Tin mới

"Tìm thủ khoa con nhà giàu khó lắm"

Thứ hai, 18/08/2014, 21:42 (GMT+7)

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT (qua các kì thi tuyển sinh đại học hằng năm), đa số thủ khoa đều là học sinh nông thôn và hầu hết có hoàn cảnh khó khăn.

 

 

 

 

 

 

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT (qua các kì thi tuyển sinh đại học hằng năm), đa số thủ khoa đều là học sinh nông thôn và hầu hết có hoàn cảnh khó khăn.

Điều gì làm nên thành công ở các em? Những năm tháng học đại học cũng như khi ra trường các em gặp những khó khăn gì?... Loạt bài viết “Chuyện chưa kể về các thủ khoa” khởi đăng từ số báo này sẽ phần nào giải đáp những câu hỏi trên…

Tìm trong top 100 thí sinh có điểm thi cao nhất nước trong kỳ thi ĐH có rất ít thí sinh là con nhà giàu. Ngôi vị thủ khoa thường được "thống lĩnh" bởi các em học sinh "trường làng" có gia cảnh nghèo khó, cuộc sống thiếu thốn từ tấm bé. Nghị lực, trí tuệ và bản lĩnh để chạm đích thành công của các em luôn khiến bất cứ ai biết đến cũng phải ngạc nhiên và khâm phục.

Đa số là con nhà nghèo Mở đầu câu chuyện về các thủ khoa, ông Lê Hữu Lập, Phó Giám đốc Học viện Bưu chính viễn thông, khẳng định: “Con nhà giàu, học sinh thành phố có điều kiện học thêm nhiều nhưng tìm thủ khoa con nhà giàu khó lắm”.

Theo số liệu thống kê của Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD-ĐT cho thấy, năm 2012, đứng đầu danh sách 100 thí sinh có điểm thi ĐH, CĐ cao nhất nước (từ 28,25 điểm trở lên) là thí sinh ở khu vực I (các xã, thị trấn thuộc miền núi, vùng cao, vùng sâu, hải đảo trong đó có các xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn).

Đó là Nguyễn Kim Phượng, quê ở tỉnh Lâm Ðồng, thi vào trường ÐH Y Dược TP Hồ Chí Minh với tổng điểm 3 môn đạt tuyệt đối 30 điểm. Thí sinh đứng vị trí thứ 2 thuộc là Trần Xuân Bách, khu vực II nông thôn, ở huyện Ba Vì, Hà Nội, dự thi trường ĐH Y Hà Nội với số điểm là 29,75.

Thủ khoa trường ĐH Giao thông Vận tải Kiều Văn Bắc và mẹ.

Tiếp đến năm 2013, Nguyễn Trọng Hùng (học sinh trường THPT Nam Khoái Châu, ở xã Đại Hưng, huyện Khoái Châu (Hưng Yên) đạt thủ khoa trường ĐH Ngoại thương, là một trong 2 thí sinh có điểm cao nhất nước (29,5 điểm). Năm 2014, toàn quốc có 3 thí sinh thi ĐH có điểm cao nhất 29,25 thì cả 3 đều ở “tỉnh lẻ”: Lê Bá Tùng, thủ khoa trường ĐH Y Hà Nội, học sinh trường THPT Quảng Xương 1, Thanh Hóa; Phạm Đức Toàn, ĐH Ngoại thương, học sinh trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An; Tống Hữu Nhân, thủ khoa ĐH Y Dược TP.HCM, học sinh trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Vĩnh Long).

Hầu hết các thủ khoa đều có hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Trần Anh Tuấn, thủ khoa khối B Học viện Quân y năm 2014 xuất thân từ một gia đình nghèo ở Thanh Hóa có cha mẹ làm phụ hồ, bốc vác, gia đình thuộc diện hộ nghèo của xã.

Còn thủ khoa khối A, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội (25 điểm) có hoàn cảnh éo le hơn. Bố mẹ Chiến vào miền Nam làm kinh tế từ năm Chiến học lớp 3. Chiến và em ở với hai bác đến khi học lớp 8 thì xin về nhà mình ở. Căn nhà hồi ấy chỉ có nền đất ẩm ướt với vài chục mét vuông, mái lợp lụp xụp như một căn nhà tạm. Chiến làm anh nhưng là thày giáo của 2 em và đôi khi còn như thay thế cả cha mẹ.

Chiến tâm sự: "Bố mẹ em phải rất khó khăn khi quyết định xa các con. Tiền bố mẹ gửi ra mỗi tháng, thiếu đủ thế nào em cũng không phàn nàn. Nhiều lần hết tiền em đành mua rau, dưa ăn cho qua bữa, em ăn cơm không để nhường hết phần thức ăn cho các em".

Câu chuyện về những bữa cơm thèm thịt của ba anh em nhà Chiến làm xúc động nhiều người nhưng câu chuyện về thủ khoa trường ĐH Y Hà Nội (năm 2013) Nguyễn Hữu Tiến (29,5 điểm) gây xôn xao dư luận. Tiến sinh ra trong gia đình thuần nông ở huyện Ứng Hòa (Hà Nội), vì gia cảnh khó khăn nên người cha phải mưu sinh khắp nơi, chấp nhận sống trong ống cống để kiếm tiền nuôi con học hành…

Khổ luyện thành tài

Trả lời câu hỏi “vì sao thủ khoa toàn con nhà nghèo”, thủ khoa trường ĐH Giao thông Vận tải Kiều Văn Bắc (27 điểm) chia sẻ: “Em sống với mẹ nên tất cả tình yêu và sự khó nhọc của mẹ, em đều gửi vào kết quả học tập. Em và Chiến (thủ khoa trường ĐH khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) đều là những đứa trẻ nghèo. Chúng em đều động viên nhau phải học tốt, thi đỗ đại học, thành đạt để đời mình thoát nghèo, để bố mẹ không phải vất vả".

Với tâm tư của người làm cha, bác Nguyễn Văn Hiền, bố của Nguyễn Ngọc Thiện, thủ khoa khối A trường ĐH Ngoại thương (năm 2014), ở thôn Vô Hối, thị trấn Thanh Miện, tỉnh Hải Dương, chia sẻ: “Vợ chồng tôi đều làm nông dân, quanh năm chỉ biết đến đồng ruộng, ao cá. Khi biết tin con mình đỗ ĐH, gia đình chúng tôi đã rất vui mừng, càng vui mừng hơn khi biết cháu là thủ khoa. Dù hoàn cảnh gia đình còn gặp nhiều khó khăn nhưng vợ chồng chúng tôi sẽ cố gắng nuôi cháu ăn học để cháu có thể thoát khỏi cảnh chân lấm tay bùn như bố mẹ”.

Phạm Đức Toàn, thủ khoa trường ĐH Ngoại thương với 29,5 điểm.

Trả lời câu hỏi: Vì sao thủ khoa lại là con nhà nghèo?, ông Lê Hữu Lập, thành viên Hội đồng tuyển sinh Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông khẳng định: “Bây giờ tìm được thủ khoa là con nhà giàu khó lắm. Đa số học sinh nông thôn, con nhà nghèo có động lực phấn đấu rõ rệt. Hơn nữa, ở nông thôn, các em chỉ có tiêu chí là học, ngoài chuyện phải làm việc giúp đỡ gia đình. Còn học sinh thành phố có điều kiện hơn nhưng các em cũng có nhiều mối quan tâm hơn nên thời gian dành cho việc học ít hơn. Các cụ đã nói, khổ luyện thành tài. Vì thế ở rất nhiều gia đình nghèo nhưng con cái lại học rất giỏi”.

Lãnh đạo một trường chuyên tại Hà Nội nhận định: “Thường học sinh hoàn cảnh khó khăn có quyết tâm phải học thật giỏi để thoát nghèo, thoát cuộc sống cơ cực, nên động lực học tập của các em rất lớn”.

Video liên quan: Vẻ đẹp của hoa khôi cờ vua khiến dân mạng xao xuyến

Xem thêm: Khoe được Victoria’s Secret mời, gái xinh Việt Nam bị "ném đá" tơi bời

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news