Tin mới

Triết lý của “lão gàn” làm “barie sống” chặn tử thần

Thứ sáu, 23/05/2014, 09:16 (GMT+7)

“Con người ta sống ở đời phải làm việc gì có ích. Thấy người ta chết mà không cứu là vô tâm. Trời cho chút sức khỏe, có sức khỏe thì phải giúp người”, “lão gàn” tình nguyện làm “barie sống” Nguyễn Văn Xá tâm sự.

“Con người ta sống ở đời phải làm việc gì có ích. Thấy người ta chết mà không cứu là vô tâm. Trời cho chút sức khỏe, có sức khỏe thì phải giúp người”, “lão gàn” tình nguyện làm “barie sống” Nguyễn Văn Xá tâm sự.

"Điểm tử thần" và những cái chết thương tâm

Vài năm trước, điểm giao cắt đường sắt giữa Quốc lộ 5 tại Km 87+375 với đường dân sinh thôn Dụ Nghĩa (Lê Thiện, An Dương, Hải Phòng) là nỗi kinh hoàng của những người tham gia giao thông qua khu vực này. Nhiều cái chết thương tâm do tai nạn đường sắt tại đây khiến người dân sống xung quanh đặt tên điểm giao cắt trên là điểm "tử thần".

Triết lý của “lão gàn” làm “barie sống” chặn tử thần
Điểm giao cắt QL5 và đường vào xã Lê Thiện từng là điểm "tử thần" vì tai nạn giao thông.

Lật giở lại cuốn sổ ghi chép, ông Nguyễn Văn Xá, một người khuyết tật tình nguyện làm "barie sống" ở đây cho biết, từ năm 2008 về trước, không năm nào ở điểm giao cắt này không xảy ra tai nạn chết người.

“Có năm chết đến 7 người, năm chết 5 người, năm chết 3 người, hầu như vụ tai nạn nào liên quan đến đường sắt tại điểm này cũng đều thương tâm. Có người bị tàu cán làm đôi, có người phải nhặt từng thớ thịt, khúc xương, nhìn mà ai oán, xót thương”, ông Nguyễn Văn Xá cho biết.

Triết lý của “lão gàn” làm “barie sống” chặn tử thần
Ông Xá kể lại những cái chết tai nạn đường sắt thương tâm.

Ông Xá nhớ lại: “Vụ thương tâm nhất mà tôi từng chứng kiến xảy ra năm 2008, khi đó một người phụ nữ tên Tú (quê Thái Bình) trọ tại thôn Dụ Nghĩa, khi đi làm về đi ngang qua đường sắt, bị tàu cán, chết mà không còn rõ hình hài, khuôn mặt.

Hầu hết những tai nạn thương tâm tại "điểm đen" này nạn nhân đều là người lạ, ở nơi khác đến. Đa số do tâm lý chủ quan, không quan sát nên khi tàu đến gần mà không biết, hậu quả phải gánh chịu không chỉ những nạn nhân vụ tai nạn, mà những người thân trong gia đình họ cũng thêm gánh nặng, khi trụ cột gia đình chết vì tai nạn”.

Tình nguyện làm “barie sống” để chặn tử thần

Chứng kiến những vụ tai nạn thương tâm xảy ra, ông Nguyễn Văn Xá thấy động lòng trắc ẩn. Năm 2009, người đàn ông khuyết tật đôi chân, tuổi cao sức yếu này đã quyết tâm làm văn bản xin chính quyền xã Lê Thiện cho mở trạm gác đường tàu tình nguyện. Ngày ngày từ sáng sớm đến tối mịt ông ăn ở tại căn lều tạm bợ để chắn đường khi tàu qua lại, ngăn cản những cái chết thương tâm do tai nạn đường sắt.

Bản thân ông bị khuyết tật bẩm sinh, đi lại khó khăn nên khi có ý định làm người tình nguyện gác đường tàu thì gia đình và chòm xóm phản đối kịch liệt. Họ cho rằng bản thân ông tự mình sinh hoạt còn khó khăn, huống chi đến việc làm “barie sống” để chặn đường tàu. Vì thế không ít người gọi ông là “lão gàn" "ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”.

Triết lý của “lão gàn” làm “barie sống” chặn tử thần
Bản thân là người khuyết tật, ông vẫn tình nguyện làm "barie sống"

“Dù có nhiều ý kiến phản đối, nhưng mình sống thì phải làm việc gì có ích cho xã hội. Thấy người ta chết mà không cứu đó là bất nhân. Tạo hóa lấy đi đôi chân nhưng tạo hóa lại cho tôi sức khỏe, giúp người là việc nên làm”, triết lý đơn giản mà đượm tình người ấy đã giúp “lão gàn” Nguyễn Văn Xá lập barie chặn đường tàu, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.

Đang trò chuyện với PV, “lão gàn” nhìn lên đồng hồ, hô lớn “tàu sắp qua”, nhanh thoăn thoắt, lão lết đôi chân teo tóp đến nơi để đôi gậy. Lão chống gậy đi như bay đến hệ thống barie mà lão tự lập, lão kéo dây cho thanh tre chắn ngang đường. Miệng gã thổi còi liên tục, tay lão ra hiệu cho hai bên tàu dừng xe. Tàu qua, gã thở phào, tiếp tục cuộc trò chuyện.

Triết lý của “lão gàn” làm “barie sống” chặn tử thần
Theo ông Xá, làm việc gì giúp ích cho người khác thì nên làm.

“Làm việc thiện nguyện nhưng cũng vô cùng khó khăn, lúc đầu tôi bị đám thanh niên chửi rủa nhiều lắm. Nào là “lão hâm” nhà thì không ở, ra đây cản đường…Nhưng tôi không để ý đến điều đó, họ nói vậy nhưng mình tự ái, họ bị tai nạn thì mình lại hối hận, làm việc thiện cốt ở lương tâm.

Chân tôi không đi lại được nên nhiều lúc khó khăn lắm. Nhiều khi trời mưa bão, tàu đến, một mình lết ra ngăn xe cộ đi lại, không kịp mặc áo mưa. Cơn bão số 8 năm 2012 giật làm cái lều sụp đổ, một mình may thoát được ra ngoài, sáng hôm sau mới nhờ bà con dựng lều lại giúp”, ông Nguyễn Văn Xá tâm sự.

Cứu hàng chục người thoát khỏi tử thần

Ông Nguyễn Văn Xá cho biết, đến giờ ông vẫn không hối hận về việc mình đã làm. “Mình là người tàn tật, tuổi đã cao mà vẫn giúp người dân qua lại nơi đây được an toàn, tôi thấy rất vui. Nhiều khi cố gắng hết sức cứu được người khác thoát khỏi “tử thần” cũng là điều hạnh phúc”.

“Đầu năm 2010, mặc dù đã ra hiệu dừng xe, nhưng do lái xe bất cẩn, một chiếc taxi chở khách phi qua đường tàu, đến giữa đường tàu thì chết máy, lúc này đã đến giờ tàu sắp chạy qua.  Hoảng hốt, tôi vội vã bốc máy điện thoại gọi cho ga Dụ Nghĩa, báo với lái tàu để giảm tốc, sau đó, hò hét người dân đẩy xa taxi qua, xe vừa thoát khỏi đường tàu thì tàu cũng chạy qua”, ông Xá nhớ lại.

“Cuối năm 2010, một người phụ nữ đang có bầu 6 tháng, sau khi thanh tre chắn ngang đường, người phụ nữ này vẫn phi qua, tôi bỏ gậy, bò lết bám vào chiếc xe máy, người phụ nữ này vừa dừng lại thì tàu chạy qua. Sau vụ đó, tôi đau hết người, nhưng vẫn vui vì cứu được người khác khỏi cái chết thương tâm”.

Triết lý của “lão gàn” làm “barie sống” chặn tử thần
Đoàn khảo sát Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia làm việc với ông Xá để xây trạm gác barie.

Vừa lật giở cuốn sổ ghi chép, ông Xá vừa cười khoái chí, ông cho biết: “Ấn tượng nhất là vụ cứu một bà cụ lên đường tàu để đi vệ sinh, thấy tàu sắp qua mà cụ vẫn ngồi giữa đường tàu, tôi lao đến ôm cụ khỏi đường tàu, tàu phóng qua, cụ bà còn nói tôi vô duyên. Hóa ra cụ già bị điếc nên không nghe thấy tiếng còi tàu”.

Chính vì những sự nỗ lực giúp người ấy, từ năm 2009 đến nay, trạm gác tàu do ông Xá lập chưa hề để xảy ra một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng tại giao điểm này, mặc dù so với trước đây số lượng người và các phương tiện ra vào đường này rất đông. 

“Biết ông ấy làm phúc, nên tôi luôn ủng hộ, trưa nấu cơm xong mang ra cho ông ăn, ông bận thì tôi giúp ông gác tàu”, vợ ông Xá, bà Đào Thị Yến cho biết.

Ngày 8/3/2013,  khi PV có mặt cũng là lúc có đoàn khảo sát của Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia đến khảo sát để xây dựng trạm gác và hệ thống barie. Khi trạm gác này xây dựng xong, công việc của ông Xá cũng sẽ nhàn hạ hơn rất nhiều. “Nhờ có những người có tâm như ông Xá mà nhiều "điểm đen" về tai nạn đường sắt được xóa, những tấm lòng vì người khác như thế cần được nhân lên trong xã hội”, một cán bộ đoàn khảo sát nói.

Theo Hải Ninh (Kiến Thức)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news