Tin mới

Trịnh Xuân Thanh- Đường quan lộ "thần tốc", cú "ngã ngựa" bất ngờ và hơn 300 ngày trốn truy nã

Thứ ba, 01/08/2017, 09:07 (GMT+7)

Ngày 31/7, Trịnh Xuân Thanh đã ra đầu thú kết thúc 300 ngày trốn lệnh truy nã. Cuộc đời của bị can này có nhiều điều khiến dư luận không khỏi bất ngờ.

Ngày 31/7, Trịnh Xuân Thanh đã ra đầu thú kết thúc 300 ngày trốn lệnh truy nã. Cuộc đời của bị can này có nhiều điều khiến dư luận không khỏi bất ngờ. 

VnexpressDân Trí cho hay, ngày 31/7, Trịnh Xuân Thanh đã ra đầu thú và kết thúc hơn 300 ngày trốn lệnh truy nã. 

Trịnh Xuân Thanh đã đến Cơ quan công an đầu thú sau hơn 300 ngày trốn lệnh truy nã. Ảnh: Công an nhân dân

Đường quan lộ "thần tốc" của Trịnh Xuân Thanh 

Trịnh Xuân Thanh (SN 13/2/1966) ngụ tại Đông Anh, Hà Nội. 

2006 -2007: Trịnh Xuân Thanh đảm nhiệm chức Tổng GĐ Công ty cổ phần xây dựng Sông Hồng thuộc Bộ Xây Dựng. 

2007-2013: Làm Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tổng công ty xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) thuộc tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Thời điểm này, khi đang là Chủ tịch HĐQT PVC thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng. 

2013-2015: Trịnh Xuân Thanh được bổ nhiệm làm Phó Chánh văn phòng Bộ Công Thương - Trưởng đại diện Văn phòng miền Trung của Bộ Công thương tại Đà Nẵng. 

Tiếp tục được Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng bổ nhiệm giữ chức vụ Vụ trưởng - Trưởng Ban đổi mới doanh nghiệp Bộ Công thương. 

Tháng 5/2016: Được luân chuyển giữ chức Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang trên cơ sở trao đổi, thống nhất giữ Bộ Công thương và tỉnh Hậu Giang. 

Sau đó được bầu làm Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. 

Cú "ngã ngựa" bất ngờ

Thời điểm này, báo chí đồng loạt phản ánh chuyện ông Trịnh Xuân Thanh - Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang sử dụng ô tô hạng sang Lexus 570 gắn biển số xanh trái quy định, khiến dư luận tại địa phương bức xúc, làm dấy lên câu chuyện điều hành PVC thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng trước đây. 

9/6/2016: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì, phối hợp với nhiều cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, xem xét và đưa ra kết luận về ông Thanh sử dụng xe biển xanh trái quy định và trách nhiệm trong thời gian giữ chức Chủ tịch HĐQT PVC khiến doanh nghiệp này thua lỗ 3.300 tỷ đồng. 

15/6/2016: Trịnh Xuân Thanh viết đơn gửi Tỉnh ủy và HĐND tỉnh Hậu Giang xin không tái cử vào chức danh Phó chủ tịch tỉnh, khóa 9, nhiệm kỳ 2016 - 2021.

16/9/2016: Cơ quan CSĐT (C46, Bộ công an) ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại PVC, khởi tố bị can đối với Trịnh Xuân Thanh. 

Thời điểm này, ông Thanh không đến nhiệm sở với công việc của Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, không ai biết ông đang ở đâu. Trước đó một tháng, ông xin phép nghỉ với lý do ra nước ngoài chữa bệnh. Sau khi xác định được bị can Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn, C46 đã ra quyết định truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế đối tượng này. 

17/4/2017: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục yêu cầu các lực lượng điều tra mở rộng vụ án xảy ra tại PVC; tập trung truy bắt, đẫn độ Trịnh Xuân Thanh về nước.

Đầu thú sau hơn 300 ngày trốn truy nã

Sau gần 1 năm mất dấu, Bộ Công an thông báo ngày 31/7, nghi can trốn truy nã quốc tế Trịnh Xuân Thanh đã đến Trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đầu thú. Thủ tục tiếp nhận được thực hiện đúng theo quy định pháp luật. 

Ngoài ra, trong vụ đại án tại PVC, vướng vào vòng lao lý cùng Trịnh Xuân Thanh còn có hàng loạt thuộc cấp. CQĐT cũng đã khởi tố tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng với ông Vũ Ðức Thuận (nguyên tổng giám đốc PVC), Nguyễn Mạnh Tiến (nguyên phó tổng giám đốc PVC), Trương Quốc Dũng (nguyên phó tổng giám đốc PVC), Phạm Tiến Đạt (nguyên kế toán trưởng PVC), Ðỗ Văn Hồng (chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Công ty PVC-KB).

Mở rộng vụ án, Cơ quan An ninh điều tra khởi tố tội Tham ô tài sản với Lương Văn Hòa (37 tuổi, nguyên giám đốc Ban Điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch), Lê Xuân Khánh (trưởng phòng Kinh tế Tổng hợp Ban Điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch), Nguyễn Lý Hải (nguyên trưởng phòng Kỹ thuật Ban Điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch), Nguyễn Thành Quỳnh (giám đốc Ban Kỹ thuật công nghệ, Tổng công ty Miền Trung), Lê Thị Anh Hoa (giám đốc Công ty TNHH MTV Quỳnh Hoa).

Cùng với đó, liên quan đến việc ông Thanh làm Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang, gần 10 lãnh đạo từ Bộ Nội vụ, Ban tổ chức Trung ương, Bí thư tỉnh ủy Hậu Giang đã bị kỷ luật ở nhiều mức độ khác nhau. 

Cụ thể, Ủy ban kiểm tra Trung ương kỷ luật cảnh cáo ông Bùi Cao Tỉnh (nguyên vụ trưởng, nguyên trợ lý Trưởng ban tổ chức Trung ương); khiển trách ông Trần Công Chánh (Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang nhiệm kỳ 2015-2020) và bà Trần Thị Hà (Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban thi đua - khen thưởng Trung ương). Ông Trần Anh Tuấn (Thứ trưởng Bộ Nội vụ) bị yêu cầu kiểm điểm.

Trước đề nghị của Ủy ban kiểm tra Trung ương, Ban Bí thư kỷ luật cảnh cáo với  ông Huỳnh Minh Chắc (nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, nhiệm kỳ 2010-2015) và ông Trần Lưu Hải (nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên phó trưởng Ban thường trực Ban tổ chức Trung ương); khiển trách ông Nguyễn Duy Thăng (Thứ trưởng Bộ Nội vụ).

Hồng Hạnh (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news