Tin mới

Chính sách một con "tàn phá" Trung Quốc như thế nào?

Thứ sáu, 30/10/2015, 08:59 (GMT+7)

Lãnh đạo Trung Quốc đã quyết định dừng chính sách một con kéo dài nhiều thập niên qua.

Lãnh đạo Trung Quốc đã quyết định dừng Chính sách một con kéo dài nhiều thập niên qua.

[mecloud]T4z7JNapjQ[/mecloud]

Truyền thông Trung Quốc ngày 29/10 đưa tin mỗi cặp vợ chồng nước này giờ đây có thể sinh 2 con.

Chính sách một con gây tranh cãi được đưa ra năm 1979 nhằm giảm tỉ lệ sinh và làm chậm tỉ lệ gia tăng dân số tại Trung Quốc.

"Để thúc đẩy sự tăng trưởng dân số cân bằng, Trung Quốc sẽ cần giữ vững chính sách kiểm soát dân số cơ bản và cải thiện chiến lược phát triển dân số. Trung Quốc sẽ triển khai toàn diện chính sách "mỗi gia đình có hai con" nhằm chủ động đối phó với vấn đề già hóa dân số", Tân Hoa Xã đưa tin.

Tỷ lệ sinh của Trung Quốc hiện là 1,4 con/mỗi phụ nữ, thấp hơn cả Mỹ và nhiều nước phát triển khác. Trong vòng 15 năm tới, Trung Quốc sẽ trở thành nơi đông người già nhất thế giới với hơn 400 triệu người trên 60 tuổi. Quy mô dân số già hóa nhanh, lực lượng lao động giảm chính là nguyên nhân khiến chính quyền Trung Quốc buộc phải thay đổi chính sách sinh sản.

Tình trạng lực lượng lao động bị già hóa nhanh chóng sẽ trở thành gánh nặng cho phúc lợi xã hội của Trung Quốc, đặc biệt phải kể đến tình trạng người già chán sống tại các vùng nông thôn. Theo thống kê từ Bộ Nội vụ Trung Quốc, tính đến năm 2013, số người được xếp vào diện dân số già của Trung Quốc đã vượt quá con số 200 triệu, chiếm 14,9% tổng dân số, cao hơn so với tiêu chuẩn 10% của Liên hợp quốc về xã hội già hóa .Dự kiến đến cuối năm 2050, một phần ba dân số Trung Quốc sẽ hơn 60 tuổi.

Phóng viên của BBC John Sudworth, tại Bắc Kinh phân tích: "Trong suốt hơn ba thập niên, Trung Quốc thực hiện chính sách một con, nhiều nơi đã phải chịu hậu quả nặng nề, chẳng hạn như huyện Như Đông, nơi có chưa tới một triệu người ở tỉnh Giang Tô".

Chính quyền Như Đông đã truy lùng phụ nữ mang thai, ép họ phá thai, giám sát để kiểm soát việc phụ nữ sinh nở. Và điều này xảy ra tại nhiều địa phương khác của Trung Quốc.

Hệ quả, trong vòng 15 năm, một nửa số trường tiểu học và phổ thông tại Như Đông phải đóng cửa. Khoảng 30% dân số tại đây trên 50 tuổi và về lâu dài, điều này sẽ làm tăng chi phí xã hội, số nhân công giảm.

Chính sách một con kéo dài 3 thập kỷ qua khiến dân số Trung Quốc bị già hóa. Ảnh: Reuters

Kể từ khi được áp dụng, chính sách một con của Trung Quốc đã ngăn chặn thành công hơn 400 triệu ca sinh nở và giúp nước này đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng. Nhưng, hậu quả dễ nhận thấy nhất là sự mất cân bằng giới tính nghiêm trọng (118 trai/100 gái) kéo theo nhiều hệ lụy khác.

Theo nghiên cứu của nhà khoa học Nisvan Erkal thuộc ĐH Melbourne, Australia, chính sách một con của Trung Quốc đã tạo ra một thế hệ yếu kém về tâm lý, đa nghi và sợ rủi ro. 

Chính sách một con của Trung Quốc còn góp phần đáng kể vào việc thúc đẩy nạn buôn bán tình dục trong nước và xuyên biên giới.

Theo báo cáo từ Văn phòng theo dõi và chống buôn người TIP (thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ) năm 2014, phụ nữ và trẻ em từ các nước Myanmar, Việt Nam, Lào, Mông Cổ, Triều Tiên, các nước ở châu Phi và châu Mỹ, đang bị ép buộc buôn bán và lao động tình dục ở Trung Quốc.

"Chính sách hạn chế sinh đẻ do chính phủ Trung Quốc ban hành và tập tục “trọng nam khinh nữ” đã gây ra sự chênh lệch đáng kể về tỷ lệ giới tính... Điều này làm tăng nhu cầu mại dâm và tăng số lượng cô dâu người nước ngoài tại Trung Quốc. Cả hai trường hợp trên đều có thể xảy ra do bị ép buộc hoặc cưỡng ép", báo cáo của TIP chỉ ra.

Từ năm 2012, Trung Quốc đã chính thức nới lỏng quy định sinh con trên phạm vi toàn quốc, cho phép các cặp vợ chồng mà ít nhất trong 2 người là con một được phép sinh con thứ hai. Nhưng cho đến nay, trong số gần 11 triệu cặp vợ chồng thì mới chỉ có khoảng 1 triệu cặp đăng ký sinh thêm con. Nguyên nhân được đưa ra là họ đã "quen" với tiêu chuẩn thời chính sách một con.

Vì thế, ngay cả khi chấm dứt quy định sinh một con thì Trung Quốc phải chịu hậu quả của nó trong nhiều thập kỷ tới. Một cuộc thăm dò dư luận hồi tháng 1/2015 cho thấy không nhiều người dân Trung Quốc muốn sinh thêm con.

Ông Wang Feng, một học giả tại ĐH Phúc Đán nhận định "Chính sách một con là một trong những sai lầm lớn nhất mà Trung Quốc từng phạm phải".

Bảo Linh (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news