Tin mới

Trang Hạ: "Tôi tự ái vì truyền hình thực tế Việt toàn mua của nước ngoài"

Thứ ba, 12/05/2015, 11:11 (GMT+7)

Nhà văn Trang Hạ cho biết, chị thấy khá tự ái khi các chương trình truyền hình thực tế từ hot nhất tới nhỏ nhất hiện nay, đều đang mua format từ nước ngoài, và coi đó như một bảo chứng thành công.

Nhà văn Trang Hạ cho biết, chị thấy khá tự ái khi các chương trình truyền hình thực tế từ hot nhất tới nhỏ nhất hiện nay, đều đang mua format từ nước ngoài, và coi đó như một bảo chứng thành công.

Lần đầu tiên sáng tạo một format Truyền hình thực tế hoàn toàn thuần Việt, khán giả đang rất mong chờ “Vẻ đẹp quyền năng Việt Nam 2015” của nhà văn Trang Hạ khi lên sóng sẽ có điều gì đặc biệt.

Trước đó, nữ nhà văn cá tính đã dành một buổi để chia sẻ về lý do chị viết format chương trình này. Đồng thời tiết lộ, chị thấy khá tự ái khi các chương trình truyền hình thực tế từ hot nhất tới nhỏ nhất hiện nay, đều đang mua format từ nước ngoài, và coi đó như một bảo chứng thành công.

Nhà văn Trang Hạ: Tôi thấy tự ái vì Truyền hình thực tế Việt toàn mua của nước ngoài

Vì sao chị có ý định sáng tạo một format truyền hình thực tế về thời trang như Vẻ đẹp quyền năng Việt Nam 2015, và format này có điều gì đặc biệt?

- Tôi có một cô bạn, cứ tới mùa sale off cuối năm là cô ấy “rước” tới 5-7 bộ đồ hàng hiệu về nhà. Có bộ thì mặc được, có bộ phải cất vào tủ tới sang năm lại mặc tiếp. Điều này khiến tôi nghĩ rằng, nếu chúng mua đồ về nhà như thế, thì là vì giá tiền lựa chọn giúp giúp chúng ta, chứ không phải là sự tinh tế.

Trong thực tế, rất nhiều người thành đạt trong cuộc sống còn không có cả thời gian đi shopping để tiêu tiền. Và họ đành giao phó phong cách của mình cho các thương hiệu nổi tiếng. Bởi vì ít nhất nếu họ có bị lỗi ở phần nào đó về mặt phong cách, thì cũng đã có hoặc là giá tiền, thương hiệu, hoặc là đồ mới nhất trong mùa này “đỡ” lại cho họ. Ở góc độ này, “thương hiệu” là một trong các bảo chứng an toàn về thời trang.

Tuy nhiên, có một lỗ hổng ở những người phụ nữ thành đạt là “thời trang vội”. Bởi vì họ càng thành đạt, thì càng bận rộn. Và vì thế, Phong cách của họ hoặc là được quyết định bằng những lựa chọn bản năng của bản thân. Tức là bạn thích gì mặc nấy. Trong khi đó giá trị của thời trang thì lại là người khác nhìn vào đánh giá bạn. Chứ không phải tự bản thân bạn đánh giá mình.

Vậy thì, vị trí của nhà thiết kế (NTK) thời trang Việt Nam là ở đâu. Tôi nghĩ họ chỉ hơn tất cả các NTK thế giới ở chỗ, họ đang ở mảnh đất này. Họ ở bên bạn, nhận ra được sự hấp dẫn của cơ thể bạn, sự sinh động của gương mặt bạn. Còn những nhà thiết kế thế giới, dù bạn có mua những bộ đồ xa xỉ của họ, bạn cũng ko phải là khách hàng mà họ thiết kế.

Cho nên format của Vẻ đẹp quyền năng Việt Nam 2015 là đặt NTK ở một bên, khách hàng ở giữa và bên kia là tất cả quá khứ tiêu tiền, quá khứ thời trang, quá khứ của những nhà thiết kế lừng danh cô ấy từng sử dụng sản phẩm.

Vậy thì có vẻ như yêu cầu cho NTK Việt Nam- cụ thể là NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam của Vẻ đẹp quyền năng 2015 rất gay gắt?

- Đúng vậy. Thứ nhất, nhà thiết kế phải chứng tỏ là bộ đồ của anh hợp với họ hơn. Hoặc ít nhất là làm cho họ hài lòng hơn, nhận ra vẻ đẹp mới của họ. Tôi ví dụ như cô Phạm Trần Cương Phượng, cô ấy đã rất đẹp trong những bộ đồ lính thủy, những bộ đồ cá tính của người chơi xe phân khối lớn. Nhưng, NTK Việt Nam phải buộc cho cô ấy nhận ra vẻ đẹp của những tà áo lụa, những thứ mà trước đây cô ấy cho là không liên quan.

Hoặc có những phụ nữ không có thời gian thử đồ. Và cách họ đối phó với thời trang duy nhất là nếu bộ đồ rộng thì cô ấy sẽ ăn nhiều hơn cho béo lên. Hoặc bộ đồ chật thì sẽ cố gắng Giảm cân để vừa với chúng. Điều này tôi thấy thật sự thú vị. Bởi đó chính là chân dung của những người phụ nữ thành đạt. Họ không có thời gian để làm rất nhiều thứ cho bản thân mình. Và NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam sẽ làm điều đó giúp cho họ.

Khi tôi hỏi anh Nam, anh ấy nói làm được.

NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam

Được biết chị khá thân thiết với NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam. Và việc nhận lời cùng Hoài Nam làm chương trình truyền hình thực tế này cũng vì mối quan hệ bạn bè đó?

- Tôi may đồ của anh Nam từ năm 1997. Năm 1996 tôi từng may đồ của NTK Minh Hạnh. Chị Hạnh thì hồi đó rất nổi tiếng, nhưng anh Nam thì chưa có danh tiếng gì cả. Nhưng tôi đã nhìn thấy anh ấy rất cá tính.

Ở anh Nam có sự tinh tế như một người phụ nữ trong các thiết kế, còn cá tính của tôi thì lại khảng khái như một người đàn ông trong cuộc sống. Anh Nam hay nói đùa rằng, “chỉ có Trang Hạ mới nhìn thấy con đàn bà trong anh. Mà chỉ có anh mới nhìn thấy thằng đàn ông trong Trang Hạ”. Đây cũng giống như một sự bù đắp vậy. Tôi nói vậy không phải là ám chỉ gì về mặt giới tính. Chỉ là trong tính cách thôi nhé (Cười).

Khoảng thời gian tôi ở nước ngoài 6,7 năm, tôi không gặp anh Nam nhiều. Nhưng tôi vẫn theo dõi anh ấy trên báo chí, qua các giải thưởng thời trang. Có lẽ tôi là khách hàng lâu năm nhất của anh Nam. Nên tôi có cảm giác là mối quan hệ này không còn là khách hàng với NTK nữa, mà là mối quan hệ bạn bè thân thiết.

Và một phần nào đó, tôi nhìn thấy quá trình từ lúc anh ấy có tiệm may 4m2 cho tới khi anh ấy có cả những phân xưởng 1000m2, thì đó hẳn là một sự nỗ lực lớn. Và tôi rất ngưỡng mộ anh ấy.

Vậy chị cho rằng, thông điệp mà Vẻ đẹp quyền năng Việt Nam muốn hướng tới là gì?

- Từ trước đến này, các chương trình thời trang thường chỉ gói gọn ở việc: Có một người đẹp hơn khi mặc một bộ đồ mới, họ bước trên một thảm lá vàng. Rồi đặt vài góc máy quay…

Nếu như thế thì tôi hấy không khác gì quảng cáo ở các mục thời trang công sở. Còn tôi, tôi không muốn một bộ trang phục lên ngôi. Mà tôi muốn con người lên ngôi.

"Bởi vì, nếu như cái gì chúng ta cũng mua format của nước ngoài và về sản xuất, thì thị trường truyền thông của Việt Nam, mặc nhiên chỉ thêm được vài ngôi sao của lĩnh vực truyền hình thực tế. Ví dụ như giám khảo, đạo diễn, nhà làm âm nhạc…- những người “lộ sáng” trong một sản phẩm truyền thông mà thôi" - Trang Hạ

Và thứ hai là tôi muốn thuyết phục cả thế giới này rằng, tôi không chỉ may một bộ quần áo, mà tôi tặng bạn một phong cách. Mà không chỉ là phong cách, tôi còn làm một cái gì đó lớn lao hơn, đó gọi là sáng tạo. Phong cách thì chỉ tặng riêng nhân vật thôi, nhưng sự sáng tạo thì cả thế giới đều cảm nhận được. Vì vậy mà tôi xây dựng format NTK Việt đối đầu với tất cả các NTK nổi tiếng ở nước ngoài như đã nói ở trên.

Vậy tiêu chí chọn các nhân vật có cá tính thú vị cũng là do chị tư vấn?

- Tôi muốn những nhận vật tham gia là những người thành công, nhưng có không quá 2 bài báo một năm. Họ ít bị “lộ sáng”. Họ vẫn còn điều thú vị để người khác khám phá. Chứ không phải là những người mà bạn cứ mở báo ra hàng ngày là thấy họ. Đó là những người bị bão hòa trên truyền thông. Việc tìm những người thành đạt mà bận rộn không có thời gian lên báo, rõ ràng khó hơn rất nhiều. Nhưng chắc chắn nó sẽ khiến người xem thấy thú vị.

Chị có tự tin vào vai trò mới của mình- viết format cho truyền hình thực tế (THTT)?

- Tôi khá hài lòng. Vì thực ra kinh nghiệm trong quá khứ của tôi là đi tư vấn. Và bây giờ thì mình trở thành người xây dựng một format chương trình truyền hình thực tế. Tôi thấy thực ra là chúng cũng có hỗ trợ lẫn nhau. Những trải nghiệm của mình trong quá khứ nó cũng tốt cho công việc của hôm nay.

Mặc dù chương trình này khá ngắn, chỉ gồm hơn 10 số. Nhưng tôi sẽ cố gắng để mỗi số là một cá tính khác nhau. Xưa nay tôi vốn vẫn khai thác thế mạnh của câu chữ. Thì bây giờ tôi sẽ cố gắng biến mọi thứ thành những điều thú vị nhìn thấy được.

Chị nghĩ sao khi ác chương trình thực tế ở Việt Nam từ âm nhạc tới thời trang, điện ảnh, thử thách cuộc sống… hầu hết là mua format ở nước ngoài?

- Bởi vì đó là một sự bảo chứng. Chưa kể những chương trình đình đám, ngay cả những chương trình nhỏ, lẻ cũng mua từ nước ngoài. Điều đó khiến tôi cảm thấy rằng: Thực ra biên tập và truyền thông tại Việt Nam không phải là không viết ra được một kịch bản chương trình truyền hình thực tế. Nhưng chỉ là những nhà sản xuất và kể cả là công nghệ sản xuất THTT ở Việt Nam thì vẫn cần một bảo chứng an toàn, một cam kết thành công cho chương trình.

Tuy nhiên, việc những show truyền hình đi hát, tuyển chọn nhân tài hay đơn giản nhất như Vượt chướng ngại vật… cũng đều phải đi mua format của nước ngoài, thì tôi cảm thấy cũng hơi tự ái.

Nhà văn Trang Hạ trong buổi họp báo ra mắt chương trình Vẻ đẹp quyền năng Việt Nam 2015

Bởi vì, nếu như cái gì chúng ta cũng mua format của nước ngoài và về sản xuất, thì thị trường truyền thông của Việt Nam, mặc nhiên chỉ thêm được vài ngôi sao của lĩnh vực truyền hình thực tế. Ví dụ như giám khảo, đạo diễn, nhà làm âm nhạc…- những người “lộ sáng” trong một sản phẩm truyền thông mà thôi. Trong khi đó, cái cơ bản nhất để phát triển là nền tảng sáng tạo thì nó lại thuộc về đội ngũ biên kịch, biên tập, thiết kế… đội ngũ không bao giờ “lộ sáng”, thì lại không được chú trọng. Vậy thì thị trường truyền thông của chúng ta, tới khi nào mới phát triển được một cách bền vững?

Các chương trình THTT vẫn thường gắn liền với các scandal. Chị có sợ điều này xảy ra với Vẻ đẹp quyền năng Việt Nam 2015?

- Tôi đã và đang bị mang tiếng là từng tạo ra khá nhiều scandal cho chính mình, nên tôi hứa là tôi sẽ không tạo ra khủng hoảng cá nhân cho bất kỳ nhân vật nào tham gia chương trình này. Bởi vì tôi vẫn mong muốn là chương trình phải khiến cho nhân vật của mình cảm thấy tự hào khi mình được tham gia, chứ không phải là phấp phỏng khi tham gia.

Tôi cũng đảm bảo rằng, các nhân vật tham gia sẽ được đảm bảo được tôn trọng ở mức độ cao nhất, hỗ trợ truyền thông tốt nhất và thậm chí họ được kiểm soát thông tin, hình ảnh trước khi được chuyển ra bên ngoài.

Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

Ngọc Ánh

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news