiểm soát tạm thời máy bay, uy hiếp nghiêm trọng an toàn hàng không".

Ở các nước như Mỹ, Anh, bạn sẽ có thể phải ngồi "bóc lịch" trong tù nếu có hành vi chiếu laser vào buồng lái máy bay. Ảnh: Techliciuos

Sự việc xảy ra ở Nội Bài cũng không phải lần đầu tiên các máy bay ở Việt Nam bị chiếu tia laser. Hồi tháng 3/2016, trong khi hạ cánh tại sân bay Pleiku (Gia Lai), một máy bay của Vietnam Airlines đã bị chiếu tia sáng laser vào buồng lái, khiến phi công đang điều khiển máy bay bị chói mắt.

Trước đó,  trong một báo cáo gửi Cục Hàng không Việt Nam, Jetstar Pacific từng cho biết khi máy bay của Jetstar đang hạ cánh tại Tân Sơn Nhất, phi công của hãng này đã cảm thấy có hiện tượng như bị tia laser chiếu vào mắt. Rất may là hiện tượng này xảy ra rất nhanh và không gây ảnh hưởng gì đến an toàn của chuyến bay.

"Theo đánh giá của của cơ quan chức năng, đây là hành vi nguy hiểm, có thể gây tổn thương mắt phi công, làm mất phương hướng, mất quyền kiểm soát tạm thời máy bay, uy hiếp nghiêm trọng an toàn hoạt động bay hàng không dân dụng, vi phạm các quy định của quốc tế và Việt Nam về bảo đảm an ninh, an toàn hàng không dân dụng", ông Đinh Sơn Việt, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết.

[mecloud]tPRabDO93f[/mecloud]

Lê Huyền

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: an toàn bay