Tin mới

Vụ "bắt" trẻ em lang thang: Sự "dọn dẹp" thiếu tình người

Thứ hai, 18/08/2014, 11:28 (GMT+7)

(Tinnmoi.vn) – Không tìm hiểu nguồn gốc của việc trẻ lang thang xin ăn để có chế tài xử lý một cách triệt để thì việc bắt trẻ lang thang rồi dồn vào các trung tâm bảo trợ xã hội chỉ là động thái bắt cóc bỏ đĩa, vừa sai quy định vừa  thiếu tính nhân văn.

 

 

(Tinnmoi.vn) – Không tìm hiểu nguồn gốc của việc trẻ lang thang xin ăn để có chế tài xử lý một cách triệt để thì việc bắt trẻ lang thang rồi dồn vào các trung tâm bảo trợ xã hội chỉ là động thái bắt cóc bỏ đĩa, vừa sai quy định vừa  thiếu tính nhân văn.

Vừa qua, dư luận tỏ ra rất bức xúc khi các nhân viên của Trung tâm Bảo trợ xã hội số 1 Hà Nội có hành vi cưỡng chế bắt ép hai cháu nhỏ đưa về trung tâm. Việc tự ý bắt người của nhóm nhân viên này khi không có sự phối hợp của lực công an đã sai quy định. Hơn nữa, ngay cả cơ quan công an cũng không có quyền bắt trẻ em trong trường hợp này. Bởi những đứa trẻ đi bán kẹo, bán tăm dạo không phải là tội phạm mà chỉ đơn thuần là trẻ lang thang, thuộc diện cần được bảo trợ theo quy định của pháp luật.

Trung tâm bảo trợ là cơ quan bảo trợ cho các đối tượng yếu thế, trong đó có nhóm trẻ em lang thang. Trách nhiệm của các nhân viên bảo trợ xã hội là giúp đỡ các em. Tuy nhiên, cách hành xử theo kiểu “vừa hành vừa xử”, vừa phán quyết của các nhân viên trong trường hợp này đã sai so với quy định và thực sự thiếu tính nhân văn.

Hai đứa trẻ gào khóc thảm thiết khi bị "bắt" lên xe và đưa về Trung tâm bảo trợ xã hội

Điều đáng nói, Việt Nam là nước đầu tiên ở Châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước Quốc tế Quyền Trẻ em, vì vậy, thực trạng trẻ em lang thang xin ăn là không thể chấp nhận, cả về phương diện đạo đức và pháp lý. Một bộ phận không nhỏ trẻ em đã trở thành công cụ lao động kiếm tiền, vậy trách nhiệm đó thuộc về các bậc làm cha làm mẹ và những người bóc lột, lợi dụng trẻ em.

Cha mẹ ruột sống ký sinh trên thân xác của những đứa trẻ là con mình, đó là việc không có đạo đức; và trẻ bị biến thành công cụ kiếm tiền nuôi sống những đường dây chăn dắt ăn xin, điều đó là vi phạm pháp luật. Chúng ta có cả một bộ Luật Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em, có đủ các chế tài xử phạt đối với những trường hợp vi phạm, có đủ lực lượng để thực thi luật trong đời sống nhưng thực tế, việc xử lý vấn đề trẻ lang thang thời gian qua chỉ giống như “bắt có bỏ đĩa’. 

Thông tin về vụ việc, ông Nguyễn Văn Quảng, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội số 1 cho biết, theo đúng quy trình, các nhân viên phải phối hợp với công an phường Ngọc Thụy yêu cầu nhóm người này về trung tâm, đồng thời giải thích rõ ràng cho người dân. Ý kiến  này của ông Quảng đã vấp phải sự phản ứng gay gắt từ phía dư luận. Vậy là thay vì giúp cơ quan công an sở tại rà soát, tìm hiểu, theo dõi tình trạng trẻ lang thang để lần tìm ra nhóm người lợi dụng, bóc lột các em để xử lý theo quy định của pháp luật thì nhiệm vụ cuối cùng của các nhân viên chỉ là đưa được các cháu về trung tâm, thậm chí bằng cả biện pháp cưỡng chế.

Việc xử lý vi phạm đối với cha mẹ của trẻ và cả những người cầm đầu các đường dây chăn dắt chưa được thực hiện một cách triệt để thì không thể dập tắt được vấn nạn này. Cách xử lý còn nương tay và không có tính răn đe của cơ quan chức năng thời gian qua chỉ tạo cho các hoạt động lợi dụng trẻ em biến tướng dưới nhiều cách thức tinh vi hơn. Nếu gốc rễ của vấn đề trẻ lang thang không được giải quyết thì việc “bắt” trẻ em và gom vào các trung tâm bảo trợ chỉ giống như một động thái “dọn dẹp” tạm thời để phục vụ mỹ quan đường phố, không mang tính lâu dài và thực sự thiếu tình người. 

Vũ Đậu

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news