Tin mới

Tội ác dã man của các bà mẹ vứt, giết con mới đẻ

Thứ ba, 22/07/2014, 15:50 (GMT+7)

(Tinmoi.vn) Hành vi vứt, giết con mới đẻ của một số bà mẹ không những\nthể hiện sự vô đạo đức mà còn vi phạm pháp luật, xâm hại đến quyền sống\ncủa trẻ em.

(Tinmoi.vn) Hành vi vứt, giết con mới đẻ của một số bà mẹ không những thể hiện sự vô đạo đức mà còn vi phạm pháp luật, xâm hại đến quyền sống của trẻ em.

 

Chiều 17/7, một xác bé trai sơ sinh nổi lên trên mặt hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội). Vị trí phát hiện xác thai nhi nằm sát khu vực Tháp Bút, đền Ngọc Sơn.

Hình ảnh thi thể bé trai sơ sinh vẫn còn nguyên dây rốn khiến nhiều người chết lặng và đau xót. Bên cạnh sự xót thương cho hài nhi xấu số, nhiều ý kiến lên án hành động dã man của bà mẹ đã nhẫn tâm vứt bỏ đứa bé vừa dứt ruột đẻ ra.

Ngay sau đó, ngày 19/7, một xác hài nhi vẫn còn nguyên dây rốn được phát hiện bị vứt tại một đống rác thuộc địa bàn phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Anh Dương – người phát hiện xác thai nhi – cho biết: “Tôi và mọi người mở bọc túi ra thì thấy xác trẻ em này vẫn còn nóng. Đau lòng hơn, một cái áo xé ra thành đoạn dây buộc vào cổ để cháu bé chết”.

Trên đây chỉ là hai trong số rất nhiều vụ trẻ sơ sinh bị vứt, giết xảy ra gần đây.

Những vụ người mẹ vứt bỏ hoặc giết chết đứa con vừa mới đẻ xảy ra liên tiếp trong thời gian qua đã khiến dư luận vô cùng đau xót và phẫn nộ, đồng thời cũng là hồi chuông báo động về sự dã man, vô nhân tính và vi phạm pháp luật của một số người mang danh “người mẹ”.

Những hình ảnh về bé trai sơ sinh xấu số vừa được phát hiện tại Hồ Gươm khiến nhiều người đau xót.

Hành vi giết người, phạm pháp nghiêm trọng

Theo luật sư Trần Chí Thanh (Phó trưởng văn phòng luật sư Tâm Đức – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội), hành vi giết con mới đẻ của một số bà mẹ không những thể hiện sự vô đạo đức mà còn vi phạm pháp luật, xâm hại đến quyền sống của trẻ em.

Luật sư Thanh cho biết: “Hành vi tàn bạo vứt, giết con mới đẻ của một số bà mẹ như đã đề cập ở trên sẽ bị xử lý theo Điều 94 Bộ luật Hình sự về “Tội giết con mới đẻ”. Theo đó, điều luật này quy định “Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con mới đẻ hoặc vứt bỏ đứa trẻ đó dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm””.

Một số luật sư nhận định: “Rất may mắn là trong nhiều trường hợp, cháu bé mới sinh bị mẹ vứt bỏ đã được cứu sống do có người phát hiện kịp thời. Nhưng người mẹ đó vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự vì việc đứa trẻ không chết là nằm ngoài ý muốn của họ khi vứt bỏ con”.

Các luật sư dẫn điều khoản luật: Ngoài Điều 94 Bộ luật Hình sự quy định về “Tội giết con mới đẻ”, Điều 18 của Bộ luật Hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2009) cũng nêu rõ: “Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội. Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt".

Tội ác dã man, mất nhân tính của những người mang danh là “mẹ”

Không giấu được sự đau xót và bức xúc trước những vụ việc mẹ vứt, giết con mới đẻ xảy ra liên tiếp trong thời gian qua, Giáo sư Lê Thị Quý – Viện trưởng Viện Giới và phát triển – cho biết: “Thật không có lời nào diễn tả hết sự dã man, vô đạo đức, mất nhân tính của những người mang danh là mẹ mà nỡ vứt bỏ, giết chết đứa con mình mang nặng đẻ đau ngay khi vừa sinh con ra. Đây là hành vi quá sức tàn ác và xâm hại quyền con người, quyền trẻ em, vi phạm pháp luật nghiêm trọng của những người mẹ thiếu suy nghĩ. Pháp luật cần trừng trị thật nặng những người mẹ có hành vi này”.

Giáo sư Lê Thị Quý cho rằng: “Nguyên nhân dẫn đến những vụ việc đau lòng trên trước hết là do đạo đức, nhận thức của những người mẹ trên là có vấn đề. Vì sự buông thả hay một phút lầm lỡ mà nhiều cô gái trẻ mang thai ngoài ý muốn. Vì không mong muốn có con như vậy nên một số cô gái không có tình cảm mẫu tử thương yêu với đứa con mình sinh ra và dễ dàng vứt bỏ nó đi”.

“Tuy nhiên, không chỉ có lỗi từ một mình phía người mẹ. Nguyên nhân đẩy những bà mẹ tới hành động thiếu suy nghĩ như vậy còn là do sự vô trách nhiệm của người đàn ông tạo nên đứa trẻ; là do sự không bao dung, chở che của nhiều gia đình khi biết con gái “không có chồng mà chửa”; là sự nhẫn tâm, dè bỉu của xã hội đối với những người phụ nữ có thai ngoài ý muốn. Một cô gái khi đã lỡ mang thai trong những trường hợp như vậy đã phải chịu những cú sốc tinh thần rất lớn. Lúc này, sự tác động tiêu cực từ những người xung quanh sẽ tạo nên sức ép vô cùng lớn, dồn những cô gái trẻ vào đường cùng, từ đó họ dễ có suy nghĩ và hành động ích kỉ đến mức tàn ác với đứa con mình sinh ra”, giáo sư Quý phân tích.

Trên cơ sở những nhận định như vậy, giáo sư Lê Thị Quý cho rằng: “Ngoài việc xử lý nghiêm các bà mẹ nhẫn tâm vứt bỏ con mình, pháp luật cũng cần có biện pháp xử lý mạnh tay đối với những người có hành động, lời nói góp phần đẩy những bà mẹ đó tới hành vi như vậy. Dư luận xã hội cũng cần điều chỉnh để thể hiện sự bao dung hơn đối với những cô gái trót có thai ngoài ý muốn, để họ tin tưởng vào một xã hội tốt đẹp, giàu tình người mà không hành động dại dột”.

Duy Minh

>> Bàng hoàng trước hàng loạt vụ người mẹ giết, vứt trẻ sơ sinh

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news