Tin mới

Toàn cảnh cầu vượt sông Hồng dài nhất Việt Nam

Thứ hai, 09/06/2014, 15:04 (GMT+7)

Được đầu tư gần 3.000 tỷ đồng, cầu Vĩnh Thịnh dài 5,5km nối thị xã Sơn Tây (Hà Nội) với tỉnh Vĩnh Phúc là tuyến quan trọng trong quy hoạch phát triển giao thông thủ đô.

 

 

Được đầu tư gần 3.000 tỷ đồng, cầu Vĩnh Thịnh dài 5,5km nối thị xã Sơn Tây (Hà Nội) với tỉnh Vĩnh Phúc là tuyến quan trọng trong quy hoạch phát triển giao thông thủ đô.

Video:

 

 

Cầu Vĩnh Thịnh bắc qua sông Hồng là công trình giao thông huyết mạch trên tuyến đường vành đai 5 (quốc lộ 2C) nối liền Vĩnh Phúc và Hà Nội, một trong 3 tuyến vành đai quan trọng nằm trong quy hoạch phát triển giao thông vận tải và quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Cầu có điểm đầu giao với quốc lộ 32 tại tuyến tránh thị xã Sơn Tây, điểm cuối nối với quốc lộ 2C thuộc địa bàn xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), là điểm giao giữa các tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đường Hồ Chí Minh để tạo thành một hệ thống giao thông hoàn chỉnh, kết nối trung tâm thủ đô với các tỉnh phía Tây Bắc.

Chiều rộng của cầu 16,5m, dài 5,5km với 4 làn xe, sử dụng bê tông cốt thép dự ứng lực. Dự án có tổng mức đầu tư 137 triệu USD từ vốn vay ODA của Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Công trình được đánh giá là cầu vượt sông dài nhất Việt Nam từ trước đến nay, cho phép xe chạy vận tốc tối đa 80km/h.

Kể từ ngày 8/6, cầu bắt đầu thay thế phà Vĩnh Thịnh vốn là huyết mạch giao thông chính nối Sơn Tây (Hà Nội) và Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc).

Cầu Vĩnh Thịnh là một trong 13 dự án Hàn Quốc tài trợ cho ngành Giao thông vận tải Việt Nam với tổng số vốn hơn 1,1 tỷ USD. Giá trị xây lắp chính của dự án là 85,603 triệu USD, nhà thầu GS Engineering & Construction Corp (Hàn Quốc) là đơn vị thi công, tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1 (CIENCO1) là nhà thầu phụ.

Được khởi công từ 12/2011, cầu đã vượt tiến độ 7 tháng so với kế hoạch.

Khu dân cư đông đúc hai bên bờ sông Hồng của Sơn Tây (Hà Nội) và Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) sẽ đi lại nhanh chóng và thuận tiện hơn khi có cầu. Đây cũng là niềm mơ ước của họ từ bao năm qua.

Trước kia nếu di chuyển bằng phà có thể mất từ 30-45 phút, nay có cầu thời gian di chuyển của một ô tô hoặc xe máy chỉ còn từ 5-10 phút.

Tổng chiều dài thực tế là 5.487m, trong đó phần cầu dài 4.480m, còn lại là đường dẫn trên cạn. Công trình được hoàn thành sẽ góp phần làm giảm áp lực cho các trục đường hướng tâm như các quốc lộ 2, 3, 6, 32 khi lưu thông qua trung tâm Hà Nội. 

Lê Hiếu - Tuấn Cao

Theo Zing

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news