Tin mới

Tiếng kêu cứu của người mẹ già trên non cao

Thứ bảy, 07/06/2014, 15:07 (GMT+7)

Chồng mất sớm vì bệnh tật, con trai cả bị thần kinh, phải cùm cả chân, tay còn con dâu và các cháu đi biệt xứ để lại người đàn bà ngoài bảy mươi với những nỗi bất hạnh.

Chồng mất sớm vì bệnh tật, con trai cả bị thần kinh, phải cùm cả chân, tay còn con dâu và các cháu đi biệt xứ để lại người đàn bà ngoài bảy mươi với những nỗi bất hạnh.

Xóm vùng cao Lũng In, xã Lũng Nặm, huyện Hà Quảng (Cao Bằng) nơi cư trú của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số khác nhau, trong đó chủ yếu là người dân tộc Nùng. Địa bàn xóm cách xa trung tâm xã, đường xá đi lại rất khó khăn vì đèo núi, người dân nơi đây quanh năm bám nương rẫy, cần cù nhưng vẫn thiếu ăn.

Đã nhiều năm trôi qua, người dân của Lũng In chứng kiến những giọt nước mắt xót xa buồn tủi của người đàn bà đã qua bên kia con dốc của cuộc đời khóc cho đứa con trai ngây dại vì bệnh tật mà gia đình li tán, thương cho đứa con trai thứ vì nghèo mà không thể lấy vợ.

Bà Dương Thị Thang, sinh năm 1940, người dân tộc Nùng, sinh ra trên mảnh đất nghèo, đến tuổi xuân thì được gia đình cưới gả cho ông Chu Văn Sảng (1938). Cuộc sống quanh năm vất vả nhưng rau cháo có nhau, ông bà có với nhau 2 cậu con trai kháu khỉnh là Chu Văn Quẩy (1977) và Chu Văn Bảo (1983).

Tiếng kêu cứu của người mẹ già trên non cao

Bà Dương Thị Thang nhiều năm nay đau đớn nhìn cảnh con trai bị còng nằm một chỗ không kể mùa đông gia rét hay mùa hè nóng bức đều nằm trên những tấm mền rách nát.

Hai vợ chồng nghèo, làm nương rẫy, quần quật quanh năm với những nương sắn, nương ngô, rồi nuôi thêm gà, lợn,…cố gắng lắm vẫn chẳng đủ ăn, nên chỉ lo được cho hai con trai biết đọc biết viết rồi nghỉ học.

Đáng thương nhất là người con trai cả, tên là Chu Văn Quẩy, năm học lớp 2, khi đi học bị chó dại cắn, thường xuyên bị sốt và lên cơn co giật nên đành phải bỏ học sớm. Tuy nhiên, khi lớn lên anh Quẩy vẫn lao động bình thường, lấy vợ sinh được hai cô con gái khá xinh xắn. Cho đến năm 2006, anh Quẩy bỗng có nhiều biểu hiện lạ, thường hay ném đá và giết gia súc của nhà hàng xóm, thỉnh thoảng lên cơn co giật,… 

Tiếng kêu cứu của người mẹ già trên non cao

Anh Chu Văn Quẩy đã nằm đây nhiều nằm, vợ con cũng rời xa anh để tìm cuộc sống mới...

Ban đầu gia đình vẫn nghĩ do anh tức tối điều gì nên có những phản ứng lạ như vậy. Qua nhiều lần quan sát, thấy những hành động diễn ra liên tục, có vẻ nguy hại cho hàng xóm và những người xung quanh, cũng một phần không chịu được những lời mắng mỏ của hàng xóm về hành động của anh nên cả nhà phải nghĩ cách nhốt anh lại.

Cũng từ khi banh Quẩy phát bệnh, gia đình đã tìm cách vay mượn, chạy chữa cho anh nhưng không được.

Nhà vốn nghèo khó, nay lại càng nghèo hơn, gia đình rơi vào cảnh ly tán, nợ nần. Người cha (ông Chu Văn Sảng) thương xót con, cố gắng vất vả kiếm tiền rồi cũng sinh ra bệnh tình và mất, bỏ lại vợ con với bao nỗi nhọc nhằn. Sau một thời gian anh Quẩy phát bệnh, người vợ là Hoàng Thị H mang theo hai cô con gái, một bé sinh năm 2000, một bé sinh năm 2002 bỏ di biệt xứ. Sau này gia đình được hay, chị H đã đưa hai con nhỏ vào nam sinh sống.

Ngày chị H ra đi, bà Thang nước mắt ngắn dài khóc thương hai đứa cháu nội, còn quá bé dại đã phải cùng mẹ tha hương, nhưng nếu không để các cháu đi cùng mẹ, thì không biết tương lai các cháu sẽ ra sao. “Tôi già rồi, không giúp được gì các con, thấy con dâu tay bồng tay bế hai đứa cháu ra đi cũng xót xa lắm, biết làm sao được, ông trời bắt cái số của các con tôi phải chịu…”. Nói với chúng tôi, đôi mắt sâu, trầm của bà Thang lại ngấn lệ.

Tiếng kêu cứu của người mẹ già trên non cao

Người mẹ già nay vẫn nặng gánh với người con trai cả bệnh tật và người con út chưa thể lấy vợ vì nhà quá nghèo

Đã gần mười năm trôi qua, kể từ ngày anh Quẩy phát bệnh, gia đình buộc lòng phải cách li cho anh ở một chỗ riêng. Gia đình đã xích tay trái của anh lại, còn hai chân cùm bằng hai tấm gỗ nghiến rất dày, chỉ để tay phải tự do cầm nắm. Anh  Quẩy được nằm trên hai tấm ván, có lót vài miếng chăn cũ kỹ đã nát bươm, toàn bộ nhu cầu ăn uống, ngủ, tắm rửa, vệ sinh hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, hàng năm đều diễn ra tại chỗ.

Bà cụ Thang đã bước qua tuổi 74, chân đã không còn nhanh như trước để đi nương, đi rẫy, mắt cũng đã mờ đi vì khóc thương con. Giờ đây bà chỉ có thể giúp việc nấu cơm, quét tước nhà cửa, giặt giũ quần áo. Toàn bộ công việc nương rẫy, trồng ngô, trồng sắn hàng năm trông cả vào người con trai út là anh Chu Văn Bảo (SN 1983). Nhắc đến người con út, bà nói: “Tôi thương thằng út lắm, tất cả công việc đổ lên đầu nó, đã gần 32 tuổi rồi mà chưa lấy vợ như ở đây là ế rồi, chỉ vì nghèo quá không có tiền lấy vợ”

Ông Chu Văn Nguyễn, Bí thư chi bộ xóm Lũng In chia sẻ về hoàn cảnh của gia đình bà Thang: “Về phía chính quyền địa phương cũng đã hỗ trợ gia đình làm các thủ tục giấy tờ gửi lên trên xem xét. Mấy năm gần đây anh Quẩy đã được hưởng chế độ trợ cấp người khuyết tật khoảng 300.000đ/tháng do phòng Lao động Thương binh và Xã hội Hà Quảng cấp”.

Với khoản trợ cấp ít ỏi cùng với tiền làm thuê và bán ngô, sắn của anh Bảo mà vẫn chưa đủ tiền chi phí cho ba mẹ con hàng tháng. Có nhiều tháng trong năm vẫn ăn ngô triền miên, mà thậm chí không đủ ngô cho ăn, nên chưa dám mơ gì đến miếng thịt trong bữa ăn.

Nhìn bữa ăn của ba mẹ con nhà anh Quẩy mà không ai ngăn nổi nước mắt, chỉ có mỗi bát cơm trắng, trộn chút muối bột canh và nước bát nước trắng.Tài sản đáng giá nhất của ba mẹ con là con bò mua được từ tiền hỗ trợ của nhà nước, ngoài ra còn một số nồi niêu đã hàng chục năm dùng để đun nấu.

Bà con trong xóm thương cho hoàn cảnh của mẹ con bà Thang cũng đến chia sẻ, người góp gạo, người góp muối, mắm,…nhưng vì cũng chẳng ai khá khẩm hơn nên không thể giúp được lâu, thỉnh thoảng ai có miếng thức các,miếng thịt lại mang cho.

Hơn một năm trở lại đây, một nhóm các bạn trẻ trong CLB tình nguyện Cao Bằng Discovery thường xuyên đến thăm nom, chia sẻ với gia đình. Khi thì tặng tấm chăn, khi thì tặng tiền, mì tôm, quần áo…

Anh Nguyễn Việt Anh, trưởng Nhóm Từ thiện này chia sẻ: “Nhóm chúng tôi đa phần là người đi làm, nên ngoài giờ làm việc thì anh em chúng tôi nhận những công việc làm thêm, thậm chí kể cả những việc chân tay kiếm thêm nguồn thu hỗ trợ gia đình anh Quẩy vì đây là trường hợp đáng thương nhất mà chúng tôi gặp trong quá trình hoạt động”.

Tiếng kêu cứu của người mẹ già trên non cao

Trong lúc này, sự chia sẻ từ cộng đồng thật sự quý giá đối với gia đình bà cụ Thang

Theo chia sẻ của các bạn trong CLB Cao Bằng Discovery thì anh Quẩy có thể nhận biết tốt, rất nhanh nhẹn. “Khi chúng tôi tới thăm có lợp cho anh một tấm bạt chống nóng và chống bụi, rồi ghi tên mình lên tấm bạt đó và kèm theo những lời chúc tốt đẹp nhất dành cho anh, điều đặc biệt là anh Quẩy đã đọc tên của chúng tôi một cách rõ ràng... Chúng tôi nghĩa rằng nếu được chữa trị anh hoàn toàn có thể hòa nhập với cộng đồng và là một người có ích cho xã hội...”, một thành viên CLB chia sẻ.

Tiếng kêu cứu của người mẹ già trên non cao

Các tình nguyện viên của Câu lạc bộ Cao Bằng Discovery thường xuyên dành thời gian, lặn lội đèo, núi lui tới để động viên tinh thần, chia sẻ với gia đình anh Quẩy

Ở nơi xa xôi, heo hút hàng ngày bà con dân bản vẫn chứng kiến những giọt nước mắt và tiếng khóc thương của người mẹ già khóc vì bất lực trước số phận. Ai ai cũng cầu mong cho ba mẹ con họ một ngày nào đó có được miếng cơm ngon, manh áo lành, và hơn nữa, nếu có lương y nào đó tốt bụng chữa trị cho anh Quẩy để anh sớm hòa nhập cộng đồng.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news