Tin mới

Trách nhiệm vụ chặt cây xanh: Không chấp nhận "lỗi tập thể"

Thứ bảy, 28/03/2015, 15:09 (GMT+7)

Việc chặt cây xanh gây bức xúc dư luận, không thể chỉ xét “lỗi\ntập thể” mà phải quy rõ trách nhiệm từng cá nhân từ người ký quyết định, lãnh đạo, cán bộ các sở ngành.>> Nguyên Chánh thanh tra Sở QHKT Hà Nội phản đối việc chặt cây>> Thực hư thông báo phát ngôn chặt cây xanh của Đại học Lâm nghiệp

Việc chặt cây xanh gây bức xúc dư luận, không thể chỉ xét “lỗi tập thể” mà phải quy rõ trách nhiệm từng cá nhân từ người ký quyết định, lãnh đạo, cán bộ các sở ngành.

“Việc xử lý trách nhiệm phải đảm bảo tính kỷ cương, không bao biện. Một sự việc gây bức xúc trong dư luận, không thể chỉ xét “lỗi tập thể” mà phải quy rõ trách nhiệm từng cá nhân từ người ký quyết định, lãnh đạo, cán bộ các sở ngành liên quan”. Đó là nhận định của luật sư Phan Xuân Xiểm - nguyên Vụ trưởng vụ Trung ương 1 (Ủy ban Kiểm tra Trung ương) khi trao đổi với PV sau vụ “xẻ thịt” cây xanh của Hà Nội.

Không thể “hòa cả làng”

Hà Nội đã có “lệnh” tạm dừng việc chặt cây và quyết định thành lập đoàn thanh tra liên ngành thanh tra toàn diện việc “xẻ thịt” cây xanh trên các tuyến phố. Ông có nhận định gì sau sự việc “vừa làm vừa sửa sai” này của Hà Nội?

Khi Hà Nội đưa ra con số 6.700 cây xanh sẽ phải thay thế, bản thân tôi cũng không khỏi bất ngờ. Và, tôi càng bất ngờ, xót xa hơn khi một đề án liên quan đến cộng đồng mà Hà Nội không hề tham khảo ý kiến của các nhà khoa học cũng như người dân dẫn đến việc đang triển khai thì phải tạm dừng. Đó là bài học cần rút kinh nghiệm sâu sắc. Sau sự việc này, tôi cũng không khỏi trăn trở về văn hoá trách nhiệm của những người quản lý. Chỉ đến khi vấp phải sự phản ứng của dư luận, lãnh đạo Thành phố mới hứa sẽ cầu thị tiếp thu ý kiến của người dân.


Luật sư Phan Xuân Xiểm - nguyên Vụ trưởng vụ Trung ương 1.

Như ông chia sẻ, ông trăn trở về văn hoá trách nhiệm của nhà quản lý sau sự kiện Hà Nội quyết định đốn hạ hàng loạt cây xanh. Vậy, theo ông ai phải chịu trách nhiệm trong sự việc trên?

Bàn đến trách nhiệm, tôi muốn nhấn mạnh đến phát biểu của Bí thư Thành uỷ Phạm Quang Nghị tại cuộc họp và chỉ đạo xử lý những vấn đề cây xanh chiều 23/3 vừa qua, đó là không thể xử lý kiểu “hoà cả làng”. Trước hết, người ký quyết định chặt cây xanh phải là người “đứng mũi chịu sào” và phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước lĩnh vực mà mình được phân công.

Người ký chủ trương phải có trách nhiệm về việc ban hành quyết định còn các bộ phận khác chỉ là đơn vị thực hiện. Và, khi người dân bức xúc thì phải có câu trả lời thoả đáng chứ không nên “né”, “lẩn” trách nhiệm. Một sự việc gây bức xúc không thể chỉ xét “lỗi tập thể” mà phải quy rõ trách nhiệm từng cá nhân từ người ký quyết định, lãnh đạo, cán bộ các sở ngành liên quan.

Thành tích cá nhân, khuyết điểm... tập thể?

Trên thực tế, không chỉ riêng vụ chặt hạ cây xanh ở Hà Nội mà có không ít vụ việc khi sai phạm “to như con voi” nhưng lại xử lý như “con muỗi”. Ông nghĩ sao về điều này?

UBND Thành phố Hà Nội đã tạm dừng việc chặt cây và tiến hành thanh kiểm tra toàn diện đề án này, đây cũng là một động thái tích cực để tìm ra lỗi ở các khâu cụ thể. Nhưng trên thực tế, không chỉ riêng vụ chặt cây lần này mà rất nhiều vụ sai phạm như “con voi” nhưng xử lý như “con muỗi”. Việc xử lý không thoả đáng tồn tại nhiều năm nay khiến cho người dân mất lòng tin. Sai mức nào thì “xử” mức đó, quyền phải gắn liền với trách nhiệm. Điển hình, trong vụ việc chặt cây vừa rồi không thể chỉ dừng lại ở mức độ kiểm điểm, cảnh cáo.

Phải chăng chúng ta chưa quyết liệt trong việc xem xét trách nhiệm cá nhân trong từng vụ việc cụ thể, thưa ông?

Trên thực tế, nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách đã được đề ra từ lâu, nhưng trong thực tiễn đã có hiện tượng thành tích thì của cá nhân, nhưng khuyết điểm lại thuộc về tập thể. Hội nghị Trung ương 4 đã nhấn mạnh bất kỳ xảy ra chuyện gì ở địa phương nào, ngành nào, lĩnh vực, cơ quan nào thì thủ trưởng phải chịu trách nhiệm. Ở nhiều nước trên thế giới, văn hoá trách nhiệm, văn hoá từ chức được đặt lên hàng đầu.

 Cho đến thời điểm hiện tại, Hà Nội đang trong giai đoạn thanh tra nên chưa thể ngã ngũ phân khúc trách nhiệm như thế nào. Vậy theo ông, mấu chốt của những tiền lệ “vừa làm vừa sửa sai” là do đâu?

Quay trở lại câu chuyện chặt cây xanh ở Hà Nội (và thực tế còn rất nhiều dự án khác trước đây của Hà Nội-PV), chúng ta không thể nôn nóng quy kết mà phải chờ kết quả thanh tra của Thành phố sau 30 ngày. Nhưng dư luận có quyền đòi hỏi về vai trò, trách nhiệm của người lãnh đạo, quản lý. Vấn đề mà người dân quan tâm là phải thực thi nghiêm. Không phải khi xảy ra sai phạm mới nhắc nhở, mà phải có biện pháp xử lý kỷ luật. Như vậy mới đi vào khuôn khổ. Nếu không sẽ dẫn đến tình trạng đùn đẩy trách nhiệm rồi cuối cùng chẳng ai chịu thì rất nguy hiểm.

Cách đây 5 năm, chúng ta đã có một bài học chua chát về việc “xẻ thịt” cây xanh trên tuyến đường Hà Đông để “chỉnh trang đô thị”. Bài học xương máu đó, sao Hà Nội vẫn không rút ra kinh nghiệm, thưa ông?

Tôi cũng từng nghe về sự việc đó. Hồi đó người dân cũng bức xúc vì không được đóng góp ý kiến, dư luận cũng lên tiếng phản đối nhưng quận Hà Đông vẫn tiến hành vì... sự đã rồi. Cho đến nay cũng chưa có đánh giá rõ ràng về hiệu quả của dự án năm nào, cũng chưa có khảo sát về tác động của dự án đến đời sống của người dân. Thế nhưng, Hà Nội lại tiếp tục đốn hạ 6.700 cây xanh trong nội đô. Tiếc rằng các cơ quan chức năng của thành phố đã quên mất bài học năm nào.

Xin cảm ơn ông!

Nhóm PV

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news