Tin mới

Tiểu thương tiết lộ cách biến khăn “made in China” thành khăn thượng lưu

Thứ bảy, 28/10/2017, 09:29 (GMT+7)

Với hơn 100 nghìn đồng khách hàng sẽ có một chiếc khăn choàng lụa Trung Quốc. Tuy nhiên chỉ cần người bán biết cách “phù phép”, thì chiếc khăn sẽ có giá gấp chục lần.

Với hơn 100 nghìn đồng khách hàng sẽ có một chiếc khăn choàng lụa Trung Quốc. Tuy nhiên chỉ cần người bán biết cách “phù phép”, thì chiếc khăn sẽ có giá gấp chục lần.

Những ngày gần đây, dư luận đang xôn xao và bất bình trước sự việc một khách hàng đã mua khăn lụa mang thương hiệu nổi tiếng Khaisilk, nhưng khi kiểm tra phát hiện chiếc khăn lại gắn mác “made in China".

Những chiếc khăn lụa ở chợ Ninh Hiệp có giá bán buôn là 65 nghìn đồng.

Ông Hoàng Khải, chủ của thương hiệu Khaisilk - người từng được mệnh danh là "ông hoàng của lụa" đã lên tiếng thừa nhận việc nhập khăn Trung Quốc gắn mác Khaisilk “made in Vietnam” và xin lỗi khách hàng.

Tuy nhiên sự việc càng khiến dư luận bức xúc hơn nữa khi ông chủ của thương hiệu KhaiSilk công khai rằng, việc kinh doanh sản phẩm khăn lụa nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm khoảng 50%  và trong khoảng 30 năm trở lại đây đều đã bán những sản phẩm này.

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, chị H., một tiểu thương chuyên buôn khăn choàng lụa tại chợ đầu mối Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm, Hà Nội) cho biết, mặt hàng khăn lụa của chị chủ yếu được nhập từ thành phố Quảng Châu (Trung Quốc) nên có giá rẻ hơn rất nhiều so với khăn choàng lụa tơ tằm của Việt Nam sản xuất.

Do chị H. là đầu mối bán buôn cho các cửa hàng thời trang, nên nắm được nhiều chiêu thức “phù phép” khăn lụa Trung Quốc thành khăn lụa “xịn” mang nhãn hiệu, xuất xứ Việt Nam.

Nhiều chủ cửa hàng tới chợ Ninh Hiệp mua khăn lụa Trung Quốc loại vừa tiền, sau đó đưa về, thay vì để khăn trực tiếp ra trưng bày, họ sẽ cho khăn vào hộp, túi hoặc sang hơn là hộp giả gỗ, được thiết kế rất bắt mắt. Trên hộp in tên cửa hàng hoặc tên một vài thương hiệu lớn như Gucci, Hermes, Louis Vuitton… 

“Cho khăn vào hộp nhìn sẽ xịn hơn và bán được nhiều hơn. Vì thế có bán đắt gấp nhiều lần so với giá gốc thì khách hàng vẫn thấy thoải mái, nghĩ rằng mình mua được hàng xịn”, chị H. chia sẻ.  

Những chiếc khăn lụa được cho vào hộp đựng rất đẹp mắt.

Việc đặt làm hộp đựng hoặc túi đựng cũng rất dễ dàng. Mỗi hộp có giá khoảng 12 - 25 nghìn đồng và có thể đặt trực tiếp từ Quảng Châu chuyển về hoặc thuê các đơn vị gia công hộp trong nước. Tuy nhiên, theo bật mí của chị H., những chiếc hộp được nhập từ Quảng Châu về có đắt hơn nhưng độ làm nhái tinh vi y như thật mà khách hàng không phải người sành sỏi thì khó phát hiện đó là hàng nhái.   

Đặc biệt hơn, mặt hàng khăn lụa cũng như vải vóc, quần áo ở Quảng Châu cũng được phân thành nhiều cấp độ khác nhau tương đương với mức giá của chúng. Thường là chủ các cửa hàng có tiếng sẽ đặt loại hàng cấp 1 (loại làm nhái cao cấp nhất) rồi mang về cắt mác sản phẩm có ghi xuất xứ “made in China”, sau đó may chồng lên đó tên nhãn mác hoặc tên của hàng cùng dòng chữ “made in Việt Nam”. Khi đó, với thương hiệu vốn đã nổi tiếng kèm theo những lời quảng cáo có cánh, giá trị của sản phẩm sẽ được tâng lên vài lần, thậm chí cả chục lần.

Chị H. tiết lộ, nhiều chủ cửa hàng có tiếng ở trung tâm Hà Nội cũng đến đây đặt hàng của chị và hầu như, khi đưa về bán, mỗi chiếc khăn choàng cổ sẽ có giá khoảng vài từ trăm nghìn đồng đến cả triệu đồng.

“Không ít những cửa hàng cao cấp, họ sẵn sàng đặt gia công trọn gói hàng nhái ở Quảng Châu từ A – Z. Tức là từ sản phẩm cho đến vỏ hộp và mác các thương hiệu nổi tiếng. Chỉ cần đặt sản phẩm qua email, zalo, Facebook… hoặc trực tiếp tận nơi bất cứ ai cũng được thứ mình muốn”, một tiểu thương (được đề nghị giấu danh tính – PV) có thâm niên đánh hàng từ Quảng Châu cho hay.

Cũng theo vị tiểu thương này, giới đặt hàng này chia làm hai loại, một là làm giả các thương hiệu danh tiếng trên thế giới, hai là làm giả chính các thương hiệu của mình. Loại thứ hai cũng nhiều dạng, có trường hợp thì gửi nguyên tem mác của mình qua, hoặc nhờ họ làm luôn tem mác thương hiệu mình để gắn luôn trong công đoạn gia công sản phẩm. Có trường hợp thì cứ đặt về rồi thay mác mình vào sau thì rẻ hơn nhưng lại dễ gặp rủi ro hơn như trường hợp của Khải Silk là một ví dụ.

Vậy còn đường đi của những chiếc khăn từ Trung Quốc về Việt Nam ra sao? và cách thổi giá chúng như thế nào? sẽ được báo Người Đưa Tin truyền tải cụ thể đến bạn đọc trong bài viết tới.

Quang Linh 

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news